Kiểm tra, rà soát VBQPPL ‘kịp thời, thận trọng, chính xác, quyết liệt’

02/07/2022 09:47

(Chinhphu.vn) - Bộ Tư pháp vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã có chỉ đạo quyết liệt thực hiện công tác này.

Kiểm tra, rà soát VBQPPL ‘kịp thời, thận trọng, chính xác, quyết liệt’ - Ảnh 1.

TS. Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với TS. Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp) về nội dung này.

Chú trọng kiểm tra, rà soát văn bản theo lĩnh vực, địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý

Ông đánh giá thế nào về kết quả đạt được trong các công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm (QPPL) trong thời gian qua? 

TS. Hồ Quang Huy: Kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL là cơ chế kiểm soát văn bản QPPL sau khi ban hành, là công cụ quan trọng, hữu hiệu để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận của văn bản QPPL, qua đó góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, phục vụ sự phát triển của đất nước.

Trước định hướng và chỉ đạo sâu sát của các cấp có thẩm quyền, nhiều cơ quan đã quan tâm bố trí nguồn lực, xây dựng kế hoạch, ban hành văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, rà soát văn bản theo quy định, chú trọng công tác kiểm tra, rà soát văn bản theo lĩnh vực, địa bàn quản lý để kịp thời phát hiện, xử lý, khắc phục sai sót, bất cập, hạn chế, hoàn thiện pháp luật, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển KT-XH, nhất là trong hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh. 

Việc xử lý văn bản không phù hợp pháp luật đã được thực hiện ngày càng nghiêm túc, hiệu quả hơn. Phần lớn những bất cập sau khi được phát hiện, kết luận đều được cơ quan ban hành có phương án xử lý trên tinh thần cầu thị, trách nhiệm, vì lợi ích chung của xã hội.

Về phía Cục Kiểm tra văn bản QPPL, trong công tác kiểm tra văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, với tinh thần "kịp thời, thận trọng, chính xác, quyết liệt", hoạt động kiểm tra văn bản của Cục ngày càng bám sát thực tiễn ban hành văn bản QPPL của các cơ quan cấp bộ và chính quyền cấp tỉnh; tiếp cận kiểm tra văn bản có hệ thống theo ngành, lĩnh vực. 

Việc kiểm soát, theo dõi, đôn đốc xử lý các văn bản đã được Cục phát hiện, kết luận, kiến nghị được thực hiện sát sao, quyết liệt, giúp cơ quan ban hành văn bản nhận thức rõ sai sót để xử lý kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp văn bản có quy định trái pháp luật chậm được xử lý hoặc xử lý không triệt để, qua đó ngăn ngừa hậu quả tác động tiêu cực đối với xã hội, nhất là trường hợp văn bản có liên quan rộng rãi, trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, trong năm 2020 và 2021, thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, với sự chỉ đạo hướng dẫn của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL, các bộ, ngành đã kịp thời phát hiện, đánh giá các quy định pháp luật bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với thực tiễn. 

Qua đó, nghiên cứu tự xử lý theo thẩm quyền và đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền (Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ) giải pháp xử lý, sửa đổi, hoàn thiện chính sách, quy định của pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, sản xuất, kinh doanh để đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH trong tình hình mới. Đây là đợt rà soát có tính toàn diện, hệ thống, chuyên sâu văn bản QPPL, là hoạt động nổi bật trong công tác "hậu kiểm" văn bản QPPL, hiện đang được tiếp tục thực hiện trong năm 2022.

Nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL

Vậy đâu là những khó khăn, hạn chế cần khắc phục trong công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL và nguyên nhân, thưa ông?

TS. Hồ Quang Huy: Bên cạnh các kết quả đạt được cơ bản, nổi bật nêu trên, công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL tại các bộ, ngành, địa phương thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cần phải khắc phục.

Đó là, hoạt động của các cơ quan kiểm tra, rà soát văn bản chưa đồng bộ. Một số cơ quan cấp bộ chưa chú trọng việc kiểm tra theo thẩm quyền đối với văn bản QPPL do cơ quan cấp bộ khác và địa phương ban hành có nội dung liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của mình. 

Tại một số cơ quan cấp bộ và cấp tỉnh, việc kiểm tra, phát hiện, xử lý văn bản trái pháp luật, chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không phù hợp với thực tiễn chưa kịp thời; hiện vẫn còn trường hợp văn bản có quy định trái pháp luật đã được Bộ Tư pháp phát hiện, kết luận, kiến nghị, đôn đốc xử lý, nhưng cơ quan ban hành chậm xử lý theo quy định, tiềm ẩn tác động tiêu cực đến xã hội. 

