Xử phạt chính là hoạt động bảo vệ tôn giáo
Góp ý về Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo, TS. Đỗ Lan Hiền, Viện trưởng Viện nghiên cứu tín ngưỡng, tôn giáo cho rằng: Đời sống tôn giáo luôn có sự vận động, thay đổi nên không có điều luật, nghị định nào có thể phủ sóng được hết. Vì vậy, việc điều chỉnh, thay thế là một nhu cầu tất yếu, góp phần giải quyết những điểm chưa hợp lý của luật khi đi vào đời sống tôn giáo, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý.
Nghị định thay thế sẽ bổ sung một số điều khoản trong luật tín ngưỡng, tôn giáo chưa có để điều chỉnh những hoạt động có trong thực tiễn hoặc có trong thực tiễn nhưng chưa được điều chỉnh bởi luật.
Góp ý về Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, bà nêu quan điểm việc xử phạt chính là hoạt động bảo vệ tôn giáo và phải có quy định chủ thể nào mới được quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
Cần chú ý công tác giáo dục pháp luật trong nhân dân và các tín đồ tôn giáo
Theo GS.TS Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về tôn giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong Dự thảo về Nghị định xử phạt, cần làm rõ vấn đề khái niệm; đối với những điều có liên quan đến yếu tố nước ngoài, phải nghiên cứu kỹ hơn để không có mâu thuẫn với tín ngưỡng ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, ông còn đóng góp nhiều ý kiến cụ thể về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; vi phạm hành chính trong thực hiện các hoạt động tôn giáo và những hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài…
Tổng hợp các ý kiến đóng góp, PGS.TS Ngô Hữu Thảo cho biết có 11 ý kiến phát biểu, hầu hết đều đồng ý việc cần thiết phải bổ sung 2 nghị định trên. Các ý kiến đi vào nhiều nội dung của hai Nghị định trên và khẳng định hai Nghị định không trái với những luật khác.
Theo ông, khi xây dựng các văn bản luật, cần tăng cường cơ sở lý luận, thực tiễn của Luật pháp nước ta và có sự tiếp thu phương pháp nghiên cứu của các ngành, cần chú ý công tác giáo dục pháp luật trong nhân dân và các tín đồ tôn giáo.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương cảm ơn 11 ý kiến đóng góp trách nhiệm của các đại biểu tập trung vào 5 vấn đề.
Theo đồng chí, các ý kiến tâm huyết, thể hiện sự thống nhất quan điểm của MTTQ TP Hà Nội trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, làm tốt hơn công tác xây dựng Đảng, chính quyền, vận động nhân dân thực hiện các chính sách của Đảng pháp luật của Nhà nước trong công tác tín ngưỡng, tôn giáo.
Đồng chí Nguyễn Lan Hương đánh giá cao ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chức sắc tôn giáo đã hệ thống logic, khoa học các vấn đề lý luận và thực tiễn trong 2 lĩnh vực và sẽ tổng hợp đầy đủ; lấy ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân để hoàn thiện các Dự thảo Nghị định.
* Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo gồm 6 Chương, 33 Điều, phạm vi điều chỉnh: Quy định chi tiết một số điều của Luật tín ngưỡng, tôn giáo về quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành giam giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; trình tự, thủ tục cấp đăng ký pháp nhân phi thương mại đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc; trình tự, thủ tục giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo; trình tự, thủ tục chấp thuận, đăng ký việc phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài; việc tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tiếp nhận và quản lý các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài; việc quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và các biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
* Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo gồm 4 Chương, 51 Điều, phạm vi điều chỉnh: quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
Các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực khác trực tiếp liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.