Những điểm mới, đột phá trong quy định đào tạo lý luận chính trị

17/07/2022 18:55

Quy định số 57-QĐ/TW về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị bao quát tất cả 3 cấp đào tạo lý luận chính trị, gồm sơ cấp, trung cấp và cao cấp; phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng bên liên quan trong việc hoạt động đào tạo lý luận chính trị từ Trung ương tới cơ sở.

Những điểm mới, đột phá trong quy định đào tạo lý luận chính trị

Ngày 08/02/2022, Ban Bí thư ban hành Quy định số 57-QĐ/TW về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị (gọi tắt là Quy định 57). Quy định 57 thể hiện sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo lý luận chính trị, phù hợp với đối mới công tác cán bộ nói chung. Quy định 57 bao quát tất cả 3 cấp đào tạo lý luận chính trị, gồm sơ cấp, trung cấp và cao cấp; phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng bên liên quan trong việc hoạt động đào tạo lý luận chính trị từ Trung ương tới cơ sở.

SỰ CẦN THIẾT VÀ Ý NGHĨA CỦA VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH 57

Việc xây dựng Quy định 57 xuất phát từ 3 lý do chính, quan trọng sau đây:

Thứ nhất, yêu cầu đổi mới đồng bộ công tác cán bộ, trong đó có khâu quan trọng là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Công tác đào tạo lý luận chính trị đóng vai trò quan trọng, góp phần chuẩn hóa tiêu chuẩn cán bộ, nâng cao bản lĩnh chính trị và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu mới về phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, đủ bản lĩnh, khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Yêu cầu ngày càng cao về bản lĩnh chính trị của cán bộ đặt ra việc nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị. Việc ban hành Quy định 57 là cần thiết, góp phần quan trọng để thực hiện yêu cầu tất yếu này.

Thứ hai, những hạn chế, bất cập trong quy định và quản lý đào tạo lý luận chính trị thời gian qua đặt ra yêu cầu cần phải khắc phục.

Trong thực tế thời gian qua, quy định về đối tượng, tiêu chuẩn đào tạo lý luận chính trị do nhiều cơ quan ban hành, chưa có sự liên thông, phối hợp chặt chẽ(1). Một số nội dung chưa sát thực tiễn, chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình mới; chưa gắn việc đào tạo lý luận chính trị với tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ, chưa tạo được sự đồng bộ giữa đào tạo và quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ. Công tác quản lý đào tạo sơ cấp, trung cấp và cao cấp lý luận chính trị còn nhiều yếu kém. Đặc biệt, phân cấp đào tạo lý luận chính trị vẫn còn hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác cán bộ trong tình hình mới. Việc tổ chức đào tạo, quản lý, kiểm tra, giám sát có lúc, có nơi còn chồng chéo, hiệu quả chưa cao; việc phối hợp của các bên liên quan trong công tác tổ chức đào tạo chưa chặt chẽ. Do vậy, cần phải ban hành Quy định 57 để khắc phục những hạn chế, bất cập, đưa công tác đào tạo lý luận chính trị vào nền nếp, kỷ cương, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ.

Thứ ba, việc nghiên cứu ban hành Quy định 57 xuất phát từ yêu cầu cụ thể hóa chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng.

Trong nhiệm kỳ XII, XIII, Đảng ta quan tâm đặc biệt tới việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung và đào tạo lý luận chính trị nói riêng, cụ thể Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII và Văn kiện Đại hội XIII, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII,… Yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp trong đào tạo lý luận chính trị, đưa công tác này ngày càng đi vào nền nếp.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ “Đổi mới căn bản nội dung, chương trình phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học,sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn; đưa việc bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp đi vào nền nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa học tập lý luận với rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn để nâng cao bản lĩnh chính trị; khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên”(2). Chính vì những lý do căn bản đó, việc ban hành Quy định 57 về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị là cần thiết, thiết thực, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đặt ra.

Việc ban hành Quy định 57 mang rất nhiều ý nghĩa quan trọng, thể hiện ở những nội dung như:

Một là, Quy định 57 thể hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo lý luận chính trị về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp trong đào tạo lý luận chính trị nhằm đưa công tác này ngày càng đi vào nền nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng học sơ cấp, trung cấp, cao cấp lý luận chính trị.

