Chiều 21/10, ngay sau khi được phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đã chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội trên cương vị mới.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói: "Tôi nhận nhiệm vụ ở Bộ Y tế trong một bối cảnh đặc biệt. Với tầm quan trọng của ngành y tế trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, chúng tôi rất cố gắng nắm bắt thực trạng của ngành và có những giải pháp triển khai trong thời gian tới".
Xin Bộ trưởng chia sẻ những khó khăn, thách thức mà Bộ trưởng cũng như ngành y tế sẽ phải đối mặt trong thời gian tới?
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan: Một số khó khăn, vướng mắc mà ngành đang gặp phải đó là: bảo vệ thành công thành quả chống dịch COVID-19; phòng, chống nhiều dịch bệnh mới liên tiếp xảy ra.
Bên cạnh đó, tôi cũng tập trung cho các nhiệm vụ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.
Chúng tôi đã chỉ đạo rà soát những mặt được và hạn chế, đặc biệt liên quan đến hệ thống cơ sở pháp lý, thể chế trong lĩnh vực y tế để tập trung triển khai, tháo gỡ.
Bộ Y tế cũng đã trình Chính phủ, Quốc hội nhiều vấn đề liên quan đến hoàn thiện hệ thống pháp luật của ngành.
Trong kỳ họp này cũng sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Thời gian vừa qua Bộ Y tế cũng trình Chính phủ Luật Dược (sửa đổi).
Đây là những căn cứ rất quan trọng để làm sao đảm bảo việc cung ứng thuốc đầy đủ, hợp lý, tốt nhất đến người dân.
Ngoài ra, Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Bộ cũng đang chỉ đạo làm sao mở rộng được phạm vi, quyền lợi cho người tham gia Bảo hiểm y tế, tiến tới xây dựng hệ thống Bảo hiểm y tế một cách công bằng.
Việc thiếu thuốc, vật tư y tế cũng được Bộ tập trung chỉ đạo giải quyết. Đương nhiên để làm được, ngoài việc sửa Luật ra còn có hàng loạt các văn bản, nghị định khác của Chính phủ cũng như thông tư của các bộ.
Bộ Y tế cũng đã tích cực phối hợp cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, bổ sung các quy định liên quan đến đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế trong dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Để tập trung vào nội dung này chúng ta đang rà soát, sửa đổi theo quy trình, quy định của pháp luật.
Về phía Bộ Y tế, chúng tôi cũng sẽ cố gắng đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đây là những căn cứ pháp lý rất quan trọng để làm sao chúng ta có một hệ thống quy phạm pháp luật đầy đủ trong việc cung ứng thuốc, vật tư y tế cho người dân.
Bộ Y tế cũng tích cực đẩy mạnh tốc độ cấp phép giấy gia hạn lưu hành thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế để có căn cứ cho các doanh nghiệp tham gia cung ứng thuốc cho thị trường.
Các chính sách khác như hoàn thiện các quy định khuyến khích, động viên cán bộ ngành y tế tích cực, vượt qua khó khăn trong giai đoạn này.
Sang tuần tới Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ Nghị định 56 sửa đổi chế độ đối với nhân viên y tế tuyến cơ sở, dự phòng.
Bộ đang tập trung cho việc phục hồi, nâng cao năng lực cho tuyến cơ sở. Đây là tuyến bộc lộ vướng mắc, khó khăn khi có dịch bệnh xảy ra.
Bộ trưởng đã nhận diện được những khó vướng mắc của 2 vấn đề trên và chắc chắn đã có hướng giải quyết để phát triển ngành y tế?
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan: Liên quan đến thiếu trang thiết bị, vật tư y tế thì chúng ta xác định là có, nhưng ở từng cấp độ, từng bệnh viện, từng địa phương khác nhau.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như: Các hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, khó khăn trong việc mua sắm, đấu thầu; năng lực của đội ngũ làm nhiệm vụ này...
Bộ tập trung triển khai rất nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài. Về giải pháp trước mắt, ngoài việc tăng cường đẩy mạnh cấp phép giấy lưu hành thuốc, Bộ Y tế cũng đã làm việc với bệnh viện, địa phương có những văn bản tập trung tháo gỡ.
Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước, ngoài việc xử lý công việc trước mắt, về lâu dài chúng ta phải rà soát lại hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật.
Đặc biệt liên quan đến Luật Dược, Luật Đấu Thầu, Luật Giá và các nghị định hướng dẫn trong quá trình triển khai thực hiện để tháo gỡ một cách căn cơ, bài bản nhất nhằm đảm bảo không chỉ sau COVID-19 mà những chặng đường tiếp theo có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện.
Hiện Bộ đang tổng kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội về các chính sách phòng chống dịch COVID-19. Trong đó có những vấn đề như kéo dài giấy đăng ký lưu hành thuốc. Đây cũng là một trong những giải pháp tập trung cùng tháo gỡ khó khăn việc cung ứng thuốc.
