Tại Nghị quyết 27/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2025, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình về đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh "tài sản số" ("tài sản ảo", "tài sản mã hóa"), quản lý các giao dịch "tài sản số" ("tài sản ảo", "tài sản mã hóa") theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 424/QĐ-TTg ngày 16/5/2024, chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại các văn bản số: 4152/VPCP-KTTH ngày 15/10/2024, 4452/VPCP-KTTH ngày 04/11/2024, 313/VPCP- KTTH ngày 23/01/2025 của Văn phòng Chính phủ và các văn bản có liên quan, không để tiếp tục chậm trễ.
Tại Quyết định 424/QĐ-TTg ngày 16/5/2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài để đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh “tài sản số” (“tài sản ảo”, “tài sản mã hóa”), quản lý các giao dịch liên quan đến “tài sản số” (“tài sản ảo”, “tài sản mã hóa”).
Việt Nam đang nằm trong 30 quốc gia có tỷ lệ sở hữu tài sản mã hóa cao nhất
*Tại Diễn đàn động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho Việt Nam trong kỷ nguyên mới được tổ chức mới đây tại Hà Nội, Ths Nguyễn Thị Hải Bình, Trưởng ban Nghiên cứu và điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dẫn báo cáo của hãng Chainalysis (Hoa Kỳ), cho biết, tính đến tháng 7/2023, tài sản mã hóa vào Việt Nam lên đến 120 tỷ USD. Số tiền này tăng 20% so với giai đoạn 2021-2022 (khoảng 100 tỷ USD).
Theo bà Bình, Việt Nam đang nằm trong 30 quốc gia có tỷ lệ sở hữu tài sản mã hóa cao nhất. Điều này đặt ra yêu cầu phải quản lý, giám sát tài sản mã hóa. Việc sớm quản lý loại tài sản này sẽ giúp giảm rủi ro, như thất thu thuế, rửa tiền và mất kiểm soát chủ quyền tiền tệ…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các biện pháp quản lý nhà nước đối với các vấn đề này cần thận trọng, đảm bảo sự cân bằng giữa mục tiêu khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo vệ lợi ích của các tổ chức, cá nhân trong xã hội...
Mới đây, Chính phủ đã trình Quốc hội Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó có một chương quy định về tài sản số, tài sản mã hóa. Đây được coi là nền móng bước đầu để quản lý với loại tài sản này.
Cũng tại hội thảo, TS Nguyễn Đức Thủy, Viện Công nghệ số và chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, nên áp dụng chính sách "sandbox" là cơ chế thử nghiệm hoặc thí điểm chính sách, ý tưởng hoặc mô hình kinh doanh mới, dưới sự giám sát của cơ quan quản lý, để đánh giá, kiểm nghiệm và điều chỉnh, trước khi ban hành thành một chính sách chung.
Chính sách sandbox cũng được nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á áp dụng (đến năm 2023, có 39 sandbox trong khu vực). Tại Việt Nam, hiện mới áp dụng khung thể chế thử nghiệm đối với mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ trong lĩnh vực vận tải (Grab Taxi) và khung thể chế thử nghiệm tiền điện tử (Mobile Money).
Tuy nhiên, các biện pháp quản lý nhà nước đối với các vấn đề này cần thận trọng, đảm bảo sự cân bằng giữa mục tiêu khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo vệ lợi ích của các tổ chức, cá nhân trong xã hội...
Hiện nay, nhiều nước đã bắt đầu hình thành khung pháp lý về quản lý tài sản mã hóa nhằm đưa tài sản mã hóa vào đối tượng quản lý và giám sát thay vì không được công nhận hay bị cấm như trước đây. Đa số các quốc gia thuộc nhóm G20 (trừ Trung Quốc) có xu hướng công nhận tài sản mã hóa, cấp phép một số loại dịch vụ tài sản mã hóa, cấp phép với các sàn giao dịch tài sản mã hóa, đánh thuế đối với giao dịch tài sản mã hóa.