Hai là, Quy định 57 về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị là kết tinh trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của tập thể, các bên liên quan, các đồng chí lãnh đạo, chuyên gia, khoa học, cán bộ tham mưu đào tạo vì mục tiêu chung là nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đào tạo lý luận chính trị trong tình hình mới.

Ba là, thể hiện sự thống nhất cao nhận thức và hành động trong việc lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện công tác đào tạo lý luận chính trị ở cả 3 cấp (sơ cấp, trung cấp, cao cấp); bảo đảm sự đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, các cơ sở đào tạo thực hiện đúng thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác đào tạo lý luận chính trị, tăng cường kiểm tra, giám sát. Bảo đảm công tác đào tạo lý luận chính trị đồng bộ với các quy định của Đảng về quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, phân cấp quản lý cán bộ.

NHỮNG ĐIỂM MỚI, ĐỘT PHÁ TRONG QUY ĐỊNH 57

Quá trình nghiên cứu xây dựng Quy định 57 được tổ chức công phu, khoa học và dựa trên những chứng cứ khách quan, có sự tiếp thu ý kiến của nhiều bên liên quan(3).

Nội dung Quy định 57 được bố cục gọn, rõ, mạch lạc trong 4 chương, 12 điều, bao quát tổng thể đối tượng, tiêu chuẩn, phân cấp và trách nhiệm các bên liên quan trong công tác đào tạo sơ cấp, trung cấp, cao cấp lý luận chính trị. Những điểm mới, mấu chốt, đột phá của Quy định 57 cụ thể như sau:

Thứ nhất, thẩm quyền ban hành Quy định 57 là Ban Bí thư. Lần đầu tiên công tác đào tạo lý luận chính trị của Đảng, Ban Bí thư ban hành Quy định 57, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với công tác này trong tình hình mới. Chính vì thế, hiệu lực thực thi rất cao, yêu cầu sự tuân thủ thực hiện từ Trung ương tới cơ sở, trong toàn hệ thống chính trị. Quy định này thay thế các điều khoản trong các quy định trước đây không còn phù hợp.

Trong Chương 1, Quy định 57 xác định rõ khái niệm (thuật ngữ) về đào tạo lý luận chính trị, sơ cấp, trung cấp và cao cấp lý luận chính trị, phân cấp đào tạo lý luận chính trị. Có thể nói đây là chuẩn mực để chúng ta tham khảo, hiểu thống nhất trong quá trình triển khai Quy định này, đồng thời để chiếu dẫn cho các văn bản khác và nghiên cứu học thuật.

Thứ hai, Quy định 57 mang tính hệ thống, tổng hợp. Quy định này bao quát đầy đủ 3 cấp học sơ cấp, trung cấp, cao cấp lý luận chính trị trong một văn bản. Điều này khắc phục được những hạn chế, bất cập trước đây là có những quy định riêng lẻ, tản mạn về sơ cấp, trung cấp, cao cấp lý luận chính trị của các cơ quan, ban Đảng như đã nêu trên. Việc xác định mạch lạc các cấp học thể hiện tính hệ thống của đào tạo lý luận chính trị, có tính liên thông về nội dung từ thấp tới cao cho từng đối tượng cán bộ.

Thứ ba, Quy định 57 xác định rõ, cụ thể, mạch lạc từng loại đối tượng tham gia 3 cấp học. Đối tượng học từng cấp không trùng lắp, chồng chéo với nhau, bảo đảm sự tách bạch, nâng cao hiệu lực công tác tổ chức thực hiện. Điều 4 quy định về đối tượng học sơ cấp lý luận chính trị. Đối tượng học sơ cấp lý luận chính trị là rất rộng, đa dạng, có những đối tượng rất đặc biệt nhưng rất phù hợp với thực tiễn cơ sở như “người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; một số đối tượng khác có nguyện vọng phù hợp với yêu cầu chung”.