Hiện có nhiều cán bộ y tế nghỉ việc, Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan: Đây là hiện tượng đã xảy ra trong thực tiễn bởi sau thời gian chống dịch kéo dài, nhân viên y tế có thời gian làm việc căng thẳng, có những người không có ngày nghỉ, rất áp lực.
Trong một bối cảnh khó khăn như vậy, cũng có những người có áp lực trong công việc, nhu cầu của gia đình nên muốn nghỉ ngơi.
Bên cạnh đó có nguyên nhân về chế độ đãi ngộ, phụ cấp, chế độ tiền lương đối với nhân viên y tế chưa đáp ứng, chưa đảm bảo nhu cầu.
Để tập trung khắc phục tình trạng này, Bộ đang rất tích cực phối hợp với các bộ, ngành để làm sao cải thiện chế độ tiền lương cho đội ngũ nhân viên ngành y tế.
Trước mắt trình Nghị định 56 (sửa đổi) liên quan đến chế độ phụ cấp cho y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai Nghị quyết số 27 về chính sách cải cách tiền lương, Bộ Y tế cũng có đề xuất để đảm bảo tính phù hợp với nhân viên ngành y tế.
Bộ Y tế rất mong muốn có những chính sách để đảm bảo nguồn nhân lực y tế trong dài hạn. Ngay từ chính sách thu hút sinh viên, học viên tham gia học tập trong lĩnh vực này bởi nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng cao đòi hỏi nâng cao chất lượng nhân lực ngành y tế.
Chúng tôi xác định phải đào tạo nhân lực từ đầu vào, cho đến vấn đề nâng cao chất lượng cho đội ngũ hiện nay, tăng cường công tác chỉ đạo tuyến và có những giải pháp hỗ trợ nhân viên y tế.
Một những trong giải pháp căn cơ là triển khai thực hiện những cơ chế về tài chính y tế để đảm bảo được điều kiện hoạt động đầy đủ của hệ thống y tế cơ sở. Theo tôi nghĩ chúng ta tập trung làm đồng bộ những giải pháp này sẽ tháo gỡ được những vấn đề khó khăn của ngành y tế hiện nay.
Xin Bộ trưởng cho biết chiến lược để giải quyết những khó khăn trên?
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan: Tôi cho rằng quan trọng nhất là nhận diện được vấn đề. Khi nhận diện được vấn đề khó khăn đó là gì, thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước hay tổ chức thực hiện, chuyên môn hay quản lý cũng sẽ có những giải pháp phù hợp.
Trong thời gian vừa qua, về vấn đề chuyên môn, Bộ rất tin tưởng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo; cán bộ cấp cục, vụ, viện của ngành y tế; đội ngũ lãnh đạo các bệnh viện; đội ngũ chuyên môn, chuyên gia...
Hiện nay cũng có một số bộc lộ trong triển khai nhiệm vụ quản lý, tôi cùng với tập thể lãnh đạo Bộ, đội ngũ cán bộ cố gắng tháo gỡ khó khăn từng vấn đề.
Sức khỏe con người là vốn quý, không có thời đại nào lại không cần đội ngũ y – bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Chúng tôi xác định rõ trách nhiệm của mình.
Bản thân tôi khi nhận nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước phân công, với quyết tâm cao nhất, tôi sẽ cùng với cán bộ, nhân viên ngành y tế, với sự đoàn kết của lãnh đạo bộ, các cục, vụ chuyên môn thì các khó khăn đó sẽ dần được tháo gỡ. Chúng tôi tin tưởng điều này.
Thưa Bộ trưởng, sau hơn 3 tháng nhận trọng trách tại Bộ Y tế, đến nay Bộ trưởng đã nhận diện hết những khó khăn vướng mắc của ngành?
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan: Đến thời điểm này có thể nói những khó khăn của ngành y tế đã được ngành và Chính phủ xác định rất rõ.
Tại Hội nghị Thủ tướng làm việc với ngành y tế đã chỉ ra 14 nhóm vấn đề mà ngành tập trung thời gian tới.
Chúng ta sống trong một thế giới luôn luôn thay đổi thì mọi khó khăn, thách thức, cơ hội có thể xuất hiện rất bất ngờ, liên tục.
Với tinh thần, quyết tâm cao nhất là làm sao đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành thì chặng đường tiếp theo chúng tôi vẫn cần phải có sự cố gắng hơn nữa.
Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp nào của ngành y tế để đưa cơ sở 2 của 2 bệnh viện lớn tại Hà Nam đi vào hoạt động?
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan: Mục tiêu của Chính phủ và ngành y tế làm sao để đưa cơ sở 2 của 2 bệnh viện sớm đưa vào hoạt động để phục vụ nhân dân.
Trong quá trình triển khai thực hiện có những khó khăn, vướng mắc, có những vấn đề không phải giải quyết trong ngày một ngày hai.
Hiện nay, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành y tế đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để xây dựng các phương án tháo gỡ.
Vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì chúng tôi sẽ trình, thậm chí có những giải pháp phải trình cấp cao hơn nữa để giải quyết vấn đề của hai bệnh viện này. Mục tiêu là làm sao sớm đưa hai công trình này hoạt động phục vụ cho nhân dân.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!