Vẫn còn tình trạng hàng hóa đang trong quá trình bảo quản đã đưa vào tiêu thụ
Thời gian qua, việc đưa hàng về bảo quản được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật, đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế phát sinh các trường hợp hàng hóa quá thời hạn nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành, hoặc hàng hóa đang trong quá trình bảo quản đã đưa vào tiêu thụ hoặc không còn trong khu vực bảo quản như đã đăng ký với cơ quan Hải quan. Hàng hóa chưa được xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu nếu đưa vào lưu thông có khả năng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và an ninh quốc gia.
Mới đây, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện việc kiểm tra bảo quản hàng hoá, kiểm tra địa điểm bảo quản hàng hoá sau khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát. Theo đó, các đơn vị thực hiện kiểm tra bảo quản hàng hoá, kiểm tra địa điểm bảo quản hàng hoá theo đúng quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính.
Tháng 9/2022, Cục Hải quan Hà Nội đã thông báo Công ty TNHH Schneider Electric, Công ty cổ phần Innovative Grid Solution Việt Nam không được mang hàng về bảo quản 6 tháng do khai nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày hàng hóa được mang về bảo quản.
Trước đó, tháng 7/2022 Công ty TNHH Dịch vụ thương mại quốc tế Mạnh Cường vi phạm quy định, tự ý tiêu thụ hàng hóa được đưa về bảo quản chờ hoàn thành việc thông quan theo quy định. Công ty này đã bị Hải quan Hà Nội ra quyết định không được mang hàng về bảo quản trong thời hạn 1 năm.
Đáng chú ý, có những trường hợp nhiều năm sau khi nhập hàng, thậm chí khi doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh vẫn chưa nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành cho cơ quan Hải quan để hoàn tất hồ sơ nhập khẩu.
Điển hình trường hợp của Công ty CP XNK thiết bị PKT mở tờ khai nhập khẩu lô hàng máy móc thiết bị từ năm 2014. Sau khi giải quyết cho doanh nghiệp mang hàng về bảo quản, doanh nghiệp không nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành cho cơ quan Hải quan theo quy định. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 nhiều lần có văn bản đốc thúc, mời doanh nghiệp làm việc về việc chậm nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành. Sau đó chỉ một lần doanh nghiệp gửi công văn giải trình việc trễ ra chứng thư là do lô hàng máy móc trên bị mất một chi tiết an toàn xe, doanh nghiệp đang đặt mua bổ sung để trình đăng kiểm theo quy định. Và cho đến nay công ty này vẫn chưa nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành cho cơ quan Hải quan.
Trong khi đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội xác nhận Công ty CP XNK thiết bị PKT không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, nhưng chưa làm thủ tục giải thể, chia tách, sáp nhập theo quy định. Hiện Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 đang hoàn tất thủ tục chuyển hồ sơ của Công ty CP XNK thiết bị PKT cho cơ quan Công an để xử lý các bước tiếp theo.
Cần tăng cường vai trò của các bên liên quan
Hiện nay, việc đưa hàng về bảo quản, trách nhiệm của doanh nghiệp và các bên liên quan (cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan Hải quan) đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, từ những vụ việc nêu trên cho thấy, việc thực thi chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vẫn cần khắc phục.
Hiện nay, tại Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định, đối với trường hợp đưa hàng về bảo quản theo đề nghị của người khai hải quan phải nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành cho chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đưa hàng về bảo quản, trừ trường hợp cơ quan kiểm tra chuyên ngành đã gửi kết luận kiểm tra cho cơ quan Hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP hoặc việc kiểm tra kéo dài theo xác nhận của cơ quan kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp chậm nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành.
Đối với trách nhiệm của cơ quan kiểm tra chuyên ngành trong việc thông báo kết quả kiểm tra, theo quy định tại Điều 35 Luật Hải quan, trường hợp hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành về chất lượng, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa, phương tiện vận tải nhập khẩu thì cơ quan Hải quan căn cứ kết quả kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành để quyết định việc thông quan. Thời hạn kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Cơ quan, tổ chức kiểm tra chuyên ngành có trách nhiệm thông báo kết quả kiểm tra cho cơ quan Hải quan trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả kiểm tra.
Theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định 59/2016/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 25/1/2015): Trong thời hạn tối đa 10 ngày kể từ ngày cấp giấy đăng ký kiểm tra chuyên ngành hoặc ngày lấy mẫu kiểm tra chuyên ngành trừ trường hợp pháp luật về kiểm tra chuyên ngành có quy định khác, cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan, tổ chức kiểm tra chuyên ngành có thẩm quyền phải có kết luận kiểm tra và gửi cơ quan Hải quan theo quy định tại Điều 35 Luật Hải quan hoặc gửi tới Cổng thông tin một cửa quốc gia trong trường hợp cơ quan kiểm tra có hệ thống công nghệ thông tin kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia để cơ quan Hải quan quyết định việc thông quan hàng hóa. Trường hợp quá thời hạn quy định mà cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan, tổ chức kiểm tra chuyên ngành chưa có kết luận kiểm tra chuyên ngành thì phải có văn bản nêu rõ lý do và ngày ra kết luận kiểm tra gửi cơ quan Hải quan.
Tuy nhiên, thời gian qua cơ quan Hải quan đã từng phản ánh về việc có những lô hàng được đưa về bảo quản để kiểm tra chuyên ngành, nhưng quá thời hạn chưa nhận được thông báo kết quả kiểm tra. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát hải quan, doanh nghiệp cũng chưa thể đưa hàng hóa vào lưu thông.
Tại kết quả khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành thì chỉ tiêu mức độ thuận lợi khi thực hiện các khâu quy trình phổ biến trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành chỉ có 55,8% đến 67,1% doanh nghiệp khảo sát cho biết dễ, tương đối dễ ở khâu thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành.
N.Linh