Điều 5 và Điều 6 quy định về đối tượng học trung cấp và cao cấp lý luận chính trị. Trong đó đáng lưu ý một số điểm mới. Cụ thể, 1) Lần đầu tiên, có tiểu mục riêng quy định đối tượng cán bộ thuộc Ngành Công an và Quân đội. Điều này xuất phát từ thực tiễn đặc thù của lực lượng vũ trang, nhiều chức danh, chức vụ không đồng nhất tên gọi như khu vực dân sự nên cần xác định rõ, cụ thể để tiện cho việc tổ chức thực hiện và quản lý. 2) Quy định 57 bổ sung một số đối tượng phù hợp với nhu cầu thực tiễn hiện nay, gồm cán bộ có nhu cầu có đủ điều kiện thi nâng ngạch, đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị trong các cơ sở đào tạo lý luận.

Thứ tư, Quy định 57 xác định rõ việc phân cấp đào tạo lý luận chính trị đối với các cơ sở đào tạo, các cơ quan liên quan.

Điều 7 xác định rõ việc phân cấp nhiệm vụ đào tạo, cụ thể: 1) Trung tâm chính trị cấp huyện đào tạo sơ cấp lý luận chính trị; 2) Trường chính trị cấp tỉnh đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ của địa phương và của các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương làm việc trên địa bàn. Một số học viện, trường của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ lực lượng vũ trang. 3) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đào tạo cao cấp lý luận chính trị. Riêng các trường chính trị cấp tỉnh được giao thêm nhiệm vụ là đào tạo cán bộ của các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương làm việc trên địa bàn. Đối với một số học viện, trường của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ lực lượng vũ trang, cần phải có khảo sát, đánh giá và lựa chọn cụ thể. Ban Bí thư giao cho Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan sẽ quyết định sau.

Thứ năm, Quy định 57 xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm các bên liên quan trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện công tác đào tạo lý luận chính trị sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Điều 8, 9 và 10 quy định thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan đào tạo sơ cấp, trung cấp và cao cấp lý luận chính trị. Phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy, cơ quan tham mưu, cơ sở đào tạo trong công tác đào tạo lý luận chính trị, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, cơ quan, không trùng lặp, chồng chéo.

Thứ sáu, Quy định 57 xác định rõ lộ trình cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc các ban, bộ ngành, đoàn thể phải dừng đào tạo trung cấp lý luận chính trị. Quy định 57 xác định “Các cơ sở đào tạo thuộc các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương hiện đang đào tạo trung cấp lý luận chính trị sẽ kết thúc nhiệm vụ đào tạo trung cấp lý luận chính trị từ ngày 01/01/2024. Các cơ sở này phải xây dựng lộ trình để kết thúc khoá học đối với các lớp khai giảng mới và các lớp đang đào tạo trung cấp lý luận chính trị trước ngày 31/12/2023”.

YÊU CẦU TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY ĐỊNH 57

Ngày 16/3/2022, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị quán triệt Quy định 57 nhằm triển khai các nội dung của Quy định này vào thực tiễn theo đúng yêu cầu, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý và tổ chức thực hiện đào tạo lý luận chính trị trong cả nước.

Việc tổ chức thực hiện Quy định 57 cần đáp ứng các yêu cầu sau:

Thống nhất cao nhận thức và hành động trong việc lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện công tác đào tạo lý luận chính trị ở cả 3 cấp (sơ cấp, trung cấp, cao cấp); bảo đảm sự đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả. Quy định 57 phân công cụ thể nhiệm vụ của các cơ quan liên quan trong đào tạo lý luận chính trị theo nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, các cơ quan có liên quan có trách nhiệm phối hợp thực hiện.

Các tỉnh uỷ, thành uỷ, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, đơn vị sự nghiệp Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và cụ thể hoá thực hiện Quy định 57 theo thẩm quyền. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, các cơ sở đào tạo thực hiện đúng thẩm quyền, trách nhiệm trong chọn cử, tổ chức, quản lý công tác đào tạo lý luận chính trị.

