
Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh
Chính sách miễn, giảm thuế cần phải đúng lúc, đúng thời điểm, đúng đối tượng
Phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, chính sách miễn, giảm thuế cần phải đúng lúc, đúng thời điểm, đúng đối tượng để nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp, nuôi dưỡng lực lượng tiên phong đổi mới sáng tạo.
Bày tỏ đồng tình với nội dung của Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, dự thảo Nghị quyết đã bước đầu thể chế hóa nhiều chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, phản ánh tư duy đổi mới trong hoạch định chính sách, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và Quốc hội trong việc tạo lập môi trường thuận lợi, bình đẳng và minh bạch cho kinh tế tư nhân phát triển.
Quan tâm các chính sách hỗ trợ tại dự thảo Nghị quyết trong đó 4 nhóm đối tượng được miễn giảm thuế quy định tại Điều 10, đại biểu Trần Thị Vân nhận định: So với các chính sách khuyến khích khác như ưu đãi tín dụng, tiếp cận đất đai, đào tạo nhân lực, cải cách thủ tục hành chính thì chính sách miễn giảm thuế có tác động nhanh, không phải qua nhiều thủ tục, giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Nâng thời hạn miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp
Để các chính sách có hiệu quả khi triển khai thực hiện, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị nâng thời hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm, sau đó tiếp tục giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo thay vì miễn thuế 2 năm và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo như khoản 1 Điều 10 dự thảo Nghị quyết.
Đại biểu phân tích, đặc thù của nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần kinh phí đầu tư lớn, thời gian đầu tư kéo dài để nghiên cứu, phát triển sản phẩm, thử nghiệm mô hình kinh doanh, xây dựng công nghệ, tuyển dụng và giữ chân đội ngũ nhân sự chất lượng cao, đồng thời liên tục phải điều chỉnh để thích nghi với biến động của thị trường.
Trong suốt quá trình bươn trải để sống sót đó, họ phải chấp nhận nguy cơ thua lỗ, thậm chí có thể không có lãi trong 5 -7 năm đầu.
Việc chỉ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và giảm 50% thuế trong 4 năm tiếp theo như dự thảo là quá ngắn so với chu kỳ phát triển thực tế của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; chưa đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp, đầu tư cho phát triển sản xuất kinh doanh.
“Chính sách thuế cần được thiết kế theo hướng đồng hành với doanh nghiệp trong giai đoạn hình thành và tích luỹ ban đầu. Kéo dài thời gian miễn, giảm thuế sẽ tạo dư địa tài chính quan trọng, giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực cho đổi mới sáng tạo.
Đây cũng là giải pháp thiết thực để Nhà nước thể hiện vai trò kiến tạo, nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp, lực lượng tiên phong góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững”, đại biểu Trần Thị Vân nhấn mạnh.
Đề nghị nâng thời hạn miễn thuế thu nhập cá nhân lên 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương
Cùng với đó, đại biểu Trần Thị Vân cũng đề nghị cần nâng thời hạn miễn thuế thu nhập cá nhân lên 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại khoản 3 Điều 10.
Theo đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học là nhân sự nòng cốt, trực tiếp tạo ra giá trị công nghệ, đổi mới sáng tạo và đưa sản phẩm ra thị trường.
Thực tiễn cho thấy, nhiều quốc gia có chính sách cạnh tranh rất mạnh mẽ trong lĩnh vực này. Như Thái Lan, họ miễn thuế thu nhập cá nhân tới 10 năm cho nhà đầu tư và chuyên gia làm việc trong 10 lĩnh vực công nghệ - sáng tạo chiến lược.
“Nếu chúng ta không có chính sách đủ hấp dẫn, cạnh tranh thì sẽ bỏ lỡ cơ hội thu hút nhân tài và khó tạo được bước đột phá về công nghệ trong tương lai”, đại biểu Trần Thị Vân nêu rõ.
Miễn thuế khi doanh nghiệp chưa có lãi là “hình thức”
Tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Thị Vân cũng đề nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm kể từ khi doanh nghiệp phát sinh lợi nhuận thay vì kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu tại khoản 4 điều 10 dự thảo Nghị quyết.
Theo đại biểu, doanh nghiệp thường không có lợi nhuận ngay sau khi mới thành lập. Giai đoạn đầu là thời kỳ tập trung đầu tư xây dựng, tuyển dụng, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm.
“Nếu chúng ta miễn thuế ngay từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đồng nghĩa với việc khi doanh nghiệp có lãi thì thời gian miễn thuế đã hết, chính sách miễn thuế trở nên hình thức và không có hiệu quả”, đại biểu Trần Thị Vân nhấn mạnh.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cần miễn thuế đúng thời điểm doanh nghiệp có khả năng đóng thuế đó là khi họ có lợi nhuận.
Đề nghị bổ sung điều khoản về hỗ trợ chi phí đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Đại biểu Trần Thị Vân nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chuyển mạnh sang mô hình kinh tế tri thức, tài sản vô hình, đặc biệt là quyền sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng, quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia.
Với các startup, sản phẩm cốt lõi là công nghệ, thuật toán hoặc ý tưởng độc quyền. Nếu không được bảo hộ kịp thời, doanh nghiệp dễ bị mất thị trường, bị sao chép công nghệ hoặc gặp rủi ro pháp lý.
Tại Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đủ năng lực tài chính, pháp lý để thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ đúng chuẩn và đúng thời điểm.
Nhiều trường hợp đã bị mất nhãn hiệu, bị chiếm tên miền, hoặc không thể gọi vốn do thiếu chứng nhận quyền sở hữu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị doanh nghiệp và khả năng phát triển ra thị trường quốc tế.
Vì vậy, bảo vệ tài sản trí tuệ không chỉ để phòng ngừa rủi ro pháp lý, mà là chiến lược phát triển doanh nghiệp.
Do đó, đại biểu Trần Thị Vân cũng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung một điều khoản về hỗ trợ chi phí đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vào Chương 5 của dự thảo Nghị quyết.