Lời giải cho 'bài toán' quản lý đất đai
Trao đổi về những hạn chế, tồn tại, yếu kém, tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm, lãng phí nguồn lực… trong hoạt động quản lý đất đai, bất động sản, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, nguyên nhân đều liên quan đến Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở.
Vì vậy, Chính phủ đặt quyết tâm rất cao để trình Quốc hội cho phép 3 luật trên sớm có hiệu lực, nhằm giải quyết cơ bản những hạn chế, bất cập thời gian qua.
Phó Thủ tướng cho biết, ông đã chủ trì nhiều cuộc họp đóng góp ý kiến cho các nghị định hướng dẫn thi hành chi tiết Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố, các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội,… nhằm thể chế hóa đầy đủ các nội dung trong luật giao cho Chính phủ hướng dẫn, thực sự đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng đang khẩn trương xây dựng các thông tư, quyết định có liên quan nhằm bảo đảm thực thi pháp luật được liên thông, đồng bộ khi luật có hiệu lực.
Về ý kiến cho rằng định giá đất là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, Phó Thủ tướng khẳng định, Luật Đất đai năm 2024 quy định rất rõ ràng, cụ thể, minh bạch, rõ trách nhiệm của các bên tham gia định giá đất đai.
Luật đã giải quyết bài toán định giá đất phù hợp, sát với giá thị trường với phương pháp định giá theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn khi hoàn thành cơ sở dữ liệu của từng thửa đất, từng thời điểm.
Còn trong giai đoạn chuyển tiếp, việc định giá đất đai được thực hiện theo 4 phương pháp đang được thế giới áp dụng (thu nhập, so sánh, thặng dư, hệ số điều chỉnh).
Thích ứng biến đổi khí hậu phải căn cơ, khoa học, đồng bộ
Về ứng phó với biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng nêu rõ: Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chiến lược về biến đổi khí hậu, trong đó xác định rõ mục tiêu, quan điểm, giải pháp thích ứng, giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng.
Cùng với rất nhiều chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã tham gia các cơ chế hợp tác quốc tế trong thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (NetZero), như: Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng với các nước G7 và đối tác quốc tế (JETP).
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác liên quan đến phát thải nhà kính, chuyển đổi năng lượng công bằng, thu hút đầu tư xanh… phối hợp chặt chẽ với hai diễn đàn là JETP và sáng kiến Cộng đồng châu Á giảm phát thải ròng bằng 0 (AZEC) giữa Nhật Bản và một số nước châu Á, trong đó có ASEAN.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã trình Quốc hội sớm thông qua dự án Luật Điện lực (sửa đổi) với các chính sách phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế xanh liên quan đến năng lượng.
Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà với tinh thần khuyến khích người dân tham gia đóng góp, bổ sung cho nguồn điện quốc gia. Đồng thời khuyến khích những hộ sử dụng điện áp mái tự sản, tự tiêu trong khu công nghiệp, từ đó hình thành cơ chế mua bán điện trực tiếp, phát triển thị trường mua, bán điện cạnh tranh.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp bài bản, khoa học, đồng bộ trong thích ứng biến đổi khí hậu. Điển hình là vùng ĐBSCL, chúng ta đã có những đánh giá tổng thể tác động từ thượng nguồn, tác động của biến đổi khí hậu, xác định trung tâm chịu ảnh hưởng là nguồn tài nguyên nước.
Theo đó, Chính phủ đã ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL, cùng với kế hoạch thực hiện, Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, lập danh mục các dự án quan trọng cần triển khai.
Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành nghị quyết huy động khoảng 2,5 tỷ USD vốn ODA để thực hiện 16 dự án quan trọng ở ĐBSCL về thích ứng biến đổi khí hậu trong nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, chuyển đổi hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng khu vực trung tâm là nước ngọt, nước lợ, khu vực ven biển là nước mặn; ưu tiên hình thành hệ thống cấp nước tập trung, giải quyết tình trạng úng lụt ở thượng nguồn.
Bên cạnh đó, Hội đồng điều phối vùng là cơ chế hết sức quan trọng để các địa phương vùng ĐBSCL lựa chọn những vấn đề ưu tiên nhất, tập trung nguồn lực thực hiện.
3 giải pháp khắc phục tình trạng thiếu vật liệu xây dựng
Phân tích tình trạng thiếu vật liệu xây dựng dùng đắp nền đường, Phó Thủ tướng cho rằng có nguyên nhân từ việc nhiều dự án cao tốc đang đẩy nhanh về tiến độ, mở rộng quy mô. Hiện nay, công tác quy hoạch, quản lý, khai thác vật liệu đã được phân cấp về địa phương.
Vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết về cơ chế đặc thù nhằm tăng khả năng cung ứng vật liệu xây dựng phục vụ đắp nền đường.
Phó Thủ tướng cho biết, sau khi Thủ tướng, Phó Thủ tướng có nhiều chỉ đạo, các cuộc làm việc, khảo sát trực tiếp cùng với các bộ, ngành, địa phương, tình trạng thiếu vật liệu xây dựng đắp nền đường đã được giải quyết căn bản với 3 giải pháp chính: Áp dụng triệt để những cơ chế đặc thù mà Quốc hội, Chính phủ đã ban hành; nắm sát nhu cầu và tiến độ các dự án cao tốc; mở rộng thêm nguồn cung vật liệu xây dựng đắp nền đường thu được từ hoạt động nạo vét luồng, lạch giao thông thuỷ, sử dụng cát biển.