TỔNG BÍ THƯ, CHỦ TỊCH NƯỚC TÔ LÂM: Không chỉ với Tuyên Quang mà với cả các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng của bão cần xác định "cứu dân là ưu tiên cao nhất", "sức mạnh lực lượng vũ trang là nòng cốt" để cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ
Chiều 12/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và thăm hỏi, động viên nhân dân vùng lụt, bão tại xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Ngay đầu giờ chiều, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tới thăm hỏi, động viên các lực lượng đang tập trung xử lý mạch sủi và gia cố tuyến đê xung yếu tại xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương. Hiện mực nước sông Lô đang rút dần; hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an và các lực lượng của địa phương đang nỗ lực xử lý sự cố, bảo đảm an toàn cho khu vực.
Tới thăm hỏi người dân đang được sơ tán tới Nhà văn hóa Thôn Phú Thọ 1, xã Trường Sinh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chia sẻ sâu sắc với người dân đang phải chịu ảnh hưởng do bão lũ gây ra, mong muốn người dân tiếp tục đoàn kết hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn. Đảng, Nhà nước sẽ nỗ lực hết sức để sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.
Đối với những vùng còn ngập, hoặc khó tiếp cận với người dân đang bị cô lập, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu lãnh đạo tỉnh và các lực lượng triển khai đồng bộ quyết liệt mọi giải pháp từ phòng ngừa đến cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ; triển khai nhanh nhất các biện pháp để đưa nhu yếu phẩm đến cho người dân và chú trọng bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ.
Theo báo cáo của tỉnh Tuyên Quang tại buổi làm việc cho thấy, do nước lũ dâng cao những ngày gần đây đã làm cho nhiều địa bàn trong tỉnh bị ngập sâu, diện rộng. Đến ngày 11/9 có 101 điểm bị nước ngập sâu bị cô lập.
Đặc biệt thủy điện Thác Bà thuộc tỉnh Yên Bái (giáp ranh với huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang), do lượng nước về hồ lớn hơn lượng nước xả ra, trong khi hồ đã chứa đầy nước đến an toàn để vận hành, vào thời điểm ngày 10/9/2024 đã rơi vào tình huống khẩn cấp.
Thiệt hại do bão lũ gây ra, tại tỉnh Tuyên Quang có 3 người chết, 3.546 nhà bị ảnh hưởng; nhiều trường học, bệnh viên, trụ sở cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh bị ngập. Về nông nghiệp có 4.362 ha lúa, 1.762 ha ngô và rau màu, 598,64 ha cây ăn quả, 612,9 ha cây lâm nghiệp bị thiệt hại, gẫy đổ. Tỉnh Tuyên Quang ước tính thiệt hại về tài sản, bước đầu xác định khoảng trên 500 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chia buồn sâu sắc đến các gia đình có thân nhân mất do bão lũ; gửi lời cảm thông và chia sẻ sâu sắc với những khó khăn, mất mát của nhân dân vùng bị ảnh hưởng của bão lũ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, những ngày vừa qua, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước đã triển khai mạnh mẽ, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra. Bộ Chính trị đã họp, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tập trung thực hiện mọi biện pháp để bảo đảm đạt được 5 mục tiêu: Tập trung cao độ cứu người, tìm kiếm người mất tích, lo hậu sự cho người xấu số; không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa, không để các cháu học sinh thiếu lớp, thiếu trường, không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh; khắc phục các sự cố về điện, nước, viễn thông, sớm khôi phục sản xuất kinh doanh và hoạt động bình thường của đời sống xã hội; thống kê thiệt hại để có giải pháp khắc phục kịp thời; ứng phó hậu quả hoàn lưu bão như lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún…
Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều công điện chỉ đạo, trực tiếp chỉ đạo tại những điểm nóng. Cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang huy động hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ cứu nạn, cứu hộ, giúp dân sơ tán, khắc phục hậu quả, cứu trợ. Nhân dân cả nước triệu trái tim hướng về người dân vùng bão lũ với nhiều hành động thiết thực, rất xúc động. Qua đó đã giảm thiểu, khắc phục nhanh nhất, chia sẻ, hỗ trợ kịp thời nhất, cao nhất đối với những thiệt hại.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm biểu dương, đánh giá cao kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống khắc phục hậu quả bão số 3 của Tỉnh ủy Tuyên Quang và lực lượng quân đội, công an phối hợp với địa phương khắc phục hậu quả mưa bão, qua đó góp phần giảm thiểu thiệt hại trên địa bàn.
Về phương hướng thời gian tới, cơ bản thống nhất với các giải pháp mà Tỉnh ủy Tuyên Quang đề ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, không chỉ với Tuyên Quang mà với cả các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng của bão cần xác định "cứu dân là ưu tiên cao nhất", "sức mạnh lực lượng vũ trang là nòng cốt" để triển khai đồng bộ, quyết liệt mọi biện pháp từ phòng ngừa đến cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị rà soát, xác định ngay những điểm có nguy cơ cao lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá, vỡ đê, ngập úng để di dời người dân đến nơi an toàn; thường xuyên phát hiện, cảnh báo người dân, bố trí lực lượng chốt chặn không để người dân đi lại, ở những nơi có nguy cơ cao; thường xuyên kiểm tra, khắc phục ngay những nguy cơ có thể xảy ra đối với hệ thống đê điều, hồ đập, cầu cống; có kế hoạch phân lũ trong trường hợp khẩn cấp để chủ động di dân.
Đối với những địa bàn bị ảnh hưởng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lưu ý, triển khai nhanh nhất các biện pháp cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm đến tận tay người cần hỗ trợ; lực lượng vũ trang (quân đội, công an) là nòng cốt; sử dụng mọi nguồn lực, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ tìm kiếm người mất tích, người chết; đồng thời phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ người dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu, triển khai lực lượng, biện pháp khôi phục ngay các hoạt động bình thường của đời sống xã hội và sản xuất kinh doanh, vệ sinh môi trường, sửa chữa, khắc phục nhanh hệ thống giao thông, lưới điện, thông tin liên lạc, trường học, bệnh viện, tuyệt đối không để các cháu học sinh thiếu lớp, thiếu trường, không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh; lưu ý phòng, chống dịch bệnh sau lũ; hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay sớm để khôi phục sản xuất.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và toàn xã hội phát huy truyền thống yêu nước, "tương thân tương ái", quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần đối với các gia đình, người dân bị nạn, bị ảnh hưởng do thiên tai gây ra; tổ chức thăm hỏi, động viên, thực hiện kịp thời chính sách đối với các gia đình bị thiệt hại.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu, triển khai các biện pháp bảo vệ tuyệt đối an ninh, trật tự; xử lý kịp thời những đối tượng đưa tin sai sự thật gây hoang mang về tình hình thiên tai, không để xảy ra tình trạng lợi dụng đẩy giá, trục lợi, trộm cắp tài sản.
Về kiến nghị của tỉnh Tuyên Quang, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan liên quan trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và nguồn lực do tổ chức, cá nhân ủng hộ cân đối để hỗ trợ địa phương.
* Nhân dịp này, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trao số tiền 20 tỷ đồng ủng hộ tỉnh Tuyên Quang khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.
THỦ TƯỚNG: 4 mục tiêu và 15 giải pháp cấp bách khắc phục hậu quả mưa lũ tại Lào Cai
Tối 12/9, tại Trụ sở UBND huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương về công tác khắc phục hậu quả thiên tai, ngay sau khi thị sát hiện trường vụ sạt lở làm gần 100 người chết và mất tích tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên.
Theo các báo cáo, ý kiến tại cuộc làm việc, Lào Cai là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do đợt mưa lũ, thiên tai hiện nay. Đây cũng là địa phương thiệt hại nhân mạng nặng nề nhất tới thời điểm hiện nay, với nhiều vụ sạt lở rất nghiêm trọng.
Do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (bão Yagi), từ đêm 7 đến 11/9/2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai xảy ra mưa vừa, mưa to đến rất to trên diện rộng; lũ sông Hồng đêm 9/9 trên báo động 3 từ 3,47-4,19 m, vượt lũ lịch sử; gây ngập sâu trên diện rộng.
Theo báo cáo mới nhất của tỉnh, 6/9 địa bàn cấp huyện có người tử vong; đã có 98 người thiệt mạng, 81 người mất tích, 76 người bị thương.
Trong đó, vụ sạt lở tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên đã khiến gần 100 người thiệt mạng và mất tích; vụ sạt lở tại thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà cũng vùi lấp hoàn toàn 8 ngôi nhà khiến 7 người thiệt mạng và 11 người bị thương, 11 người mất tích; vụ sập nhà điều hành thủy điện Đông Nam Á- Nậm Lúc tại xã Bản Cái, huyện Bắc Hà khiến 5 người mất tích…
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho biết cuộc họp nhằm đánh giá lại đợt thiên tai vừa qua và công tác ứng phó, khắc phục hậu quả trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói chung, huyện Bảo Yên nói riêng.
"Lịch sử Lào Cai chưa bao giờ có trận mưa lũ như lần này", Thủ tướng đánh giá. Điều này thể hiện qua phạm vi mưa lũ rộng, đối tượng nhiều, tính chất phức tạp, diễn ra rất nhanh chóng, đột ngột, kỹ năng, trang thiết bị ứng phó còn thiếu, yếu, phản ứng chưa kịp thời, vẫn còn một bộ phận người dân chủ quan.
Thay mặt Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi lời chia buồn, thăm hỏi sâu sắc nhất tới các gia đình có người thân bị thiệt mạng, mất tích; đồng thời hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Lào Cai đã nỗ lực, quyết tâm, vận dụng hết khả năng, "gồng mình" ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Đặc biệt, Thủ tướng biểu dương lực lượng quân đội, công an đã sẵn sàng, triển khai lực lượng từ sớm, từ xa, bám sát địa bàn, sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Ngoài thiệt hại về vật chất, Thủ tướng cho rằng tổn thương về tinh thần, tâm lý của một bộ phận người dân cũng rất nặng nề, cần được động viên, chia sẻ và có giải pháp.
Về thiệt hại vật chất, hiện chưa thống kê được đầy đủ nhưng ước tính sơ bộ lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Đến ngày 12/9 còn 53/152 xã mất điện, dự kiến đến hết ngày 16/9 sẽ khắc phục tạm thời, cấp điện trở lại cho 100% các xã. Hiện vẫn còn 3 xã bị cô lập hoàn toàn, 35 xã chưa thể tiếp cận bằng ô tô.
Tỉnh đã di dời khẩn cấp hơn 2.200 hộ dân với hơn 9.500 người dân ở các khu vực nguy hiểm tới nơi an toàn. Đến nay, tỉnh đã cấp 24 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách của tỉnh để khắc phục hậu quả thiên tai. Tổng kinh phí từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ là trên 4,6 tỷ đồng.
Thủ tướng nhấn mạnh 4 mục tiêu: Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, thiếu nước sạch; nhanh chóng ổn định tình hình cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội; khôi phục sản xuất, kinh doanh cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân.
Về nhiệm vụ tổng quát, Thủ tướng yêu cầu tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thực hiện thật tốt các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để khắc phục hậu quả mưa lũ thật hiệu quả, tự tin, tự lực, tự cường, phấn đấu bằng mọi khả năng của mình, với tinh thần đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết.
Chỉ rõ 15 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với các địa phương nói chung và Lào Cai nói riêng, Thủ tướng yêu cầu trước hết cần tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, bị bệnh, lo hậu sự và chính sách cho người thiệt mạng.
