Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.
Quan điểm xây dựng Nghị quyết nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Gắn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách chính sách tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị, bảo đảm xây dựng chính quyền địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn hoặc các quy hoạch khác có liên quan; chú trọng đến các yếu tố đặc thù và bảo đảm chất lượng đô thị theo quy định.
Mục tiêu của dự thảo Nghị quyết bám sát các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đã được xác định tại Nghị quyết số 37-NQ/TW và Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị.
Quy định cụ thể tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp
Dự thảo Nghị quyết gồm 4 chương, 25 điều với các nội dung cơ bản như đối tượng thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 (Điều 1 và Điều 3).
Trong đó, dự thảo Nghị quyết quy định rõ: đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 (khoản 2, khoản 3 Điều 1); Khuyến khích việc sắp xếp đơn vị hành chính không thuộc diện bắt buộc sắp xếp (khoản 4 Điều 1); Các trường hợp không bắt buộc thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2030 do có các yếu tố đặc thù (Điều 3).
Dự thảo Nghị quyết quy định 06 nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, trong đó cơ bản kế thừa các nguyên tắc tại Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14.
Dự thảo cũng quy định cụ thể về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp, gồm: tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số; tiêu chuẩn chất lượng đô thị; tiêu chuẩn số lượng đơn vị hành chính trực thuộc.
Dự thảo quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 (từ Điều 7 đến Điều 9); Về sắp xếp tổ chức bộ máy, số lượng lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (Điều 10 đến Điều 12)
Áp dụng chế độ, chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp
Về sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính (Điều 13), Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, để kịp thời sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, dự thảo Nghị quyết quy định trong quá trình xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính thì UBND cấp tỉnh và các Bộ, cơ quan trung ương có đơn vị trực thuộc trên địa bàn đồng thời lập danh sách và dự kiến phương án sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công thuộc phạm vi quản lý.
Trong thời hạn 02 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành phải hoàn thành việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, đơn vị tại đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp.
Về áp dụng chế độ, chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp (từ Điều 14 đến Điều 19), để khắc phục những bất cập, hạn chế khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 và để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Kết luận số 48-KL/TW, dự thảo Nghị quyết quy định về việc thực hiện chế độ chính sách đặc thù đối với người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và việc phân bổ ngân sách theo đơn vị hành chính trong các trường hợp sắp xếp đơn vị hành chính theo hướng không cắt giảm ngay các chế độ, chính sách mà giữ ổn định như trước thời điểm sắp xếp.
Quy định phạm vi và chế độ, chính sách được hưởng theo các Chương trình mục tiêu quốc gia được giữ ổn định như trước thời điểm sắp xếp cho đến khi cấp có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc cho đến hết thời hạn của Chương trình (Điều 15).
Quy định cụ thể việc công nhận đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp thuộc đối tượng khu vực III, khu vực II, khu vực I, đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đạt chuẩn nông thôn mới; vùng an toàn khu, huyện nghèo, xã an toàn khu, xã đảo, xã bãi ngang, ven biển, khu vực biên giới; Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng lao động (Điều 16 đến Điều 19).
Căn cứ các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc soạn thảo, trình dự thảo Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn đồng thời với quá trình xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.
Cần quy định trách nhiệm cụ thể về triển khai Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, tạo cơ sở pháp lý tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.
Với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết này theo trình tự, thủ tục rút gọn là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hồ sơ dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua…
Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Nghị quyết về phạm vi các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp (Điều 1); các trường hợp không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính do có yếu tố đặc thù (Điều 3) và các nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính (Điều 2) vì đã quán triệt đầy đủ chủ trương tại các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, đề nghị trong các giai đoạn sau này, cần tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp xử lý, sắp xếp cả đối với những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số quá lớn, gấp rất nhiều lần so với tiêu chuẩn quy định nhằm bảo đảm yêu cầu về quản lý nhà nước, phù hợp với năng lực của bộ máy chính quyền và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Ủy ban Pháp luật cũng cơ bản tán thành với quy định các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phải đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định, trừ trường hợp nhập từ 03 đơn vị hành chính cùng cấp trở lên hoặc có yếu tố đặc thù mà không thể nhập, điều chỉnh thêm với đơn vị hành chính cùng cấp khác.
Đối với tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị dự kiến hình thành sau sắp xếp (khoản 3 Điều 4), Ủy ban Pháp luật tán thành việc quy định các đơn vị này phải đáp ứng tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, loại đô thị hoặc trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Quy định như vậy đã thể chế hóa đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 06/NQ-TW của Bộ Chính trị, phù hợp với kết luận của Đảng đoàn Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 23...
Ủy ban Pháp luật thấy rằng, các quy định về quy trình, thủ tục, hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong dự thảo Nghị quyết đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đơn giản hóa quy trình, thủ tục, hồ sơ nêu trong Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 23.
Để bảo đảm tiến độ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, đề nghị Chính phủ chỉ đạo, quán triệt đến các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính nội bộ, rút ngắn thời gian xem xét, giải quyết để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023 - 2025 trong năm 2024.
Qua rà soát, Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về việc rà soát, công nhận đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp là đơn vị hành chính miền núi, vùng cao; nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Nghị quyết quy định về chế độ, chính sách hỗ trợ đối với người là cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ, chức danh do sắp xếp đơn vị hành chính để bảo đảm thực hiện đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Để triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp với từng giai đoạn 2023 - 2025 và 2026 - 2030.
Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định trong Kế hoạch này trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp để việc tổ chức thực hiện Nghị quyết được đồng bộ và thuận lợi.
Tại phiên họp, đã có 11 ý kiến phát biểu của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có chỉ đạo cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã tiếp thu, giải trình, làm rõ nhiều vấn đề các đại biểu đã nêu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị của Chính phủ, các cơ quan hữu quan, đặc biệt là Bộ Nội vụ là cơ quan giúp Chính phủ chủ trì soạn thảo, Ủy ban Pháp luật là cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm tra.
Các quan đã làm việc khẩn trương, trách nhiệm cao, chuẩn bị hồ sơ tài liệu chi tiết, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Đảng Đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Chính phủ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, để đáp ứng yêu cầu triển khai kịp thời công việc này theo các kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.