Phát triển thương mại điện tử: Cơ hội vô cùng lớn
Ngày 14/8, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức”.
Phát biểu tại tọa đàm, TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế cho rằng: Kinh tế số, thương mại điện tử có nhiều câu chuyện, có thể mang tính chuyên môn, học thuật nhưng điều mà chúng ta thấy rõ nhất là chưa bao giờ nền kinh tế số, tức là hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số cộng với thương mại điện tử, lại len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng như hiện nay.
Theo ông, thương mại điện tử đã được đề cập từ lâu nhưng kinh tế số của Việt Nam cũng chỉ mới phát triển trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Nếu so sánh với GDP, chúng ta thường nhắc đến 2 con số. Con số thứ nhất là doanh số nhưng thật ra không chuẩn lắm mà phải nói là giá trị gia tăng mà kinh tế số, thương mại điện tử tạo ra được và đóng góp cho GDP.
Theo tính toán hiện nay, kinh tế số bao gồm 3 bộ phận. Thứ nhất liên quan nhiều đến sản xuất trang thiết bị ICT, công nghệ liên quan đến điện tử, thông tin, truyền thông.
Nhóm thứ hai là những ngành nghề truyền thống nhưng tích hợp dữ liệu, công nghệ số vào…để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, phát triển tốt hơn.
Nhóm thứ ba gắn nhiều với đổi mới sáng tạo, những nguồn kinh doanh mới, điển hình là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (start-up).
Quy mô kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 13-14% GDP, trong khi mục tiêu của chúng ta là chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030. Điều đó cho thấy tốc độ của đóng góp của nền kinh tế số xét về giá trị gia tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trung bình của GDP của Việt Nam.
TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh: Đằng sau là tiềm năng, cơ hội vô cùng lớn. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta coi chuyển đổi số, coi phát triển kinh tế số là thời cơ vàng cho Việt Nam là một nước đi sau để có thể bắt kịp, để có thể đi cùng với thời đại, với các nước.
Nói về thương mại điện tử là bộ phận cấu thành rất quan trọng của nền kinh tế số. Đây là lĩnh vực gắn liền tốt nhất "ảo" với "thực". Đôi khi chúng ta nhìn thế giới ảo, thế giới số tách rời thế giới thực mà điều quan trọng nhất của kinh tế số chính là để cho GDP phát triển.
Đối với việc làm trực tiếp, chưa nói đến đội ngũ shipper, chúng ta hình dung riêng TPHCM có hơn 90 nghìn người kinh doanh online, tức khoảng 0,8% dân số của TPHCM.
Cả nước có lẽ có hàng trăm nghìn người kinh doanh online, làm thương mại điện tử. Chưa có con số cụ thể nhưng qua đó có thể thấy đây là lĩnh vực tạo ra rất nhiều việc làm, nếu gián tiếp thì có lẽ hàng triệu.
Đóng góp cho ngân sách từ kinh tế số cũng ngày càng cao, nhất là khi chúng ta có giám sát tốt hơn đối với hoạt động thương mại điện tử. Riêng năm 2023, doanh thu của thương mại điện tử là 3,5 triệu tỷ, thu ngân sách từ đó là khoảng 100.000 tỷ và những con số này chắc chắn trên thực tế còn cao hơn.
Ngoài kinh doanh online, nhiều sàn điện tử cũng là một phần của thương mại điện tử, một phần của bán lẻ, tạo ra nhiều công ăn việc làm.
Ngoài độ hấp dẫn của Việt Nam, dân số trẻ, tiêu dùng mạnh mẽ, thích giao dịch online gắn với gen Z, thương mại điện tử tạo ra sự phát triển đồng đều hơn, giảm bớt khoảng cách về thu nhập. Thương mại điện tử phát triển ở khu vực nông thôn cũng rất mạnh mẽ, gần tiệm cận với thành phố.
Màu hồng nào cũng đi liền với chính sách
Có hai điểm, TS. Võ Trí Thành lưu ý bởi "màu hồng nào cũng đi liền với chính sách".
Thứ nhất, trong quá trình phát triển này, khu vực thương mại truyền thống, khu vực bán lẻ dần dần bị thu hẹp, đó là một phần của quá trình phát triển nhưng cũng có thể tạo ra những tác động không mong muốn.
Theo ông, "đây là việc chúng ta phải quan tâm về mặt chính sách, để không ai bị thiệt thòi, bỏ lại phía sau".
Thứ hai là những vấn đề liên quan đến nhiều câu chuyện về thể chế, về xử lý tranh chấp, bảo vệ người tiêu dùng làm sao để phát triển thương mại điện tử đem lại lợi ích tốt nhất chứ không phải lúc nào cũng màu hồng.
"Nhưng tổng thể phải nói là thương mại điện tử đã đem lại sự phát triển vượt trội, đem lại ý nghĩa rất tích cực", TS. Võ Trí thành nhấn mạnh.
Ba vấn đề lớn về thể chế
Để hoàn thiện thể chế, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, TS. Võ Trí Thành cho rằng: cần phải xử lý 3 vấn đề lớn.
Trước hết là các văn bản, khung pháp lý ứng xử với dữ liệu, bởi đây là nguồn lực mới, một nhân tố sản xuất mới và toàn bộ các hoạt động, dù là công nghệ hiện đại đến đâu thì đều dựa trên dữ liệu, nhất là dữ liệu lớn (Big Data).
Thứ hai là các nền tảng kết nối, trao đổi điện tử với sự tham gia của rất nhiều bên liên quan, cùng các vấn đề về trách nhiệm, tranh chấp nếu có.
Thứ ba là tuân thủ các cam kết, thỏa thuận hợp tác và chuẩn mực quốc tế về dịch chuyển hàng hóa, dòng thông tin, dòng tài chính.
Theo ông, ở Việt Nam, có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu muốn tạo đột phá cho nền kinh tế số, chuyển đổi số nói chung trong đó có thương mại điện tử cần phải hoàn thiện thể chế (giao dịch điện tử, cạnh tranh, quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu đối với tài sản, bảo vệ người tiêu dùng); thúc đẩy sáng tạo, bắt kịp những mô hình kinh doanh mới; hạ tầng (bao gồm logistic, hạ tầng số);
TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, thương mại điện tử hay kinh tế số nói chung là sự kết hợp sao cho nhuần nhuyễn nhất giữa kinh tế thực, dòng chảy của hàng hóa dịch vụ thấp với dòng chảy của thông tin, dòng chảy của dữ liệu và dòng chảy của tài chính. Chính những thách thức như vậy, với nhiều điểm mới và khó như vậy, cần phải phát huy cao độ vai trò của người đứng đầu.
Ông Thành chia sẻ thêm, hiện nay, ASEAN đang nỗ lực phát triển kinh tế số, thương mại số. Do đó, cần suy nghĩ sâu hơn về các vấn đề như: Dịch chuyển dữ liệu, xử lý tranh chấp xuyên biên giới, bảo đảm cạnh tranh công bằng,...