Thứ hai, đánh giá, quy hoạch, di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm với giải pháp tổng thể cho toàn tỉnh Lào Cai. Riêng với thôn Làng Nủ, cần khẩn trương tìm địa điểm an toàn để chậm nhất 31/12/2024 phải hoàn thành việc xây dựng lại thôn này, đáp ứng mong mỏi của người dân, nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ.
Thứ ba, tìm mọi cách, bằng mọi phương tiện để tiếp cận những nơi bị chia cắt, trên cơ sở đổi mới tư duy, không tiếp cận theo cách suy nghĩ lối mòn; từ đó tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước sạch, nhu yếu phẩm cho người dân.
Cùng với đó, dọn dẹp, bảo đảm vệ sinh môi trường; khôi phục hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông; tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; sửa chữa các trường lớp, nơi nào ổn định phải cho học sinh trở lại trường ngay; sửa chữa cơ sở y tế để khám chữa bệnh cho người dân; rà soát thiệt hại, phân tích nguyên nhân, đề ra nhiệm vụ, giải pháp khắc phục.
Giao một số nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành trong hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương, trong đó có Lào Cai, Thủ tướng yêu cầu lực lượng quân đội, công an có thể điều động thêm người, tích cực tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ địa phương nhanh chóng ổn định tình hình.
Về khôi phục hệ thống giao thông bị hư hại, ảnh hưởng, Bộ Giao thông vận tải lo đường lớn, tỉnh lo tỉnh lộ, huyện lo huyện lộ, xã lo xã lộ.
Bộ Công Thương bảo đảm nguồn cung xăng dầu và các loại hàng hóa, bảo đảm không găm hàng, đội giá, làm giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tính toán lại số thiệt hại về lúa, hoa màu, nhanh chóng hướng dẫn bà con khôi phục canh tác, nuôi trồng thuỷ sản, vật nuôi.
Thủ tướng cũng yêu cầu kêu gọi, phát huy tinh thần tương thân, tương ái của người dân, lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn; phân bổ nguồn ủng hộ một cách phù hợp, tránh tiêu cực, thất thoát.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, thúc đẩy tinh thần tự lực, tự cường và tăng cường thông tin hướng dẫn kỹ năng ứng phó thiên tai, mưa lũ và thực hiện nghiêm chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền. Tiến hành công tác tổng kết, làm tốt việc thi đua, khen thưởng những người làm tốt, xử lý những cán nhân, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ.
Cho ý kiến xử lý các kiến nghị của Lào Cai, Thủ tướng tin tưởng Lào Cai sẽ vượt qua được khó khăn này và hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm 2024 với kết quả năm 2023, chuẩn bị tốt việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp trong năm 2025, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
THỦ TƯỚNG: Chậm nhất 31/12 tới phải hoàn thành xây dựng lại bản Làng Nủ
Chiều 12/9, ngay sau khi kết thúc chương trình làm việc tại Yên Bái, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Lào Cai để thị sát tình hình, thăm hỏi đời sống người dân, kiểm tra, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ ứng phó mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân.
Gặp thân nhân các gia đình tại hiện trường vụ sạt lở tại bản Làng Nủ, Thủ tướng bày tỏ sự chia sẻ sâu sắc nhất với nỗi đau của các gia đình. Ông nêu rõ các lực lượng chức năng đang tập trung, nỗ lực cao nhất để tìm kiếm các nạn nhân trong vụ lũ quét tại đây.
Nói với Thủ tướng, một người dân cho biết, sau trận lũ quét đã được chính quyền địa phương lo hậu sự, thức ăn, quần áo đầy đủ. Nhưng hiện giờ nhiều gia đình không còn gì nữa, mong Nhà nước giúp đỡ về đất đai, nhà cửa ở nơi an toàn.
Báo cáo trong cuộc làm việc nhanh sau đó tại nhà văn hóa thôn Làng Nủ - ngay cạnh hiện trường vụ sạt lở, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cho hay khu vực sạt lở, có 37 hộ/158 nhân khẩu. Trong 158 nhân khẩu có 84 nam và 74 nữ; dưới 16 tuổi là 18 người; trên 16 tuổi 14 người.
Trong đó, có 2 hộ mất hết cả gia đình là 1 hộ 4 người và 1 hộ 2 người. Tổng số 95 người thiệt mạng, mất tích và thời điểm Thủ tướng vào, đã tìm kiếm thêm được 1 nạn nhân nam. Đến nay còn 51 người mất tích.
Hiện công tác tìm kiếm đang được tích cực triển khai. Đến nay có 17 người bị thương, trong đó có 5 người chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai, 3 trường hợp chuyển lên bệnh viện Việt Đức. Có một số trường hợp tiên lượng rất nặng.
Với 95 người thiệt mạng, mất tích, Chủ tịch tỉnh Lào Cai nhận định đây là vụ việc rất khủng khiếp, chưa bao giờ xảy ra. Lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai cho biết thêm cùng với sự phối hợp của các bộ, ngành, Quân khu 2 đã huy động lực lượng lớn tham gia tìm kiếm, cứu hộ.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng thay mặt Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi lời chia sẻ, thăm hỏi với nhân dân vùng bão lũ, đồng thời, gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới những gia đình, người thân có người tử vong, mất tích trong trận lũ lụt, trôi mất gần như cả bản này.
Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp và các bộ, cơ quan, lực lượng liên quan tập trung 7 nhiệm vụ trọng tâm trong khắc phục hậu quả vụ sạt lở, ổn định đời sống nhân dân.
Theo đó, tìm kiếm người mất tích; cứu chữa, chăm sóc y tế những người bị thương, bị bệnh; dọn dẹp vệ sinh, môi trường, phòng chống dịch bệnh; khôi phục lại giao thông với tinh thần Trung ương lo đường lớn, tỉnh lo tỉnh lộ, huyện lo huyện lộ, xã lo xã lộ; nhanh chóng khôi phục trường lớp để các cháu trở lại trường sớm nhất có thể; khôi phục sản xuất kinh doanh, việc làm sinh kế cho người dân, nắm chắc tình hình, những khó khăn của người dân để giải quyết.
Thủ tướng cũng yêu cầu khảo sát, quy hoạch địa điểm an toàn với sự tham gia ý kiến khoa học của các cơ quan chuyên môn, để xây dựng lại, khôi phục bản Làng Nủ, bảo đảm các hộ dân có nơi ở an toàn với hạ tầng phù hợp, chậm nhất 31/12/2024 phải hoàn thành, tỉnh Lào Cai chủ trì triển khai, nếu thiếu gì thì báo cáo Chính phủ; vận dụng cơ chế trong trường hợp đặc biệt để xử lý các vấn đề liên quan, như huy động lực lượng công binh xây dựng lại bản làng.
"Đến ngày 31/12, tất cả người còn sống, các hộ dân phải có chỗ ở, nơi sinh sống ổn định, có điện nước, nơi vui chơi, cây xanh... đảm bảo môi trường sống an toàn, lành mạnh. Không để ai bị đói, rét, thiếu ăn thiếu mặc, thiếu chỗ ở, thiếu nước sạch", Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cảm ơn bà con đã chấp hành nghiêm túc các chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp; cảm ơn các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã tích cực triển khai nhiệm vụ; các cơ quan báo chí – truyền thông đã tích cực thông tin về thiên tai và hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó thiên tai; đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị tích cực tham gia chăm lo đời sống cho người dân trong khu vực này.
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: Phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, chủ động, tích cực, khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ
Trưa 12/9, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã thăm, động viên và kiểm tra tình hình và chỉ đạo khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ với những thiệt hại về người và tài sản do cơn bão số 3 và mưa lũ gây ra cho tỉnh Thái Nguyên; đề nghị Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thái Nguyên tiếp tục quán triệt, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương.
Trong đó, tiếp tục tập trung cao độ, huy động cả hệ thống chính trị để khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, hạn chế đến mức tối đa thiệt hại về người và tài sản.
Kịp thời tổ chức cứu trợ người dân khu vực ngập sâu, tổ chức tốt các điểm di dân, cứu trợ, bảo đảm không có người bị đói, không có chỗ ngủ, không có nơi tránh trú an toàn, nhất là người già, trẻ em, các đối tượng yếu thế, không nơi nương tựa.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau khi nước rút, bảo đảm người dân sớm ổn định cuộc sống; thăm hỏi động viên gia đình người bị nạn, người bị thiệt mạng.
Đồng thời, nhanh chóng khắc phục thiệt hại bảo đảm cấp điện, kết nối thông tin liên lạc; khắc phục các đoạn đường sạt lở, sụt lún; kiểm tra lại hệ thống cầu đường trên địa bàn, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân; có cảnh báo vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở, lũ lụt, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra tình huống bất ngờ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục sớm khắc phục các điểm trường ngập lụt, bảo đảm 100% các cháu ở các cấp học, từ mẫu giáo đến các cấp học đều được đến trường, sớm ổn định việc dạy và học ngay trong những ngày đầu tiên của năm học mới, quan tâm đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, động viên, hỗ trợ để các em sớm trở lại trường học.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cấp, ngành, chính quyền của tỉnh tổ chức ứng trực 24/24 giờ để nắm bắt tình hình để có biện pháp ứng phó kịp thời, không chủ quan, lơ là. Bên cạnh các nhiệm vụ đươc phân công, các cấp, các ngành, các lực lượng phải chủ động bám sát để thực hiện, không chờ đợi sự chỉ đạo, hỗ trợ.
Quán triệt sâu sắc quan điểm đặt tính mạng, an toàn về người lên cao nhất, tiếp tục duy trì công tác dự báo, truyền thông, cập nhật tình hình nhanh đến Nhân dân; chú ý thông tin hướng dẫn kỹ năng ứng phó thiên tai.
Tuyên truyền, vận động người dân tuyệt đối lắng nghe chỉ đạo, thông báo của chính quyền địa phương; phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, tham gia ủng hộ, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn; phản bác lại các luận điệu xuyên tạc, chống phá Nhà nước. Tiếp tục thống kê, đánh giá chính xác, cụ thể các thiệt hại nhằm có biện pháp khắc phục kịp thời, đồng thời. Tỉnh cần cân đối nguồn dự phòng, phòng chống thiên tai của địa phương tập trung hỗ trợ khắc phục những vấn đề cấp bách, cấp thiết.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng, sơ bộ thiệt hại tính đến 13h ngày 12/9, trên địa bàn Thái Nguyên đã có 4 người chết, thiệt hại về tài sản ước khoảng hơn 608 tỷ đồng.
Về nhà ở, Thái Nguyên đã phải di dời khẩn cấp trên 50 nghìn hộ dân; về giáo dục có 61 điểm trường bị ảnh hưởng; về nông nghiệp là gần 10 nghìn ha; về chăn nuôi có hơn 292 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết;...
Hiện nay do tình hình thiên tai, ngập lụt còn diễn biến phức tạp, nước dâng cao nên các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại.
Trong những ngày qua, các cơ quan thông tấn báo chí đã đưa tin về việc có rất nhiều đoàn cứu trợ, hoạt động thiện nguyện hỗ trợ bà con vùng bị ảnh hưởng của cơn bão và mưa lũ. Biểu dương và đánh giá cao những hoạt động thiện nguyện này, song Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong quá trình hỗ trợ bà con nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão và mưa lũ không để xảy ra bất cứ tiêu cực nào.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, sự chung tay đồng lòng của MTTQ, các ban, ngành... và sự đoàn kết, tinh thần tự lực tự cường của mọi tổ chức, cá nhân, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng tỉnh Thái Nguyên sẽ sớm khắc phục các hậu quả thiên tai; nhanh chóng giúp đỡ người dân sớm vượt qua khó khăn, đưa mọi hoạt động trở lại bình thường, ổn định an ninh, trật tự và kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao 30 tỷ đồng của Ban Cứu trợ Trung ương cho tỉnh Thái Nguyên để hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa lũ xảy ra trên địa bàn.