Ở địa phương, công tác cập nhật, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định do cấp có thẩm quyền của địa phương đã ban hành trước đây để phù hợp với văn bản của Trung ương có lúc còn chưa kịp thời, hoặc còn gặp khó khăn, vướng mắc, nên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế trong quản lý nhà nước.

Nguyên nhân dẫn đến các khó khăn, hạn chế nêu trên có thể thấy là do số lượng văn bản QPPL được ban hành trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngày càng nhiều, nội dung văn bản ngày càng phức tạp nên đòi hỏi chất lượng, khối lượng công việc trong công tác kiểm tra, rà soát là rất lớn. Mặt khác, tác động, diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trong năm 2021 đã gây khó khăn, trở ngại cho việc tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL tại nhiều địa phương.

Công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL là công việc khó, có nội dung phức tạp, phạm vi tác động rộng, đòi hỏi cao về trình độ, bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm chuyên sâu và công sức, thời gian. Trong khi đó nguồn nhân lực bố trí cho các công tác này tại nhiều cơ quan chưa thực sự tương xứng, phù hợp với đặc trưng công việc, yêu cầu nhiệm vụ; nhân sự làm công tác pháp chế của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh phần lớn là kiêm nhiệm và chưa bảo đảm tính ổn định nên kết quả công tác hạn chế; kinh phí chi cho hoạt động kiểm tra, rà soát văn bản QPPL còn chưa phù hợp nên chưa thu hút được đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên tham gia hỗ trợ hiệu quả các công tác này.

Nguyên nhân chủ quan là do việc thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản tại một số cơ quan chưa đầy đủ, chưa đúng theo quy định; lãnh đạo một số cơ quan chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác kiểm tra văn bản QPPL.

Kiểm tra, rà soát VBQPPL ‘kịp thời, thận trọng, chính xác, quyết liệt’ - Ảnh 2.

Cục Kiểm tra văn bản QPPL làm việc với tỉnh Lào Cai về công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tăng cường cơ chế, phương thức tiếp nhận, xử lý các thông tin báo chí, dư luận xã hội

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được xác định là trọng tâm, ưu tiên thực hiện nhằm xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, hiện đại, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, có sức cạnh tranh quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phục vụ yêu cầu phát triển bền vững KT-XH. Theo ông, thời gian tới cần tập trung thực hiện những giải pháp gì để nâng cao chất lượng, hiệu quả của các công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL này?

TS. Hồ Quang Huy: Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo sát sao, quyết liệt đối với các bộ, ngành, địa phương về công tác xây dựng, rà soát, hoàn thiện pháp luật thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao.

Để công tác này ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng thực tiễn và yêu cầu đặt ra trong thời gian tới, Cục Kiểm tra văn bản QPPL tập trung thực hiện 2 nhóm giải pháp chủ yếu sau.

Thứ nhất, đẩy mạnh việc theo dõi, nắm bắt thông tin, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiểm tra, đôn đốc để thúc đẩy năng lực hệ thống các cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm kiểm tra, rà soát văn bản, giúp các bộ, ngành, địa phương nâng cao nhận thức về nội dung, yêu cầu của các công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL và quy trình tổ chức. Kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các khó khăn, hạn chế trong tổ chức thực hiện. Tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; tập trung tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL theo quy định, gắn với việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật.

Thực hiện đúng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm trong kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản QPPL. Chú trọng kiểm tra, rà soát văn bản QPPL theo lĩnh vực, địa bàn gắn với yêu cầu, giải pháp của Chính phủ về chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực. Kịp thời phát hiện, xử lý các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp thực tiễn để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sự phát triển, đặc biệt là xử lý triệt để văn bản có quy định trái pháp luật đã được phát hiện, không để xảy ra trường hợp văn bản có quy định trái pháp luật gây tác động tiêu cực đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Rà soát, cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác văn bản QPPL thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan, địa phương mình trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo quy định, đồng thời gửi đầy đủ, kịp thời văn bản QPPL do mình ban hành đến Bộ Tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra.

Tăng cường cơ chế, phương thức tiếp nhận, xử lý các thông tin báo chí, dư luận xã hội, người dân, doanh nghiệp phản ánh về văn bản QPPL không phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập để kịp thời nghiên cứu, xử lý. Các bộ, ngành tiếp tục phối hợp thực hiện hiệu quả việc rà soát văn bản QPPL để phát hiện, xử lý các vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật theo kế hoạch hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL.

