Nghị định 72/2025/NĐ-CP về cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân

02/04/2025 10:36

(Chinhphu.vn) - Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2025/NĐ-CP ngày 28/3/2025 quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (28/3/2025).

Nghị định 72/2025/NĐ-CP về cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân

Nguyên tắc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân

Nghị định số 72/2025/NĐ-CP quy định hằng năm, sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam công bố công khai chi phí sản xuất kinh doanh điện năm N-2, giá bán lẻ điện bình quân năm N được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và điều hành - quản lý ngành) và việc phân bổ các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.

Trong năm, giá bán lẻ điện bình quân được xem xét điều chỉnh trên cơ sở cập nhật chi phí khâu phát điện, chi phí mua điện từ các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.

Nghị định nêu rõ: Khi giá bán lẻ điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng.

Khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 2% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.

Giá bán lẻ điện bình quân được tính toán theo quy định tại Điều 4 Nghị định này. Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán nằm ngoài khung giá, chỉ được xem xét điều chỉnh trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định. Tập đoàn Điện lực Việt Nam được điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán lẻ điện bình quân trong phạm vi khung giá theo cơ chế quy định tại Điều 5 và Điều 6 Nghị định này.

Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn giá bán lẻ điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát và báo cáo Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Chính phủ.

Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch.

Giá bán lẻ điện bình quân

Nghị định quy định giá bán lẻ điện bình quân được lập trên cơ sở chi phí khâu phát điện, chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí điều hành - quản lý ngành, các khoản chi phí khác được phân bổ và chỉ bao gồm những chi phí phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam để đảm bảo khả năng vận hành, cung ứng điện và đáp ứng nhu cầu đầu tư theo kế hoạch được duyệt, trong đó chi phí các khâu có tính đến các khoản giảm trừ giá thành theo quy định.

Giá bán lẻ điện bình quân năm N(GBQ) được xác định theo công thức sau:

Nghị định 72/2025/NĐ-CP về cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân- Ảnh 1.

Trong đó:

C: Tổng chi phí khâu phát điện năm N (đồng); được xác định theo công thức sau:

C = CTTĐ + CĐMT + CBOT + CTTN + CNLTT + CNK

CDVPT: Tổng chi phí các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ hệ thống điện năm N (đồng), bao gồm cả chi phí chạy thử nghiệm của các nhà máy điện;

CTT: Tổng chi phí mua dịch vụ truyền tải điện năm N (đồng);

CPP-BL: Tổng chi phí phân phối - bán lẻ điện và lợi nhuận định mức năm N (đồng), bao gồm cả chi phí huy động các nguồn máy phát điện dự phòng của khách hàng sử dụng điện để bổ sung nguồn cung cho hệ thống điện quốc gia trong tình huống cấp bách đe dọa nghiêm trọng đến khả năng bảo đảm cung cấp điện;

C chung: Tổng chi phí điều hành - quản lý ngành và lợi nhuận định mức năm N (đồng);

CĐĐ: Tổng chi phí mua dịch vụ điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực năm N (đồng);

Ckhac: Tổng các chi phí khác chưa được tính vào giá điện, là các khoản chi phí được phép tính nhưng chưa tính vào giá điện, bao gồm cả chênh lệch tỷ giá đánh giá lại chưa được phân bổ, chênh lệch tỷ giá chưa được ghi nhận và thanh toán cho các nhà máy điện theo thỏa thuận tại hợp đồng mua bán điện, được tính toán phân bổ vào giá bán lẻ điện bình quân năm N (đồng);

ATP: Tổng sản lượng điện thương phẩm dự kiến cho năm N (kWh).

Quy định về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hằng năm

Nghị định quy định trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm N do Bộ Công Thương ban hành, chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm N-2 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ước kết quả sản xuất kinh doanh điện năm N-1 (trong trường hợp chưa công bố chi phí sản xuất kinh doanh điện năm N-1), trước ngày 25 tháng 01 năm N Tập đoàn Điện lực Việt Nam tính toán giá bán lẻ điện bình quân theo công thức ở trên, thực hiện yêu cầu về hồ sơ theo quy định và thực hiện như sau:

a) Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm giảm giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng. 

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện điều chỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương để kiểm tra, giám sát;

b) Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 2% đến dưới 5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân báo cáo Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát và cho ý kiến. 

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương có trách nhiệm có ý kiến bằng văn bản. 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết định việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân sau khi Bộ Công Thương có ý kiến. 

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện điều chỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương để giám sát;

c) Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được phép điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận. 

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản để Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai thực hiện. 

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện điều chỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương để giám sát;

d) Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam trình, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan. 

Trên cơ sở ý kiến góp ý các bộ, cơ quan liên quan, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, cho ý kiến. 

Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Chính phủ.

