HỌP BÁO CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 12/2023

05/01/2024 19:39

(Chinhphu.vn) - Chiều 5/1 tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2023. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người Phát ngôn của Chính phủ, chủ trì họp báo.

HỌP BÁO CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 12/2023- Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu tại họp báo. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Buổi họp báo diễn ra ngay sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Cùng dự họp báo có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Mở đầu họp báo, nhân dịp năm mới 2024, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn trân trọng gửi đến các đồng chí lãnh đạo, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí tham dự họp báo lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, hôm nay, trong không khí phấn khởi của những ngày đầu năm mới 2024, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai công tác năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương, năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, 2021-2025.

Tới dự Hội nghị có các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhìn chung, tình hình KTXH năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; chúng ta đã cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra là kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; an sinh xã hội và đời sống người dân được cải thiện; phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; đối ngoại, hội nhập quốc tế đạt kết quả toàn diện, nổi bật; uy tín, vị thế của đất nước và niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước được nâng lên.

Từ thực tiễn công tác lãnh đạo quản lý, chỉ đạo điều hành, Thủ tướng khẳng định, những kết quả đạt được là nhờ sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng DN; sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Thảo luận tại Hội nghị, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các đại biểu thống nhất cho rằng: Năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề mới phát sinh, vượt dự báo. Ở trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương phải thực hiện khối lượng công việc thường xuyên ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao; đồng thời xử lý nhiều việc cấp bách, đột xuất phát sinh và phải tiếp tục giải quyết những tồn đọng, hạn chế kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ ngày càng rõ hơn trong khó khăn.

Trong bối cảnh nêu trên, bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã rất sâu sát, chủ động nắm tình hình, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp. Qua đó, tình hình KTXH tiếp tục phục hồi tích cực và đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2023 tăng 3,25%. Thị trường tiền tệ, tỉ giá, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022. Bội chi NSNN, các chỉ tiêu về nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia thấp hơn giới hạn cho phép. Các cân đối lớn được bảo đảm: Thu NSNN vượt 8,12% dự toán; xuất siêu 28 tỷ USD; xuất khẩu hơn 8,3 triệu tấn gạo; an ninh năng lượng được bảo đảm; cơ bản bảo đảm cung cầu lao động.

Tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, tuy không đạt mục tiêu đề ra nhưng là điểm sáng của kinh tế toàn cầu. GDP cả năm 2023 tăng 5,05%, thuộc nhóm cao trong khu vực và thế giới. Cả 3 khu vực đều phát triển tốt; nông nghiệp tăng cao nhất trong hơn 10 năm qua; công nghiệp phục hồi tốt; dịch vụ phát triển sôi động, du lịch phục hồi, đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế - vượt xa mục tiêu 8 triệu lượt khách.

Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 6,2%; giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 95% kế hoạch, cao hơn so cùng kỳ (91,42%); thu hút FDI đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,1%; vốn FDI thực hiện đạt 23,18 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh và là điểm sáng của năm 2023. Đầu năm 2023 khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam, giữa năm khánh thành 9 dự án, cuối năm đồng loạt khánh thành 4 dự án giao thông quan trọng; từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã đưa vào khai thác thêm gần 730 km, đưa tổng chiều dài đường cao tốc cả nước hiện nay lên gần 1.900 km.

Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được chú trọng; môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh được cải thiện; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được đẩy mạnh. Chính phủ tổ chức 10 Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, nhiều nhất từ trước đến nay. Công tác quy hoạch được chú trọng; liên kết vùng, điều phối vùng được tăng cường; 109/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt.

Nhiều vấn đề tồn đọng và đột xuất phát sinh được xử lý quyết liệt, hiệu quả, có chuyển biến rõ nét. Tập trung xử lý 6 ngân hàng yếu kém; 8/12 dự án, doanh nghiệp thua lỗ kéo dài nhiều năm; hoàn thành và đưa vào vận hành nhiều dự án điện lớn, quan trọng sau thời gian dài gián đoạn. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, trái phiếu DN và đạt kết quả bước đầu.

Chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân; toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội đều đạt và vượt, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,1%, còn 2,93%; tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,35%... Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế thành công toàn diện và là điểm sáng nổi bật của năm 2023.

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới. Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng "Ổn định". Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới…

Khẳng định kết quả đạt được là cơ bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đồng thời lưu ý không được chủ quan, thỏa mãn vì còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức cần được khắc phục, tháo gỡ thời gian tới như: (i) Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tới nước ta; (ii) Thị trường quốc tế bị thu hẹp, sản xuất kinh doanh, tiếp cận tín dụng khó khăn; (iii) Nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế; (iv) Đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn; (v) An ninh trật tự, an toàn xã hội trên một số địa bàn diễn biến phức tạp...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Năm 2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và theo dự báo, nhận định, tình hình năm 2024 tiếp tục khó khăn và có thể khó khăn hơn năm 2023.

Vì vậy, các cấp, các ngành, các địa phương cần bám sát các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2024 với chủ đề: "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững" với tinh thần "quyết tâm cao nhất nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu lên các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2024:

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống như: đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới nổi như: liên kết vùng, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.... Củng cố các thị trường truyền thống đi đôi với mở rộng các thị trường mới. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các Chương trình MTQG. Tăng thu, tiết kiệm chi NSNN; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia. Quyết tâm tiết kiệm chi 5% và thu NSNN 2024 tăng ít nhất 5%.

Đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ, thực chất, hiệu quả các đột phá chiến lược. Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, phấn đấu năm 2024 cắt giảm ít nhất 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm, nhất là cảng hàng không quốc tế Long Thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với KHCN, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực mới nổi.

Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi. Tập trung phục hồi, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chíp bán dẫn. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện Chương trình 1 triệu ha đất trồng lúa sạch, ít phát thải các-bon; phấn đấu đến hết năm 2024 có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tổ chức liên kết vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng; phát huy mạnh mẽ vai trò của các Hội đồng điều phối vùng; thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị về 6 vùng KTXH.

Phát triển mạnh các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Kết luận của Bộ Chính trị. Tập trung xây dựng, trình ban hành CTMTQG về phát triển văn hoá; phát triển công nghiệp văn hóa. Tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương về chính sách xã hội. Triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1.000.000 căn hộ nhà ở xã hội. Phấn đấu năm 2024 hoàn thành ít nhất 130.000 căn, Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo…

Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ưu tiên bố trí nguồn lực cho phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó BĐKH. Chú trọng xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong bảo vệ, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước xuyên biên giới. Tập trung đầu tư phát triển các dự án chống sạt lở, sụt lún, ngập úng ở ĐBSCL...

Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Theo dõi sát diễn biến tình hình, chủ động có biện pháp kịp thời về quốc phòng, an ninh; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tập trung xây dựng và thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể hóa các cam kết, thỏa thuận quốc tế, các FTA đã ký kết. Nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò công tác ngoại giao kinh tế; thúc đẩy ngoại giao văn hóa, làm tốt công tác thông tin đối ngoại, bảo hộ công dân.

Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách tạo đồng thuận xã hội. Phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân; Nâng cao hiệu quả công tác dân vận; không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương, ngay từ đầu năm, tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 CTMTQG; quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho SXKD... Chú trọng nâng cao tính tự lực, tự cường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các cấp chính quyền cơ sở và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân, tổ chức cho Nhân dân đón Tết nguyên đán 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; không để ai không có Tết.

Nhấn mạnh nhiệm vụ đặt ra cho năm 2024 là rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang, có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt tinh thần hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ, cùng cả hệ thống chính trị nỗ lực cao nhất để hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển KTXH và dự toán NSNN năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025.

HỌP BÁO CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 12/2023- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy thông tin tới báo chí về những điểm sáng trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong năm 2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

PV Kỳ Thành (báo Đầu tư): Xin hỏi Bộ GTVT những điểm sáng trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong năm vừa qua? Bộ GTVT đánh giá thế nào về việc phân cấp cho các địa phương làm chủ đầu tư?

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy: Khái quát về kết cấu hạ tầng năm 2023, có thể nói, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương kết quả việc phát triển kết cấu hạ tầng đã đạt khối lượng rất lớn.

Về con số, năm 2023, ngành giao thông đã khởi công 26 công trình, khánh thành 20 công trình của 5 lĩnh vực chuyên ngành và trên 6 vùng kinh tế. Cả 5 lĩnh vực chuyên ngành của giao thông năm vừa qua đều có công trình được khởi công, được quan tâm đầu tư đúng điểm nghẽn và các công trình đều mang tính chiến lược, động lực và đột phá.

Về hàng không, cuối năm 2023, chúng ta vừa khánh thành sân bay Điện Biên – lần đầu tiên máy bay tầm trung A320, A321, Boeing 727 có thể cất cánh trực tiếp từ sân bay Điện Biên thực hiện những đường bay dài đến TPHCM và các nước trong khu vực châu Á. Bên cạnh đó, trong năm vừa qua chúng ta cũng vừa khánh thành Nhà ga hành khách Phú Bài, khởi công 2 công trình rất lớn là Nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Về hàng hải, các luồng cho tàu biển lớn vào các cảng biển lớn đều được đầu tư hoàn thành. Lớn nhất có thể kể đến là luồng hàng hải cho tàu biển vào cảng Nam Nghi Sơn (Thanh Hoá) từ phao số 0. Thứ hai là luồng từ phao số 0 vào cảng CMIT thuộc khu vực Cái Mép-Thị Vải có thể đón được tàu lên đến 100.000 tấn đưa vào khai thác không cần đợi thuỷ triều.

Về đường sắt, năm vừa qua, tuyến đường sắt hiện hữu đã được nâng cấp và đưa vào khai thác rất hiệu quả. Trong vòng 10 năm gần đây, lần đầu tiên Bộ GTVT mở mới 1 ga liên vận quốc tế tại Bắc Giang. Chỉ sau 3 tháng mở ga liên vận, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và cả lực lượng hải quan đã hoàn thành cửa khẩu đường sắt vào sâu trong nội địa. Từ ga liên vận này, lần đầu tiên hàng hoá có thể xuất khẩu trực tiếp từ Bắc Giang sang Trung Quốc cũng như chiều ngược lại, dự kiến khối lượng hàng hoá xuất khẩu qua ga này lên đến 12 tỷ USD/năm, góp phần giải quyết tình trạng ách tắc nông sản hàng năm.

Bên cạnh đó, đường sắt Việt Nam cũng đã nâng cấp, mở ra các kho hàng, bãi hàng, kho liên vận quốc tế như từ ga Yên Viên mở thẳng sang ga Thạch Gia Trang (Trung Quốc) với 2 đôi tàu chạy liên tục hằng tuần hay tuyến đường sắt liên vận chạy thẳng từ ga Sóng Thần (Bình Dương) sang Trung Quốc. Đáng nói, trong 5 năm trở lại đây, nhờ phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt mà Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã kinh doanh có lãi.

Đường thuỷ nội địa cũng có nhiều công trình tạo động lực. Phải kể đến là kênh Nối Đáy-Ninh Cơ rút ngắn tuyến vận tải thuỷ từ Hoà Bình về đến Ninh Bình rút ngắn hơn 80km, chi phí tiết kiệm về xăng dầu cho các doanh nghiệp khoảng 5 giờ và hơn 400 tỷ đồng. Ở phía nam, tuyến kênh Chợ Gạo là tuyến huyết mạch kết nối từ vùng đồng bằng sông Cửu Long lên vùng Đông Nam Bộ đã nâng cấp và được đưa vào khai thác.

Như vậy, riêng năm 2023 chúng ta đã đưa vào khai thác 475 km cao tốc. Con số này so sánh xấp xỉ bằng cả giai đoạn 2016-2020. Đây là những điểm sáng về kết cấu hạ tầng năm 2023.

Về phân cấp uỷ quyền trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, có thể nói, việc phân cấp uỷ quyền là tất yếu khách quan. Ở bất kỳ quốc gia nào để phát triển hiện đại thì một trong những điều kiện tiên quyết là kết cấu hạ tầng phát triển. Năm vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 5 quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông. Đây là bức tranh của hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Để thực hiện được điều này, khối lượng công việc là khổng lồ, dự kiến để đầu tư hạ tầng giao thông đến 2030 khoảng 2 triệu tỷ đồng. Với khối lượng công việc này không thể một mình Bộ GTVT có thể thực hiện được từ nguồn lực, con người, thời gian, do vậy không thể thiếu việc các địa phương tham gia vào việc phát triển kết cấu hạ tầng.

Đặc biệt, việc phân cấp thời gian vừa qua đã phát huy ngay hiệu quả. Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chủ trương là tập trung vào quản lý Nhà nước, chỉ thực hiện các dự án có tính phức tạp cao, sử dụng công nghệ mới. Thực tiễn đã chứng minh các cao tốc Hải Phòng-Hạ Long, Hạ Long-Vân Đồn, Vân Đồn – Móng Cái các địa phương đã chủ động xin được phân cấp là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án. Vừa qua, tuyến cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ do tỉnh Tuyên Quang làm chủ đầu tư đã được khánh thành. Tất cả các dự án do địa phương làm chủ đầu tư như Vành đai 3 TPHCM, Vành đai 4 Hà Nội, Biên Hoà-Vũng Tàu… đều đã khởi công. Các địa phương đều chủ động giải phóng mặt bằng và thu xếp nguồn vật liệu xây dựng thực hiện dự án.

Như vậy, về phân cấp uỷ quyền có 2 vấn đề tôi muốn nói đến: thứ nhất, là tất yếu khách quan; hai là, việc đầu tư phân cấp đã và đang phát huy hiệu quả tốt.

Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn: Năm vừa qua ngành giao thông có nhiều điểm sáng về đường cao tốc, đường bộ, đường sắt, hàng không, cảng biển. Hiện có rất nhiều nhà đầu tư muốn tham gia các dự án xây dựng cảng nước sâu, cảng container như ở Cần Giờ, Ninh Chiểu… 

Về đường bộ, không chỉ là phân cấp cho địa phương cùng làm mà việc huy động nguồn vốn theo phương thức PPP cũng đã thực hiện tốt. Như chúng ta đã thấy, ngày 1/1 vừa qua đã khởi công tuyến đường cao tốc từ cửa khẩu Hữu Nghị đi Trà Lĩnh (Cao Bằng) thực hiện bằng phương thức đối tác công tư (PPP). Sân bay Điện Biên cũng hoàn thành nâng cấp, mở rộng trong năm qua.

HỌP BÁO CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 12/2023- Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

PV Ngọc An (báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh): Xin Bộ Tài chính cho biết về kết quả xử lý cũng như là giải quyết vướng mắc đối với thị trường trái phiếu cũng như thị trường chứng khoán và kỳ vọng cho năm 2024 là gì, đặc biệt là việc nâng hạng thị trường chứng khoán?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi: Về thị trường trái phiếu, năm 2023 có những cái điểm sáng của thị trường. Thứ nhất là về khuôn khổ pháp lý, chúng ta đã đề cập nhiều rồi. Trong năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị định 08, trong đó có quy định về việc ngưng hiệu lực một số quy định của Nghị định 65 cũng như cho phép các doanh nghiệp đàm phán với các nhà đầu tư để xử lý trái phiếu đến hạn, đảm bảo nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi do chia sẻ. Nghị định 08 là một cái điểm sáng của pháp lý và có tác dụng rất lớn đến thị trường trái phiếu năm 2023.

Thứ hai, về tổ chức thị trường, tháng 7/2023, Bộ Tài chính đã chính thức đưa thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tập trung vào vận hành và đến hết 31/12, tổng giá trị giao dịch trên thị trường trái phiếu có tổ chức là 218.000 tỷ đồng, với giá trị giao dịch bình quân phiên tương ứng là 1.880 tỷ đồng/một phiên. Hiện nay, có trên 887 mã trái phiếu của 249 tổ chức đăng ký trái phiếu đã được đăng ký và giao dịch trên thị trường tập trung này. Với thị trường tổ chức theo kiểu tập trung này, chúng tôi đánh giá đã góp phần cải thiện tính minh bạch cũng như tăng tính thanh khoản cho trái phiếu doanh nghiệp.

