CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Nhiều giáo viên gặp khó khăn về mức lương

11:36 - 08/11/2023

(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, nhiều giáo viên gặp khó khăn về mức lương. Giáo viên ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện cơ sở vật chất hạn chế.

Nhiều giáo viên gặp khó khăn về mức lương- Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn chiều 7/11.

Chiều 7/11, Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với các lĩnh vực: khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) nêu ý kiến, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, kiến thức phổ thông cơ bản được trang bị đến hết bậc THCS.

THCS là dấu mốc quan trọng để tiếp tục thực hiện phân luồng học sinh. Tuy nhiên, hiện nay, khi kết thúc chương trình THCS, học sinh không thi tốt nghiệp mà xét tốt nghiệp; trong đó khi kết thúc THPT thì lại thi tốt nghiệp.

Nhiều giáo viên gặp khó khăn về mức lương- Ảnh 2.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh đặt câu hỏi, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có cần thay đổi lại việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THCS kết hợp với xét tuyển vào lớp 10 và xét tốt nghiệp THPT không?

Cũng theo đại biểu, vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có gặp gỡ, trao đổi với khoảng 1 triệu giáo viên và đã nhận được trên 6.000 câu hỏi. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, những trăn trở, vướng mắc lớn nhất của đội ngũ giáo viên hiện nay? Đồng thời cho biết kế hoạch để giải quyết những vấn đề đó?

Đời sống và các điều kiện của nhà giáo còn hạn chế, khó khăn, nhất là giáo viên trẻ, mới vào nghề

Phát biểu trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cảm ơn đại biểu Quốc hội đã quan tâm tới lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đặt nhiều câu hỏi quan trọng trong phiên chất vấn.

Về câu hỏi của đại biểu Lý Tiết Hạnh, Bộ trưởng cho biết, ngày 15/8 vừa qua, trước thềm năm học, Bộ GD&ĐT có tổ chức gặp gỡ, trao đổi trực tuyến với hơn 1 triệu giáo viên.

Tại cuộc gặp gỡ, có hơn 6.300 câu hỏi, ý kiến của nhà giáo đã được gửi đến, bày tỏ sự đồng tình với xu hướng đổi mới giáo dục đào tạo.

Theo Bộ trưởng, dù công tác đổi mới giáo dục đang gặp nhiều khó khăn, song đây cũng là vinh dự lớn nên các thầy, cô giáo đều thể hiện quyết tâm vượt qua. 

Bên cạnh đó, các nhà giáo cũng bày tỏ tâm tư khi đối diện với thách thức lớn, đời sống và các điều kiện của nhà giáo còn hạn chế, khó khăn, nhất là giáo viên trẻ, mới vào nghề.

Nhiều giáo viên gặp khó khăn về mức lương. Giáo viên ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện cơ sở vật chất hạn chế. Các giáo viên mong muốn xã hội, phụ huynh có thêm sự chia sẻ với công việc lớn mà giáo viên đang làm, đồng thời cần có sự cải thiện về mức lương, điều kiện sống.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn tiếp tục sử dụng trong năm tới

Đối với cơ cấu của các kỳ thi trong chương trình giáo dục phổ thông, Bộ trưởng cho biết, theo thiết kế chương trình, cấp THCS là giáo dục cơ bản nền, tảng tích hợp để trang bị những kiến thức cơ bản nhất của giáo dục phổ thông.

Lên đến cấp THPT sẽ tăng cường yếu tố phân luồng hướng nghiệp, tăng sự chủ động lựa chọn cho học sinh. Việc tổ chức dạy học tích hợp cũng như trang bị kiến thức ở trung học cơ sở đảm bảo cơ bản và nền tảng cũng đã được triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, nếu trong 12 năm phổ thông nếu có quá nhiều kỳ thi thì sẽ quá nặng cho học sinh. Dư luận xã hội, phụ huynh và ngành giáo dục đều nhận thức sự cần thiết phải giảm các kỳ thi khi kết thúc THCS để chuyển sang THPT.

Kết thúc THPT, dù là giai đoạn phân luồng hướng nghiệp, nhưng vẫn trong phạm vi giáo dục phổ thông. Kết thúc 12 năm giáo dục phổ thông, cần thiết có một kỳ thi tốt nghiệp, điều này đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục 2019.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ nhằm mục đích đánh giá kết quả học tập của học sinh, mà còn là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học xét tuyển. Với mục đích, ý nghĩa như vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn tiếp tục sử dụng trong năm tới.

  • Tham khảo thêm

    Tiền lương giáo viên và nhân viên trường học sẽ như thế nào khi cải cách tiền lương?

    Tiền lương giáo viên và nhân viên trường học sẽ như thế nào khi cải cách tiền lương?
  • Tham khảo thêm

    Đề xuất quy định tiền lương giáo viên cao nhất hệ thống hành chính sự nghiệp

    Đề xuất quy định tiền lương giáo viên cao nhất hệ thống hành chính sự nghiệp
  • Tham khảo thêm

    Quy định mới về xếp lương giáo viên, giảng viên chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp

    Quy định mới về xếp lương giáo viên, giảng viên chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp
  • Tham khảo thêm

    Quy định về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên Trung học phổ thông công lập

    Quy định về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên Trung học phổ thông công lập
  • Tham khảo thêm

    Quy định về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên các trường Trung học cơ sở công lập

    Quy định về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên các trường Trung học cơ sở công lập
  • Tham khảo thêm

    Quy định về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên tiểu học công lập

    Quy định về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên tiểu học công lập
  • Tham khảo thêm

    Quy định về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trường mầm non công lập

    Quy định về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trường mầm non công lập
  • Tham khảo thêm

    TOÀN VĂN: Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi quy định bổ nhiệm, xếp lương giáo viên

    TOÀN VĂN: Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi quy định bổ nhiệm, xếp lương giáo viên