Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 nhấn mạnh điều này tại cuộc họp với 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp (TPHCM, Trà Vinh, An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng), ngày 24/4, để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Tại sao môi trường pháp lý như nhau, Chính phủ chỉ đạo công khai, minh bạch, công bằng, "không ưu ái" riêng địa phương nào mà nơi làm tốt, nơi lại không?
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, kế hoạch vốn của 5 tỉnh, thành phố rất lớn, hơn 92 nghìn tỷ đồng. Chiếm hơn 10% tổng số vốn đầu tư công năm 2023 của cả nước. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân của 5 địa phương này trong quý I/2023 lại thấp hơn bình quân chung.
Trong điều kiện các ngành kinh tế đang gặp khó khăn, cả nước phải tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư công để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, bù đắp lại mức tăng trưởng của các lĩnh vực khác.
Đề cập đến những nguyên nhân vướng mắc nêu trong báo cáo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng có những nguyên nhân "nêu cho có chứ không sát thực". Chẳng hạn như: "Địa phương gặp khó khăn vì không thể chủ động quyết định việc nâng trần kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương theo khả năng thu thực tế, dẫn đến không thể chủ động bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các dự án mới để làm cơ sở bố trí kế hoạch đầu tư công hằng năm".
Phó Thủ tướng chỉ rõ, Luật Đầu tư công đã có, kế hoạch đầu công trung hạn 5 năm Quốc hội đã phê duyệt danh mục cụ thể. Thủ tướng Chính phủ đã phân bổ vốn, phê duyệt chủ trương đầu tư. Phần việc còn lại về mặt thủ tục phê duyệt dự án, kế hoạch đấu thầu… là của địa phương.
Từ phân tích này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các địa phương phải báo cáo cụ thể, nguyên nhân vì sao, vướng mắc ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai,… để có biện pháp tháo gỡ hiệu quả trong thời gian tới.
Bày tỏ chưa hài lòng, Phó Thủ tướng yêu cầu "các địa phương phải nêu nguyên nhân hết sức rõ ràng, không cần dài dòng, nhưng phải trúng. Cái gì là nguyên nhân thực chất thì đưa vào. Không tìm được nguyên nhân xác thực, mất thời gian bàn đi, bàn lại. Tiền có rồi, kế hoạch có rồi mà không giải ngân được, để tồn đọng vốn sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới tăng trưởng và thanh khoản của nền kinh tế".
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải làm rõ trách nhiệm trong việc chậm giải ngân vốn đầu tư công. Ông khẳng định: "Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình đủ thủ tục, không bao giờ tôi để chậm. Trong vòng 3-4 ngày ký để báo cáo hoàn thiện thủ tục cho các đồng chí làm".
Trong Quý I/2023, 5 tỉnh thành giải ngân thấp hơn bình chung quân của cả nước, vậy trong Quý II, các địa phương có cam kết sẽ bắt kịp tiến độ bình quân của cả nước không? Tại sao cùng một môi trường pháp lý như nhau, Chính phủ chỉ đạo công bằng, công khai, minh bạch, "không ưu ái riêng 1 địa phương nào" mà có địa phương giải ngân tốt, thậm chí thiếu tiền xin thêm không được, trong khi đó, nhiều địa phương lại thấp hơn mặt bằng chung? Phó Thủ tướng nêu vấn đề và yêu cầu các tỉnh thành "không được nói chung chung, lòng vòng, đá qua, đá lại".
Phải chỉ rõ vướng mắc ở dự án nào, điều nào, khoản nào, văn bản nào, vướng ở bộ ngành nào, địa phương nào,… để đề xuất giải pháp. Nếu không tìm được nguyên nhân xác thực, cụ thể để có giải pháp tháo gỡ phù hợp thì "chỉ họp cho có, tốn thời gian, tiền bạc mà không giải quyết được vấn đề", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Giải ngân đầu tư công chậm: Địa phương nhận trách nhiệm
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi thẳng thắn nhận trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công tại TPHCM chậm thuộc về "UBND TPHCM và của tôi là Chủ tịch UBND TPHCM".
Ông Phan Văn Mãi cũng thẳng thắn nêu các nguyên nhân thuộc về chủ quan như: Khâu chuẩn bị hồ sơ, giải phóng mặt bằng và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật Trong khâu tổ chức thực hiện cũng có một số trường hợp chủ đầu tư thiếu sự phối hợp với nhà thầu và địa phương để triển khai công việc.
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, việc này TPHCM đã có chấn chỉnh. Vừa qua, Thường vụ Thành ủy TPHCM đã thành lập 13 Tổ kiểm tra, đôn đốc 38 công trình, dự án trọng điểm nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.
Theo Chủ tịch TPHCM, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng là rất cần thiết. Tuy nhiên việc chuẩn bị đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật… cũng cần phải có thời gian để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, "cũng như phải mang bầu 9 tháng 10 ngày mới sinh con được", Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi ví von và cam kết TPHCM sẽ nỗ lực để đẩy mạnh giải ngân trong thời gian tới.
Một lần nữa nhấn mạnh trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công thuộc về địa phương, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM tổ chức giao ban hằng tuần về công tác giải phóng mặt bằng, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc đánh giá tiến độ từng việc, từng dự án. TPHCM sẽ "nỗ lực từng ngày" để thực hiện mục tiêu đề ra là giải ngân không dưới 95% trong năm 2023.
Tại cuộc họp, đại diện các địa phương (Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, đại diện UBND tỉnh Sóc Trăng) bày tỏ thống nhất cao với nội dung quát triệt rất sâu sát của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như ý kiến của các tỉnh, thành, đặc biệt là TPHCM.
Đại diện các địa phương, cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm về việc chậm giải ngân vốn đầu tư công; báo cáo cụ thể về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện của các dự án; đồng thời cập nhật thêm số liệu giải ngân; nêu các kiến nghị xử lý vướng mắc đối với bộ ngành và giải pháp tập trung triển khai để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, nhất là đối với những công trình trọng điểm.
Các địa phương cam kết với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sẽ nỗ lực cao nhất để giải ngân đạt kế hoạch đề ra trong năm 2023.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phân tích thêm các nguyên nhân về pháp lý, công tác tổ chức thực thi, đồng thời giải đáp một số các kiến nghị của các địa phương nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.
Đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Tuy 5 địa phương đã nhiều cố gắng, nhưng kết quả giải ngân đầu tư công quý I/2023 chưa được như mong muốn.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho ý kiến đối với kiến nghị của địa phương về xử lý các vướng mắc: Kế hoạch đầu tư công trung hạn; việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng; định mức lập dự án trong một số lĩnh vực chuyên ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin; kéo dài thời gian bố trí vốn, thời hạn giải ngân; hướng dẫn về trình tự, thủ tục, quyết định chủ trương đầu tư dự án, phê duyệt các dự án hỗ trợ thuộc thẩm quyền địa phương; điều chỉnh dự án liên quan đến tổng mức đầu tư; sử dụng nguồn chi sự nghiệp thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể,…
Về công tác tổ chức thực hiện, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc chuẩn bị đầu tư phải được thực hiện sớm. Bởi trong công tác đầu tư công khâu "chuẩn bị đầu tư là khó nhất", phải lường trước tất cả các vấn đề để đưa vào kế hoạch như: khâu giải phóng mặt bằng; di dời hạ tầng kỹ thuật; đấu thầu, lựa chọn nhà thầu; giao thầu, triển khai dự án; năng lực của các Ban quản lý dự án,…
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các địa phương phải hết sức sát sao, quyết liệt. Đối với các nguyên nhân chủ quan, phải tập trung khắc phục triệt để mới có thể đẩy nhanh được tiến độ dự án.
Đối với việc triển khai công trình trọng điểm, Phó Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đề nghị các bộ ngành, địa phương bám sát các nội dung này để triển khai thực hiện hiệu quả, đảm bảo mục tiêu đề ra.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các địa phương phải xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2023. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ để đánh giá, khen thưởng, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ, cũng như xử lý những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ…
Nhấn mạnh việc thành bại là ở cán bộ, nhất là trong thời điểm hiện nay, có những cán bộ e ngại, sợ trách nhiệm, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phải phát huy vai trò của cán bộ, phân công công việc rõ ràng, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, chất lượng công việc để kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện.
Bên cạnh đó, cần phải phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. "Ở đâu người đứng đầu quan tâm nắm bắt tình hình, sát sao chỉ đạo, ở đó công việc được triển khai hiệu quả", Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần tăng cường trách nhiệm hơn nữa. Lãnh đạo UBND tỉnh cần trực tiếp phụ trách, đôn đốc triển khai các nhóm dự án cụ thể, nhất là các dự án, công trình trọng điểm.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải thường xuyên kiểm tra đôn đốc các chủ đầu tư trong triển khai dự án, phân loại rõ các nhóm dự án để kịp thời có các giải tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cố gắng đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp lại các số liệu của các địa phương cho sát với tình hình thực tế, nhất là số liệu về giải ngân và phân bổ vốn; tiếp thu các ý kiến của các Bộ ngành, địa phương, hoàn thiện Báo cáo của Tổ công tác số 1 để trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Cam kết hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công theo mục tiêu đề ra
Báo cáo tổng hợp tình hình phân bổ, giải ngân của 5 địa phương thuộc Tổ công tác số 1 cho thấy, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 Thủ tướng Chính phủ giao là 92.917,98 tỷ đồng. Trong đó vốn cân đối ngân sách địa phương là 67.268,66 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương 25.649,32 tỷ đồng.
Đến nay, tổng số vốn ngân sách trung ương đã phân bổ chi tiết là 25.353,32 tỷ đồng (đạt 98,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang đã giao đủ 100% số vốn, còn TPHCM chưa giao 296 tỷ đồng (1,93% tổng vốn Thủ tướng giao) từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho Dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 146 trạm y tế tuyến xã, do đến nay chưa hoàn tất các thủ tục đầu tư.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số giải ngân của 5 địa phương đến hết tháng 3/2023 là hơn 2.553 tỷ đồng, đạt 2,74% kế hoạch Thủ tướng giao và thấp hơn rất nhiều so với bình quân chung của cả nước (10,35%). Trong số này, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang giải ngân trên 5%, riêng TPHCM giải ngân rất thấp, chỉ đạt 0,89%.
TPHCM, An Giang, Sóc Trăng đều cam kết phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch đầu tư công năm 2023 được giao. Tỉnh Trà Vinh cam kết giải ngân trên 98% kế hoạch và Vĩnh Long cam kết giải ngân vốn ngân sách trung ương đạt 100% kế hoạch và vốn ngân sách địa phương là 95% kế hoạch./.
Trần Mạnh