Tổ chức đào tạo lý luận chính trị đúng đối tượng, tiêu chuẩn nhằm nâng cao chất lượng và đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ trong tình hình mới. Tăng cường phối hợp hiệu quả giữa các bên liên quan như cơ quan tham mưu, cơ quan sử dụng cán bộ, cơ sở đào tạo trong việc triển khai Quy định 57 vào thực tiễn.

Đề cao ý thức, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên. Học tập lý luận chính trị là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định 57. Phát huy vai trò của ủy ban kiểm tra các cấp, coi trọng công tác tự kiểm tra, tự giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác đào tạo lý luận chính trị./.

--------------------------------------

Ghi chú:

(1) Quy định về sơ cấp do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành, hướng dẫn; Trung cấp do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Cao cấp do Ban Tổ chức Trung ương.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t. 2, tr. 235-236.

(3) Nội dung Quy định 57 là kết quả chọn lọc các Báo cáo của 128 cấp ủy, tổ chức đảng về tổng kết tình hình thực hiện đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị (63 tỉnh, thành phố và 65 bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương); và tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương tại 15 hội thảo, tọa đàm, ý kiến các chuyên gia; góp ý bằng văn bản 2 lần của 129 cơ quan, đơn vị, địa phương vào các văn bản dự thảo.

PGS.TS Vũ Thanh Sơn, Ban Tổ chức Trung ương

Theo Tuyengiao.vn

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
LỊCH NGHỈ TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT TỴ, NGHỈ LỄ 30/4-1/5, QUỐC KHÁNH NĂM 2025

LỊCH NGHỈ TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT TỴ, NGHỈ LỄ 30/4-1/5, QUỐC KHÁNH NĂM 2025

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội sẽ được nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ từ 25/1 - 2/2/2025; Nghỉ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày; nghỉ Quốc khánh 2025 kéo dài 4 ngày.

THỦ TƯỚNG: KHẨN TRƯƠNG XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP, CƠ CẤU LẠI TỔ CHỨC BỘ MÁY THEO HƯỚNG BỘ ĐA NGÀNH, ĐA LĨNH VỰC, GIẢM TỔ CHỨC BÊN TRONG

THỦ TƯỚNG: KHẨN TRƯƠNG XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP, CƠ CẤU LẠI TỔ CHỨC BỘ MÁY THEO HƯỚNG BỘ ĐA NGÀNH, ĐA LĨNH VỰC, GIẢM TỔ CHỨC BÊN TRONG

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Khẩn trương thực hiện tổng kết 07 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và xây dựng phương án sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực, giảm tổ chức bên trong, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

PHƯƠNG ÁN NGHIÊN CỨU, ĐỀ XUẤT SÁP NHẬP, KẾT THÚC HOẠT ĐỘNG MỘT SỐ BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, MÔ HÌNH TỔNG CỤC...

PHƯƠNG ÁN NGHIÊN CỨU, ĐỀ XUẤT SÁP NHẬP, KẾT THÚC HOẠT ĐỘNG MỘT SỐ BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, MÔ HÌNH TỔNG CỤC...

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết các Nghị quyết của Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đã nêu lên phương án nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Những điểm mới của LUẬT SĨ QUAN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM sửa đổi

Những điểm mới của LUẬT SĨ QUAN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM sửa đổi

Chính sách mới

(Chinhphu.vn) - Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024.

Tra cứu TUỔI NGHỈ HƯU, thời điểm NGHỈ HƯU theo năm sinh

Tra cứu TUỔI NGHỈ HƯU, thời điểm NGHỈ HƯU theo năm sinh

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Năm 2025, độ tuổi nghỉ hưu của người lao động nam sẽ là 61 tuổi 3 tháng, lao động nữ sẽ là 56 tuổi 8 tháng; năm 2026, độ tuổi nghỉ hưu của người lao động nam sẽ là 61 tuổi 6 tháng, lao động nữ sẽ là 57 tuổi;...

THĂM DÒ Ý KIẾN

Bộ Y tế đề xuất chế độ PHỤ CẤP ƯU ĐÃI của viên chức, người lao động tại cơ sở y tế công lập: Mức phụ cấp 30%-40%-50%-60%-70% đối với các trường hợp cụ thể.

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi