CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Phát triển mạng lưới tổ chức KH&CN công lập tiếp cận với chuẩn mực quốc tế

12:25 - 25/10/2022

(Chinhphu.vn) - Phát triển mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập có cơ cấu hợp lý theo định hướng ưu tiên phát triển của quốc gia, ngành và lĩnh vực, hoạt động hiệu quả, tiếp cận với chuẩn mực quốc tế, làm nền tảng để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Phát triển mạng lưới tổ chức KH&CN công lập tiếp cận với chuẩn mực quốc tế  - Ảnh 1.

Đến năm 2030, có khoảng 40 tổ chức nghiên cứu KH&CN công lập được khu vực, quốc tế xếp hạng

Đó là mục tiêu tổng quát Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đề xuất tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ duyệt quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo dự thảo, mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 tiếp tục kiện toàn, sắp xếp các tổ chức KH&CN công lập nhằm nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức theo định hướng ưu tiên phát triển KH&CN quốc gia, ngành và lĩnh vực. Đến năm 2030, giảm 20% đầu mối các tổ chức KH&CN công lập so với năm 2017.

Hình thành hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo (ĐMST) và trung tâm khởi nghiệp ĐMST công lập trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm thúc đẩy ĐMST ở các địa phương. 

Năm 2025, hình thành trung tâm ĐMST, khởi nghiệp ĐMST tại 03 vùng bắc, trung, nam; 40% địa phương hình thành trung tâm ĐMST, khởi nghiệp ĐMST cấp tỉnh từ việc kiện toàn tổ chức đối với các tổ chức KH&CN công lập, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn. 

Đến năm 2030, 100% địa phương hình thành trung tâm ĐMST và khởi nghiệp ĐMST cấp tỉnh từ việc kiện toàn tổ chức đối với các tổ chức KH&CN công lập, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn.

Nâng cao năng lực nghiên cứu của các tổ chức KH&CN theo tiếp cận với chuẩn quốc tế. Năm 2025, có khoảng 30 tổ chức nghiên cứu công lập được khu 3 vực, quốc tế xếp hạng. Đến năm 2030, có khoảng 40 tổ chức nghiên cứu công lập được khu vực, quốc tế xếp hạng.

Đầu tư trọng điểm cho một số tổ chức KH&CN thuộc các bộ, ngành đạt trình độ khu vực và thế giới; xây dựng Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam trở thành nền tảng, trụ cột của nền KH&CN Việt Nam; tiếp tục đầu tư đưa lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử trở thành một lĩnh vực có đóng góp có hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường; hình thành các tổ chức KH&CN công lập có tính liên ngành, liên vùng, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, ĐMST, khởi nghiệp ĐMST trọng điểm quốc gia.

Năm 2025, đầu tư trọng điểm ít nhất 5 tổ chức KH&CN công lập tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, ĐMST, khởi nghiệp ĐMST trọng điểm quốc gia và đạt trình độ khu vực và thế giới. 

Năm 2030, củng cố hệ thống các tổ chức KH&CN công lập là nền tảng, trụ cột của nền KH&CN Việt Nam, trong đó tiếp tục đầu tư cho các tổ chức đã được đầu tư trọng điểm thời kỳ 2021-2025 và đầu tư trọng điểm thêm cho 15 tổ chức KH&CN công lập.

Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ KH&CN đưa ra các giải pháp như: Giải pháp về cơ chế chính sách; giải pháp về phát triển nhân lực KH&CN và cán bộ quản lý KH&CN; giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất; giải pháp về liên kết, hợp tác phát triển; giải pháp về hợp tác quốc tế; giải pháp về huy động và phân bổ vốn đầu tư; giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.../.