Kinh tế xã hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực được thế giới đánh giá cao
Thảo luận tại hội trường về kinh tế xã hội, đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bình Thuận, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội bày tỏ đồng tình với nội dung Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Ước cả năm đạt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra và tăng trưởng đạt 8%.
Việt Nam là một trong ít nước trên thế giới được các tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá rất cao trong việc phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế.
Kết quả này "nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời đề ra các định hướng, quyết sách lớn của Ban chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chủ động, tích cực, đồng hành phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp".
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng, "đánh giá thật đầy đủ thì việc phát triển về mặt kinh tế với các vấn đề xã hội, văn hóa, dân sinh chưa tương xứng".
Ông dẫn chứng, một bộ phận người dân nhất là nông dân, ngư dân ngay trong đại dịch đã khó khăn tuy được Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng nay vẫn chưa thoát nghèo, thoát khó. Với giá xăng dầu tăng cao, nguyên vật liệu đầu vào biến động lớn, thị trường nông sản bất ổn, giá nông sản không tăng dẫn đến họ khó nay lại càng khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao.
Thực tế, sau khi cơ quan chức năng xử lý các doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực trên, một bộ phận người dân và cả doanh nghiệp bất an, điêu đứng vì trót tham gia đầu tư vào đây.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, tiền lương, thu nhập của cán bộ công chức, viên chức và người lao động còn thấp.
Xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc, nhất là trên lĩnh vực y tế, giáo dục, theo thống kê là có 39.552 người nghỉ việc.
Kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm; còn một số cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự...
"Theo tôi đó là những thách thức thật sự lớn cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023 mà Chính phủ đưa ra là tăng trưởng GDP 6,5%", Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông nêu quan điểm.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát năm 2023 như đã đề ra, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm giải quyết có hiệu quả tình trạng bất an của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức kể cả cán bộ lãnh đạo.
"Thực tế hiện nay, một bộ phận cán bộ, công chức viên chức kể cả cán bộ lãnh đạo không dám làm việc vì nếu làm thì sợ sai. Có cán bộ tâm sự rằng "thà đứng trước Hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước Hội đồng xét xử", đại biểu Nguyễn Hữu Thông nói.
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo đại biểu trước tiên là chưa có sự đồng bộ của hệ thống pháp luật. "Đối với vấn đề này thì áp dụng luật này thì đúng nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra thì viện dẫn pháp luật khác thì lại sai, áp dụng vào thời điểm này thì đúng nhưng sau đó kiểm tra thời điểm khác lại thì sai".
Thứ hai là cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung dù đã được Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14 ngày 22/9/2021 nhưng chủ trương đúng đắn trên chưa được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật nên cán bộ rất ngại trong quá trình công tác, họ làm cầm chừng, không dám đột phá.
Trước thực tế này, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương một mặt thường xuyên rà soát các cơ chế chính sách nhằm điều chỉnh cho đồng bộ, phù hợp với thực tế. Mặt khác, cần sớm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng bằng các văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Giơ biển tranh luận với ý kiến của đại biểu Nguyễn Hữu Thông, đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cũng cho rằng có hiện tượng cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ, phục vụ nhân dân.
"Tuy nhiên, nếu nói vướng mắc chỉ bởi chính sách pháp luật là chưa đủ. Cái chính do con người, công tác tổ chức thực hiện, nhất là trách nhiệm người đứng đầu", đại biểu Tạ Văn Hạ nêu quan điểm.
Đại biểu cho biết, trong các cuộc tiếp xúc cử tri ông đã đặt thẳng câu hỏi với nhiều người thì thấy rằng cán bộ năng lực hạn chế đúng là có tình trạng sợ không dám làm. Còn những cán bộ có năng lực nhưng ý thức tinh thần còn hạn chế thì có hiện tượng nghe ngóng, né tránh.
"Luật Đất đai, Luật Đấu thầu có từ năm 2013 nhưng trong suốt quá trình đó không thấy vướng mắc như bây giờ. Vậy trước đây làm bằng cách nào? Có người nói thẳng trước làm ẩu, làm thiếu trách nhiệm. Giờ làm đúng thì có nhiều vấn đề phát sinh. Do đó, bây giờ cầm chừng, hạn chế, không dám làm", đại biểu dẫn chứng.
Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt, bởi "Thủ tướng họp ngày họp đêm chỉ đạo trong khi ở dưới lại như thế, nên cần chỉnh càng sớm càng tốt để không làm ảnh hưởng thực hiện nhiệm vụ, phục vụ nhân dân".