Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý I/2024 tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước
Theo Thông cáo báo chí tình hình KTXH quý I/2024 của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, đóng góp 41,68%; khu vực dịch vụ tăng 6,12%, đóng góp 52,23%.
Trong mức tăng chung của nền kinh tế, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý I/2024 tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,26 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 4,08% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,46%, đóng góp 0,08 điểm phần trăm.
Sản xuất công nghiệp khởi sắc và tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2024 tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,02 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,98%, đóng góp 1,73 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,97%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,99%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm.
Ngành xây dựng tăng 6,83%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 1,87% của quý I/2023, đóng góp 0,4 điểm phần trăm.
Trong khu vực dịch vụ, các hoạt động thương mại diễn ra sôi động, du lịch phục hồi mạnh mẽ nhờ hiệu quả của chính sách thị thực thuận lợi và chương trình kích cầu du lịch, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ lực tăng cao. Đóng góp của một số ngành dịch vụ vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế quý I năm nay như sau: Ngành vận tải kho bãi tăng 10,58% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,68 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,34%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 6,94%, đóng góp 0,76 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,2%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 4,14%, đóng góp 0,28 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,77%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,73%; khu vực dịch vụ chiếm 43,48%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%.
Về sử dụng GDP quý I/2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,93% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 56,77% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 4,69%, đóng góp 24,07%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 18%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 17,08%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 19,16%.
Sản xuất nông nghiệp quý I/2024 tiếp tục tăng trưởng ổn định. Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển tốt, dịch bệnh được kiểm soát. Sản xuất lâm nghiệp đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, thu hoạch gỗ đến kỳ khai thác. Hoạt động nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan do áp dụng mô hình nuôi tôm chất lượng cao hiệu quả, khai thác thủy sản tăng so với cùng kỳ do thời tiết ngư trường thuận lợi.
Nông nghiệp
Tính đến trung tuần tháng Ba, cả nước gieo cấy được 2.926,1 nghìn ha lúa đông xuân, giảm 1,3 nghìn ha so với vụ đông xuân năm 2023. Trong đó, các địa phương phía Bắc đạt 1.032 nghìn ha, giảm 12,5 nghìn ha; các địa phương phía Nam đạt 1.894,1 nghìn ha, tăng 11,2 nghìn ha, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.478,6 nghìn ha, tăng 8,9 nghìn ha. Đến nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã cho thu hoạch 868,8 nghìn ha, chiếm 58,8% diện tích gieo cấy và bằng 106,1% cùng kỳ năm trước, năng suất ước đạt xấp xỉ vụ đông xuân năm trước; sản lượng ước đạt 10,7 triệu tấn, tăng 65 nghìn tấn.
Đến giữa tháng Ba, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn tất công tác thu hoạch lúa vụ mùa 2023-2024. Diện tích gieo trồng lúa mùa của toàn vùng đạt 183,1 nghìn ha, tăng 5,2 nghìn ha so với vụ mùa năm trước. Vụ mùa năm nay thời tiết tương đối thuận lợi, ít bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, người dân sử dụng giống lúa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng cùng với công tác phòng chống dịch bệnh được tăng cường nên năng suất đạt cao với 53,7 tạ/ha, tăng 2,3 tạ/ha so với vụ mùa năm trước, sản lượng đạt 974,4 nghìn tấn, tăng 60,3 nghìn tấn.
Tính đến giữa tháng Ba, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 305,5 nghìn ha ngô, bằng 101,6% cùng kỳ năm trước; 98,4 nghìn ha lạc, bằng 98,5%; 9,6 nghìn ha đậu tương, bằng 99,3%; 42,3 nghìn ha khoai lang, bằng 103,0%; 522,8 nghìn ha rau đậu, bằng 101,2%.
Trong quý I năm 2024, sản lượng thu hoạch một số cây công nghiệp lâu năm như sau: Cao su đạt 134,1 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước; điều đạt 230 nghìn tấn, tăng 1,7%; chè búp đạt 173,3 nghìn tấn, tăng 0,5%. Đối với cây ăn quả, do thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm diện tích những cây lâu năm kém hiệu quả như dứa, thanh long sang trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao hơn. So với cùng kỳ năm trước, sản lượng của một số cây tăng khá như: Sầu riêng đạt 108,1 nghìn tấn, tăng 27,1%; cam đạt 323,3 nghìn tấn, tăng 4,1%; chuối đạt 697 nghìn tấn, tăng 3,8%; xoài đạt 191 nghìn tấn, tăng 3,6%; bưởi đạt 167,3 nghìn tấn, tăng 3,1%.
Chăn nuôi trâu, bò có xu hướng giảm do hiệu quả kinh tế không cao và diện tích chăn thả bị thu hẹp. Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển tốt, dịch bệnh được kiểm soát, giá bán thịt lợn hơi tăng, sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao hơn khi giảm quy mô sản xuất ở những hộ nhỏ lẻ và phát triển các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn có quy trình khép kín với giá thành sản xuất thấp hơn.
Lâm nghiệp
Ước tính quý I/2024, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước ước đạt 37,3 nghìn ha, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 23,6 triệu cây, tăng 3,6%; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 3.670,1 nghìn m3, tăng 4,6%. Diện tích rừng bị thiệt hại là 252,3 ha, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Diện tích rừng bị chặt, phá là 182,2 ha, tăng 1,1%; diện tích rừng bị cháy là 70,1 ha, giảm 1,9%.
Thủy sản
Sản lượng thủy sản tháng 3/2024 ước đạt 725,4 nghìn tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 539,7 nghìn tấn, tăng 2,2%; tôm đạt 73,6 nghìn tấn, tăng 3,7%; thủy sản khác đạt 112,1 nghìn tấn, tăng 2,8%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 400,3 nghìn tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 325,1 nghìn tấn, tăng 0,7%. Tính chung quý I/2024, sản lượng thủy sản ước đạt 1.941,5 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 1.440,8 nghìn tấn, tăng 2%; tôm đạt 193 nghìn tấn, tăng 3,9%; thủy sản khác đạt 307,7 nghìn tấn, tăng 2%.
Sản xuất công nghiệp trong quý I/2024 tiếp tục khởi sắc
Sản xuất công nghiệp trong quý I/2024 tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành ước tính tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,98%.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2024 ước tính tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,98%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,97%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,99%; riêng ngành khai khoáng giảm 5,84%.
Tính chung quý I/2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%). Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2024 tăng 9,8% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 14,1% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 19,8%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý I/2024 là 68,7% (bình quân quý I/2023 là 81,1%).
Quý I/2024, cả nước có hơn 36,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới
Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Trong tháng Ba, cả nước có 14,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 113,5 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 104,4 nghìn lao động, tăng 64,3% về số doanh nghiệp, tăng 68,7% về vốn đăng ký và tăng 105,2% về số lao động so với tháng 02/2024. So với cùng kỳ năm trước, giảm 0,7% về số doanh nghiệp, giảm 22,1% về số vốn đăng ký và tăng 12,7% về số lao động.
Tính chung quý I/2024, cả nước có hơn 36,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 332,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 258,8 nghìn lao động, tăng 6,9% về số doanh nghiệp, tăng 7% về vốn đăng ký và tăng 21,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong ba tháng đầu năm 2024 đạt 9,2 tỷ đồng, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2023. Nếu tính cả 392,3 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của hơn 9,7 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong ba tháng đầu năm 2024 là 724,5 nghìn tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, cả nước có hơn 23,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong ba tháng đầu năm 2024 lên gần 59,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có gần 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Cũng trong ba tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 53,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước; hơn 15,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 21,7%; 5,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 10,1%. Bình quân một tháng có gần 24,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Như vậy, so sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong quý I/2024, tổng số doanh nghiệp nước ta giảm 14,1 nghìn doanh nghiệp, bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn doanh nghiệp.
Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2024: Có 22,1% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý IV/2023; 42,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 35,1% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý II/2024, có 45,4% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý I/2024; 36,6% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 18% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra sôi động trong quý I năm 2024. Số lượt khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh phản ánh hiệu quả của chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình kích cầu du lịch. Hoạt động vận tải duy trì đà tăng trưởng tích cực cả về vận tải hành khách và hàng hóa.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 3/2024 ước đạt 509,3 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2023 tăng 13,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,1% (quý I/2023 tăng 10,1%).
Vận tải hành khách quý I/2024 ước đạt 1.199,6 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 27,7%) và luân chuyển đạt 66,6 tỷ lượt khách.km, tăng 10,7% (cùng kỳ năm trước tăng 57%). Vận tải hàng hóa quý I/2024 ước đạt 620,1 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 16%) và luân chuyển 129,2 tỷ tấn.km, tăng 11,2% (cùng kỳ năm trước tăng 20,7%).
Doanh thu hoạt động viễn thông quý I/2024 theo giá hiện hành ước đạt 89,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 3,1%). Tổng số thuê bao điện thoại tại thời điểm cuối tháng 3/2024 ước đạt 125,9 triệu thuê bao, giảm 3,5% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó số thuê bao di động tại thời điểm trên là 123,6 triệu thuê bao, giảm 3,5%. Số thuê bao truy cập internet băng rộng cố định tại thời điểm cuối tháng Ba ước đạt hơn 22,9 triệu thuê bao, tăng 6,4% so với cùng thời điểm năm trước.
