Khẩn trương hoàn thành, trình Bộ Chính trị ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng, tiêu cực

18/08/2022 10:32

(Chinhphu.vn) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo khẩn trương hoàn thành, trình Bộ Chính trị ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xây dựng pháp luật, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và trong hoạt động báo chí, truyền thông.

Khẩn trương hoàn thành, trình Bộ Chính trị ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Ngày 17/8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã họp Phiên thứ 22 để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, xác định nhiệm vụ những tháng cuối năm 2022. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Sau một buổi làm việc tích cực, khẩn trương, rất tâm huyết, nghiêm túc và trách nhiệm, Ban Chỉ đạo đã hoàn thành toàn bộ nội dung Phiên họp theo chương trình đề ra.

Hội nghị đã nghe đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo, trình bày Tờ trình tóm tắt các tài liệu Phiên họp; các đồng chí trong Ban Chỉ đạo đã có ý kiến phát biểu và hầu hết đều đánh giá cao, hoan nghênh Cơ quan Thường trực đã chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, chất lượng các tài liệu Phiên họp và gửi sớm cho các thành viên Ban Chỉ đạo để nghiên cứu trước.

Qua thảo luận, các đồng chí đều cơ bản thống nhất với nội dung các tài liệu do Cơ quan Thường trực trình; tập trung phân tích, đánh giá công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và hoạt động của Ban Chỉ đạo từ đầu năm đến nay, đồng thời góp ý, bổ sung, làm rõ thêm một số vấn đề. Đề nghị giao Cơ quan Thường trực nghiên cứu, tiếp thu tối đa để tiếp tục hoàn thiện các văn bản.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát lại và nhấn mạnh, làm rõ thêm một số nội dung sau.

Thứ nhất, về kết quả đạt được từ đầu năm 2022 đến nay: Từ sau Phiên họp thứ 21 (tháng 1/2022) của Ban Chỉ đạo đến nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và những tác động khó lường từ tình hình quốc tế và khu vực gây ra, nhưng các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, vừa tập trung cho các nhiệm vụ phục hồi kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, vừa chú trọng chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm các kết luận phiên họp, cuộc họp và Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Chỉ đạo, thành viên Ban Chỉ đạo đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời cho chủ trương xử lý đối với những vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta về cuộc đấu tranh chống tham nhũng, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Kết quả đó đã được thể hiện khá rõ trong Báo cáo và Tờ trình của phiên họp; có thể khái quát lại thành mấy điểm nổi bật sau:

Một là, chúng ta đã chủ động làm tốt công tác tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sơ kết, tổng kết và triển khai thực hiện nhiều chủ trương lớn về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ban Chỉ đạo đã tham mưu đề xuất với Bộ Chính trị tổ chức rất thành công Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI.

Có thể nói, đây là Hội nghị toàn quốc lớn nhất về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tổ chức từ trước đến nay (với hơn 80.000 đại biểu tham dự tại hơn 4.000 điểm cầu trong cả nước, nhiều địa phương kết nối đến cấp xã). Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh, và cho đến nay tất cả 63/63 tỉnh, thành đã thành lập Ban Chỉ đạo.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Việc tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã để lại dấu ấn tốt, đánh dấu chặng đường 10 năm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo động lực mới, khí thế mới, quyết tâm mới cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới.

Đồng thời, việc quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh một lần nữa đã thể hiện quyết tâm cao của Trung ương trong việc đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến địa phương trong giai đoạn mới, theo tinh thần như tôi đã nói nhiều lần, là "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt".

Hai là, đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của Đảng, Nhà nước về xây dựng Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thời gian qua, chúng ta đã chỉ đạo triển khai khá toàn diện, đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cả trong Đảng và Nhà nước. Từ nghiên cứu, ban hành mới đến rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định của Đảng và các quy định của pháp luật còn bất cập hoặc chưa phù hợp với thực tiễn, để kịp thời bổ sung, điều chỉnh; từng bước hình thành khuôn khổ pháp lý vững chắc để "không thể tham nhũng, tiêu cực".

Nhất là chúng ta đã từng bước gắn kết đồng bộ giữa phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực; nếu như trước đây, chúng ta mới chỉ có quy định, chế tài xử lý các hành vi tham nhũng, thì nay đã có cả quy định, chế tài xử lý các hành vi tiêu cực; nếu như trước đây, cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng còn lúng túng trong nhận thức, triển khai công tác phòng, chống tiêu cực, thì hiện nay đã có quy định, hướng dẫn cụ thể giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng thống nhất nhận thức trong triển khai thực hiện.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo đã ban hành gần 30 văn bản về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đặc biệt là, việc ban hành Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm và Hướng dẫn số 25-HD/TW, ngày 1/8/2022 của Ban Chỉ đạo hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực đã hình thành cơ chế đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ.

Tính ra, trong 6 tháng đầu năm nay, Quốc hội đã thông qua 6 dự án luật; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 44 nghị định, 15 quyết định; các bộ, ngành ban hành 216 thông tư, thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ cũng đang chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến việc đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất, tài sản công, tài chính công, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp,... theo đề xuất của Ban Chỉ đạo.

Ba là, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá mới trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Có thể nói là chưa bao giờ chúng ta xử lý mạnh mẽ, nghiêm minh hành vi tham nhũng, tiêu cực như vừa qua, có đúng không? Nhất là việc xử lý khẩn trương, nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ, dứt điểm giữa kỷ luật đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự đối với 2 trường hợp Ủy viên Trung ương là bộ trưởng, nguyên bộ trưởng trong vụ Việt Á gần đây đã thể hiện nhất quán quan điểm: "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai".

Hay như việc xử lý kỷ luật đối với 3 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước do có sai phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, chính là bước tiến mới trong kiểm soát quyền lực nhà nước; thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo và Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018: Nếu qua thanh tra, kiểm toán không phát hiện sai phạm hoặc có phát hiện sai phạm mà không xử lý, hoặc xử lý không nghiêm, sau đó cơ quan có thẩm quyền khác lại phát hiện ra sai phạm thì trưởng đoàn, thành viên đoàn thanh tra, kiểm toán đó sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm.

Đây là bước đột phá mới trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay chính trong các cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá rất cao.

Bốn là, tiếp tục chỉ đạo khắc phục những khâu yếu, việc khó, tạo bước chuyển biến tích cực hơn trong công tác giám định, định giá tài sản, thu hồi tài sản tham nhũng.

Nếu như trước đây, khâu yếu, việc khó được Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo xử lý là việc cho hưởng án treo không đúng quy định hay việc phối hợp công tác giữa các cơ quan chức năng chưa tốt, còn tình trạng "quyền anh, quyền tôi", "cua cậy càng, cá cậy vây", rồi tình trạng "trên nóng, dưới lạnh",… thì đến nay các tồn tại, hạn chế đó đã được chấn chỉnh, khắc phục một bước và có nhiều chuyển biến tích cực; các việc khó, việc phức tạp đều được các cơ quan tư pháp bàn bạc để có sự đồng thuận, thống nhất cao trong xử lý các vụ án, vụ việc.

Kết quả bước đầu cho thấy, con số thu hồi tài sản tham nhũng lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm; công tác giám định, định giá cũng có chuyển biến tích cực; tình trạng đùn đẩy, đổ lỗi cho nhau giữa các cơ quan chức năng, chậm ban hành kết luận hoặc từ chối giám định, định giá tài sản không đúng quy định pháp luật đã giảm hẳn; chất lượng kết luận cũng được nâng lên.

Năm là, hoạt động của Ban Chỉ đạo và các cơ quan chức năng được duy trì nền nếp, bài bản, hiệu quả 

Ban Chỉ đạo đã sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ Thành viên Ban Chỉ đạo và ban hành Quy định về công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo; chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Các đồng chí Thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực triển khai và hoàn thành nhiều đề án, nhiệm vụ được giao theo kế hoạch; quan tâm chỉ đạo, đôn đốc tại địa bàn được phân công quản lý, phụ trách.

Đồng thời, chúng ta cũng phải ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương vai trò của báo chí, truyền thông trong công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Báo chí, truyền thông đã nỗ lực cố gắng, thường xuyên theo sát và kịp thời thông tin, phản ánh quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, được đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm, theo dõi, đồng tình, ủng hộ (theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm đã có hơn 5.000 tin, bài nói về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gần bằng số tin bài của cả năm 2021).

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn những hạn chế, như trong Báo cáo của Ban Chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 do Bộ Chính trị tổ chức ngày 30/6/2022 vừa qua đã chỉ rõ. Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương phải gương mẫu thực hiện và tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện, nghiêm túc khắc phục các tồn tại, khuyết điểm đã nêu ra.

Phải tiến hành kiên trì, thường xuyên, liên tục, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực

Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Tổng Bí thư chỉ rõ: Chúng ta sắp kết thúc năm thứ hai của nhiệm kỳ XIII của Đảng, trong hoàn cảnh đất nước vừa trải qua những khó khăn, thách thức to lớn của đại dịch COVID-19; toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang tích cực thi đua, ra sức phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với tâm thế mới, khí thế mới, mạnh mẽ hơn, tự tin hơn.

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được những kết quả rất quan trọng, cho chúng ta thêm nhiều bài học quý, góp phần nâng cao uy tín của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mở rộng quan hệ đối ngoại.

Tuy nhiên, tình hình, bối cảnh quốc tế và khu vực đang có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vẫn còn diễn biến phức tạp; tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội.

Vì vậy, chúng ta tuyệt nhiên không được chủ quan, tự thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, cũng không được nóng vội, mà phải tiến hành kiên trì, thường xuyên, liên tục, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, hiệu quả cao hơn, làm cho Đảng ta và hệ thống chính trị nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đồng chí cần tập trung chỉ đạo hoàn thành các công việc theo đúng kế hoạch đã đề ra. Trong đó, cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ sau đây:

Một là, tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện thể chế của Đảng, Nhà nước về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Khẩn trương hoàn thành, trình Bộ Chính trị ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xây dựng pháp luật, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và trong hoạt động báo chí, truyền thông.

Hai là, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Phấn đấu từ nay đến hết năm 2022 kết thúc điều tra 14 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 20 vụ án; xét xử sơ thẩm 25 vụ án; xét xử phúc thẩm 5 vụ án; kết thúc xác minh, giải quyết 21 vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Nhất là: (1) Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án liên quan đến Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan, doanh nghiệp liên quan; vụ án "Thao túng thị trường Chứng khoán" xảy ra tại Tập đoàn FLC và một số công ty liên quan; vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh; vụ án xảy ra tại Công ty AIC. (2) Khẩn trương đưa ra xét xử các vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Ba là, khẩn trương hoàn thành việc kiểm tra chuyên đề của Ban Chỉ đạo về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản trong các vụ án, vụ việc.

Bốn là, chỉ đạo tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, trong đó tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực.

Năm là, cần tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới, trước hết là sự gương mẫu, giữ gìn, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phát huy hơn nữa vai trò của báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Báo chí không chỉ tuyên truyền, giáo dục, mà còn tích cực đấu tranh, góp phần răn đe, ngăn chặn những hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Sáu là, khẩn trương chuẩn bị và tích cực hướng dẫn, chỉ đạo Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sớm kiện toàn tổ chức và xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy trình công tác, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra để nâng cao hiệu quả hoạt động; kiên quyết khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt, đồng bộ trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở./.

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
Từ 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Từ 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Chính sách mới

(Chinhphu.vn) - Giấy phép lái xe hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe ô tô số tự động.

Kiến nghị công dân đỗ vào các trường phải đi nghĩa vụ quân sự trước, đi học sau

Kiến nghị công dân đỗ vào các trường phải đi nghĩa vụ quân sự trước, đi học sau

Người dân góp ý

(Chinhphu.vn) - Bộ Quốc phòng trả lời cử tri kiến nghị công dân đỗ các trường phải đi nghĩa vụ quân sự trước, đi học sau.

PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC THI, XÉT CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP THPT từ năm 2025

PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC THI, XÉT CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP THPT từ năm 2025

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025.

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan; bổ sung quy định liên quan đến tiền lương, cấp bậc hàm, nhà ở xã hội,...

Hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến đề nghị cấp thẻ Căn cước cho trẻ từ 6-14 tuổi

Hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến đề nghị cấp thẻ Căn cước cho trẻ từ 6-14 tuổi

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Hướng dẫn nộp hồ sơ đề nghị cấp thẻ Căn cước cho trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi qua Cổng dịch vụ công.

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi