Đường sắt tốc độ cao phải kết nối các điểm dân cư - đặc biệt là những vị trí không tuận lợi với hàng không
Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam đi qua 20 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài khoảng 1.541km gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa. Trong đó, việc tuyến đường sắt này đi qua tỉnh Nam Định có ý kiến cho rằng chưa bảo đảm hướng tuyến thẳng nhất có thể.
Chia sẻ quan điểm trên báo Dân Trí, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng: Tuyến đường sắt này giải quyết việc kết nối người dân ở những vùng, khu vực đông dân cư, không thuận lợi trong tiếp cận dịch vụ hàng không.
"Ở đây, chúng ta không phải xác định tuyến đường sắt tốc độ cao chạy Hà Nội - TPHCM nhanh nhất, mà làm sao kết nối các điểm dân cư - đặc biệt là điểm không thuận lợi với hàng không - để có thể di chuyển nhanh", ông Cường nhận định.
Ông nêu quan điểm khi làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là giải quyết vấn đề kết nối cho khu vực có đông dân cư.
"Nếu bỏ qua điều này để đạt mục tiêu đi Hà Nội - TPHCM nhanh thì chúng ta đang sai lầm khi hiểu phương tiện này cạnh tranh với hàng không", ông Cường bày tỏ.
Không có lý do gì bỏ qua ga Nam Định
Đại biểu Hoàng Văn Cường tái khẳng định việc xây dựng đường sắt tốc độ cao không phải để cạnh tranh với hàng không mà tạo ra một hệ thống giao thông tương trợ cho nhau.
Chẳng hạn, người dân đi từ Hà Nội vào TPHCM trong thời gian ngắn thì chọn hàng không. Nhưng nếu muốn đi Nam Định - Hà Tĩnh cần nhanh hơn, họ có thể đi đường sắt tốc độ cao. Như vậy, đường sắt sẽ bổ sung cho hệ thống vận tải hàng không.
Đại biểu Hoàng Văn Cường nhắc lại lịch sử, tuyến đường sắt Bắc - Nam từ thời Pháp thuộc cũng được thiết kế theo hướng vòng sang phía Đông để tiếp cận thành phố Nam Định. Pháp thiết kế tuyến này là có lý do.
Từ những yếu tố lịch sử và hiện tại như đã phân tích, đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định không có lý do gì bỏ qua ga Nam Định trong tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Nếu bỏ Ga Nam Định chi phí tiêu tốn sẽ tăng thêm khoảng 1.632,96 triệu USD
Theo tính toán của Bộ GTVT, phương án hướng tuyến kết nối trung tâm thành phố Nam Định khiến chi phí đầu tư tăng thêm khoảng 476,33 triệu USD và chi phí vận hành khoảng 20,36 triệu USD (xét cả chu kỳ dự án khoảng 30 năm).
Nhưng nếu không đầu tư xây dựng ga khách này, chi phí tiêu tốn cho việc di chuyển từ trung tâm thành phố đến vị trí ga Phủ Lý hoặc ga Ninh Bình sẽ tăng thêm khoảng 1.632,96 triệu USD.
Trong ý kiến gửi Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT cũng cho biết thành phố Nam Định có quy mô dân số quy hoạch đến năm 2040 là 600.000 dân; vùng hấp dẫn các địa phương lân cận trong khu vực đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Hưng Yên... lên đến khoảng 4 triệu người.
Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao qua thành phố Nam Định đã được nghiên cứu đảm bảo phù hợp quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch các vùng và quy hoạch tỉnh.
Trong đó, thành phố là đầu mối giao thông có nhu cầu vận tải lớn (theo dự báo đến năm 2050 nhu cầu đi và đến ga Nam Định khoảng gần 3 triệu khách/năm).
Phương án hướng tuyến qua 20 địa phương trên hành lang Bắc - Nam, bao gồm cả đoạn qua Nam Định, đã được Bộ Chính trị thống nhất và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua ngày 20/9.
Vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị giữ nguyên phương án tuyến đoạn qua Nam Định như hiện nay. Trong bước tiếp theo, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo chủ đầu tư tiếp tục tối ưu hướng tuyến thẳng nhất có thể.
Có thể sẽ có tinh chỉnh nhỏ vị trí ga đoạn chạy qua địa bàn tỉnh Nam Định
Ông Đinh Mai Hưng, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng công trình giao thông, Sở GTVT tỉnh Nam Định, cho biết: "Có thể sẽ có tinh chỉnh nhỏ ở vị trí ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn chạy qua địa bàn tỉnh Nam Định.
Vị trí ga không nhất thiết phải đặt ở địa bàn phường Hưng Lộc, thành phố Nam Định như báo cáo tiền khả thi, mà tìm vị trí phù hợp nhất, làm sao cho thẳng nhất có thể".
Cụ thể, UBND tỉnh Nam Định đã có văn bản gửi Bộ KHĐT và Bộ GTVT về việc tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước về hướng tuyến, vị trí nhà ga qua địa bàn tỉnh Nam Định - Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Văn bản nêu rõ, trong quá trình triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án đến nay đã có những thay đổi cơ bản trong hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi so với trước đây, trong đó có tốc độ tàu (350km/h thay vì 250km/h).