PHÓ THỦ TƯỚNG TRẦN HỒNG HÀ kiểm tra phương án thoát lũ sông Hoàng Long (Ninh Bình)
Chiều muộn 12/8, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đoàn công tác đã kiểm tra phương án thoát lũ sông Hoàng Long.
Hiện nay, mực nước lũ trên sông Hoàng Long và sông Đáy đang xuống chậm. Tỉnh Ninh Bình tổ chức trực ban 24/24 giờ theo dõi chặt chẽ các dự báo về mưa lũ tiếp theo để sẵn sàng ứng phó theo các kịnh bản đã được phê duyệt trong công tác vận hành các công trình phân lũ, chậm lũ, nhằm đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.
Lúc 18h ngày 12/9, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Để là 4,92 m (trên BĐ3: 0,92 m), tại Gián Khẩu 4,49m (trên BĐ3: 0,79m); sông Đáy tại Ninh Bình 4,19 m (trên BĐ3: 0,69 m), trên mức đinh lũ lịch sử năm 2017: 0,25 m.
Dự báo, trong 12-24 giờ tới, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, Gián Khẩu tiếp tục biến đổi chậm: Tại Bến Đế khả năng ở mức 5-5,2 m (trên BĐ3 từ 1-1,2 m); tại Gián Khẩu lên mức 4,5-4,7 m (trên BĐ3 từ 0,8-1 m). Trên sông Đáy tại Ninh Binh tiếp tục biến đổi chậm mức 4,2-4,4 m (trên BĐ3 từ 0,7-0,9 m).
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Ninh Bình theo dõi chặt chẽ dự báo khí tượng thuỷ văn, lưu lượng xả nước của các hồ thuỷ điện, diễn biến mực nước trên sông Hoàng Long, kịp thời triển khai các biện pháp đã chuẩn bị, sẵn sàng về lực lượng, vật tư, trang thiết bị.
Mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn sức khoẻ, tính mạng và tài sản của người dân.
Dự kiến, nếu trời hết mưa, mực nước sông Hoàng Long xuống, tỉnh Ninh Bình khẩn trương khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường nhằm phòng chống dịch bệnh.
Trong trường hợp, mực nước sông Hoàng Long tiếp tục lên vượt mức +5,3 m tại Bến Đế, tỉnh Ninh Bình đã chuẩn bị các phương án phân lũ chi tiết, "nước đến đâu có phương án đến đấy", trong đó kịch bản nghiêm trọng nhất sẽ có khoảnh 60.000 người dân, tại 12 xã của 2 huyện Nho Quan, Gia Viễn bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, tỉnh Ninh Bình sẽ căn cứ tình hình thực tiễn và khả năng chống chịu của các tuyến đê tả, hữu sông Hoàng Long để có quyết định, giải pháp phù hợp, đảm bảo giảm tối đa thiệt hại.
PHÓ THỦ TƯỚNG TRẦN HỒNG HÀ: Nam Định tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ người dân, giải quyết các vấn đề khắc phục sau ngập lụt
Chiều 12/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3 và tình trạng ngập lụt tại tỉnh Nam Định.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm với tinh thần 4 tại chỗ trong phòng, chống bão số 3 và khắc phục hậu quả ngập lụt sau bão của cấp uỷ, chính quyền tỉnh Nam Định, các lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ, thanh niên xung kích... và đặc biệt là người dân đã tuân thủ các hướng dẫn, biện pháp phòng chống bão, lụt, luôn giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn.
Đến sáng mai, theo dự báo mực nước sẽ giảm chậm, tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ưu tiên cao nhất bảo vệ con người và tài sản của dân, ưu tiên chống lũ và bảo vệ đê, nên mục tiêu hồ đập lớn được điều tiết để xả ít nhất, để tối đa chống lũ, bảo đảm an toàn đê điều, ngăn ngừa nguy cơ sạt lở và giảm thiểu thiệt hại sản xuất nông nghiệp. Thủ tướng đã chỉ đạo điều tiết công suất của Nhà máy thuỷ điện Hòa Bình để ưu tiên giảm lũ cho hệ thống sông Hồng với lưu lượng xả giảm còn 1.200 m3/s
Phó Thủ tướng mong muốn người dân nhanh chóng vượt qua khó khăn do thiên tai, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, hướng dẫn của cấp uỷ, chính quyền địa phương, sớm trở lại cuộc sống sinh hoạt, sản xuất thường ngày - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết, tỉnh Nam Định đã sơ tán hơn 15.000 người ra khỏi vùng ngập sâu, bị chia cắt, cô lập.
Trong đó, xã Mỹ Tân sơ tán 8.000 người, huyện Ý Yên gần 4.200 người, huyện Trực Ninh khoảng 1.500 người.
Nam Định quán triệt tinh thần phát hiện dấu hiệu nước dâng nguy hiểm đến người dân sẽ xử lý triệt để ngay từ cơ sở. Trường hợp cần thiết sẽ tăng cường lực lượng từ tỉnh xuống địa bàn các xã để hỗ trợ, xử lý.
Lực lượng xung kích chính là lực lượng quốc phòng, công an, biên phòng, các lực lựng có hiệp đồng tác chiến.
Đến thời điểm này, tính mạng con người được đảm bảo an toàn tuyệt đối, những tài sản lớn hầu như không bị ảnh hưởng.
Ghi nhận sự chủ động của Nam Định trong công tác chống lũ, Phó Thủ tướng đề nghị, Nam Định tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ người dân. Chính quyền cùng người dân để giải quyết các vấn đề khắc phục sau ngập lụt, như vấn đề nước uống, dọn dẹp vệ sinh môi trường, dịch bệnh…
Bộ Y tế nắm bắt tình hình nguy cơ dịch bệnh, đảm bảo phòng chống chủ động sau khi nước lũ rút đi. Bộ TN&MT bảo đảm vật tư, hoá chất xử lý ô nhiễm môi trường.
Bộ NN&PTNT hướng dẫn địa phương họ trợ người dân chuẩn bị giống hoa màu, phân bón... để người dân nhanh chóng quay trở lại sản xuất, chuẩn bị cho dịp cuối năm.
Phó Thủ tướng lưu ý, mặc dù 5 tuyến đê biển của Nam Định vẫn an toàn, nhưng cần phải rút ra những bài học kinh nghiệm, xác định nhiệm vụ cụ thể, bao gồm cả đầu tư hạ tầng thiết yếu nhằm chủ động hơn nữa với thiên tai, bão lũ trong thời gian tới; báo cáo Trung ương những vấn đề vượt khả năng của tỉnh.
Phó Thủ tướng và đoàn công tác cũng đã tới thăm, động viên người dân, các cháu học sinh đang sơ tán tại Trường Tiểu học và THCS Mỹ Tân (xã Mỹ Tân).
Hiện nay, có khoảng hơn 250 cháu học sinh có nhà bị ngập lụt được các thầy, cô giáo bố trí học, ăn, ở tại chỗ.
Phó Thủ tướng mong muốn người dân nhanh chóng vượt qua khó khăn do thiên tai, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, hướng dẫn của cấp uỷ, chính quyền địa phương, sớm trở lại cuộc sống sinh hoạt, sản xuất thường ngày.
THỦ TƯỚNG: Vận hành điều tiết hồ chứa một cách chủ động, khoa học, linh hoạt linh để cắt, giảm, làm chậm lũ về hạ du
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện 94/CĐ-TTg ngày 12/9/2024 về việc tăng cường công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện ở các tỉnh phía Bắc nhằm đảm bảo an toàn các hệ thống đê và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do ngập, lụt tại vùng hạ du.
Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Ninh Bình; Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Để góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất ảnh hưởng của mưa, lũ, ngập lụt đến cuộc sống, sản xuất cho người dân vùng hạ du và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình hồ chứa thủy điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh nêu trên chỉ đạo các chủ sở hữu, đơn vị quản lý vận hành hồ chứa thủy điện:
Thực hiện quan trắc, thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình, diễn biến mưa, lũ trên lưu vực; tập trung vận hành điều tiết hồ chứa (nhất là đối với hệ thống hồ chứa thủy điện trên sông Đà, trong đó có hồ chứa thủy điện Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình) một cách chủ động, khoa học, linh hoạt để cắt, giảm, làm chậm lũ về hạ du (trong đó có lũ trên sông Hoàng Long tại Ninh Bình), đồng thời đảm bảo an toàn cho công trình và tuân thủ nghiêm Quy trình vận hành liên hồ chứa.
Trong quá trình vận hành thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng của địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương để kịp thời chỉ đạo trong các trường hợp khẩn cấp;
Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương khu vực hạ du đập, các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm việc thông báo, cảnh báo đến người dân vùng hạ du về diễn biến lũ, việc vận hành điều tiết lũ để người dân biết chủ động phòng, tránh đảm bảo an toàn.
Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc công điện này.
Hỗ trợ tỉnh Cao Bằng 50 tỷ đồng và 50 tấn gạo khắc phục thiệt hại do bão số 3
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định 966/QĐ-TTg ngày 12/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 cho tỉnh Cao Bằng.
Cụ thể, hỗ trợ 50 tỷ đồng cho tỉnh Cao Bằng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 để khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và ổn định đời sống người dân.
Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 50 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Cao Bằng để hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Hỗ trợ 20 tấn gạo cho người dân vùng lũ Hưng Yên
Tiếp theo Hà Nam, Hưng Yên là địa phương thứ 2 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tới thị sát tình hình mưa lũ, kiểm tra thiệt hại về nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và công tác phòng, chống lũ lụt tại các xã trên địa bàn tỉnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đi cano dọc tuyến sông Hồng thuộc địa bàn Hưng Yên để thị sát tình hình mưa lũ, kiểm tra thiệt hại về nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và công tác phòng, chống lũ lụt tại các xã trên địa bàn tỉnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là các lực lượng chức năng như quân đội, công an của Hưng Yên… đã rất nỗ lực và quyết liệt, trách nhiệm trong công tác phòng, chống cơn bão số 3 vừa qua cũng như công tác ứng phó với lũ lụt hiện nay.
Trong thời gian ngắn, Hưng Yên đã di chuyển và sơ tán được số lượng lớn hộ dân ở ngoài đê đến nơi an toàn; ý thức của người dân rất tốt, chấp hành nghiêm các các chỉ đạo của chính quyền.
Người dân được di dời đến nơi an toàn được chính quyền chăm lo, bảo đảm các điều kiện về chỗ ở, ăn uống, sinh hoạt trong những ngày chống lũ.
Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các cấp chính quyền của Hưng Yên thường xuyên bám sát tình hình mưa lũ; dân cư sinh sống ở những vùng có nguy cơ cao, không an toàn phải kiên quyết trong công tác di dời người dân tới vùng an toàn.
Cùng với công tác ứng phó hiệu quả với lũ lụt hiện nay, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân, giảm thiểu thấp nhất hậu quả do mưa lũ gây ra, Phó Thủ tướng Thường trực cũng lưu ý sau khi nước rút, lãnh đạo, chính quyền các cấp của Hưng Yên cần đặc biệt quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; có sự hỗ trợ cần thiết đối với người dân, nhất là người yếu thế để sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt sau lũ.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã thăm hỏi, tặng quà cho người dân vùng lũ của tỉnh Hưng Yên; tặng xã Hùng Cường và xã Phú Cường (thuộc TP. Hưng Yên) là 2 trong số các xã bị thiệt hại nặng nề nhất của mưa lũ, mỗi xã 10 tấn gạo để hỗ trợ người dân.
Theo báo cáo tỉnh Hưng Yên, đợt lũ lụt lần này, Hưng Yên có hơn 7.000 hộ dân với khoảng 30.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng, trong đó chính quyền các cấp của Hưng Yên đã di dời 3.000 người dân ở những vùng nguy hiểm đến nơi ở an toàn. Hiện nay, mực nước sông Hồng trên địa bàn Hưng Yên vẫn ở mức trên báo động III là 0,6m./.
Thủ tướng chỉ đạo hỗ trợ ngay Yên Bái 50 tỷ, yêu cầu Quân đội, Công an điều thêm người hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả thiên tai
Trưa 12/9, tại Yên Bái, sau khi kiểm tra tình hình thực tế, thăm hỏi, động viên người dân và các lực lượng đang làm nhiệm vụ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về ứng phó mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định tình hình, đời sống người dân và khôi phục sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết chuyển lời thăm hỏi, chia buồn của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới gia đình, cơ quan, đơn vị và địa phương có thiệt hại, mất mát về người, tài sản do mưa bão, lũ lụt, gây ra.
Thủ tướng biểu dương Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Yên Bái đã chủ động, nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương về phòng chống, khắc phục hậu quả mưa bão, thiên tai; biểu dương các lực lượng chức năng đã tích cực hỗ trợ địa phương, đặc biệt là di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm.
Đặc biệt, Thủ tướng biểu dương Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cấp ủy, chính quyền các cấp, người dân của Yên Bái và các cơ quan, lực lượng, địa phương liên quan đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các biện pháp khẩn cấp bảo đảm an toàn cho hồ thủy điện Thác Bà. Đến nay, chúng ta đã không phải sử dụng tới phương án cho tình huống xấu nhất.
Thực hiện các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo; đình hoãn, tạm dừng các cuộc họp, hội nghị không thật sự cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tập trung ứng phó với bão, lũ.
Cùng với việc phân bổ, sử dụng hiệu quả 20 tỷ đồng hỗ trợ tạm thời của Chính phủ, tỉnh Yên Bái đã chủ động bố trí trên 46 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để hỗ trợ khẩn cấp cho các lực lượng và nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Tổng số lực lượng được huy động tham gia khắc phục hậu quả thiên tai là trên 100.000 người (gồm lực lượng quân đội, công an, dân quân, thanh niên, phụ nữ và các lực lượng tình nguyện khác).
Thời gian tới, với tinh thần "đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết", mục tiêu "không để ai bị đói, bị rét, bị khát, không có chỗ ở", Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục tập trung lực lượng cứu hộ, cứu nạn tìm kiếm người mất tích, cứu chữa những người bị thương, chăm lo cho người ốm, tiếp tế cho những nơi bị chia cắt, phòng chống sạt lở với tinh thần cảnh giác cao độ, thực hiện chu đáo các chính sách với những người thiệt mạng.
Cùng với đó, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đưa những người đi sơ tán trở về nhà khi an toàn, lo nơi ở mới an toàn cho những người mất nơi ở; tập trung, triển khai ngay việc dọn dẹp, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; bảo đảm lương thực, thực phẩm, nước sạch, quần áo, thuốc men cho nhân dân.
Về thiệt hại, toàn tỉnh có 2.700 điểm sạt lở đất tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố; trong đó, riêng TP. Yên Bái có gần 1.000 điểm. Đặc biệt, đã xảy ra sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng tại xã Tân Phượng, huyện Lục Yên gây chết 9 người. Đến nay, đã có 40 người chết, 4 người mất tích, 23 người bị thương.
Bão cũng gây thiệt hại lớn về nhà ở, nông nghiệp, hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng y tế, giáo dục, điện, nước, thông tin liên lạc.
Thủ tướng yêu cầu rà soát thống kê thiệt hại tài sản để có phương án khắc phục; sửa chữa các trường học, bệnh viện để các cháu sớm được trở lại trường, người bệnh được chăm sóc; khắc phục ngay các thiệt hại, sự cố về điện, nước, viễn thông, các khu công nghiệp, sinh kế, sản xuất, kinh doanh.
Về giao thông, Bộ Giao thông vận tải lo khôi phục các tuyến quốc lộ lớn, những tuyến đi qua địa bàn thì Yên Bái lo, đường đi qua huyện nào thì huyện đó lo, đi qua xã nào thì xã đó lo.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với quan điểm "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội.
Thủ tướng cũng biểu dương các cách làm sáng tạo như dùng UAV tiếp tế nhu yếu phẩm; cảm ơn người dân đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái, nhân văn, hỗ trợ lẫn nhau, ngoài mỳ tôm, bánh mì… còn tổ chức gói bánh chưng, giò…, đưa thuyền bè ủng hộ đồng bào vùng thiên tai.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành trong hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương, Thủ tướng yêu cầu lực lượng Quân đội, Công an có thể điều động thêm người từ nơi khác, tích cực tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ địa phương nhanh chóng ổn định tình hình.
Bộ Y tế lo vệ sinh môi trường, hướng dẫn, cung cấp sinh phẩm, vật tư y tế phòng chống dịch.
Bộ Giáo dục và Đào tạo lo cùng địa phương sửa chữa trường học, không để học sinh thiếu sách giáo khoa, đồ dùng học tập.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tính toán lại số thiệt hại về lúa, hoa màu, nhanh chóng hướng dẫn bà con khôi phục canh tác, nuôi trồng thuỷ sản, vật nuôi.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng nghiên cứu giãn, hoãn, khoanh nợ, đảo nợ, hỗ trợ lãi suất và tiếp tục cho người dân vay để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ngành Bảo hiểm phải chi trả bảo hiểm nhanh chóng cho người dân, doanh nghiệp; ngành tài chính nghiên cứu các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chăm lo bao đảm an sinh xã hội; Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm, hướng dẫn bảo đảm môi trường, chống sạt lở.
Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng với lực lượng vũ trang tích cực tham gia dọn dẹp, vệ sinh môi trường, nhanh chóng ổn định tình hình, kêu gọi việc hỗ trợ người dân.c
Thủ tướng cho biết trong ngày hôm nay sẽ phân bổ 50 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương hỗ trợ tỉnh Yên Bái.
PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC NGUYỄN HÒA BÌNH: Hà Nam cần tiếp tục gia cố các điểm đê xung yếu
Sáng nay (12/9), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đi thị sát, kiểm tra công tác phòng, chống lũ tại Hà Nam.
Sau khi đi thị sát và kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ biểu dương sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng công an, quân đội trên địa bàn tỉnh; đánh giá cao ý thức của người dân trong chấp hành lệnh của chính quyền cũng như phối hợp tốt với chính quyền trong công tác phòng, chống bão lụt.
Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ, Hà Nam tuy không có thiệt hại về người và hiện lũ ở thượng nguồn cũng đã giảm, song không vì thế mà chủ quan.
Vì thế, Hà Nam cần tiếp tục gia cố các điểm đê xung yếu; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, làm tốt công tác phòng ngừa, không để xảy ra sự cố nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản của người dân do bão lụt.
Thường xuyên bám sát tình hình mưa lũ, thực hiện tốt các giải pháp di dời dân đến vùng an toàn trên tinh thần kiên quyết; có biện pháp hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của mưa lũ; căn cứ tình hình chỉ đạo các nhà trường cho học sinh vùng ngập sâu nghỉ học đến khi nước rút; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân, nhất là người yếu thế, người già, trẻ nhỏ.
Tập trung phương tiện, vật tư, nhân lực để khắc phục hậu quả do mưa, lũ trên các tuyến quốc lộ
Bộ GTVT tiếp tục có công điện gửi các cơ quan, đơn vị ngành GTVT và Sở GTVT các địa phương về việc khẩn trương khắc phục hậu quả của bão số 3 và mưa, lũ sau bão.
Trong đó, tăng cường thành lập các tổ công tác (có thể huy động các chuyên gia có kinh nghiệm) và trực tiếp đến các địa phương, khu vực bị ảnh hưởng đế phối hợp chỉ đạo tại hiện trường công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do bão, mưa, lũ gây ra.
Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nắm bắt chặt chẽ tình hình thực tế, nâng cao tính dự báo để kịp thời có những giải pháp ứng phó hiệu quả nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, với mục tiêu "tính mạng con người là trên hết".
Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ VN khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, rà soát các cầu bắc qua sông đang bị ảnh hưởng của mưa, lũ, đặc biệt là cầu yếu, cầu đã xây dựng lâu năm, các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sụt lở đất, lũ quét trên các quốc lộ để có phương án xử lý và phân luồng giao thông từ xa nhằm đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), an toàn công trình.
Chỉ đạo các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ tập trung phương tiện, vật tư, thiết bị và nhân lực để triển khai các phương án đảm bảo ATGT và khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra trên các tuyến quốc lộ trong thời gian nhanh nhất, đặc biệt là các trục giao thông chính.
Quá trình triển khai khắc phục hậu quả mưa, lũ và đảm bảo giao thông phải chú ý bảo đảm an toàn cho người, thiết bị thi công, các hạng mục công trình.
PHÓ THỦ TƯỚNG BÙI THANH SƠN: Khắc phục hậu quả mưa lũ với phương châm "nước rút đến đâu xử lý đến đó"
Chiều 11/9, ngay sau khi làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trực tiếp kiểm tra, thị sát và chỉ đạo công tác ứng phó lũ lụt; thăm và tặng quà các gia đình bị thiệt hại do bão số 3 gây ra, tặng quà lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ tại các huyện Tràng Định, Văn Lãng thuộc tỉnh Lạng Sơn.
Theo báo cáo của UBND huyện Văn Lãng, toàn huyện chưa ghi nhận có thiệt hại về người.
Tổng số nhà ở bị ảnh hưởng là 1.016 ngôi nhà, trong đó, 130 nhà bị tốc mái; 103 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất sau nhà; 783 nhà bị ngập úng.
Kiểm tra công tác ứng cứu, di dời người dân tại huyện Văn Lãng, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn lưu ý tình hình mưa bão vẫn diễn biến rất phức tạp. Các cấp lãnh đạo tỉnh, huyện cần tiếp tục bám sát diễn biến thực tế trên địa bàn để kịp thời chỉ đạo triển khai ứng phó, nhất là nhiệm vụ di dời người dân, tài sản ra khỏi các khu vực bị sạt lở, ngập lụt và có nguy cơ nguy hiểm.
Trên cơ sở đó, tiếp tục triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, thiệt hại và ổn định sinh hoạt, đời sống.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh UBND tỉnh phải tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi các vị trí ngập úng, sẵn sàng huy động các lực lượng thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả mưa lũ với phương châm "nước rút đến đâu xử lý đến đó".
Đồng thời, phát huy tinh thần quyết tâm, quyết liệt trong xử lý các sự cố, bảo đảm cấp điện, nước sinh hoạt cho nhân dân sau bão.
Lãnh đạo huyện Tràng Định cho biết, tính đến 17h ngày 10/9, huyện Tràng Định không có thiệt hại về người; 2.607 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó có 46 ngôi nhà bị sạt lở và 3 nhà bị sập hoàn toàn, 148 nhà bị tốc mái; ngập 2.409 nhà dân; 23 nhà có nguy cơ bị sạt lở; ngập khoảng 650 ha cây cối và hoa màu; thiệt hại 81,4 ha cây lâm nghiệp.
Tổng thiệt hại ước tính khoảng trên 300 tỷ đồng.
