Nghị quyết số 41/NQ-CP: Chính phủ cho ý kiến đối với 7 dự án Luật

04/03/2025 22:50

(Chinhphu.vn) - Tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2 năm 2025, Chính phủ đã cho ý kiến về 7 dự án Luật: 1- Luật Tình trạng khẩn cấp; 2- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; 3- Luật Đường sắt (sửa đổi); 4- Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; 5- Luật Dẫn độ; 6- Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; (7) Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Nghị quyết số 41/NQ-CP: Chính phủ cho ý kiến đối với 7 dự án Luật- Ảnh 1.

Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2/2025 của Chính phủ xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 7 dự án luật sẽ trình Quốc hội. Phó Thủ tướng Lê Thành Long thay mặt Thủ tướng Chính phủ điều hành phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngày 4/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2 năm 2025.

Tại phiên họp này, Chính phủ đã cho ý kiến về 7 dự án Luật gồm: 1- Luật Tình trạng khẩn cấp; 2- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; 3- Luật Đường sắt (sửa đổi); 4- Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; 5- Luật Dẫn độ; 6- Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; (7) Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Dự án Luật Tình trạng khẩn cấp: Nghiên cứu bổ sung 5 quy định

Về dự án Luật Tình trạng khẩn cấp, Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng tiếp tục rà soát dự thảo Luật, bảo đảm phân định rõ tình trạng khẩn cấp với các cấp độ phòng thủ dân sự; tăng cường phân cấp, phân quyền theo nguyên tắc "ai rõ việc, hiểu việc nhất thì giao", xác định rõ thẩm quyền để xử lý hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra gắn với yêu cầu bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp; tiết giảm tối đa thủ tục hành chính có trong dự thảo Luật để bảo đảm sự linh hoạt, hiệu quả trong ứng phó với tình trạng khẩn cấp;

Nghiên cứu bổ sung quy định về: (i) Trưng dụng các công trình trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, (ii) Chế độ chính sách đối với người hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp; (iii) Duy trì hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính trong tình trạng khẩn cấp; (iv) Tình trạng khẩn cấp về sự cố bức xạ, hạt nhân; (v) Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ khi xảy ra tình trạng khẩn cấp về sự cố bức xạ, hạt nhân.

Dự án Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sửa đổi: Tiếp tục rà soát, tránh chồng chéo, vướng mắc

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục rà soát các quy định tại dự thảo Luật, bảo đảm đồng bộ với các Luật có liên quan, tránh chồng chéo, gây vướng mắc trong quá trình thực hiện, tạo điều kiện để áp dụng các biện pháp về hàng rào kỹ thuật khi cần thiết và cắt giảm thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoàn thiện dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước về đổi mới công tác xây dựng pháp luật.

Phải quy định các cơ chế đặc thù, vượt trội trong Luật Đường sắt (sửa đổi)

Về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng rà soát để xử lý mối quan hệ của dự thảo Luật với các luật khác có liên quan (Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, ...); các cơ chế đặc thù, vượt trội phải quy định ngay trong dự thảo Luật, đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định tại các luật khác có liên quan (nếu có) ngay tại Luật này để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Nghiên cứu bổ sung các quy định về huy động các nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt theo phương thức đối tác công tư (BT, BOT,...); nghiên cứu bổ sung cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp tham gia ngành công nghiệp đường sắt; đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính; chỉ quy định những vấn đề khung, mang tính nguyên tắc, đúng thẩm quyền của Quốc hội và giao Chính phủ quy định chi tiết (trong đó có nội dung về tỷ lệ phân chia tiền thu được từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt quốc gia để bảo đảm linh hoạt, điều chỉnh qua từng thời kỳ).

Luật Tương trợ tư pháp về dân sự: Đẩy mạnh số hóa, cắt giảm triệt để các thủ tục, giấy tờ không cần thiết

Về dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, rà soát, trao đổi với Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, bảo đảm trình Quốc hội đồng thời với các dự án Luật được tách ra từ Luật Tương trợ tư pháp năm 2007; phối hợp với các cơ quan có liên quan để chỉnh lý dự án Luật nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự; nghiên cứu cắt giảm triệt để các thủ tục, giấy tờ không cần thiết hoặc có thể thực hiện qua môi trường điện tử (nếu có) nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các bên tham gia hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự.

Luật Dẫn độ: Cân nhắc không quy định "cứng" là "các trường hợp bị dẫn độ"

Về dự án Luật Dẫn độ, Chính phủ yêu cầu Bộ Công an rà soát bảo đảm quy định tại các điều khoản dự thảo Luật: (i) rõ ràng, đủ căn cứ, điều kiện thực hiện và phù hợp về văn phong pháp lý; (ii) thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật Việt Nam và phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Cân nhắc chỉnh sửa Điều 7 dự thảo Luật theo hướng không quy định "cứng" là "các trường hợp bị dẫn độ" mà chỉ quy định về tiêu chí, điều kiện xem xét dẫn độ nhằm bảo đảm đúng tính chất của việc xem xét yêu cầu dẫn độ, đồng thời bảo đảm tính khả thi trong quá trình áp dụng; chỉnh sửa quy định tại Điều 31 dự thảo Luật, bảo đảm phù hợp giữa tên gọi với nội dung điều khoản, quy định đầy đủ trình tự, thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ phù hợp với pháp luật trong nước và các điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên.

Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù: Rà soát kỹ phạm vi, đối tượng điều chỉnh

Về dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Chính phủ yêu cầu Bộ Công an rà soát kỹ phạm vi và đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật này và dự thảo Luật Dẫn độ để tránh trùng lắp về đối tượng chuyển giao và đối tượng dẫn độ; rà soát bảo đảm quy định tại các điều khoản dự thảo Luật: (i) rõ ràng, đủ căn cứ, điều kiện thực hiện và phù hợp về văn phong pháp lý; (ii) thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật Việt Nam và phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Các thủ tục hành chính phải thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Chính phủ khẳng định đây là dự án Luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân, liên quan đến phạm vi quản lý của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Do vậy, dự thảo cần bổ sung quy định cho phép áp dụng các quy định tại các luật chuyên ngành đang quy định mức độ bảo vệ dữ liệu cá nhân cao hơn Luật này.

Các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong dự thảo Luật phải bảo đảm chặt chẽ, vừa thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, vừa thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp; giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt trong quản lý, điều hành, phù hợp với từng thời kỳ; bảo đảm các quy định trong dự thảo luật bao quát, bảo vệ được toàn bộ dữ liệu cá nhân của công dân cả trên môi trường điện tử và môi trường làm việc truyền thống.

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Từ khóa:
Đọc nhiều
PHỔ ĐIỂM THI TỐT NGHIỆP THPT 2025

PHỔ ĐIỂM THI TỐT NGHIỆP THPT 2025

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Chiều 15/7, Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025, trước 1 ngày công bố điểm thi.

Các MẪU VĂN BẢN của UBND, Chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp xã mới

Các MẪU VĂN BẢN của UBND, Chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp xã mới

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Tại Công văn 4168/BNV-CQĐP, Bộ Nội vụ hướng dẫn các mẫu văn bản của Ủy ban nhân dân cấp xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã mới.

TOÀN VĂN: NGHỊ ĐỊNH 154/2025/NĐ-CP quy định về TINH GIẢN BIÊN CHẾ

TOÀN VĂN: NGHỊ ĐỊNH 154/2025/NĐ-CP quy định về TINH GIẢN BIÊN CHẾ

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Toàn văn Nghị định số 154/2025/NĐ-CP ngày 15/6/2025 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 16/6/2025; thay thế Nghị định số 29/2023.

LỊCH NGHỈ LỄ QUỐC KHÁNH 2025

LỊCH NGHỈ LỄ QUỐC KHÁNH 2025

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được nghỉ Lễ Quốc khánh 2025 kéo dài 4 ngày.

TOÀN VĂN: Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân

TOÀN VĂN: Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân

Phát triển kinh tế tư nhân và doanh nghiệp dân tộc

(Chinhphu.vn) - Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết này.

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi