In bài viết

Quốc hội đồng ý tăng lương cơ sở là sự động viên rất lớn

16:06 - 20/11/2022

(Chinhphu.vn) - Tại hội nghị tiếp xúc cử tri Đơn vị bầu cử số 6 (quận Hà Đông và các huyện Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) sau kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đang phối hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thực hiện điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên từ 1/7/2023.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Cố gắng khi tăng lương cơ sở sẽ điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội.

Tại hội nghị, thay mặt các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 4, đại biểu Quốc hội Nguyễn Kim Sơn đã tiếp thu toàn bộ ý kiến, kiến nghị của cử tri quận Hà Đông và các huyện Thanh Oai, Thanh Trì để chuyển tới các cơ quan liên quan giải quyết, trả lời cử tri theo thẩm quyền.

Làm rõ thêm một số vấn đề cử tri quan tâm đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ tư, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được hơn 100 câu hỏi, ý kiến, bao gồm cả ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội, phản ánh, kiến nghị của cử tri.

"Cử tri cũng đã bày tỏ sự quan tâm nhiều đến tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc, bỏ việc, chuyển việc, chế độ, chính sách cho giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất và điều kiện phục vụ cho ngành Giáo dục... Đây thực sự cũng đang là những vấn đề khó khăn, vướng mắc đối với ngành", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Bộ trưởng bày tỏ phấn khởi khi Quốc hội đã thông qua việc nâng lương cơ sở cho công chức, viên chức, trong đó, ngành Giáo dục chiếm hơn 70% viên chức cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Cố gắng khi tăng lương cơ sở sẽ điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên - Ảnh 2.

Cố gắng khi tăng lương cơ sở sẽ điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên

"Viên chức cả nước được tăng lương có nghĩa là về phía ngành Giáo dục sẽ được hưởng quyền lợi này, đây là sự ghi nhận và nguồn động viên rất lớn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính đang trình Thủ tướng Chính phủ trong thẩm quyền của mình, cố gắng tại thời điểm 1/7/2023, khi tăng lương cơ sở, sẽ thực hiện điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng đang tích cực rà soát các chế độ, chính sách liên quan đến nhà giáo và các hoạt động chuyên môn khác để các thầy cô có thể yên tâm công tác, chăm lo cho học sinh được tốt nhất.

Trước đó, phát biểu ý kiến tại hội nghị, bên cạnh đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đã đạt được, cử tri quận Hà Đông và các huyện Thanh Oai, Thanh Trì cũng nêu nhiều kiến nghị liên quan đến an sinh xã hội trên địa bàn.

Cử tri kiến nghị thành phố quan tâm xây dựng trường học trên địa bàn; giải quyết vướng mắc trong giao đất dịch vụ cho người dân bị thu hồi đất; giải quyết các bất cập trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở tại các khu chung cư cũ trên địa bàn...

Trước đó, ngày 27/10/2022, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất một số giải pháp giải quyết vấn đề thiếu giáo viên.

Trong đó có: Tăng lương cho giáo viên; tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 70%; các địa phương khẩn trương tuyển giáo viên; cân nhắc triển khai thực hiên giảm biên chế 10% sao cho phù hợp; địa phương tăng ngân sách ký hợp đồng với các giáo viên không thuộc chỉ tiêu biên chế.

Ngày 4/11, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia giải trình vấn đề giáo viên nghỉ việc, bỏ việc và đề xuất các giải pháp cho vấn đề này.

Trong đó có giải pháp: Tăng lương, nâng phụ cấp ưu đãi, nhất là cho giáo viên mầm non, tiểu học phải được thực hiện một cách cấp bách; cải thiện môi trường làm việc và hỗ trợ về mặt chuyên môn cho giáo viên; xã hội, phụ huynh có sự chia sẻ, đồng hành với giáo viên; khẩn trương tuyển dụng giáo viên; địa phương không máy móc, cứng nhắc trong sắp xếp điểm trường, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh, môi trường làm việc thuận lợi nhất cho giáo viên.