Tại huyện Tràng Định, Phó Thủ tướng yêu cầu chính quyền tỉnh Lạng Sơn và huyện Tràng Định tiếp tục khẩn trương rà soát các gia đình trong các khu vực ngập lụt, không để người dân nào thiếu lương thực, nước uống.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần phải phối hợp với các cơ quan liên quan, chỉ đạo đơn vị điện lực, viễn thông trên địa bàn kịp thời khắc phục các sự cố, nhanh chóng khôi phục thông tin liên lạc và cấp điện cho nhân dân./.
Thủ tướng chỉ đạo tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều, nhất là hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 93/CĐ-TTg ngày 11/9/2024 về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình.
Công điện gửi Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh; Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng.
Công điện nêu rõ:
Những ngày qua, tại Bắc Bộ đã liên tiếp xảy ra mưa rất lớn trên diện rộng, lũ một số nơi ở thượng nguồn đã vượt mức lũ lịch sử, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đã xảy ra ở nhiều địa phương gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Các hồ chứa đã được vận hành phù hợp góp phần cắt giảm lũ ở hạ du nhưng lũ trên nhiều các tuyến sông ở Bắc Bộ vẫn lên mức báo động 2 đến báo động 3, một số nơi vượt báo động 3, gây ngập lụt nghiêm trọng vùng ven sông, đe dọa an toàn đối với đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
Theo dự báo, lũ hạ du hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình còn tiếp tục lên, duy trì ở mức cao trong nhiều ngày, trong bối cảnh nhiều năm qua hệ thống đê điều sông Hồng, sông Thái Bình không chịu tác động của lũ lớn, có thể xảy ra nguy cơ uy hiếp an toàn đê điều, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nêu trên không chủ quan, lơ là, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công các đồng chí trong Thường vụ, thường trực Ủy ban trực tiếp tới các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống lũ, hộ đê, trong đó tập trung:
Rà soát, kiểm tra, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo "phương châm bốn tại chỗ"; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị, nhất là tại các trọng điểm xung yếu để kịp thời triển khai hộ đê, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu.
Tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo cấp báo động, bảo đảm đúng quy định của Luật Đê điều, kịp thời phát hiện, xử lý ngay các sự cố có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ.
Tiếp tục rà soát, triển khai ngay các phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân sinh sống tại các khu vực ngoài bãi sông (kể cả trong các tuyến đê bối có nguy cơ mất an toàn), kiên quyết không để người dân ở lại các khu vực nguy hiểm khi lũ lên cao (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân).
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục làm tốt công tác dự báo, cảnh báo mưa lũ, bảo đảm kịp thời, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó lũ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai công tác phòng, chống lũ, hộ đê theo cấp báo động để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, trong đó phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt; phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo vận hành khoa học, phù hợp các hồ chứa nước trên lưu vực sông Hồng, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, bảo đảm quân đội là lực lượng chủ lực thực hiện nhiệm vụ hộ đê theo đúng quy định; chỉ đạo các quân khu, cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp với các địa phương, cơ quan chuyên môn rà soát các phương án hộ đê và sẵn sàng triển khai lực lượng tại các vị trí trọng điểm xung yếu để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.
Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực sơ tán dân cư đi và đến, trật tự an toàn giao thông, sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương thực hiện cứu hộ cứu nạn, ứng phó lũ lớn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng, các chủ thể quản lý, khai thác hồ đập thủy điện phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc vận hành hồ chứa thủy điện, bảo đảm an toàn cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, không để xảy ra sự cố đối với phương tiện giao thông thủy gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, các cầu qua sông, nhất là trên các tuyến sông có lũ lớn.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tích cực, chủ động chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống lũ theo quy định.
Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc công điện này.
Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh.
Bộ Công an: Bảo đảm an toàn, sức khỏe, tính mạng cho nhân dân là trên hết, trước hết
Ngày 11/9, Bộ Công an có Công điện gửi Giám đốc Công an 35 tỉnh, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Cụ thể, Công điện gửi Giám đốc Công an các tỉnh gồm: Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ.
Llãnh đạo Bộ yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.
Trong đó, yêu cầu Giám đốc Công an các địa phương bảo đảm công tác ANTT tại cơ sở với mục tiêu bảo đảm an toàn, sức khỏe, tính mạng cho nhân dân là trên hết, trước hết.
Tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung tìm kiếm, cứu nạn đối với những người còn mất tích (trong đó lưu ý bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn), hỗ trợ xác nhận danh tính nạn nhân.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các biện pháp, kỹ năng ứng phó với thiên tai, sự cố, sơ cứu ban đầu nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Phối hợp tổ chức công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần chủ động trước để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của người dân và Nhà nước.
Triển khai cứu chữa miễn phí cho người bị thương, kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình những người bị nạn, đặc biệt là những hộ gia đình có người bị thiệt mạng.
Triển khai mọi phương án hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm, lương khô, bánh mỳ, sữa, nước uống, hàng cứu trợ,… đến tận tay người dân vùng còn bị chia cắt, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở, tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở, xử lý vệ sinh, môi trường phòng, chống dịch bệnh.
Trên cơ sở đánh giá tình hình thiên tai, sự cố gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản đã xảy ra trên địa bàn, tổ chức rà soát, rút kinh nghiệm để tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương có phương án bảo đảm ANTT, di dời, sơ tán nhân dân, phòng ngừa, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, mưa lũ, tránh lặp lại những vụ việc đáng tiếc tương tự.
Phối hợp các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương hỗ trợ trang thiết bị giảng dạy, sách vở, đồ dùng học tập tạo mọi điều kiện để các cháu học sinh sớm trở lại trường học, không để gián đoạn việc học tập của các cháu. Căn cứ tình hình thực tế để đăng ký nhu cầu số gạo cụ thể cần hỗ trợ
Khẩn trương hỗ trợ gia đình có người bị thiệt mạng, bị thương do bão số 3
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn 4206/BLÐTBXH-CBTXH về việc ứng phó, khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 (bão Yagi) gây ra.
Công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hòa Bình, Thái Nguyên, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hưng Yên, Hà Nam và Vĩnh Phúc.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó với cơn bão số 3 năm 2024, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách.
Trong đó, hỗ trợ, cứu chữa người bị thương và tổ chức hỗ trợ, thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các gia đình bị thiệt hại do bão số 3 gây ra, nhất là các gia đình có người bị chết, bị thương, mất tích theo quy định của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội khẩn cấp (hỗ trợ chi phí điều trị cho người bị thương nặng, hỗ trợ chi phí mai táng cho người chết, hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 và Nghị định số 76/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội). Thực hiện các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn.
Chỉ đạo rà soát, nắm bắt chính xác các hộ gia đình bị thiệt hại, bị ảnh hưởng bởi cơn bão số số 3 kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các hộ dân, các gia đình có nguy cơ bị thiếu đói, các hộ gia đình phải di dời khẩn cấp.
Hỗ trợ lều bạt, nước uống, thực phẩm, chăn màn và một số mặt hàng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu trước mắt, tại chỗ, nhất là các hộ có nhà bị đổ, sập, trôi, các hộ ở vùng bị ngập sâu, sạt lở, chia cắt, tuyệt đối không được để người dân bị đói, không có chỗ ở hoặc thiếu các vật dụng thiết yếu; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở do bão.
Huy động các lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa, dựng lại nhà ở, dọn vệ sinh môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long kiểm tra tình hình hồ thủy điện Thác Bà
Sáng 11/9, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã đến thị sát tình hình hồ thủy điện Thác Bà (tỉnh Yên Bái) và kiểm tra công tác vận hành công trình này.
Trao đổi với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tỉnh Yên Bái, Giám đốc Thủy điện Thác Bà, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt lưu ý, trong mọi tình huống thì ưu tiên cao nhất luôn là sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Tại cuộc kiểm tra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, đến thời điểm này, hồ thủy điện Thác Bà bảo đảm an toàn.
Sẽ mất khoảng 1-2 ngày nữa thì hồ sẽ về mực nước cho phép và bà con nhân dân trong khu vực vẫn phải ở nơi tránh trú để đề phòng trường hợp bất trắc có thể xảy ra.
Ông Hiệp cho rằng, với dự báo tình hình thời tiết, vấn đề Thủy điện Thác Bà sẽ được giải quyết tốt, mực nước sẽ xuống dưới ngưỡng cho phép. Dự báo lượng mưa ở khu vực này trong 48 giờ tới khoảng 40-50 mm và trong 24 giờ tới thì lượng mưa khoảng 15-20 mm.
Hiện nay, các lực lượng chức năng đã tính toán mọi phương án và chủ động sẵn sàng lực lượng để ứng phó với tinh thần là giảm thiệt hại xuống mức tối thiểu, trong đó, tính mạng của người dân là trên hết.
Trên sông Thao tại Yên Bái, mực nước lúc 6h ngày 11/9 là 34,63 m (trên BĐ3: 2,63 m). Trên sông Ngòi Thia, mực nước lúc 5h/11/9 là 42,01 m (dưới BĐ1: 2,46 m). Trên sông Chảy tại Thác Bà, mực nước lúc 5h/11/9 là 28,83 m (trên BĐ3: 6,83 m).
Lên kế hoạch và triển khai ngay việc sửa chữa cơ sở hạ tầng trường học
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có Công điện 1200/CĐ-BGDĐT gửi Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh/thành phố về việc chỉ đạo công tác khắc phục sau bão số 3 (Yagi).
Để nhanh chóng khắc phục hậu quả và sớm ổn định hoạt động dạy và học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo đó, phối hợp với các cơ quan y tế để khử trùng, làm vệ sinh trường lớp, phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh bùng phát sau bão. Đảm bảo điều kiện an toàn trường học, vệ sinh môi trường trước khi đón học sinh trở lại trường.
Thời gian mưa lâu, kéo dài làm cho đất ngấm nước bị mềm, yếu, nguy cơ gây sạt lở đất rất cao, cần chủ động rà soát, kiểm tra các công trình có nguy cơ mất an toàn để có phương án sửa chữa, khắc phục. Cương quyết không đưa vào sử dụng các công trình không đảm bảo chất lượng, có nguy cơ đổ sập.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT các địa phương lên kế hoạch và triển khai ngay việc sửa chữa cơ sở hạ tầng trường học, đặc biệt ưu tiên các hạng mục có nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của giáo viên và học sinh. Di dời học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học khỏi các khu vực bị hư hại nặng hoặc chưa an toàn.
Rà soát hệ thống cây xanh, tường rào, cổng trường, có phương án tỉa cành, phòng chống sập tường, đổ cây. Đặc biệt kiểm tra các điểm trường, các cơ sở giáo dục gần sông suối, gần khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất để cảnh báo hoặc ngừng cho học sinh đến trường nếu mất an toàn.
Đảm bảo cung cấp kịp thời các nhu yếu phẩm và trang thiết bị dạy học cần thiết cho các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng. Tổ chức hỗ trợ tâm lý cho giáo viên và học sinh bị ảnh hưởng bởi bão, đặc biệt là các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản.
Tăng cường phối hợp với các ban ngành địa phương trong việc cứu trợ và khắc phục hậu quả sau bão, đặc biệt là hỗ trợ các gia đình giáo viên, học sinh chịu thiệt hại nặng.
Có kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng vật dụng cần thiết cho học sinh các trường bán trú, nội trú đảm bảo an toàn, chu đáo, thuận tiện cho học sinh.
Hỗ trợ 380 tỷ đồng cho 20 địa phương bị thiệt hại do bão số 3
Ngày 10/9/2024, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Tại Lễ phát động, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhà hảo tâm và các địa phương đã đăng ký ủng hộ số tiền trên 407 tỷ đồng.