Hội đồng thẩm định đã đề nghị Bộ GTVT giải trình rõ các yếu tố về kỹ thuật đảm bảo hướng tuyến thẳng nhất có thể để giảm chi phí (đặc biệt là đoạn chạy qua Nam Định), bảo đảm tốc độ khai thác cho các đoàn tàu, tạo không gian phát triển mới…
Đồng thời đề nghị Bộ GTVT tiếp tục phối hợp với các địa phương có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua rà soát, điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga của dự án.
UBND tỉnh Nam Định thống nhất với ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước để đảm bảo vận hành êm thuận hơn, phù hợp hơn với tổng thể dự án.
Trong bước tiếp theo (lập báo cáo nghiên cứu khả thi), tỉnh Nam Định sẽ phối hợp với Bộ GTVT rà soát, điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga của dự án đoạn qua tỉnh Nam Định.
Trước đó, UBND tỉnh Nam Định cũng đã có văn bản gửi Bộ KHĐT nêu ý kiến về vị trí ga Nam Định trong hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.
Địa phương này cho biết Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng tầm nhìn 2050 đã xác định thành phố Nam Định là trung tâm tiểu vùng phía nam, gắn với hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình, là đầu mối liên kết vùng về đường sắt Bắc - Nam và đường sắt kết nối Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Việc điều chỉnh hướng tuyến và vị trí nhà ga sẽ không chỉ phá vỡ hệ thống quy hoạch của tỉnh Nam Định mà còn ảnh hưởng đến chiến lược phát triển kinh tế xã hội, đời sống nhân dân của địa phương và khu vực các tỉnh lân cận như Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình...
Do đó, địa phương đề nghị giữ nguyên hướng tuyến và vị trí nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam qua tỉnh Nam Định tại địa bàn phường Hưng Lộc như đã nêu trong báo cáo tiền khả thi.
Ga Nam Định - điểm kết nối hành lang Bắc-Nam và Đồng bằng sông Hồng
Theo báo QĐND, hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam được liên danh tư vấn lập báo cáo tiền khả thi dự án nghiên cứu trên cơ sở bảo đảm chiều dài tuyến giữa các điểm là ngắn nhất, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bình diện và trắc dọc của tuyến.
Vị trí các ga là một trong những yếu tố quan trọng quyết định điểm kiểm soát trong định tuyến cho đường sắt tốc độ cao. Về nguyên tắc cơ bản, khi xác định vị trí ga trong khu vực phải đáp ứng tiêu chí: Tại trung tâm kinh tế, chính trị của mỗi tỉnh, thành phố nơi có tuyến đi qua sẽ bố trí một ga đường sắt tốc độ cao để phục vụ kết nối với địa phương.
Đối với các vị trí ga bố trí thêm, cần thỏa mãn các tiêu chí: Khoảng cách giữa các ga bảo đảm cự ly tối thiểu khoảng 30km; đô thị lựa chọn đặt ga phải đạt từ loại III trở lên.
Vị trí ga hành khách được lựa chọn là các đô thị của tỉnh, thành phố và các trung tâm vùng. Đây là nơi tập trung đông dân cư và là đầu mối giao thông của khu vực. Mỗi vị trí ga được xem xét đảm bảo phù hợp với điều kiện hiện tại và quy hoạch đô thị của từng địa phương.
Vị trí nhà ga cần tiếp cận trung tâm đô thị hoặc các khu vực có tiềm năng phát triển đô thị trong tương lai theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) để bảo đảm kết nối thuận tiện và thu hút hành khách. Khoảng cách giữa các ga phải phù hợp để hoạt động có hiệu quả.
Cùng với đó là khả năng kết nối tốt với hệ thống giao thông công cộng của các đô thị, đặc biệt là hệ thống đường sắt hiện hữu, tạo điều kiện khai thác tối đa năng lực của từng hệ thống, hình thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh.
Giảm thiểu tác động đến môi trường xã hội, môi trường tự nhiên của các địa phương có tuyến đường sắt đi qua. Có điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn thuận lợi, không cần thu hồi đất số lượng lớn, tiết kiệm chi phí.
Vị trí ga hàng hóa được xác định trên cơ sở tổ chức chạy tàu (để tổ chức móc, cắt toa xe hàng và quay đầu máy).
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam bố trí 23 ga hành khách, cự ly trung bình giữa các ga khoảng 67km. Theo liên danh tư vấn, đây là cự ly phù hợp với vận tốc thiết kế 350km/giờ, điều kiện thực tiễn các địa phương và kinh nghiệm thế giới (với vận tốc nhỏ hơn 250km/giờ, cự ly trung bình giữa các ga khoảng 30-50km; vận tốc trên 300km/giờ, cự ly ga khoảng 50-70km).
Sau khi đi qua ga Phủ Lý (Hà Nam), tuyến cơ bản đi theo hướng đường sắt hiện tại và Quốc lộ 21 về phía thành phố Nam Định. Sau ga Nam Định, tuyến đi về phía Ninh Bình, vượt sông Đáy tại khu vực phía Đông khu công nghiệp Khánh Phú (thành phố Ninh Bình).
Do vị trí ga Nam Định nằm về phía Đông so với trục Bắc-Nam nên hướng tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ đi vòng để qua khu vực Nam Định.
Việc lựa chọn hướng tuyến và vị trí ga Nam Định đã được nghiên cứu bảo đảm phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; đáp ứng yêu cầu kinh tế-kỹ thuật của tuyến.
Tổng hợp