Quy định về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân trong năm

Nghị định quy định trước ngày 25 tháng đầu tiên quý II, quý III và quý IV, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xác định sản lượng điện thương phẩm thực tế của quý trước và tổng sản lượng điện thương phẩm cộng dồn từ đầu năm, ước sản lượng điện thương phẩm các tháng còn lại trong năm; xác định chi phí phát điện của quý trước liền kề, chi phí phát điện cộng dồn từ đầu năm (bao gồm cả chi phí mua điện từ các nhà máy cung cấp dịch vụ phụ trợ), ước chi phí khâu phát điện các tháng còn lại trong năm theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện và cập nhật các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân để tính toán lại giá bán lẻ điện bình quân theo công thức trên (các thông số khác giữ nguyên không thay đổi), thực hiện yêu cầu về hồ sơ theo quy định và thực hiện như sau:

a) Trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán lẻ điện bình quân tính toán thấp hơn từ 1% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm điều chỉnh giảm giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng. 

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện điều chỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương để kiểm tra, giám sát;

b) Trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành từ 2% đến dưới 5%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân báo cáo Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát và cho ý kiến. 

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương có trách nhiệm có ý kiến bằng văn bản. 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết định việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân sau khi Bộ Công Thương có ý kiến. 

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện điều chỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương để giám sát;

c) Trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành từ 5% đến dưới 10%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được phép điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận. 

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản để Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai thực hiện. 

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện điều chỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương để giám sát;

d) Trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên, trên cơ sở hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân do Tập đoàn Điện lực Việt Nam trình, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan. 

Trên cơ sở ý kiến góp ý của các bộ, cơ quan liên quan, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, cho ý kiến. 

Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Chính phủ.

Điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân 3 tháng/lần

Nghị định quy định rõ, trường hợp giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh giảm mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam không điều chỉnh giảm, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh giảm giá bán lẻ điện bình quân. 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm thực hiện theo yêu cầu của Bộ Công Thương trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Nếu phát hiện có sai sót trong kết quả tính toán giá điện theo quy định, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam dừng điều chỉnh hoặc điều chỉnh lại giá bán lẻ điện bình quân. 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm thực hiện theo yêu cầu của Bộ Công Thương trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Theo quy định, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 03 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
SẼ TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI SÁP NHẬP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH, SẮP XẾP CẤP XÃ

SẼ TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI SÁP NHẬP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH, SẮP XẾP CẤP XÃ

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Sau Hội nghị Trung ương sẽ có một hội nghị toàn quốc để triển khai sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã.

CHÍNH PHỦ TẬP TRUNG SÁP NHẬP MỘT SỐ TỈNH, KHÔNG TỔ CHỨC CẤP HUYỆN, GIẢM ĐẦU MỐI MỞ RỘNG QUY MÔ CẤP XÃ

CHÍNH PHỦ TẬP TRUNG SÁP NHẬP MỘT SỐ TỈNH, KHÔNG TỔ CHỨC CẤP HUYỆN, GIẢM ĐẦU MỐI MỞ RỘNG QUY MÔ CẤP XÃ

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Thời gian tới Chính phủ tập trung hoàn thành đề án sắp xếp lại địa giới các đơn vị hành chính theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, theo hướng sáp nhập một số tỉnh để mở rộng địa giới cấp tỉnh phù hợp tiêu chí, điều kiện, hoàn cảnh, truyền thống lịch sử - văn hóa; không tổ chức cấp huyện; giảm đầu mối để mở rộng quy mô của cấp xã; đồng thời đề xuất sửa đổi, bố sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan.

Tạm dừng điều động, bổ nhiệm nhân sự; nghiên cứu, đề xuất phương án sáp nhập đơn vị hành chính

Tạm dừng điều động, bổ nhiệm nhân sự; nghiên cứu, đề xuất phương án sáp nhập đơn vị hành chính

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An thống nhất tạm dừng việc tuyển dụng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm nhân sự; nghiên cứu, rà soát các tiêu chí, dự kiến đề xuất phương án sáp nhập đơn vị hành chính...

KẾT LUẬN 127-KL/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ, BAN BÍ THƯ VỀ TRIỂN KHAI NGHIÊN CỨU, ĐỀ XUẤT TIẾP TỤC SẮP XẾP TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

KẾT LUẬN 127-KL/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ, BAN BÍ THƯ VỀ TRIỂN KHAI NGHIÊN CỨU, ĐỀ XUẤT TIẾP TỤC SẮP XẾP TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

Chính sách mới

(Chinhphu.vn) - Thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú ký ban hành Kết luận 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngày 28/2/2025 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Sau đây là toàn văn Kết luận số 127-KL/TW:

BỘ CHÍNH TRỊ YÊU CẦU NGHIÊN CỨU BỎ CẤP HUYỆN, SÁP NHẬP MỘT SỐ ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH

BỘ CHÍNH TRỊ YÊU CẦU NGHIÊN CỨU BỎ CẤP HUYỆN, SÁP NHẬP MỘT SỐ ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Kết luận số 126-KL/TW yêu cầu nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh;…

THĂM DÒ Ý KIẾN

Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế hàng nhập khẩu qua sàn thương mại điện tử từ 1 triệu đồng trở xuống.

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi