Chiều 30/10/2024, Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) tổ chức buổi làm việc với các cơ quan báo chí để thông báo kết quả Cuộc họp Thường trực của Ban Chỉ đạo vừa diễn ra sáng nay dưới sự chủ trì của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Tại buổi làm việc, đồng chí Đặng Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương thông tin về một số kết quả quan trọng của Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo vừa diễn ra sáng nay dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Theo đó, đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, từ sau Phiên họp 26 của Ban Chỉ đạo đến nay, đất nước ta đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, nhất là thành công của Hội nghị Trung ương 10 đã tạo niềm tin mới, khí thế mới về kỷ nguyên phát triển vươn mình của dân tộc.
Sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng, bài bản của các cơ quan trong các khâu kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra,truy tố, xét xử, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, đã góp phần đẩy mạnh, quyết liệt, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Tnh thần trách nhiệm và sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan trong triển khai nhiệm vụ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc được nâng lên, nhiều vấn đề đã có chuyển biến rõ nét; niềm tin và sự đồng lòng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực tiếp tục được củng cố.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống lãng phí
Đồng chí Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh ý kiến phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo, đó là:
(1) Khẩn trương ban hành Hướng dẫn của Ban Chỉ đạo về những nội dung cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống lãng phí (trong đó phải nhận diện, chỉ rõ các hành vi, biểu hiện lãng phí, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác phòng, chống lãng phí);
(2) Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống lãng phí đảm bảo đồng bộ, thống nhất; sửa đổi, bổ sung ngay các quy định về tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước
(3) Chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm các vụ việc lãng phí lớn, dư luận xã hội quan tâm, theo đúng tinh thần xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực;xác định rõ trách nhiệm, xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu dứt khoát phải có địa chỉ chịu trách nhiệm, vì đây là tài sản của Nhà nước, là tiền của Nhân dân;
(4) Song song với xử lý, cũng cần có các hình thức khen thưởng, biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hoặc có giải pháp làm lợi cho Nhà nước.
Xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, gắn với tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phục vụ thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV; xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Phải làm cho việc thực hành liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực “trở thành việc làm “tự giác”
Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương, cơ sở theo phương châm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải từ cơ sở, từ chi bộ.
Khẩn trương sửa đổi, bổ sung chức năng của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh để chỉ đạo cả công tác phòng, chống lãng phí
Khẩn trương sửa đổi, bổ sung chức năng của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh để chỉ đạo cả công tác phòng, chống lãng phí, tạo sự đồng bộ,thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Tăng cường ứng dụng công nghệ, cải cách hành chính, xử lý hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp “tham nhũng vặt”; khắc phục bệnh “sợ trách nhiệm”, đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm; không được lợi dụng phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để cản trở hoạt động phát triển hoặc trục lợi…