Khách quốc tế đến Việt Nam quý I/2024 đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 3,9 triệu lượt người, chiếm 83,6% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và tăng 60,1% so với cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 625,3 nghìn lượt người, chiếm 13,5% và gấp 2,6 lần; bằng đường biển đạt 136,7 nghìn lượt người, chiếm 2,9% và gấp 4,1 lần.
Số lượt người Việt Nam xuất cảnh trong tháng 3/2024 là 537,4 nghìn lượt người, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2024, số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 1,2 triệu lượt người, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường chứng khoán tăng trưởng khởi sắc với mức vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng 12,2%
Lãi suất huy động và lãi suất cho vay duy trì xu hướng giảm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm ổn định; thị trường chứng khoán tăng trưởng khởi sắc với mức vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng 12,2%.
Tính đến thời điểm 25/3/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm năm 2023 tăng 1,17%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 0,26% (cùng thời điểm năm 2023 tăng 1,99%).
Tổng doanh thu phí bảo hiểm quý I/2024 ước đạt 53.295 tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 33.740 tỷ đồng, giảm 10,9%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 19.555 tỷ đồng, tăng 9,8%.
Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 28/3/2024, chỉ số VNIndex đạt 1.286,11 điểm, tăng 2,7% so với cuối tháng trước và tăng 13,8% so với cuối năm 2023; mức vốn hóa thị trường (đến ngày 15/3/2024) ước đạt 6.662 nghìn tỷ đồng, tăng 12,2%. Tính chung quý I/2024, giá trị giao dịch bình quân đạt 22.529 tỷ đồng/phiên, tăng 28,2% so với bình quân năm 2023. Thị trường cổ phiếu tính đến cuối tháng 2/2024 có 736 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết; 870 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với tổng giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch đạt 2.138 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% so với cuối năm 2023.
Trên thị trường trái phiếu, giá trị giao dịch bình quân trong tháng Ba đạt 11.279 tỷ đồng/phiên, tăng 20,5% so với tháng trước; bình quân quý I/2024 đạt 9.698 tỷ đồng/phiên, tăng 48,8% so với bình quân năm 2023. Tại thời điểm cuối tháng 02/2024, thị trường trái phiếu có 457 mã niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 2.040 nghìn tỷ đồng, tăng 17,1% so với cuối năm 2023.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, tính từ đầu năm đến nay, khối lượng giao dịch bình quân của sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 191.436 hợp đồng/phiên, giảm 19% so với bình quân năm 2023; sản phẩm chứng quyền có bảo đảm đạt 63,2 triệu chứng quyền/phiên, tăng 93,1%.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I/2024 theo giá hiện hành tăng 5,2%
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I/2024 theo giá hiện hành tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước đã phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh trong nước có xu hướng phục hồi ở nhiều ngành, lĩnh vực.
Mức tăng này sẽ tạo đà tiếp tục bứt phá cho các quý tiếp theo, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế năm 2024 trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam quý I/2024 ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức cao nhất ba tháng đầu năm của các năm từ 2020 đến nay.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2024 theo giá hiện hành ước đạt 613,9 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước ước đạt 162,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,5% tổng vốn đầu tư và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 340,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 55,5%, tăng 4,2%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 110,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 18% và tăng 8,9%.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong ba tháng đầu năm 2024 có 22 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 28,7 triệu USD, giảm 74,6% so với cùng kỳ năm trước; có 2 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 220 nghìn USD, giảm 96,5%. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 28,9 triệu USD, giảm 75,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ
Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Trong tháng Ba, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 65,09 tỷ USD, tăng 35,6% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3/2024 ước đạt 34,01 tỷ USD, tăng 37,8% so với tháng trước. Tính chung quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 25,21 tỷ USD, tăng 26,2%, chiếm 27,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 67,85 tỷ USD, tăng 13,9%, chiếm 72,9%. Trong quý I/2024 có 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 82,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 04 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,7%).
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2024 ước đạt 31,08 tỷ USD, tăng 33,4% so với tháng trước. Tính chung quý I/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 84,98 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 29,7 tỷ USD, tăng 14,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 55,28 tỷ USD, tăng 13,6%. Trong quý I/2024 có 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 76,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 02 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 40,3%).
Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng Hai xuất siêu 1,38 tỷ USD; hai tháng xuất siêu 5,15 tỷ USD; tháng Ba ước tính xuất siêu 2,93 tỷ USD. Tính chung quý I/2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,08 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 4,93 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 4,49 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,57 tỷ USD.