Căn cứ tình hình thiệt hại và điều kiện thực tế của các địa phương, Ban Vận động Cứu trợ Trung ương thống nhất hỗ trợ đợt 1 cho 20 địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra với tổng số tiền là 380 tỷ đồng, theo các mức như sau:
Mức 1: gồm 8 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình, mỗi tỉnh 30 tỷ đồng;
Mức 2, gồm 8 tỉnh: Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Tuyên Quang, Bắc Kạn, mỗi tỉnh 15 tỷ đồng.
Mức 3, gồm 4 tỉnh: Ninh Bình, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Giang, mỗi tỉnh 05 tỷ đồng
Hà Nội: Báo động lũ cấp II trên sông Hồng
Đêm 10/9, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Hà Nội ban hành Lệnh số 61/L-BCH, báo động lũ cấp II trên sông Hồng, căn cứ vào mực nước sông Hồng tại Hà Nội (Long Biên) hồi 23h30 ngày 10-9 là 10,50m (mực nước báo động II là 10,50m).
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Hà Nội ban hành lệnh báo động lũ cấp II trên sông Hồng vào hồi 23h30 ngày 10-9, tại địa phận các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các quận, huyện, các đơn vị ở địa phận trên và các ngành, các cán bộ đã được giao nhiệm vụ thi hành nghiêm chỉnh những quy định khi có lệnh báo động II.
Báo động cấp II là mức giới hạn mực nước cho biết lũ trong sông đã lên đến mức trung bình. Nước lũ bắt đầu gây ảnh hưởng ngập lụt và tác động xấu đến dân sinh, kinh tế, xã hội.
Chủ động cân đối nguồn lực để khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Thủ tướng biểu dương tinh thần chia sẻ của 2 địa phương
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ký Công văn số 685/TTg-KTTH ngày 10/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ gửi Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh.
Công văn nêu: Thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh là 02 địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3. Tại các cuộc họp, làm việc với 02 địa phương, Thủ tướng Chính phủ dự kiến hỗ trợ mỗi địa phương 100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra.
Tuy nhiên, với tinh thần tự lực, tự cường, tương thân, tương ái, Lãnh đạo thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh báo cáo sẽ chủ động cân đối nguồn lực của địa phương để khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và dành nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương khác khó khăn hơn.
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm, tự lực, tự cường của thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, sự chia sẻ của 02 địa phương với ngân sách trung ương và các địa phương khó khăn bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc kiểm tra, làm việc với tỉnh Cao Bằng về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ
Báo cáo của tỉnh Cao Bằng cho biết do ảnh hưởng của bão số 3, các khu vực trong tỉnh mưa to đến rất to, xảy ra ngập lụt, sạt lở đất nghiêm trọng gây thiệt hại về người, nhà ở, công trình cơ sở hạ tầng và đời sống, sinh hoạt của người dân.
Cụ thể, về người, tại địa bàn huyện Nguyên Bình có 24 người chết, 12 người bị thương, 31 người mất tích. Tỉnh đang thống kê và tìm kiếm số người mất tích.
Về nhà ở, tổng cộng 1.065 nhà ở bị thiệt hại; trong đó có 22 nhà thiệt hại hoàn toàn.
Về giao thông có gần 200 điểm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường xã bị tắc do sạt lở, ngập lụt.
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành trong đoàn công tác bày tỏ xúc động với những mất mát rất nặng nề về con người mà bà con Cao Bằng gặp phải do mưa lũ gây ra (trong đó có cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, thầy cô giáo, học sinh,…).
Các đại biểu đề nghị các cấp các ngành đồng loạt vào cuộc, huy động tối đa con người, phương tiện để hỗ trợ Cao Bằng khắc phục nhanh nhất hậu quả mưa lũ gây ra. Rà soát toàn bộ các hộ gia đình gặp khó khăn để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, không để đồng bào bị đói, bị rét, không có nhà ở.
Chia sẻ với những khó khăn của Cao Bằng, đồng thời các đại biểu nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết trong lúc này phải đặt an toàn lên trên hết, không được chủ quan, bởi ngay trong quá trình đoàn di chuyển lên Cao Bằng cũng xảy ra 1 vụ sạt lở.
Nhận định tình hình mưa lũ còn rất phức tạp, đất đã no nước, nguy cơ sạt lở còn rất lớn, do đó không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, trước mắt cần khuyến cáo người dân và các phương tiện hạn chế di chuyển trên những tuyến đường có nguy cơ sạt lở cao; khẩn trương rà soát các vị trí đang sạt lở, các địa điểm có nguy cơ sạt lở cao để có biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả; tăng cường lực lượng canh chốt "điểm đen"; tuyệt đối không cho người, phương tiện di chuyển qua những khu vực không an toàn; khẩn trương tìm kiếm người mất tích;…
Về lâu dài cần có giải pháp công trình, phi công trình để hạn chế tối thiểu tình trạng "cứ mưa là sạt lở, chết người".
Nhấn mạnh đề xuất cần chi viện nhiều hơn nữa cho Cao Bằng, đại diện các bộ, ngành cũng trao đổi với tỉnh Cao Bằng về việc khôi phục hệ thống điện; bảo đảm thực phẩm hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là các địa bàn đang bị cô lập; bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ; bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân; khắc phục mưa lũ tại các cơ sở giáo dục để học sinh sớm được đến trường…
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Công điện gửi Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hoà Bình, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa; Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị tại văn bản số 11261-CV/VPTW ngày 09 tháng 9 năm 2024, tiếp theo chỉ đạo tại các buổi làm việc kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại một số địa phương những ngày qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Bí thư cấp ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ nêu trên với mục tiêu đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho Nhân dân là trên hết, trước hết để trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng:
Với tinh thần khẩn trương nhất, tiếp tục tập trung tìm kiếm, cứu nạn đối với những người còn mất tích (trong đó lưu ý bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn); cứu chữa miễn phí cho người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời thân nhân và hỗ trợ lo hậu sự chu đáo cho người bị thiệt mạng.
Tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở. Tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở.
Kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, doanh nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng của nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 12 tháng 9 năm 2024; chủ động huy động nguồn lực của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ để nhanh chóng ổn định lại đời sống cho người dân, khẩn trương khôi phục sản xuất kinh doanh.
Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an chỉ đạo các quân khu và đơn vị trực thuộc triển khai lực lượng, phương tiện (kể cả máy bay trực thăng) tiếp cận bằng được để hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm, lương khô, bánh mỳ, sữa, hàng cứu trợ,… cho người dân vùng còn bị chia cắt; hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của địa phương.
Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo cứu chữa người bị thương; kịp thời cung cấp đủ cơ số thuốc, bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho người dân tại những vùng bị ảnh hưởng thiên tai, hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt, xử lý môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau bão, lũ.
Sửa chữa, khôi phục nhanh nhất hệ thống điện, các tuyến giao thông trọng yếu, bảo đảm sóng viễn thông
Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được giao, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan tập trung sửa chữa, khôi phục nhanh nhất hệ thống điện, bảo đảm cấp điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, trong đó ưu tiên bảo đảm cấp điện cho bệnh viện, cơ sở y tế, các hoạt động sản xuất quan trọng; có phương án bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng; thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo khẩn trương vệ sinh trường lớp, khắc phục cơ sở vật chất bị hư hại do bão, lũ; vận động toàn ngành, toàn quốc hỗ trợ trang thiết bị giảng dạy, sách vở và đồ dùng học tập cho các trường học, cơ sở giáo dục bị thiệt hại tạo điều kiện cho học sinh sớm trở lại học bình thường.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo tập trung khắc phục nhanh các tuyến giao thông trọng yếu phục vụ công tác vận chuyển hàng cứu trợ và tìm kiếm cứu nạn, đồng thời đảm bảo giao thông an toàn.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về truyền thông, báo chí, chỉ đạo các tập đoàn viễn thông bảo đảm sóng cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ cho Nhân dân.
Kịp thời hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, khẩn trương thực hiện bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương rà soát những hộ dân bị ảnh hưởng mưa lũ, kịp thời đề xuất hỗ trợ lương thực cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân, nhất là các hộ ở vùng bị cô lập.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, kịp thời áp dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay để người dân, doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí,… đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ theo quy định của pháp luật; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khẩn trương thực hiện bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm bảo đảm nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời theo đúng thỏa thuận hợp đồng và quy định pháp luật; kịp thời phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất cấp thẩm quyền xuất cấp gạo cho các hộ có nguy cơ thiếu đói theo đúng quy định và thẩm quyền.
Bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo, triển khai kịp thời các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu.
Chỉ đạo các biện pháp khắc phục ảnh hưởng của bão, mưa lũ đối với sản xuất nông nghiệp, khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau bão, mưa lũ.
Chỉ đạo tổng hợp nhu cầu, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ giống để khôi phục sản xuất nông nghiệp, không để xảy ra thiếu nguồn cung lương thực, thực phẩm trong thời gian tới, nhất là dịp cuối năm 2024 và Tết nguyên đán.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tích cực, chủ động chỉ đạo, tổ chức triển khai hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ theo quy định.
Tìm mọi biện pháp có thể để kiểm soát nước lũ từ thượng lưu chảy về hồ Thác Bà
Các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái tìm mọi biện pháp có thể để kiểm soát nước lũ từ thượng lưu chảy về hồ Thác Bà. Thành phố Hà Nội, các tỉnh: Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, nhất là Yên Bái chuẩn bị phương án xấu nhất có thể xảy ra với hồ Thác Bà theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp trực tuyến trưa ngày 10 tháng 9 năm 2024.
Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc công điện này.
Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh./.
Xuất cấp gạo cứu trợ nhân dân 14 địa phương bị ảnh hưởng bão số 3
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 953/QĐ-TTg ngày 10/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ 14 địa phương bị ảnh hưởng cơn bão số 3 năm 2024.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 200 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các Bộ: Công an, Quốc phòng (mỗi Bộ 100 tấn gạo) để cứu trợ cho Nhân dân các địa phương: Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 năm 2024.
Khẩn cấp bảo đảm an toàn đập thủy điện Thác Bà
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn vừa ký Công điện số 91/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ gửi Bí thư, Chủ tịch UBND 3 tỉnh: Lào Cai, Hà Giang và Yên Bái về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp bảo đảm an toàn đập thủy điện Thác Bà.
Theo Công điện, hiện nay, mực nước thượng lưu hồ thủy điện Thác Bà đang ở mức rất cao, lưu lượng đến hồ vượt quá khả năng xả lũ thiết kế của hồ.
Để đảm bảo an toàn cho hồ thủy điện Thác Bà, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đồng chí Bí thư và đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương rà soát, triển khai thực hiện ngay các biện pháp để ngăn chặn, giảm thiểu dòng chảy về hồ thủy điện Thác Bà.
Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này.
Thủ tướng chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác ứng phó mưa lũ, thiên tai, khắc phục hậu quả bão số 3
Trưa 10/9, ngay sau khi kiểm tra tình hình thực tế, tại trụ sở Thị ủy Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến, được kết nối trực tuyến với một số điểm cầu tại các tỉnh, thành phố Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội về công tác ứng phó mưa lũ, thiên tai, khắc phục hậu quả bão số 3, bảo đảm tính mạng, sức khỏe, an toàn, đời sống nhân dân trên địa bàn các tỉnh.
Cùng tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Lê Thành Long tại điểm cầu Yên Bái, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn tại điểm cầu trụ sở Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bắc Giang, Yên Bái nói riêng và các địa phương đang có mưa lũ, thiên tai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, các nội dung tại các cuộc họp và 5 công điện của Thủ tướng Chính phủ, các chỉ đạo của các Phó Thủ tướng về phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa bão, lũ lụt, sạt lở, cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân bị ảnh hưởng, bảo đảm đời sống nhân dân.
Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần là đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết trong lúc này để đưa ra giải pháp phù hợp, hiệu quả; không để ai bị đói, bị rét, bị thiếu chỗ ở; các cháu học sinh sớm tới trường, người bệnh phải được chữa bệnh.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tất cả các cơ quan, lực lượng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải tích cực, chủ động nắm tình hình, phản ứng kịp thời khi tình hình xấu có thể xảy ra, những vấn đề vượt quá thẩm quyền phải báo cáo. Các địa phương phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong khắc phục hậu quả mưa bão với sự hỗ trợ của Trung ương.
Yên Bái công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai
Ngày 10/9, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái vừa ký ban hành Quyết định 1814/QĐ-UBND công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn tỉnh Yên Bái với tình huống: Mưa lớn, lũ quét, sạt lở, ngập úng.
Phạm vi ảnh hưởng: Trên địa bàn 09 huyện, thị xã, thành phố.
UBND tỉnh Yên Bái nêu rõ các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng và phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng Sở, Ngành, Địa phương trong tỉnh.
Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, Đài khí tượng thuỷ văn Yên Bái, trên các phương tiện thông tin đại chúng để có kế hoạch và biện pháp phù hợp ứng phó nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tiếp tục rà soát các hộ dân đang sinh sống trong vùng bị ảnh hưởng, có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt để có phương án di chuyển kịp thời.
Chỉ đạo quyết liệt phương án sơ tán, di chuyển những hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ trượt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt đến nơi an toàn.
Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố theo dõi sát tình hình của mưa lũ và tình hình thực tế của các địa phương, chủ động chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn cho học sinh đến lớp hoặc nghỉ học theo quy định;...
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc thị sát, chỉ đạo công tác phòng chống bão lụt tại Thái Nguyên
Sáng 10/9, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã đến thị sát, chỉ đạo công tác phòng chống bão lụt tại Thái Nguyên.
Kiểm tra đập Ba Đa, địa điểm xung yếu nhất của tỉnh Thái Nguyên, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị tỉnh bảo vệ an toàn tuyệt đối về người và tài sản cho nhân dân. Khi nước rút, huy động lực lượng, nhanh chóng làm sạch vệ sinh môi trường, hỗ trợ nhân dân sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Xúc động đón Phó Thủ tướng trực tiếp đến thăm, động viên nhân dân bên chân đập Ba Đa, đại diện người dân bày tỏ cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Phó Thủ tướng đã quan tâm, động viên, chăm lo, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân trong mưa lũ.
"Thiên tai là điều không ai muốn, đây là khó khăn chung, bà con sẽ cố gắng đoàn kết, nhường cơm sẻ áo để cùng nhau vượt qua khó khăn trước mắt, sớm ổn định cuộc sống", đại diện người dân khẳng định với Phó Thủ tướng.
Tại buổi làm việc với tỉnh Thái Nguyên, báo cáo với Phó Thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng cho biết đây là trận lụt lịch sử, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đã tập trung cả hệ thống chính trị để ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và các bộ, ngành cũng kiến nghị với Trung ương xử lý một số vấn đề liên quan đến việc xử lý đê hữu sông Cầu để giúp tỉnh xử lý dứt điểm trình trạng ngập lụt trong tương lai...
Phó Thủ tướng thay mặt lãnh đạo Chính phủ biểu dương tỉnh Thái Nguyên đã chủ động phòng, chống bão số 3 và mưa lũ sau bão với kế hoạch thống nhất, nhịp nhàng, cho nên dù đối mặt với trận lụt lịch sử nhưng thiệt hại ở mức thấp nhất về tài sản, không có thiệt hại về người, bảo đảm an ninh trật tự, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ.
Qua cơn bão số 3, Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh rút ra những bài học kinh nghiệm, đặc biệt là vấn đề ứng phó mưa lũ sau bão. Đây là vấn đề không thể chủ quan vì từ giờ đến cuối năm dự báo còn nhiều cơn bão nữa. Bên cạnh đó, cần rút kinh nghiệm xử lý thông tin trên mạng xã hội; chủ động cung cấp thông tin chính thống, kịp thời phản bác các thông tin không chính xác, để nhân dân yên tâm.
Những ngày quá, do ảnh hưởng của mưa lũ, tình trạng ngập úng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên khá nghiêm trọng.
Trên địa bàn thành phố có 81 xóm, tổ dân phố của 17 xã, phường nằm ven sông Cầu bị ngập sâu, trong đó có 20 xóm, tổ dân phố bị cô lập.
Mực nước sông Cầu dâng cao cũng đã gây ngập lụt trên diện rộng tại 8 xã ven sông ở huyện Phú Bình (gồm: Thượng Đình, Đào Xá, Bảo Lý, Nhã Lộng, Xuân Phương, Úc Kỳ, Nga My và Hà Châu).
Tại TP. Phổ Yên, khu vực Phú Cốc thuộc phường Tân Phú (gồm 4 tổ dân phố: Bến Cả, Đồng Lẩm, Đình Phú Cốc, Lợi Bến) với khoảng 400 hộ dân cũng bị ảnh hưởng khi mực nước sông Cầu dâng cao,
Đề nghị tỉnh tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ để chủ động ứng phó; không được chủ quan khi nước rút, tránh để tai nạn xảy ra; có kế hoạch khắc phục ngay những nơi ngập sâu, không để xảy ra dịch bệnh sau ngập lụt; cứu trợ, cứu đói cho dân;... đặc biệt là khắc phục cơ sở hạ tầng: Đường, điện, thông tin, giáo dục, y tế,... để sớm đưa học sinh đến trường, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc khắc phục hệ thống điện phải nhanh nhất nhưng cũng phải đảm bảo an toàn.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến đối với kiến nghị của tỉnh Thái Nguyên về hỗ trợ nguồn lực chống bão, khắc phục hậu quả sau bão; nâng cấp hệ thống đê hữu sông Cầu;..
Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh phải đặc biệt quan tâm đến việc phục hồi sản xuất kinh doanh, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp,... sớm trở lại bình thường.
Mưa lớn còn gây ngập úng cục bộ, nguy cơ xảy ra sạt lở tại một số khu dân cư ở các xã Văn Lăng, Hóa Trung, Văn Hán, Khe Mo, Nam Hòa, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ). Mưa to và gió giật mạnh khiến mực nước ở nhiều sông, suối trên địa bàn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương và TP. Sông Công dâng cao, gây ngập úng cục bộ; một số xã, thị trấn và trường học bị chia cắt; nhiều hộ dân phải di dời người, tài sản…
Phó Thủ tướng Lê Thành Long kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa bão tại Yên Bái
Sáng 10/9, Phó Thủ tướng Lê Thành Long và đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa bão tại tỉnh Yên Bái, một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai.
Làm việc với lãnh đạo tỉnh Yên Bái, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh sức khỏe, tính mạng của nhân dân là cao nhất, phải quyết tâm tối đa để không xảy ra sự cố đáng tiếc.
Phó Thủ tướng đề nghị Quân khu 2 huy động số xuồng hiện có để hỗ trợ người dân. Tập trung cao cho công tác cứu hộ, cứu nạn; bằng mọi cách cứu hộ 3 người dân đang mắc kẹt trong mưa lũ (hiện đan bám vào cột điện). Khẩn trương vận chuyển lương thực, thực phẩm tiếp tế cho khu vực bị ảnh hưởng.
Triển khai lực lượng kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Theo báo cáo ngày 10/9 của UBND tỉnh Yên Bái, trên địa bàn tỉnh có 28 người chết và mất tích, trong đó: 22 người chết do sạt lở đất (huyện Văn Chấn 1 người; huyện Lục Yên 11 người; thành phố Yên Bái 10 người); 6 người mất tích (huyện Lục Yên 2 người, thành phố Yên Bái 4 người). 10 người bị thương, trong đó: TP. Yên Bái 3 người, Lục Yên 5 người, Văn Yên 2 người.
Thiệt hại về nhà ở: 13.558 nhà, trong đó, 40 nhà bị sập đổ hoàn toàn; 2.337 nhà phải di dời người và tài sản để bảo đảm an toàn; nhiều nhà bị tốc mái. 10.399 nhà bị ngập nước, trong đó 7.934 nhà ở thành phố Yên Bái.
Tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại, ảnh hưởng là hơn 4.017 ha.
Thủ tướng kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn tại tỉnh Bắc Giang
Sáng 10/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thị sát tình hình, kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn tại tỉnh Bắc Giang - một trong những địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, thiên tai.
Tại Bắc Giang, Thủ tướng đã thăm hỏi, động viên người dân và các lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ tại xã Vân Hà, thị xã Việt Yên.
Đây là xã nằm ven sông Cầu, có 9.000 dân, đang bị chia cắt.
Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó thiên tai; rà soát kỹ, chủ động sơ tán, di dời dân cư khỏi khu vực mất an toàn, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở.
Để nhanh chóng ổn định sản xuất, cuộc sống của người dân, không để người dân nào bị đói, rét, không nơi ở, không có nước sạch, không được chăm sóc y tế... Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các cấp chỉ đạo các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình nhân dân thiếu lương thực, thực phẩm, nước sạch, tổ chức cấp phát lương thực, thực phẩm, lương khô và các nhu yếu phẩm đến tận tay người dân.
Lực lượng quân đội, công an, chỉ đạo các đơn vị chức năng tích cực, chủ động phối hợp với các địa phương khẩn trương vận chuyển lương thực, thực phẩm, lương khô, mì tôm, các nhu yếu phẩm, nước uống, nước sạch… để cung cấp cho người dân trong vùng bị cô lập, người dân thiếu lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm… trong thời gian nhanh nhất có thể, đảm bảo đúng đối tượng, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.
Lúc 18h ngày 9/9, mực nước trên sông Cầu tại Trạm thủy văn Đáp Cầu 5,53 m (trên báo động 2 là 0,23 m); nước trên sông Thương tại Trạm thủy văn Phủ Lạng Thương 6,11 m (trên báo động 2 là 0,81 m); trên sông Lục Nam tại Lục Nam 6,6 m (trên báo động 3 là 0,3 m).
Dự báo mực nước trên các sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam tiếp tục lên và duy trì ở mức trên báo động 3. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Giang vừa phát lệnh báo động số 3 trên sông Thương…
Trong ngày 9/9, lực lượng chức năng tại Bắc Giang đã kịp thời hỗ trợ nhiều người dân di dời đến nơi an toàn. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh huy động 4.627 lượt cán bộ, chiến sĩ với 74 ô tô các loại, 10 xuồng cao tốc tham gia công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các địa phương…
Thiệt hại sơ bộ do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh khoảng 300 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã có một người thiệt mạng do thiên tai.
Chủ tịch thành phố Hà Nội ra công điện khẩn khẩn ứng phó lũ lớn trên các sông
Mực nước sông Đà, sông Hồng, sông Đuống đang lên rất nhanh, lưu tốc dòng chảy lớn. Để chủ động ứng phó với lũ lớn, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện số 13/CĐ-UBND.
Trong đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu tổ chức trực ban, ứng trực 24/24h: theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; bố trí cán bộ trực ban 24/24h, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt; theo dõi sát sao các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ; kịp thời báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố khi có sự cố, tình huống bất thường; duy trì liên lạc thường xuyên với các địa phương, đơn vị để nắm bắt tình hình và chỉ đạo kịp thời.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xảy ra; duy trì lực lượng ứng cứu nhanh, sẵn sàng cơ động khi có tình huống xảy ra; kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân đội, công an, y tế để ứng cứu kịp thời, hiệu quả.
Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về việc xả lũ các hồ chứa thủy điện thượng nguồn, lũ lớn trên các tuyến sông; kịp thời thông báo cho người dân ở những vùng thấp, trũng có khả năng bị ngập hoặc có nguy cơ bị sạt lở biết để chủ động phòng tránh; không để người dân đến những khu vực bị ngập, có nguy cơ sạt lở.
Chủ động rà soát, sẵn sàng các phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết; xác định các khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, nguy cơ sạt lở nguy hiểm, khu vực bãi giữa sông Hồng, lên danh sách các hộ dân cần sơ tán; chuẩn bị các điểm sơ tán an toàn, đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân; hướng dẫn người dân nắm rõ quy trình, thao tác khi có lệnh sơ tán; kiên quyết triển khai phương án sơ tán, đảm bảo an toàn đối với người dân; phân công cán bộ phụ trách từng khu vực, hộ gia đình cần sơ tán, đảm bảo không bỏ sót người dân.
CẢNH BÁO 16 TỈNH THÀNH TIẾP TỤC NGUY CƠ XẢY RA LŨ QUÉT VÀ SẠT LỞ ĐẤT ĐÁ TRONG 6H TỚI
Vào lúc 9h20 ngày 10/9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, trong 03-06 giờ tới, khu vực các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa.
Khẩn trương cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu cho người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 90/CĐ-TTg ngày 9/9/2024 về việc khẩn trương cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài chính, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Lào Cai, Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn.
Để nhanh chóng ổn định sản xuất, cuộc sống của người dân, không để người dân nào bị đói, rét, không nơi ở, không có nước sạch, không được chăm sóc y tế và các cháu học sinh sớm được đến trường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng tích cực, chủ động phối hợp với các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 khẩn trương vận chuyển lương thực, thực phẩm, lương khô, mì tôm, các nhu yếu phẩm, nước uống, nước sạch… để cung cấp cho người dân trong vùng bị cô lập, người dân thiếu lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm… trong thời gian nhanh nhất có thể.
Bộ trưởng Bộ Tài chính xuất cấp cho Bộ Quốc phòng và Bộ Công an 100 tấn gạo/Bộ từ dự trữ quốc gia để chủ động vận chuyển đến các địa phương thiếu gạo bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (chú ý không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí).
Đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên chỉ đạo các cơ quan chức năng:
Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nắm chắc tình hình nhân dân thiếu lương thực, thực phẩm, nước sạch; tổ chức cấp phát lương thực, thực phẩm, lương khô và các nhu yếu phẩm đến tận tay người dân bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 một cách nhanh nhất, đảm bảo đúng đối tượng, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.
Rà soát, khẩn trương sửa chữa, khôi phục các cơ sở y tế bị hư hại do ảnh hưởng của mưa, bão, lũ để kịp thời cứu chữa những người bị thương và chăm sóc sức khỏe của người dân.
Rà soát, khẩn trương sửa chữa, khôi phục trường, lớp học bị hư hại do ảnh hưởng của mưa, bão, lũ để các cháu học sinh sớm được đến trường, không làm ảnh hưởng lớn đến việc học hành của các cháu.
Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện này.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục huy động tối đa nguồn lực và các lực lượng để ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra
Chiều 9/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão số 3 gây ra.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư biểu dương tinh thần nỗ lực, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng quân đội, công an và nhân dân trong triển khai phòng, chống bão số 3 vừa qua.
Các cơ quan báo chí, phương tiện truyền thông đã tích cực tuyên truyền góp phần cảnh báo và để nhân dân chủ động ứng phó từ sớm, từ xa.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi lời chia buồn tới người thân, gia đình các đồng chí đã hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ; chia sẻ với những mất mát, đau thương của các gia đình có người bị thiệt mạng, bị thiệt hại nặng nề do bão số 3.
Trước tình hình mưa lớn vẫn tiếp tục diễn ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục huy động tối đa nguồn lực và các lực lượng để ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Trước mắt, các địa phương vùng bị ảnh hưởng bão hạn chế các hoạt động khác, tập trung cho việc cứu trợ, cứu nạn; triển khai các phương án tiếp cận người dân để hỗ trợ đồ ăn, nước sạch giúp đỡ người dân vượt qua thời gian khó khăn. Sử dụng các phương tiện, biện pháp để tiếp cận nhanh những vùng bị chia cắt do lũ lụt.
Bên cạnh những việc đã phân công theo đúng chức năng, nhiệm vụ, từng bộ, ngành, địa phương, các lực lượng phải chủ động bám sát để thực hiện, không chờ đợi sự chỉ đạo, hỗ trợ.
Các địa phương trong cả nước phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hỗ trợ các địa phương đang gặp khó khăn, trong đó phân công rõ ràng việc hỗ trợ đối với các địa bàn trọng điểm về thiệt hại, nguy hiểm, cung cấp đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm, không để bất kỳ người dân nào bị thiếu đói; hỗ trợ kịp thời gia đình khó khăn, có người già, trẻ nhỏ, người ốm đau…
Bên cạnh việc kịp thời hỗ trợ, chăm lo đời sống của người dân, cần quan tâm đầy đủ về phương tiện, đồ dùng thiết yếu, thực phẩm đối với các lực lượng đang làm nhiệm vụ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ, tiếp tục kiểm tra cầu cống, đê điều, phát hiện những vùng nguy cơ cao bị sạt lở để gia cố kịp thời.
Các địa phương cần phối hợp tốt trong việc xả lũ; khẩn trương khắc phục giao thông, thông tin liên lạc, điện lực; tiếp tục huy động lực lượng quân đội, công an, y tế, giao thông tập trung cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn nhất là các vùng khó khăn; khôi phục các cơ sở y tế, giáo dục, đảm bảo vệ sinh, môi trường phòng, chống dịch bệnh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lưu ý, cần huy động sự chung tay của toàn xã hội, tổ chức cuộc vận động quyên góp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp các địa phương bị ảnh hưởng của mưa bão; tiếp tục công tác tuyên truyền, cập nhật tình hình nhanh đến nhân dân để chủ động các phương án ứng phó với mưa lũ; tăng cường đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
“Phát huy vai trò lực lượng quân đội, công an trong tham gia cứu trợ nhân dân, phải chuyển tận tay đến người dân những nhu yếu phẩm cần thiết”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh./.
Khắc phục sớm tình trạng chia cắt, cô lập do mưa lũ tại Lào Cai
Chiều tối 9/9, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã đến thị sát, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của bão số 3 tại tỉnh Lào Cai.
Theo báo cáo do Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường trình bày tại cuộc họp, đến nay, Lào Cai có 16 người thiệt mạng, 12 người mất tích, 15 người bị thương. Thống kê bước đầu số nhà ở bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi là trên 1.200 nhà. Hiện nay, các huyện, thị xã, thành phố đang tiếp tục thống kê xác định mức độ thiệt hại.
Hiện nay, các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường do huyện, xã quản lý có rất nhiều vị trí bị sạt lở, ngập nước, gây ách tắc giao thông. Ngoài ra, một số điểm cầu, tràn,... bị ngập trên địa bàn tỉnh; 1 cầu dân sinh (cầu gỗ) bị nước lũ cuốn trôi tại huyện Văn Bàn. Có 9 công trình thủy lợi bị hư hại.
Ước tính thiệt hại ban đầu của tỉnh Lào Cai là trên 100 tỷ đồng.
Làm việc với lãnh đạo tỉnh Lào Cai, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, Lào Cai chịu nhiều ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3. Tỉnh có thiệt hại về người, về tài sản, ngập lụt gây chia cắt các địa phương, gây gián đoạn cung cấp các dịch vụ như điện, nước, viễn thông…
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long chia sẻ với các khó khăn của tỉnh, chia buồn với các gia đình có người thân bị thiệt mạng, đang mất tích.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải bảo đảm an toàn về tính mạng cho người dân và cả sự an toàn, tính mạng của lực lượng cứu nạn, cứu hộ. Có biện pháp ngăn người dân đến các nơi nguy hiểm. Khắc phục sớm tình trạng chia cắt, cô lập; tính toán làm sao sớm thông đường vào các khu vực bị cô lập để tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men cho người dân, không để người dân bị đói.
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lào Cai sớm thống kê, có đề xuất cụ thể, trong những trường hợp cần thiết cần chủ động đề xuất với Trung ương hỗ trợ để sớm khắc phục hậu quả mưa lũ.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn vụ sập nhịp cầu Phong Châu
Ngay sau khi nhận được tin báo về vụ sập cầu Phong Châu, Phú Thọ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã đến hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn.
Phó Thủ tướng biểu dương các lực lượng quân đội, công an, cán bộ địa phương đã khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó sự cố.
Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương rà soát số lượng phương tiện, nạn nhân.
Về giao thông, Phó Thủ tướng đề nghị, tập trung với cầu Phong Châu phải ngăn đường, bằng rào cứng, đặt biển báo, ứng trực, không cho phương tiện đi vào.
Phó Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Quân khu 2 làm cầu phao sớm nhất, tốt nhất để bảo đảm lưu thông; chủ trì công tác tìm kiếm cứu hộ, phù hợp với điều kiện thời tiết cho phép.
Bộ Giao thông đánh giá nguyên nhân sập cầu; nghiên cứu xây dựng cầu mới đảm bảo vững chắc, lâu bền.
Đề nghị tỉnh tập trung đề xuất cấp gạo, phương tiện (xuồng, máy phát điện)… để trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Yêu cầu tỉnh khẩn trương triển khai cứu nạn, cứu hộ. Đảm bảo an toàn tuyệt đối về mọi mặt. Kịp thời báo cáo lãnh đạo Chính phủ khi có vấn đề xảy ra.
Tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất, mưa lũ, sập cầu
Ngày 9/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 89/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ.
Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình người bị nạn, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của Nhân dân vùng bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến ngay hiện trường để phối hợp với đồng chí Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ chỉ đạo kiểm tra, triển khai ngay công tác khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu, tập trung công tác cứu hộ cứu nạn đối với những nạn nhân vụ sập cầu.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh nêu trên tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và ngập lụt theo thẩm quyền.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ trưởng: Quốc phòng, Công an huy động ngay mọi lực lượng, phương tiện cần thiết phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ và các địa phương có liên quan khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn đối với các nạn nhân vụ sập nhịp cầu Phong Châu.
Chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét theo quy định.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ và các cơ quan liên quan triển khai công tác khắc phục hậu quả vụ sập nhịp cầu Phong Châu và mưa lũ, sạt lở theo chức năng quản lý nhà nước, thẩm quyền được phân công.
Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước, thẩm quyền được phân công chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm an toàn cho lực lượng và công trình thuộc trách nhiệm quản lý.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập theo cấp báo động; tổ chức theo dõi tình hình, chỉ đạo, đôn đốc các ngành, địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.
Hỗ trợ khẩn cấp 7 tỉnh khắc phục thiệt hại do bão số 3
Ngày 9/9/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 943/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ khẩn cấp khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Quyết định nêu rõ: Hỗ trợ 100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 cho 05 địa phương để thực hiện khắc phục hậu quả, ổn định đời sống cho người dân sau cơn bão số 3 (gồm: Nam Định 20 tỷ đồng, Thái Bình 30 tỷ đồng, Hải Dương 20 tỷ đồng, Yên Bái 20 tỷ đồng, Hưng Yên 10 tỷ đồng).
Trước đó, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 8/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất tại 2 tỉnh Sơn La, Điện Biên.
Cụ thể, hỗ trợ 20 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 cho 02 địa phương để hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống ngay sau mưa lũ (Sơn La 10 tỷ đồng, Điện Biên 10 tỷ đồng) như đề nghị của Bộ Tài chính.