Đóng cửa một loạt sân bay, cảng biển, dừng chạy tàu khách, khẩn cấp ứng phó bão NORU

27/09/2022 19:36

(Chinhphu.vn) - Bộ GTVT vừa có công điện chỉ đạo ứng phó khẩn cấp với bão số 4 (bão NORU). Một loạt cảng hàng không, cảng biển cũng được tạm dừng khai thác để ứng phó bão.

Đóng cửa một loạt sân bay, cảng biển, dừng chạy tàu khách, khẩn cấp ứng phó bão NORU

Dừng khai thác 9 cảng hàng không do bão NORU

Ngày 27/9, Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục cập nhật thông tin tạm ngừng khai thác các Cảng hàng không do ảnh hưởng của cơn bão số 4 (Bão Noru) đến thời điểm này như sau:

-Tạm dừng khai thác Cảng hàng không Vinh từ 03h00 ngày 28/9/2022 đến 16h00 ngày 28/9/2022 (giờ địa phương);

-Tạm dừng khai thác Cảng hàng không Đồng Hới  từ 22h00 ngày 27/9/2022 đến 20h00 ngày 28/9/2022 (giờ địa phương).

-Tạm dừng khai thác Cảng hàng không Tuy Hòa từ 15h30 ngày 27/9/2022 đến 8h00 ngày 28/9/2022 (giờ địa phương).

-Tạm dừng khai thác Cảng hàng không Buôn Ma Thuột từ 12h00 ngày 27/9/2022 đến 11h59 ngày 28/9/2022;

-Tạm dừng khai thác Cảng hàng không Liên Khương từ 16h00 ngày 27/9/2022 đến 15h59 ngày 28/9/2022 (giờ địa phương).

Hành khách bị ảnh hưởng bởi cơn bão Noru sẽ được hỗ trợ theo quy định và chuyển đổi miễn phí sang các chuyến bay khác cùng hành trình nếu có yêu cầu (nếu còn chỗ). 

Các hãng hàng không khuyến nghị hành khách có kế hoạch bay trong thời gian này cần theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết và thông tin từ hãng qua fanpage, website của hãng hoặc nhắn tin tới điện thoại, email mà khách hàng sử dụng khi đặt vé.

Như vậy đến thời điểm này đã có 9 cảng hàng không phải tạm dừng khai thác do ảnh hưởng của bão số 4 (bão NORU).

Trước đó, ngày 26/9, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Trung vừa ra quyết định tạm dừng khai thác các Cảng hàng không khu vực miền Trung do ảnh hưởng của cơn bão số 4 (bão Noru).

Theo đó, tạm dừng khai thác Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; Cảng hàng không quốc tế Phú Bài; Cảng hàng không Pleiku; Cảng hàng không Phù Cát từ 12h00 ngày 27/9/2022 đến 11h59 ngày 28/9/2022 (giờ địa phương). 

Đối với Cảng hàng không Chu Lai, tạm dừng khai thác từ 07h00 ngày 27/9/2022 đến 06h59 ngày 28/9/2022.

Cũng trong chiều 26/9, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các đơn vị để triển khai kế hoạch ứng phó cơn bão số 4 (Bão Noru) nhằm đảm bảo an toàn hoạt động bay, bảo vệ người và tài sản tại các cảng hàng không, sân bay, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến khai thác bay, tổ chức thực hiện trực 24/24 giờ, đồng thời thực hiện nghiêm Quy trình ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới trong hoạt động hàng không dân dụng.

Khách bị hủy chuyến tàu vì bão Noru được đổi, trả vé không thu phí

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, đơn vị vừa điều chỉnh lịch chạy tàu tuyến Bắc - Nam để tránh ảnh hưởng bão Noru, đảm bảo an toàn chạy tàu.

Theo đó, tạm dừng chạy tàu SE22 xuất phát tại ga Sài Gòn ngày 27/9 và tàu SE21 xuất phát ga Đà Nẵng ngày 28/9.

Đối với đôi tàu khách Thống nhất SE3/SE4 giữa Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh tạm dừng chạy đoạn Huế - Diêu Trì. Tàu SE3 xuất phát ga Hà Nội ngày 27/9 chạy đến Huế là ga cuối, tại đây sẽ đón khách tàu SE4 xuất phát ga Huế ngày 28/9 đi ga Hà Nội.

Tàu SE4 xuất phát tại ga Sài Gòn ngày 27/9 chạy đến Diêu Trì là ga cuối, đón khách đi tàu SE3 xuất phát ga Diêu Trì ngày 28/9 đi ga Sài Gòn.

Hành khách có vé đi tàu các hành trình bị hủy bỏ liên hệ nhà ga gần nhất để được đổi, trả vé không thu phí.

Các đơn vị vận tải đường sắt cũng sẽ gửi tin nhắn đến hành khách đã mua vé kế hoạch chạy tàu điều chỉnh để làm thủ tục trả vé trên các đoàn tàu tạm dừng chạy hoặc trên các cung chặng không chạy tàu.

Trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng thông báo ngày 27/9, tạm dừng chạy đôi tàu khách Thống nhất SE5/SE6 xuất phát hai ga Hà Nội, Sài Gòn để tránh bão Noru.