Thứ hai, Cục Kiểm tra văn bản QPPL tập trung thực hiện ngày càng hiệu quả hơn công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp với tinh thần "Kịp thời, thận trọng, chính xác, quyết liệt". 

Theo dõi, kiểm soát chặt chẽ các văn bản có quy định trái pháp luật đã được kết luận, kiến nghị theo tính chất, mức độ, nguyên nhân để có biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả; xử lý kịp thời các kiến nghị, phản ánh của người dân về văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, không phù hợp; không để tồn tại trường hợp chậm xử lý gây tác động tiêu cực đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức. Tăng cường kiểm tra văn bản theo lĩnh vực, địa bàn và linh hoạt về hình thức tổ chức kiểm tra. Nghiên cứu lựa chọn chuyên đề kiểm tra văn bản QPPL hàng năm gắn với lĩnh vực/vấn đề được Quốc hội lựa chọn để giám sát tối cao. Qua công tác kiểm tra, chú trọng việc giúp cơ quan có văn bản trái pháp luật nhận thức rõ sai sót để tự xử lý; cảnh báo những vi phạm thường gặp, chỉ rõ nguyên nhân để tránh việc ban hành quy định sai phạm.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp trong công tác soạn thảo, thẩm định, kiểm tra văn bản và theo dõi chung về thi hành pháp luật để góp phần làm cho hệ thống pháp luật có tính khả thi hơn. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền thông để nâng cao hiệu quả thông tin về công tác kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản, giúp dư luận xã hội hiểu biết đúng đắn, đầy đủ về các công tác này, nhất là đối với các trường hợp văn bản có dấu hiệu trái pháp luật được dư luận xã hội quan tâm, tránh việc hiểu phiến diện, gây tác động tiêu cực đối với xã hội, đồng thời qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL tại cơ quan cấp bộ và địa phương; phát huy sự tham gia, giám sát của các tầng lớp nhân dân đối với việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực thi chính sách, thể chế pháp luật của Nhà nước.

"Túyt còi" hàng trăm văn bản trái luật

* Trong năm 2021, các bộ, cơ quan ngang bộ (gồm cả Bộ Tư pháp) và địa phương đã thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền 13.233 văn bản QPPL. 

Kết quả, cả nước đã phát hiện và kết luận, kiến nghị xử lý 305 văn bản, gồm 238 văn bản QPPL có quy định trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành (trong đó có 100 văn bản ban hành trong năm 2021) và 67 văn bản không phải là văn bản QPPL nhưng có chứa QPPL.

Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã kiểm tra 4.219 văn bản (gồm 451 văn bản của cơ quan cấp bộ; 3.768 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh).

Qua kiểm tra đã kết luận, kiến nghị xử lý đối với 80 văn bản có quy định trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung (gồm 09 văn bản của cơ quan cấp bộ; 71 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh)./.

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC THI, XÉT CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP THPT từ năm 2025

PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC THI, XÉT CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP THPT từ năm 2025

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025.

Từ 1/1/2025, giấy phép lái xe cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại thế nào?

Từ 1/1/2025, giấy phép lái xe cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại thế nào?

Chính sách mới

(Chinhphu.vn) - Giấy phép lái xe hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe ô tô số tự động.

Hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến đề nghị cấp thẻ Căn cước cho trẻ từ 6 đến dưới 14 tuổi

Hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến đề nghị cấp thẻ Căn cước cho trẻ từ 6 đến dưới 14 tuổi

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Hướng dẫn nộp hồ sơ đề nghị cấp thẻ Căn cước cho trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi qua Cổng dịch vụ công.

Thống nhất quy định tuổi nghỉ hưu của nam, nữ sĩ quan; đề nghị phân cấp quy định trần quân hàm

Thống nhất quy định tuổi nghỉ hưu của nam, nữ sĩ quan; đề nghị phân cấp quy định trần quân hàm

Tham vấn chính sách

(Chinhphu.vn) - Bộ Quốc phòng nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các Thành viên Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đó, Chính phủ thống nhất quy định tuổi nghỉ hưu của nam sĩ quan và nữ sĩ quan bằng nhau.

TIỂU SỬ TỔNG BÍ THƯ, CHỦ TỊCH NƯỚC TÔ LÂM

TIỂU SỬ TỔNG BÍ THƯ, CHỦ TỊCH NƯỚC TÔ LÂM

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Tóm tắt tiểu sử Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi