
Theo dõi sát diễn biến bão số 3, sẵn sàng sơ tán dân, cấm biển từ ngày 21/7
Thực hiện nghiêm Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 19/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ, trong đó yêu cầu các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh và UBND các xã, phường khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác chỉ đạo phòng chống bão.
Các địa phương, đơn vị phải theo dõi sát diễn biến bão, cập nhật thông tin đầy đủ để kịp thời điều chỉnh phương án ứng phó phù hợp.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các xã, phường phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về công tác ứng phó tại địa phương, đơn vị mình phụ trách.
UBND các xã, phường tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng ứng phó thiên tai cho người dân, đặc biệt là các biện pháp đảm bảo an toàn khi có gió mạnh, ngập lụt, sạt lở đất.
Các địa phương khẩn trương rà soát, lập phương án sơ tán dân tại khu vực ven biển, vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét về nơi an toàn; đảm bảo hỗ trợ lương thực, nước sạch, chỗ ở tạm cho các hộ sơ tán.
Từ 7 giờ ngày 21/7, nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi; đến 12 giờ cùng ngày phải hoàn tất việc neo đậu, trú tránh an toàn.
Từ 17 giờ ngày 21/7, tạm dừng hoạt động các tuyến đò ngang, đò dọc trên toàn tỉnh.
Các địa phương cần bố trí lực lượng kiểm soát tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, kiên quyết không để người và phương tiện qua lại khi không đảm bảo an toàn.
Bảo đảm phương châm "bốn tại chỗ" trong mọi tình huống
UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng của tỉnh chủ động xây dựng phương án ứng phó theo lĩnh vực phụ trách.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tập trung kiểm tra, gia cố đê điều xung yếu, hồ chứa và chỉ đạo tiêu úng kịp thời cho vùng sản xuất, khu dân cư.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ đội Biên phòng sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn. Sở Y tế đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh. Sở Du lịch kiểm tra an toàn tại các khu, điểm du lịch. Sở Xây dựng phối hợp kiểm soát giao thông tại các điểm ngập.
Các cơ quan thông tin, báo chí tăng cường dự báo, cảnh báo thiên tai, hướng dẫn kỹ năng ứng phó cho người dân.
Công ty Điện lực và các đơn vị thủy lợi triển khai bảo đảm cấp điện, tiêu úng hiệu quả, bảo vệ sản xuất và khu dân cư.
UBND tỉnh giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh vận động người dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống bão. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh thực hiện phân công địa bàn, chủ động triển khai phương án theo chức năng, nhiệm vụ.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương duy trì trực ban 24/24 giờ, theo dõi diễn biến bão và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh (qua Chi cục Thủy lợi).
Trong mọi tình huống, phương châm “4 tại chỗ” phải được đảm bảo: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Bão số 3 - Bão WIPHA có khả năng đổ bộ vào Quảng Ninh - Thanh Hóa
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, sáng sớm 18/7, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Đông Philippines đã mạnh lên thành bão, tên quốc tế là bão WIPHA.
Sáng 19/7, bão WIPHA đã đi vào vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm 2025.
Hồi 16 giờ ngày 20/7, tâm bão số 3 - bão WIPHA ở khoảng 21,8°N; 112,8°E, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách Quảng Ninh–Hải Phòng khoảng 560km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất cấp 12 (118–133km/h), giật cấp 15. Bão số 3 di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 20–25km/h.
Dự báo diễn biến bão số 3 - bão WIPHA
Đến 16h ngày 21/7: Bão số 3 (bão WIPHA) ở trên khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ (20,7°N–108,5°E), mạnh cấp 11–12, giật cấp 15.
Đến 16h ngày 22/7: Bão số 3 (bão WIPHA) đi vào đất liền ven biển Hải Phòng–Thanh Hóa (20,2°N–106,2°E), suy yếu còn cấp 9–10, giật cấp 12.
Đến 16h ngày 23/7: Trên khu vực Thượng Lào (19,8°N–103,8°E), suy yếu thành vùng áp thấp.
Gió mạnh – biển động:
Trên biển: Vùng biển phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió cấp 8–10, vùng gần tâm bão cấp 11–12, giật cấp 15, sóng cao 5–7m, biển động dữ dội.
Bắc vịnh Bắc Bộ từ đêm 20/7 gió mạnh dần lên cấp 6–7, sau tăng lên cấp 8–9, vùng gần tâm bão cấp 10–12, giật cấp 15; sóng cao 3–5m. Nam vịnh Bắc Bộ gió mạnh cấp 6–7, vùng gần tâm bão cấp 8–9, giật cấp 11, sóng cao 2–4m.
Trên đất liền: Từ đêm 21/7, ven biển Quảng Ninh đến Nghệ An có gió cấp 7–9, vùng gần tâm bão cấp 10–11, giật cấp 14; sâu trong đất liền gió cấp 6–7, giật cấp 8–9.
Nước dâng: Tại Hải Phòng–Quảng Ninh có nước dâng 0,8–1,2m. Mực nước cao nhất: Hòn Dấu 3,8–4,2m; Cửa Ông 4,8–5,2m; Trà Cổ 3,8–4,4m. Nguy cơ ngập úng cao tại vùng ven biển, cửa sông vào trưa–chiều 22/7.
Khuyến cáo: Không cho tàu thuyền hoạt động trong khu vực chịu ảnh hưởng. Người dân tại các vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An cần hoàn thành việc gia cố nhà cửa, di dời dân nếu cần thiết trước ngày 21/7. Cảnh báo ngập lụt, gãy đổ do gió mạnh, mưa lớn kéo dài và lũ quét, sạt lở đất vùng núi.