Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định quan điểm chỉ đạo: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Cán bộ và công tác cán bộ không những là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, mà còn là khâu then chốt trong toàn bộ hoạt động của Đảng ta. Điều này cũng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh, coi công tác cán bộ là “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Để công tác cán bộ thực sự công tâm, khách quan, minh bạch và chọn lựa được những cán bộ lãnh đạo có tâm, có tầm trong việc đóng góp trí tuệ, sức lực cùng với Nhân dân xây dựng đất nước, tại Kỳ họp thứ 5 này, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường đối với dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội xung quanh nội dung này, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho rằng: Đây là một trong những yêu cầu hết sức cần thiết bởi vì qua triển khai thực hiện Nghị quyết 85/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn cũng như việc tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian qua đã cho thấy có rất nhiều vướng mắc.
Đặc biệt là thực hiện hướng dẫn theo Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị về lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm cũng cho thấy, trong văn bản cũ đã không còn phù hợp với thực tế.
Chính vì vậy, việc phải lấy ý kiến để sửa đổi Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn là một trong những nội dung hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Nhằm đáp ứng việc tổ chức lấy ý kiến, bỏ phiếu tín nhiệm đối với Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp sẽ được triển khai một cách hiệu quả, đồng bộ, thực sự có chất lượng, trong dự thảo Nghị quyết lần này.
Về đối tượng để lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu rất đồng tình với dự thảo Nghị quyết là đề nghị sẽ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm lại đối với các đối tượng do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, tất cả đối tượng do Hội đồng Nhân dân các cấp bầu và phê chuẩn.
Tuy nhiên, hiện nay có những nơi đang thực hiện thí điểm Hội đồng nhân dân, do đó, đại biểu đề nghị đối với Chủ tịch Ủy ban ở nơi không có Hội đồng Nhân dân và không phải Hội đồng Nhân dân bầu thì chúng ta không đưa vào danh sách đối tượng lấy phiếu tín nhiệm lần này.
Bởi vì theo quy định, những đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm là người do Quốc hội bầu, phê chuẩn và những người được Hội đồng Nhân dân các cấp bầu.
Đại biểu cũng đồng tình với việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp sẽ tổng hợp những nội dung mà cử tri và Nhân dân quan tâm, liên quan đến những người được lấy phiếu tín nhiệm trong lần này.
Báo cáo của Mặt trận Tổ quốc các cấp sẽ là cơ sở để các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng dân các cấp tham khảo. Những nhiệm vụ của các đồng chí thuộc đối tượng lấy phiếu tín nhiệm đều được Mặt trận Tổ quốc xem xét thông qua nắm tình hình từ Nhân dân, các đợt tiếp xúc cử tri hoặc thực hiện việc giám sát trách nhiệm của những người đứng đầu cơ sở.
Điều này sẽ góp phần phản ánh một cách toàn diện, đầy đủ, khách quan những vấn đề mà địa phương đang quan tâm. Đây sẽ là cơ sở rất tốt để cho các đại biểu cân nhắc khi quyết định lựa chọn tích phiếu cho các đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm.
Ngoài ra, việc lấy phiếu tín nhiệm phải đảm bảo khách quan, công tâm. Đối với những trường hợp được lấy phiếu tín nhiệm khi có quá 2/3 số lượng đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp hay đồng ý phải thực hiện quy trình bỏ phiếu tín nhiệm và đem ra thảo luận các nội dung đại biểu đề xuất là sẽ giữ nguyên hình thức lấy ý kiến tại các Đoàn đại biểu Quốc hội hoặc các Tổ đại biểu Quốc hội.
Như vậy, vừa đảm bảo được nguyên tắc việc lấy phiếu tín nhiệm nhưng vẫn giữ được những thông tin cá nhân của các đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm. Thế nên, nếu chúng ta quyết định được những vấn đề “đúng và trúng” thì sẽ bám sát được hướng dẫn của Bộ Chính trị.
Khi đó, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ đảm bảo được khách quan, công tâm, dân chủ và thực sự sẽ góp phần xây dựng được đội ngũ cán bộ ngày càng chuyên nghiệp, phát huy được khả năng, năng lực sở trường và cũng để đánh giá một cách khách quan là những ai làm được việc thì sẽ được cử tri tín nhiệm và được các đại biểu ghi nhận.
Đây cũng là cơ sở để xây dựng đội ngũ cán bộ ngày càng chuyên nghiệp hơn và ngày càng góp phần xây dựng đất nước phát triển hơn.
Đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Nghị quyết lần này cùng với hướng dẫn của Bộ Chính trị thì các tỉnh, thành phố sẽ có kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ này.
Theo đại biểu, việc công khai các thông tin sau tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cần phải kịp thời tới cử tri và Nhân dân.
Bởi vì khi người dân có những thông tin, kết quả chính thống thì sẽ là cơ sở để tuyên truyền rất tốt và cũng giúp cho việc đánh giá, nhìn nhận về công tác đề bạt, cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ được tốt hơn.
Điều này cũng thể hiện việc công khai, dân chủ, khách quan và minh bạch kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Đặc biệt, xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ là nhiệm vụ quan trọng, là “then chốt của then chốt” nên đại biểu mong rằng, việc lấy ý kiến lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ trở thành việc làm hết sức bình thường.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không vì thế mà lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để làm xấu hình ảnh hoặc làm ảnh hưởng đến danh dự cũng như cá nhân của các đồng chí lãnh đạo, mà chúng ta phải trên tinh thần công khai, dân chủ, minh bạch để tìm ra được những cán bộ có tâm, có tầm phục vụ đất nước./.