Xuất, nhập khẩu dịch vụ
Trong quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 5,67 tỷ USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ du lịch đạt 3,15 tỷ USD (chiếm 55,5% tổng kim ngạch), tăng 45,8%; dịch vụ vận tải đạt 1,35 tỷ USD (chiếm 23,8%), tăng 3,8%.
Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ quý I/2024 ước đạt 8 tỷ USD (trong đó đã tính trong phí dịch vụ vận tải và bảo hiểm của hàng hóa nhập khẩu là 2,69 tỷ USD), tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 3,43 tỷ USD (chiếm 42,9% tổng kim ngạch), tăng 22,5%; dịch vụ du lịch đạt 2,35 tỷ USD (chiếm 29,4%), tăng 67,3%.
Nhập siêu dịch vụ quý I/2024 là 2,33 tỷ USD.
Trong quý I/2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,81%.
Theo quy luật tiêu dùng, nhu cầu của người dân giảm sau dịp Tết Nguyên đán khiến giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trên thị trường giảm, đặc biệt là lương thực, thực phẩm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2024 giảm 0,23% so với tháng trước, so với tháng 12/2023 tăng 1,12% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,97%. Tính chung quý I năm 2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,81%.
Giá sản xuất quý I/2024 tăng, giảm đan xen, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và chỉ số giá dịch vụ tăng so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số giá sản xuất công nghiệp giảm nhẹ và chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa có xu hướng giảm theo thị trường thế giới.
Chỉ số giá tiêu dùng
Trong mức giảm 0,23% của CPI tháng 3/2024 so với tháng trước, có 07 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm và 04 nhóm hàng có chỉ số giá tăng.
Trong quý I/2024, lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,77%) chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.
Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Chỉ số giá vàng tháng Ba tăng 4,59% so với tháng trước; tăng 9,41% so với tháng 12/2023; tăng 22,71% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I/2024, chỉ số giá vàng tăng 18,23% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng Ba tăng 0,88% so với tháng trước; tăng 1,81% so với tháng 12/2023; tăng 4,32% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I/2024 tăng 3,97% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá xuất, nhập khẩu
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2024 ước tăng 3,4% so với quý IV/2023 và tăng 5,81% so với cùng kỳ năm trước; tương tự, chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp giảm 0,64% và giảm 0,56%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 1,97% và tăng 7,15%.
Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất quý I/2024 tăng 1,39% so với quý trước và tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,57% và giảm 0,34%; dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,49% và tăng 1,5%; dùng cho xây dựng tăng 0,37% và giảm 0,94%.
Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quý I/2024 giảm 1,6% so với quý trước và giảm 1,75% so với cùng kỳ năm 2023; tương tự, chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa giảm 0,39% và giảm 1,54%. Tỷ giá thương mại hàng hóa quý I/2024 giảm 1,21% so với quý trước và giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Tỷ lệ thất nghiệp giảm
Tình hình lao động, việc làm quý I/2024 đã quay trở lại theo xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch COVID-19, đó là lực lượng lao động thường giảm nhẹ so với quý trước nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp giảm, theo quy luật thường thấy ở quý có Tết Nguyên đán.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý I/2024 ước tính là 52,4 triệu người, giảm 137,4 nghìn người so với quý trước và tăng 175,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I/2024 là 68,5%, đều giảm 0,4 điểm phần trăm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.
Lao động có việc làm quý I/2024 ước tính là 51,3 triệu người, giảm 127,0 nghìn người so với quý trước và tăng 174,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý I/2024 là 2,03%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,09 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,24%, giảm 0,02 điểm phần trăm và giảm 0,01 điểm phần trăm.
Lao động làm công việc tự sản tự tiêu quý I/2024 là 3,9 triệu người, tăng 492,4 nghìn người so với quý trước và giảm 51,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý I năm nay, đời sống dân cư được cải thiện, công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện; chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua có tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn, đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội khu vực nông thôn.
Theo kết quả sơ bộ từ Khảo sát mức sống dân cư 2024, thu nhập bình quân đầu người quý I/2024 ước đạt 5,2 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 8% so với quý trước và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính đến ngày 19/3/2024, giá trị quà tặng cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 là 8,1 nghìn tỷ đồng; hộ nghèo, hộ cận nghèo là hơn 2,4 nghìn tỷ đồng; người có công, thân nhân người có công với cách mạng là 9,2 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ đột xuất, bất thường phát sinh tại địa phương là gần 26,8 tỷ đồng. Ngoài ra, bảo hiểm xã hội đã cấp phát hơn 27,1 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng thụ hưởng.
Lũy kế đến hết tháng 02/2024, cả nước có khoảng 6.370/8.167 xã (khoảng 78%) đạt chuẩn nông thôn mới; có 1.737 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 301 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 280 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới. Có 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới .