CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Dự thảo cửa hàng tiện lợi, hạ tầng thương mại: Còn nhiều quy định bất hợp lý, chưa minh bạch

07:57 - 18/07/2022

VCCI cho rằng, nội dung dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại cho thấy nhiều quy định bất hợp lý và làm gia tăng chi phí kinh doanh không cần thiết.

Phản hồi Bộ Công Thương về đề nghị góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại; đồng thời, trên cơ sở tham vấn ý kiến của doanh nghiệp và các chuyên gia, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nội dung dự thảo đang cho thấy nhiều quy định bất hợp lý can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và làm gia tăng chi phí kinh doanh không cần thiết.

Các chi phí này sẽ làm tăng giá cả hàng hoá và làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp. Bởi vì, trong một số trường hợp đặc biệt, nếu doanh nghiệp thấy những nội dung này là cần thiết để phục vụ khách hàng tốt hơn và có thêm doanh thu, doanh nghiệp sẽ chủ động thực hiện mà không cần có quy định của nhà nước.

Đề nghị bỏ quy định "cửa hàng tiện lợi bán cho khách trong 500m"

Cụ thể, dự thảo thông tư yêu cầu cửa hàng tiện lợi phải được đặt tại vị trí khu dân cư tập trung, khu thương mại dịch vụ, khu du lịch, nơi tập trung đông người. Diện tích kinh doanh từ 30m2 đến dưới 200m2. Hàng hóa chủ yếu là thực phẩm ăn ngay và hàng bách hóa nhỏ lẻ; hàng tiêu dùng nhanh. Thời gian hoạt động được tối đa 24 tiếng/ngày.

Dự thảo cũng quy định những cửa hàng tiện lợi sẽ được bán chủ yếu theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân. Đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m.

Trong công văn gửi Bộ Công Thương để góp ý cho dự thảo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng dự thảo quy định cửa hàng tiện lợi có “đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi dưới 500m” là không khả thi đối với doanh nghiệp, bởi yếu tố này nằm ngoài khả năng tự quyết định của doanh nghiệp, chủ cửa hàng không thể biết được khách hàng của mình sinh sống tại đâu.

“Đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này” - VCCI góp ý.

Quy định cửa hàng, siêu thị phải có nơi giữ xe sẽ làm tăng chi phí kinh doanh

Theo VCCI, dự thảo yêu cầu tất cả các siêu thị, siêu thị mini, trung tâm thương mại, cửa hàng outlet, trung tâm outlet đều phải có nơi trông giữ xe, chỗ để xe hoặc bãi đỗ xe cho khách hàng. 

Điều này sẽ làm tăng chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và làm giảm sự linh hoạt của các mô hình kinh doanh. Việc các cửa hàng có chỗ đỗ xe sẽ giúp tăng sự thuận tiện cho khách hàng, họ có thêm doanh thu và ngược lại, cửa hàng nào không có chỗ đỗ xe sẽ bị mất khách.

Do đó, thị trường sẽ tự điều tiết việc này mà không cần có sự can thiệp của nhà nước. Nếu nhà nước lo ngại việc các cửa hàng không có chỗ đỗ xe khiến phương tiện để ra lòng đường gây cản trở giao thông thì chỉ cần xử phạt nghiêm túc hành vi đỗ xe không đúng nơi quy định là đủ. Hơn nữa, hiện nay, một số đô thị đang có kế hoạch hạn chế tiến tới cấm xe cá nhân mà chuyển sang giao thông công cộng. Việc yêu cầu có chỗ đỗ xe vô hình chung đi ngược lại chủ trương trên.

Yêu cầu siêu thị hạng I, hạng II phải có dịch vụ ăn uống, giải trí can thiệp quá mức vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp

Dự thảo còn yêu cầu siêu thị hạng I và II phải có dịch vụ ăn uống, giải trí; trung tâm thương mại phải có khu vực dành cho hoạt động vui chơi giải trí, cho thuê văn phòng, khu vực dành cho hoạt động tài chính, ngân hàng. Các quy định này cũng can thiệp quá mức vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. 

Việc bố trí không gian kinh doanh phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng và khả năng cung cấp của doanh nghiệp. Doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ tự điều chỉnh theo diễn biến của thị trường mà không cần nhà nước can thiệp.

Dự thảo yêu cầu các siêu thị hạng I và hạng II phải có nơi bảo quản hành lý cá nhân. Quy định này cũng không cần thiết. Hiện nay, các siêu thị thường có nơi gửi đồ để ngăn không cho khách hàng mang túi vào siêu thị, dễ nảy sinh trộm cắp.

Tuy nhiên, không ít siêu thị hiện nay cho phép khách hàng mang túi vào và chống trộm cắp bằng hệ thống camera và ý thức tự giác.

Thậm chí có siêu thị chấp nhận một tỷ lệ mất hàng nhất định đổi lại sự nhanh chóng cho khách hàng không phải gửi đồ. Do đó, yêu cầu này là không cần thiết.

Một số quy định không minh bạch

VCCI còn thấy có một số quy định không minh bạch trong dự thảo, có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Điều này gây rủi ro rất lớn cho người kinh doanh khi cơ quan Nhà nước diễn giải tuỳ tiện để xử phạt hoặc đe doạ xử phạt doanh nghiệp nhằm vòi vĩnh chi phí không chính thức, như yêu cầu, cần có vị trí thuận lợi cho việc tiếp cận, mua bán hàng hoá: không rõ cơ sở nào để xác định tính thuận lợi của vị trí của siêu thị, cửa hàng?

Quy định "công trình kiến trúc vững chắc, có thiết kế và trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại" thì không rõ cơ sở nào để xác định tính vững chắc của công trình, tính tiên tiến, hiện đại của thiết kế và trang thiết bị? Hay phải "có nơi trông giữ xe và khu vệ sinh phù hợp với quy mô kinh doanh" thì không rõ cơ sở nào để xác định tính phù hợp của nơi trông giữ xe và khu vệ sinh so với quy mô kinh doanh. Doanh nghiệp cho rằng phù hợp nhưng cơ quan nhà nước cho rằng không phù hợp thì sẽ xử lý thế nào?

Ngoài ra, "cần có thiết bị kỹ thuật bảo quản, sơ chế, đóng gói, bán hàng và quản lý kinh doanh tiên tiến, hiện đại" thì không rõ cơ sở nào để xác định tính tiên tiến, hiện đại của thiết bị kỹ thuật? Doanh nghiệp cho rằng trang thiết bị của mình tiên tiến hiện đại nhưng cơ quan nhà nước không đồng ý thì làm thế nào?

Ngoài ra, dự thảo cũng yêu cầu sắp xếp, "tổ chức, bố trí hàng hóa theo ngành hàng, nhóm hàng một cách văn minh, khoa học" thì không rõ cơ sở nào là để xác định. "Hình thức thanh toán hiện đại, thuận tiện, nhanh chóng" cũng không có cơ sở để xác định. "Cơ cấu chủng loại hàng hoá phong phú, đa dạng" không có cơ sở để xác định như thế nào là phong phú, đa dạng. "Áp dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động bán hàng và thanh toán" không có cơ sở để xác định công nghệ như thế nào là hiện đại. "Nguồn hàng được tổ chức cung ứng ổn định và thường xuyên thông qua đơn hàng hoặc hợp đồng với các nhà sản xuất kinh doanh" cũng không có cơ sở để xác định như thế nào là ổn định, thường xuyên.

Trước những vấn đề ấy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ những quy định trên.../.