Một số cảng biển đóng cửa, không tiếp nhận hàng hóa

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão Noru (bão số 4) và nhằm chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả trong công tác phòng chống cơn bão Noru đảm bảo an toàn cho hàng hóa, nhiều cảng biển đã ra thông báo tạm ngưng các hoạt động.

Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu các doanh nghiệp khai thác cảng biển dừng làm hàng. Các đơn vị đang thi công trong vùng nước cảng biển của tỉnh này cũng được yêu cầu dừng thi công các công trình để đưa các trang thiết bị về nơi an toàn.

Đồng thời, các doanh nghiệp cảng biển phải tổ chức chằng buộc trang thiết bị, phương tiện, nhà xưởng; kiểm tra và có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, bến bãi kho hàng.

Ngoài ra, các tàu thuyền cũng được yêu cầu dừng việc làm hàng, có kế hoạch điều động tàu đến nơi neo đậu, tránh trú ẩn an toàn theo chỉ định.

Cảng Chu Lai (Quảng Nam) cũng thông báo tạm ngừng cung cấp các dịch vụ cảng để bảo vệ tối đa hàng hóa, tài sản, cũng như bảo đảm an toàn cho cảng. Đại diện Cảng Chu Lai nhấn mạnh "không tiếp nhận bất kỳ loại hàng hóa hay container nào xuất nhập bãi cho đến khi cơn bão đi qua".

Trong khi đó, lãnh đạo Cảng Quy Nhơn đề nghị những đơn vị thuê kho bãi tại cảng tự kiểm tra các kho/bãi đang thuê để kịp thời phát hiện các điểm yếu có nguy cơ gây hư hỏng hàng hóa như kho bị dột, thấm nước, hệ thống điện bị hư hỏng có nguy cơ gây mất an toàn điện, hệ thống thoát nước mưa tại khu vực kho/bãi bị tắc nghẽn... nhanh chóng thông báo cho các bộ phận liên quan tại cảng để có biện pháp phối hợp khắc phục kịp thời.

"Các doanh nghiệp phải mua bảo hiểm cho toàn bộ các lô hàng đang lưu chứa tại kho/bãi, đồng thời cử nhân viên có thẩm quyền túc trực thường xuyên tại cảng để phối hợp với trong công tác kiểm tra, phòng chống và ứng phó với cơn bão số 4", đại diện Cảng Quy Nhơn khuyến cáo.

Tại Quảng Bình, lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình yêu cầu các doanh nghiệp khai thác cảng triển khai ngay các phương án điều động tàu thuyền tránh trú bão khi có yêu cầu.

Tổ chức chằng chống trụ sở, kho bãi, nhà xưởng. Các doanh nghiệp phải hạ cần các thiết bị cầu chân đế, các thiết bị xe cầu đưa vào nhà xe an toàn; hạ thấp các cột điện chiếu sáng, cắt tỉa các cây xanh....

Các cảng biển cũng phải dừng toàn bộ các hoạt động xếp dỡ hàng hóa tại cảng trước khi bão đổ bộ, sẵn sàng thực hiện các yêu cầu trong việc điều động các phương tiện tham gia khắc phục hậu quả.

Bộ GTVG chỉ đạo ứng phó khẩn cấp bão NORU

Bộ GTVT vừa có Công điện số 21/CĐ-BGTVT gửi: Tổng cục Đường bộ VN; Các Cục: Hàng hải VN, Hàng không VN, Đường sắt VN, Đường thủy nội địa VN; Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; Sở GTVT các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đà Nẵng; Trung tâm phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam; Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải VN yêu cầu tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4 năm 2022.

Để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do bão số 4 và mưa lũ sau bão gây ra, triển khai Công điện số 855/CĐ-QG ngày 25/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện ngay những việc sau:

Tiếp tục triển khai Công điện số 20/CĐ-BGTVT ngày 24/9/2022 của Bộ GTVT.

Các đơn vị tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 4 trên các bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan chuyên môn để chủ động trong công tác ứng phó.

Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam: tiếp tục chỉ đạo hệ thống Đài thông tin Duyên hải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thường xuyên cập nhật, xử lý ngay thông tin và thông báo kịp thời diễn biến, hướng di chuyển của bão cho tàu thuyền biết để ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.

Hàng hải: Không cấp phép rời cảng cho tàu đi vào vùng nguy hiểm

Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các Cảng vụ Hàng hải rà soát, nắm chắc số lượng tàu thuyền thuộc khu vực quản lý; tổ chức kiểm tra, rà soát các khu neo đậu, tránh, trú bão, phối hợp với Ban chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương trong công tác hướng dẫn tàu thuyền vào tránh, trú ở các khu neo đậu; quản lý chặt chẽ việc rời cảng, bến của tàu thuyền, không cấp phép rời cảng cho tàu có hành trình đi vào vùng nguy hiểm, đặc biệt lưu ý những khu vực đã từng xảy ra các sự cố tàu vận tải khi có bão, lũ; triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống cảng, bến, con người hoạt động trong phạm vi quản lý; Chỉ đạo Trung tâm phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam duy trì lực lượng, phương tiện chuyên dụng, sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có lệnh; Phân công Lãnh đạo đến hiện trường để trực tiếp nắm tình hình và chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão số 4.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cần chỉ đạo các Cảng vụ đường thủy tiếp tục rà soát, nắm chắc số lượng tàu thuyền thuộc khu vực quản lý; tổ chức kiểm tra, rà soát các khu neo đậu, tránh, trú bão, phối hợp với Ban chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương trong công tác hướng dẫn tàu thuyền vào tránh, trú ở các khu neo đậu nhằm bảo đảm an toàn, đặc biệt là khu vực cửa sông; quản lý chặt chẽ việc rời cảng, bến của tàu thuyền, không cấp phép rời cảng, bến cho tàu thuyền có hành trình đi vào vùng nguy hiểm; chỉ đạo các đơn vị tổ chức điều tiết hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông đường thủy ở những vị trí trọng yếu; Phân công Lãnh đạo đến hiện trường để trực tiếp nắm tình hình và chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão số 4.

Đường bộ: Đảm bảo tuyệt đối cho người, phương tiện tham gia giao thông

Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các Cục quản lý đường bộ II, III và các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ thuộc khu vực chịu ảnh hưởng của bão bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị sẵn sàng ứng phó, khắc phục sự cố đảm bảo giao thông, đặc biệt là trên các tuyến cao tốc, các trục giao thông chính; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của địa phương (Công an, Thanh tra giao thông…) trong việc tổ chức phân luồng, phân tuyến, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, đứt đường, đoạn đường bị sạt lở… nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông; Phân công Lãnh đạo đến hiện trường để trực tiếp nắm tình hình và chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão số 4.

Đường sắt: Có phương án dừng tàu, tăng bo, chuyển tải hành khách do ảnh hưởng của bão

Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: Chỉ đạo các đơn vị bố trí vật tư, thiết bị và nhân lực ứng trực, sẵn sàng khắc phục hậu quả do mưa, bão gây ra và đảm bảo giao thông thông suốt; tăng cường tuần tra chốt gác các vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm (như: cầu đường yếu, khu vực dễ bị ngập nước, đoạn đường thường có đá rơi, đất sụt…); có phương án dừng tàu trong khu vực hay xảy ra sự cố ngập nước, lũ quét, đá rơi, đất sụt… do ảnh hưởng của bão gây ra; có phương án tăng bo, chuyển tải hành khách, hàng hóa trong trường hợp đường sắt bị sự cố; Phân công Lãnh đạo đến hiện trường để trực tiếp nắm tình hình và chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão số 4.

Đối với Cục Hàng không Việt Nam: Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường công tác bảo đảm an toàn bay, không cho phép tàu bay cất cánh, hạ cánh và hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão; chỉ đạo các cảng hàng không, sân bay nằm trong khu vực bị ảnh hưởng của bão triển khai ngay các biện pháp bảo vệ phương tiện, công trình nhà ga, kho hàng… để hạn chế thiệt hại do bão gây ra. Căn cứ vào tình hình diễn biến của cơn bão để xem xét dừng khai thác tại một số sân bay nằm trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4.

Các Sở Giao thông vận tải: phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, các Cục Quản lý đường bộ và các đơn vị quản lý và sữa chữa đường bộ, đường sắt tập trung lực lượng, vật tư, thiết bị để triển khai khắc phục phục sự cố do mưa bão gây ra; tiến hành phân luồng, đảm bảo giao thông khắc phục hậu quả bước 1 trên các quốc lộ ủy thác và đường địa phương; tổ chức hướng dẫn người và phương tiện qua lại tại các khu vực giao thông bị ngập nước, các bến đò để đảm bảo an toàn; phối hợp điều hành việc vận tải, tăng bo hành khách và hàng hóa… ngay khi lũ rút.

Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị nêu trên tổ chức trực ban 24/24h và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Giao thông vận tải theo số Fax: 024.39421242, ĐT: 024.39410235, Mobile: 0989.642.456 và Email: banpclb@mt.gov.vn.

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ 1/11/2024

Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ 1/11/2024

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai được quy định tại Quyết định 3220 /QĐ-BYT ngày 1/11/2024 của Bộ Y tế.

Danh sách GA HÀNH KHÁCH, GA HÀNG HÓA dự kiến ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO đi qua

Danh sách GA HÀNH KHÁCH, GA HÀNG HÓA dự kiến ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO đi qua

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến đi qua 20 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài khoảng 1.541 km bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.

Từ ngày 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Từ ngày 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Chính sách mới

(Chinhphu.vn) - Giấy phép lái xe hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe ô tô số tự động.

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan; bổ sung quy định liên quan đến tiền lương, cấp bậc hàm, nhà ở xã hội,...

Danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024

Danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách ứng viên chức danh GS, PGS năm 2024 (Xét tại Phiên họp lần thứ II của HĐGSNN nhiệm kỳ 2024-2029, ngày 2-3/11/2024).

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi