Từ năm 2023: Không bố trí điều tra viên, trinh sát viên sơ cấp điều tra vụ án
Ngày 13/12, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã làm việc với các đơn vị thuộc Cơ quan điều tra, Bộ Công an về tăng cường năng lực cho Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân.
Hội nghị nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và các Nghị quyết của Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương về hoàn thiện chức năng nhiệm vụ của Cơ quan điều tra các cấp.
Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: Trong những năm qua, Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã được quan tâm đổi mới, kiện toàn, phân công, phân cấp hợp lý, hướng mạnh về cơ sở.
Đã phát huy vai trò nòng cốt trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc "thượng tôn pháp luật", đảm bảo quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức; chất lượng các mặt công tác phòng ngừa, điều tra, xử lý tội phạm ngày càng được nâng lên.
Bộ trưởng yêu cầu các đại biểu đánh giá kết quả tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nêu khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế; đánh giá về mô hình Cơ quan điều tra, đề xuất giải pháp tăng cường hơn nữa công tác nghiệp vụ điều tra, xây dựng cán bộ trinh sát, điều tra, giỏi nghiệp vụ, khôn khéo, mưu lược; đánh giá công tác tổ chức cán bộ Cơ quan điều tra các cấp; đề xuất các giải pháp, lộ trình để thực hiện mục tiêu từ năm 2023 không bố trí điều tra viên, trinh sát viên sơ cấp điều tra vụ án; đề xuất các biện pháp công tác đổi mới Cơ quan điều tra thời gian tới; đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác giam giữ…
Bộ máy Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân được tổ chức ổn định
Trình bày báo cáo về Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, Trung tướng Đỗ Văn Hoành, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an nêu rõ, bộ máy Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân được tổ chức ổn định từ Bộ đến cấp huyện theo quy định của pháp luật.
Tổ chức Cơ quan điều tra từng bước được kiện toàn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, từng bước gắn kết chặt chẽ hơn giữa hoạt động trinh sát và điều tra, tố tụng.
Đội ngũ cán bộ từng bước được bổ sung về số lượng, chất lượng, nâng cao chất lượng các mặt công tác đào tạo bồi dưỡng, thi tuyển, bổ nhiệm chức danh tư pháp, thực hiện chính sách đã được quan tâm.
Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, công tác nghiệp vụ cơ bản ngày càng được quan tâm, chỉ đạo, tạo chuyển biến về chất lượng. Công tác điều tra xử lý tội phạm đã tuân thủ các nguyên tắc về tố tụng, ngày càng chủ động, chất lượng hơn.
Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án hình sự vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Đã kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ án lớn. Cơ quan điều tra cấp tỉnh, cấp huyện đã bước đầu khởi tố, điều tra một số vụ án tham nhũng, tỷ lệ thu hồi tài sản hàng năm tăng. Đã đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm: Sử dụng công nghệ cao, ma tuý, hình sự…
Tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, cấp uỷ chính quyền địa phương kịp thời khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước về kinh tế - xã hội, từng bước hạn chế các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm…
Trung tướng Đỗ Văn Hoành cũng nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Cơ quan điều tra Công an nhân dân trong thời gian tới.
Tại Hội nghị các đại biểu đã tham luận, nêu ý kiến về quá trình thực hiện hoạt động trinh sát, điều tra theo chức năng nhiệm vụ được giao; nêu các khó khăn, vướng mắc; đề xuất các biện pháp công tác trong thời gian tới.
Kiện toàn tổ chức Cơ quan điều tra tinh, gọn, mạnh
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, thống nhất nhận thức Cơ quan điều tra là một bộ phận quan trọng, không thể tách rời của Công an nhân dân. Việc xây dựng Cơ quan điều tra phải quán triệt quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh trật tự, cải cách tư pháp, xây dựng lực lượng, Công an nhân dân.
Nhất là phải đặt trong tổng thể chung của việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền theo tinh thần các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị.
"Đây là nhiệm vụ quan trọng, vừa có ý nghĩa cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược, phải được thực hiện đồng bộ, toàn diện. Quá trình thực hiện phải đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ lộ trình, rõ kết quả và rõ trách nhiệm", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu đơn vị chức năng khẩn trương tham mưu, tổ chức quán triệt thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương và Đề án Xây dựng Cơ quan điều tra của Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đến Công an các địa phương để thống nhất trong nhận thức và thực hiện.
"Các đơn vị thuộc Cơ quan điều tra và các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, có kế hoạch, lộ trình cụ thể để đảm bảo năm 2023 hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 14", Bộ trưởng Tô Lâm chỉ rõ.
Tổ chức rà soát, đề xuất kiện toàn, sắp xếp mô hình tổ chức mới đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Trong đó, Cơ quan điều tra Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố kiện toàn tổ chức Cơ quan an ninh điều tra, cảnh sát điều tra đảm bảo tinh, gọn, mạnh. Cơ quan Cảnh sát điều tra thực hiện cả 2 chức năng trinh sát và điều tra tố tụng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.
Bộ trưởng Tô Lâm giao nhiệm vụ thể cho các đơn vị: Cục Tổ chức cán bộ, Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp và các cơ quan chức năng theo nhiệm vụ thực hiện hiệu quả Nghị quyết 14.
Trong đó, tăng cường tổ chức đào tạo, bồi dưỡng điều tra viên, trinh sát viên, đảm bảo gắn kết giữa lý luận và thực tiễn. Củng cố hệ thống bài giảng, giáo trình trong hệ thống các trường đào tạo. Chăm lo đời sống, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc, điều kiện sống cho cán bộ, chiến sĩ để thực hiện nhiệm vụ…