Luật Viễn thông (sửa đổi) sẽ được đưa ra thảo luận tại phiên họp Quốc hội tháng 5/2023
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Luật Viễn thông ban hành năm 2009 đến nay đã được 13 năm. Trong thời gian đó, lĩnh vực Viễn thông đã có những thay đổi lớn và đạt được sự phát triển vượt bậc, mạng di động phát triển từ 2G, 3G lên 4G, 5G, đồng thời mở ra các không gian mới như dữ liệu (data), IoT…
Trong bối cảnh mới này, Luật Viễn thông đã bộc lộ một số bất cập, cần có những điều chỉnh, thay đổi để phù hợp với sự phát triển mới của ngành, phù hợp với các cam kết quốc tế Việt Nam đã ký kết, đồng thời cần có những quy định, tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Đó là lý do Chính phủ đã đồng ý với chủ trương trình Quốc hội sửa đổi Luật Viễn thông. Dự kiến Luật Viễn thông (sửa đổi) sẽ được đưa ra thảo luận tại phiên họp Quốc hội tháng 5/2023 và trình Quốc hội phê chuẩn tháng 10/2023.
Những hạn chế của Luật Viễn thông 2009 và điểm mới của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi)
Về quản lý bán buôn, quy định quản lý bán buôn trong Luật Viễn thông 2009 chưa đầy đủ, mới chỉ có quy định về kết nối, chia sẻ cơ sở hạ tầng thụ động; đề cập sơ lược, chưa đầy đủ về chia sẻ, sử dụng mạng viễn thông giữa các doanh nghiệp, mới chỉ có quy định sử dụng chung phương tiện thiết yếu, chưa có quy định về mua bán lưu lượng dịch vụ để bán lại. Do đó, các doanh nghiệp viễn thông thiếu căn cứ để hợp tác, đàm phán với nhau, cơ quan quản lý nhà nước không có công cụ để can thiệp khi có tranh chấp.
Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) với quan điểm quản lý là thúc đẩy “Open Access“, tạo thuận lợi gia nhập thị trường để phát triển dịch vụ, ứng dụng mới, bổ sung công cụ quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế, cam kết quốc tế.
Liên quan đến cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, Luật Viễn thông hiện hành quy định hai loại giấy phép thiết lập mạng và giấy phép cung cấp dịch vụ; giấy phép thiết lập mạng điều kiện cấp phép phức tạp hơn. Việc quy định như vậy chưa đáp ứng yêu cầu quản lý giữa các dịch vụ viễn thông, giữa các loại hình mạng viễn thông.
Về quản lý dịch vụ viễn thông sử dụng vệ tinh, Luật Viễn thông 2009 không có yêu cầu riêng biệt đối với dịch vụ viễn thông qua vệ tinh, điều kiện gia nhập thị trường tương đối dễ. Luật quy định, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải thông qua thỏa thuận với doanh nghiệp Việt Nam mới được cấp phép, nhưng chưa có quy định cụ thể về thỏa thuận này. Vì chưa có quy định cụ thể nên chưa bảo đảm an toàn, an ninh đối với trường hợp sử dụng vệ tinh nước ngoài.
Một điểm mới trong dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) là có thêm một chương quy định về kinh doanh Trung tâm dữ liệu (data center –DC) và cloud. Nền tảng cloud được coi là hạ tầng số của nền kinh tế. Quan điểm của Ban soạn thảo Luật Viễn thông sửa đổi là thúc đẩy phát triển DC và Cloud Việt Nam, quản lý về bảo vệ dữ liệu theo thông lệ quốc tế.
Đối với dịch vụ OTT, dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) là nhằm tạo điều kiện cho OTT phát triển nhưng có quản lý để bảo vệ người dùng, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo cơ chế chia sẻ chi phí giữa OTT và doanh nghiệp viễn thông để có nguồn lực phát triển hạ tầng.