Điểm thứ ba là công tác giám sát, kiểm tra cũng như tuyên truyền, truyền thông thì Bộ Tài chính đã chỉ đạo tất cả các cơ quan chức năng của Bộ tăng cường công tác kiểm tra, rà soát thị trường và kiểm tra cả những doanh nghiệp phát hành, doanh nghiệp tư vấn. Trong quá trình triển khai thực hiện các công việc của thị trường trái phiếu, chúng tôi cũng tăng cường công tác truyền thông. Từ đó, xã hội, nhà đầu tư, bản thân các tổ chức phát hành cũng như các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn hiểu sâu sắc hơn các quy định của pháp luật liên quan đến thị trường trái phiếu.

Điểm thứ tư tôi muốn chia sẻ thông tin, các kết quả cụ thể qua các con số của thị trường trái phiếu. Đến hết năm 2023, có 81 doanh nghiệp phát hành với khối lượng là 269,5 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp cũng bố trí nguồn lực thanh toán trái phiếu đến hạn và đàm phán với các nhà đầu tư khi tái cơ cấu và gia hạn trái phiếu giảm áp lực trả nợ gốc và lãi trái phiếu. Theo đó, khối lượng mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn của năm 2023 cũng là 238 nghìn tỷ đồng và trái phiếu có hạn cũng đã gần 40%. Còn cơ cấu nhà đầu tư thì con số như thế này cũng rất đáng để chúng ta thấy những thay đổi của thị trường: Nhà đầu tư, tổ chức tham gia vào thị trường sơ cấp mua trái phiếu năm 2023 chiếm đến 92,4% và nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm khoảng 7,6 % thị trường trái phiếu sơ cấp. Nói như vậy là có sự thay đổi rất lớn trong cách thức tiếp cận thị trường, kể cả tổ chức phát hành cũng như nhà đầu tư.

Và kỳ vọng gì cho năm 2024? Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp này thì chúng ta thấy rằng niềm tin trở lại và chúng ta kỳ vọng là với những giải pháp cụ thể, với sự hồi phục trở lại của nền kinh tế thì thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 sẽ tiếp tục giữ được và có tăng trưởng bền vững và thực chất. Chất lượng của thị trường sẽ được nâng lên một bước cả đối với các tổ chức phát hành, các doanh nghiệp phát hành cũng như nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ. Đấy là kỳ vọng cho năm 2024 đối với thị trường trái phiếu.

Về thị trường cổ phiếu, tôi xin được chia sẻ một số ý như thế này:

Về mặt pháp lý, Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến các bộ, ngành sửa Nghị định 155 và Nghị định 156, cũng như Nghị định 128 hướng dẫn Luật Chứng khoán cũng như xử phạt vi phạm hành chính để có công cụ, khuôn khổ pháp lý thực hiện. Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư 69 quy định lại lộ trình sắp xếp các thị trường cổ phiếu, trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và các thị trường khác

Thứ hai, công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm cũng được tập trung nguồn lực để thực hiện. Trong năm 2023, chúng tôi đã tiến hành 67 đoàn kiểm tra, ban hành 412 quyết định xử phạt với tổng số tiền xử phạt là 37,2 tỷ đồng. Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp kịp thời với Ủy ban Chứng khoán thực hiện kiểm tra nhiều công ty kiểm toán được chấp thuận tổ chức rà soát, báo cáo tài chính về kiểm toán, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp, các kiểm toán viên để đảm bảo chấn chỉnh thị trường.

Thứ ba, công tác tái cấu trúc thị trường, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh lọc các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ yếu kém không hiệu quả. Trong năm 2023 đã xử lý vi phạm 6 công ty chứng khoán, đưa 1 công ty chứng khoán vào diện kiểm soát và 2 công ty chứng khoán vào diện cảnh báo.

Thứ tư là ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Chúng tôi đã triển khai đồng bộ cơ sở dữ liệu về giao dịch rồi chuyển nhượng và nhà đầu tư, kết nối dữ liệu nhà đầu tư với cơ sở dữ liệu công dân để quản lý cũng như giám sát thị trường chứng khoán.

Về kết quả, chỉ số VN-Index đến 29/12 là 1.129 điểm, tăng 12% so với cuối năm 2022, thanh khoản trên thị trường cổ phiếu đạt là 17.500 tỷ đồng một phiên và quy mô vốn hóa thị trường ước đạt 6.000.000 tỷ và tăng 9,5% so với năm 2022, tương đương vào khoảng 62% GDP năm 2022.

Thị trường chứng khoán phái sinh duy trì ổn định khối lượng giao dịch bình quân 263.000 hợp đồng/phiên. Số các nhà đầu tư mới, đăng ký mở mới trong năm 2023 là 355.000 tài khoản và đưa tổng tài khoản của các nhà đầu tư chứng khoán hiện nay lên trên 7.000.000 tài khoản.

Còn kỳ vọng gì cho năm 2024 thì xin được chia sẻ như thế này. Thứ nhất là thị trường chứng khoán cũng phản ánh chất lượng của nền kinh tế. Sáng nay, Chính phủ cũng đã tổ chức tổng kết và như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã thông báo, những giải pháp lớn của Chính phủ để đảm bảo các cân đối vĩ mô, bền vững và tiếp tục tăng trưởng và chất lượng trong năm 2024 chính là nền tảng để thị trường chứng khoán của chúng ta trong năm 2024 sẽ phát triển một cách ổn định và bền vững.

Bộ Tài chính cam kết duy trì để thị trường vận hành một cách liên tục và an toàn. Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung giữ thị trường minh bạch, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của tất cả các chủ thể tham gia vào thị trường chứng khoán. Còn riêng về nâng hạng thị trường chứng khoán, ngay trong năm 2024 này, Bộ Tài chính cùng với các bộ, ngành liên quan sẽ chủ động triển khai một cách quyết liệt nhiều giải pháp khác nhau để sớm đạt được tiêu chuẩn về nâng hạng thị trường chứng khoán trong thời gian sớm nhất; đề xuất các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và xếp hạng thị trường chứng khoán có quyết định nâng hạng thị trường chứng khoán.

HỌP BÁO CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 12/2023- Ảnh 4.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú dự báo về thị trường tín dụng trong năm 2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phóng viên Luân Dũng (Báo Tiền phong): Ngân hàng Nhà nước có thể dự báo về thị trường tín dụng cho doanh nghiệp có thuận lợi gì hơn không trong năm 2024?

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: Cách đây mấy ngày, NHNN đã tổ chức họp báo với nhiều nội dung được cung cấp đến các cơ quan báo chí về hoạt động tín dụng của ngành cũng như định hướng trong năm 2024.

Có thể nói, năm 2023 vừa qua, chúng tôi đã có số liệu, nhưng con số trong họp báo cách đây mấy ngày là đang thống kê. Sáng nay, tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, Thống đốc NHNN đã chính thức báo cáo số liệu tăng trưởng tín dụng của năm 2023 là 13,71%, như vậy khối lượng tuyệt đối có thể đưa vào nền kinh tế khoảng 1,5 triệu tỷ trong năm 2023. Chúng tôi cũng dự kiến cho năm 2024 tăng trưởng 15%. Như vậy, nếu tính trên cơ sở lượng tiền, dư nợ hiện nay là khoảng 13,56 triệu tỷ thì có nghĩa là gần 2 triệu tỷ sẽ được tăng thêm vào năm 2024 này. Tất nhiên, 15% trong điều kiện tính toán hiện nay. Nếu như giữa năm, cuối năm điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, cho phép kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm được dòng vốn đối ứng và những đối tượng cần thiết cũng như an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, có sẽ giao thêm cho các ngân hàng thương mại để tăng trưởng tín dụng.

Năm 2024 có thuận lợi hơn không? Tôi cho rằng, trước hết, qua tổng kết tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương sáng nay và đặc biệt là định hướng điều hành của Chính phủ, năm 2024 có nhiều dấu hiệu cho thấy sự khởi sắc của nền kinh tế trên cơ sở kết quả của năm nay. Và mong rằng sẽ không có tác động khó khăn của quốc tế với Việt Nam như năm 2023, thì chắc chắn nhu cầu đầu tư của nền kinh tế sẽ tăng lên. Và tất yếu phải có nguồn lực đáp ứng cho nhu cầu đầu tư, phát triển đó.

Thứ hai, muốn tăng tín dụng phải phụ thuộc vào các yếu tố, như lãi suất. Hiện nay, lãi suất đã giảm, thấp hơn trước dịch nhiều. Thậm chí có chuyên gia đánh giá là trong khoảng 20 năm qua hay 10 năm qua, mức lãi suất cho vay là rất thấp. Đây là một trong những yếu tố cơ bản để tăng trưởng tín dụng có thể tăng mạnh.

Thứ ba, cơ chế điều hành cũng như việc triển khai thực hiện cho vay của các ngân hàng thương mại. Năm nay, chúng tôi đã có sự chủ động, đã có những cơ chế mới cho việc điều hành tín dụng, đã giao ngay từ trước ngày 01/01 vừa qua về hạn mức tín dụng cho tất cả các tổ chức tín dụng là 15% để giao cho các tổ chức tín dụng phấn đấu để làm sao đạt được chỉ tiêu đó. Nếu như ngân hàng, tổ chức tín dụng nào đạt được chỉ tiêu đó mà vẫn có khả năng cung ứng thêm vốn cho nền kinh tế, bảo đảm chất lượng cũng như an toàn hệ thống, bảo đảm điều kiện kinh tế vĩ mô cho phép thì chúng tôi sẽ tiếp tục giao thêm.

Qua đó muốn nói rằng, cả về cơ chế, định hướng của Chính phủ, những điều kiện về lãi suất, nhu cầu vay, điều kiện vay của doanh nghiệp cũng như cơ chế vận hành chung của các tổ chức tín dụng, mong rằng năm 2024 sẽ khởi sắc hơn rất nhiều so với năm 2023.

HỌP BÁO CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 12/2023- Ảnh 5.

Trung tướng Tô Ân Xô, Người Phát ngôn Bộ Công an thông tin tại họp báo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

PV Mỹ Hà (báo Dân Trí): Xin Bộ Công an cho biết thông tin, kết quả điều tra một số vụ án trọng điểm và kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự cho người dân dịp Tết Nguyên đán sắp tới?

Trung tướng Tô Ân Xô, Người Phát ngôn Bộ Công an: Như chúng ta đã biết, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong năm 2023 được coi là điểm sáng trong kết quả công tác của hệ thống chính trị chúng ta, trong đó lực lượng công an nhân dân là chủ chốt, chủ công trong công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực.

Bộ Công an luôn theo chủ trương "làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực" trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, triệt để thu hồi tài sản cho Nhà nước, nhân dân.

Qua quá trình theo dõi các vụ án cho thấy việc "làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng", ví dụ như là thao túng thị trường chứng khoán là FLC, thao túng trái phiếu là vụ Tân Hoàng Minh, thao túng ngân hàng vụ SCB, thao túng chính sách là vụ đăng kiểm hay xăng dầu là vụ Xuyên Việt Oil vừa qua, về tài nguyên khoáng sản là vụ ở An Giang. Rõ ràng, qua các vụ án này, những người nào có ý đồ, tiếp tục thao túng thì sẽ chùn bước.

Trong năm qua, qua các vụ án "làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng" thì thị trường chứng khoán, trái phiếu cũng tốt lên.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Công an thông tin rất cởi mở, nhanh chóng và kịp thời tất cả các vụ án để báo chí đưa tin, tuyên truyền kịp thời, không bị chậm trễ.

Đối với kế hoạch đảm bảo an ninh, trật tự cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán cũng như các lễ hội đầu năm 2024, chủ trương của Bộ Công an là tạo môi trường an toàn, an ninh, lành mạnh cho nhân dân. Chính vì thế, Bộ Công an đã phát lệnh tổ chức cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, cao điểm này được triển khai từ 15/12/2023.

Hôm nay tôi xin báo cáo kết quả trong 15 ngày triển khai, tức là từ ngày 15/12 đến 29/12/2023:

Thứ nhất, Bộ Công an đã chủ động nắm chắc tình tình, đảm bảo vững chắc an ninh quốc gia trên tất cả các lĩnh vực, đảm bảo đặc biệt an toàn các mục tiêu trọng điểm, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các sự kiện chính trị, kinh tế-văn hóa quan trọng của cả nước, tất cả các vùng đều bình yên.

Về kế hoạch tấn công trấn áp tội phạm, tập trung trấn áp tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến tín dụng đen, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án, tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản và các đối tượng khác thường xảy ra vào các dịp tết; tăng cường đấu tranh, triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia, các vụ sản xuất, mua bán ma túy trong nước; đẩy mạnh phát hiện, đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm; đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Kết quả như sau: Tội phạm về trật tự xã hội, tức là tội phạm hình sự giảm 8,75% so với 15 ngày trước cao điểm.

Tấn công trấn áp tội phạm đạt kết quả rõ rệt và con số cụ thể như sau: Điều tra khám phá 1.587 vụ phạm tội về trật tự xã hội; bắt, xử lý 3.544 đối tượng trong đó khởi tố, bắt 103 vụ với 191 đối tượng liên quan tới hoạt động tín dụng đen; phát hiện, xử lý 1.379 vụ với 6.032 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về cờ bạc; bắt và thanh loại 192 đối tượng truy nã; phát hiện 2.474 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về kinh tế; 38 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ; 38 vụ phạm tội về sử dụng công nghệ cao; 97 vụ buôn lậu; 645 vụ sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm; 49 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả; triệt phá 2.713 vụ phạm tội về ma túy, bắt 4.112 đối tượng; thu giữ 27,83 kg heroin.

Về công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, Bộ Công an đã tổ chức vận động, thu hồi 2.121 súng, tăng 61% với 8919 viên đạn, 3150 vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ các loại; 283 kg pháo nổ; phát hiện 581 vụ với 875 đối tượng sản xuất, mua bán, vận chuyển tàng trữ pháo trái phép; thu giữ 11 tấn pháo nổ.

Lực lực công an luôn duy trì phương tiện, lực lượng thường trực chiến đấu, tuyên truyền, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy, xử lý các cơ sở vi phạm, nguy cơ cháy nổ cao; điều 454 lượt xe chữa cháy, phương tiện với 2.809 lượt cán bộ chiến sĩ, tham gia chữa cháy 133 vụ, cứu được 36 người.

Tiếp theo là tăng cường tuần tra, đảm bảo an toàn giao thông, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo chuyên đề như vi phạm nồng độ cồn, ma túy, quá tải quá khổ, các xe container; phát hiện xử lý 145.841 vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt hơn 334 tỷ đồng, tước 31.462 giấy phép lái xe, trong đó có 36.560 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Việc vi phạm nồng độ cồn trong tham gia giao thông được tiến hành rất mạnh mẽ, tăng 83% so với 15 trước cao điểm.

Đợt cao điểm này kéo dài đến giữa tháng 2/2024 cho nên lực lượng công an nhân dân tiếp tục tiến hành trấn áp tội phạm để đảm bảo an ninh, an toàn cho nhân dân. Rất mong các nhà báo trong dịp Tết tiếp tục đưa tin, tuyên truyền, ủng hộ lực lượng công an thực hiện chức trách của mình./.

HỌP BÁO CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 12/2023- Ảnh 6.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta khẳng định kết quả đạt được là cơ bản, nhưng không được chủ quan, thỏa mãn, nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Quy mô nền kinh tế nâng lên, thu nhập bình quân đầu người cao hơn năm 2022

Trước đó, phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh và đánh giá cao các cơ quan đã chuẩn bị kỹ các báo cáo, dự thảo Nghị quyết và những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, khả thi của các đại biểu; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu đầy đủ, hoàn chỉnh các báo cáo và dự thảo Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ để trình ban hành và triển khai hiệu quả.

Các báo cáo, ý kiến thống nhất cao đánh giá năm 2023, kinh tế phục hồi và tăng trưởng, quy mô nền kinh tế được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người cao hơn năm 2022, an ninh quốc phòng được bảo đảm, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; an sinh xã hội được quan tâm và đầu tư rất lớn, đạt tất cả các chỉ tiêu về xã hội; công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh và có kết quả; đối ngoại và hội nhập quốc tế thành công toàn diện và là điểm sáng nổi bật; đời sống vật chất, tinh thần và lòng tin của nhân dân được nâng lên.

Thủ tướng nhấn mạnh nguyên nhân đạt được những kết quả nói trên là: Sự lãnh đạo của Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị; sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả giữa Quốc hội và Chính phủ, giữa chính quyền và Hội đồng nhân dân các cấp; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta khẳng định kết quả đạt được là cơ bản, nhưng không được chủ quan, thoả mãn, nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức.

Cụ thể, sức ép lạm phát còn cao do giá dầu thô, lương thực biến động mạnh và lạm phát, lãi suất thế giới tiếp tục neo ở mức cao. Tình hình sản xuất kinh doanh, đơn hàng, thị trường quốc tế bị thu hẹp; tiếp cận tín dụng còn khó khăn; nợ xấu có xu hướng tăng. Thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tuy đã được tập trung xử lý những vướng mắc, có bước phục hồi nhưng còn tiềm ẩn rủi ro.

Nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, nhất là cho các ngành, lĩnh vực mới nổi; chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động chưa đạt kế hoạch. Kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm; thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn rườm rà; một số cơ chế, chính sách, quy định chậm được sửa đổi kịp thời.

Đời sống một bộ phận người dân khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; tình hình sạt lở, thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. An ninh, trật tự an toàn xã hội, tình hình tội phạm trên một số địa bàn diễn biến phức tạp; còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng…

Về nguyên nhân khách quan của tồn tại, hạn chế, tình hình thế giới rất khó khăn, trong khi nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế…

Về chủ quan, công tác nắm bắt, dự báo tình hình có lúc còn chưa sát, việc tham mưu, phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn bị động, lúng túng, chưa kịp thời; tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách vẫn là khâu yếu; sự tự lực, tự cường của một số cơ quan, đơn vị chưa cao; năng lực và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu; chưa chủ động, tích cực trong giải quyết công việc; một bộ phận cán bộ còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai; việc phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực còn vướng mắc về thể chế, nhất là đối với những vấn đề phát sinh mới…

Các báo cáo và ý kiến phát biểu đã nêu đầy đủ, sâu sắc nhiều bài học quý, cách làm hay, mô hình hiệu quả, Thủ tướng đặc biệt lưu ý một số kinh nghiệm quan trọng đúc rút từ thực tiễn: Phải thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối, chính sách theo các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ. Phải đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Phải nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, đúng thời điểm.

HỌP BÁO CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 12/2023- Ảnh 7.

Thủ tướng nêu rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2024

Thủ tướng cơ bản thống nhất với báo cáo và các ý kiến phát biểu về dự báo tình hình năm 2024-năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021-2025; trong đó nhận định tình hình tiếp tục khó khăn và có thể khó khăn hơn năm 2023.

Năm 2024, chúng ta vừa phải thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên với yêu cầu cao hơn, chỉ tiêu lớn hơn năm 2023; vừa giải quyết các công việc tồn đọng kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, các vấn đề ách tắc lâu nay về chính sách và tổ chức thực hiện; vừa phải đối phó, phản ứng nhanh với các vấn đề, diễn biến mới có thể phát sinh chưa dự báo được hết.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương cần bám sát các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2024 với chủ đề: "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững" với tinh thần "Năm quyết tâm":

(1) Quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vượt qua mọi thách thức trong các lĩnh vực.

(2) Quyết tâm thực hiện không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm.

(3) Quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật.

(4) Quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được hưởng các chế độ, chính sách và thành quả mang lại.

(5) Quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024.

Về quan điểm, định hướng chỉ đạo điều hành, Thủ tướng thống nhất 6 quan điểm trong các báo cáo và các ý kiến phát biểu; trong đó nhấn mạnh: Quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Tập trung chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng giữa các chính sách. Bám sát tình hình thực tiễn, kịp thời ứng phó với những vấn đề phát sinh. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phát triển văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Bảo đảm ổn định chính trị, xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển nhanh, bền vững.

Thủ tướng nêu rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

Thứ nhất, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (liên kết vùng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành, lĩnh vực mới nổi như chip bán dẫn, hydrogen…). Củng cố các thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng các thị trường mới (UAE, châu Phi, Mỹ La tinh).

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia. Quyết tâm tiết kiệm chi 5% và thu ngân sách nhà nước 2024 tăng ít nhất 5%.

Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ, thực chất, hiệu quả các đột phá chiến lược.

Trình ban hành các Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh; phấn đấu trong năm 2024 cắt giảm ít nhất 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, quy định kinh doanh.

Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm, nhất là cảng hàng không quốc tế Long Thành; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực mới nổi; hướng tới mục tiêu có 50.000-100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn từ nay đến năm 2030.

Thứ ba, tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi.

Tập trung phục hồi, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chíp bán dẫn; phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 tăng 7-8%, xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao chiếm trên 50% tổng giá trị xuất khẩu.

Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện Chương trình 1 triệu ha đất trồng lúa sạch, ít phát thải carbon; phấn đấu đến hết năm 2024 có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Triển khai quyết liệt cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và 4/12 dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả còn lại.

HỌP BÁO CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 12/2023- Ảnh 8.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương cần bám sát các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ tư, phát triển mạnh các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Kết luận của Bộ Chính trị. Tập trung xây dựng, trình ban hành chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá; phát triển công nghiệp văn hóa.

Tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương về chính sách xã hội. Triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội; phấn đấu năm 2024 hoàn thành ít nhất 130.000 căn.

Thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công theo Nghị quyết số 27 của Trung ương từ ngày 01/7/2024; tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương với khu vực ngoài nhà nước.

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo…

Thứ năm, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ưu tiên bố trí nguồn lực cho phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Chú trọng xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong bảo vệ, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước xuyên biên giới. Tập trung đầu tư phát triển các dự án chống sạt lở, sụt lún, ngập úng ở ĐBSCL.

Quyết liệt, khẩn trương triển khai Chương trình hành động thực hiện các cam kết tại COP28 và Tuyên bố chính trị về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP). Hoàn thành Quy hoạch không gian biển quốc gia.

Thứ sáu, rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tổ chức liên kết vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng; phát huy mạnh mẽ vai trò của các Hội đồng điều phối vùng; thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị về 6 vùng kinh tế - xã hội.

Tập trung sửa các Luật để thúc đẩy tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc (Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật).

Đẩy mạnh phát triển đô thị; phấn đấu năm 2024 đạt tỉ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt trên 43,7%.

Thứ bảy, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Theo dõi sát diễn biến tình hình, chủ động có biện pháp kịp thời về quốc phòng, an ninh; không để bị động, bất ngờ về chiến lược.

Tập trung trấn áp các loại tội phạm, phấn đấu giảm ít nhất 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội.

Tăng cường phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ tám, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Tập trung xây dựng và thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể hóa các cam kết, thỏa thuận quốc tế, các FTA đã ký kết, củng cố lòng tin chính trị và mang lại sản phẩm, kết quả cụ thể. Nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò công tác ngoại giao kinh tế. Thúc đẩy ngoại giao văn hóa; làm tốt công tác thông tin đối ngoại, bảo hộ công dân.

Thứ chín, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nhất là truyền thông chính sách. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phản biện chính sách; phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể nhân dân.

Nâng cao hiệu quả công tác dân vận; thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ cơ sở; không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ mười, về nhiệm vụ của các địa phương, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh ngay từ đầu năm giải ngân vốn đầu tư công, 03 chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung giải quyết vướng mắc về cơ chế, chính sách ưu đãi, thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng...

Quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, chuyển đổi số quốc gia; thực hiện quyết liệt Đề án 06 trên địa bàn.

Tập trung giải quyết vướng mắc theo thẩm quyền, không đùn đẩy, không né tránh. Chú trọng nâng cao tính tự lực, tự cường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các cấp chính quyền cơ sở và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân, công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo đảm "an ninh, an toàn, an dân"; tổ chức cho nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; không để ai không có Tết.

"Quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước xác định con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, là nguồn lực phát triển. Do đó, trong mọi hoàn cảnh phải làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là những thời điểm có tác động tới người nghèo, các đối tượng yếu thế, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng khẳng định nhiệm vụ đặt ra cho năm 2024 là rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang, có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII.

Thủ tướng đề nghị các đồng chí thành viên Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các địa phương quán triệt tinh thần hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả trong toàn hệ thống cán bộ, công chức, viên chức trong phạm vi quản lý; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, chỉ đạo điều hành quyết liệt, hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng các đồng chí để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và cùng nhau tháo gỡ vướng mắc phát sinh, vượt qua khó khăn, thách thức; cùng cả hệ thống chính trị nỗ lực cao nhất để hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025./.


Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
TỔNG THUẬT: LỄ TRUY ĐIỆU VÀ LỄ AN TÁNG TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG

TỔNG THUẬT: LỄ TRUY ĐIỆU VÀ LỄ AN TÁNG TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Để tỏ lòng tiếc thương và tưởng nhớ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nghi thức Quốc tang.

LỄ VIẾNG, LỄ TRUY ĐIỆU, LỄ AN TÁNG ĐỒNG CHÍ TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG

LỄ VIẾNG, LỄ TRUY ĐIỆU, LỄ AN TÁNG ĐỒNG CHÍ TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - THÔNG BÁO LỄ VIẾNG, LỄ TRUY ĐIỆU VÀ LỄ AN TÁNG ĐỒNG CHÍ NGUYỄN PHÚ TRỌNG, TỔNG BÍ THƯ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM.

TÓM TẮT TIỂU SỬ TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG

TÓM TẮT TIỂU SỬ TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Tóm tắt tiểu sử của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

TOÀN VĂN: Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng

TOÀN VĂN: Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Toàn văn Nghị định 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

TOÀN VĂN: Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng

TOÀN VĂN: Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Toàn văn Nghị định 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Bộ Y tế đề xuất cặp vợ chồng, cá nhân quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh.

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi