
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.
Trong đó, thay vì quy định tổng số giờ dạy thêm giờ được tính trả tiền lương dạy thêm giờ trong một năm học không quá số giờ làm thêm theo quy định của pháp luật như hiện hành, dự thảo Thông tư quy định chi tiết tổng số giờ được chi trả tiền lương dạy thêm giờ không quá 150 giờ dạy trong một năm học. (khoản 3 Điều 4)
Đánh giá tác động:
Theo quy định tại Bộ luật Lao động, người lao động không được làm thêm quá 200 giờ/năm trừ một số trường hợp đặc biệt thì được làm thêm không quá 300 giờ/năm.
Tuy nhiên, với ngành Giáo dục, tình trạng thiếu giáo viên diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, nên việc quy định nhà giáo thuộc đối tượng được làm thêm không quá 300 giờ/năm là giải pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên và để tận dụng được nguồn tri thức cao ở các ngành, nghề đào tạo.
Người lao động làm việc khoảng 48 tuần/năm (đã trừ các ngày nghỉ lễ, Tết, nghỉ phép), với tổng số khoảng 1.920 giờ. Số giờ được làm thêm tối đa (tính theo 300 giờ) chiếm khoảng 15,6%.
Với đặc thù về hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, để có 01 giờ dạy trực tiếp trên lớp, nhà giáo phải có thời gian chuẩn bị trước khi lên lớp và phải có thời gian sau giờ giảng để đánh giá, xếp loại người học.
Theo đó, căn cứ vào quy định về định mức giờ dạy của nhà giáo của các cấp học và trình độ đào tạo thì:
+ 01 giờ dạy của giáo viên mầm non cần dành thời gian khoảng 1,33 giờ hành chính (8 giờ hành chính/ngày chia cho định mức 6 giờ dạy/ngày). Với quy định số giờ làm thêm tối đa trong 01 năm là 300 giờ, thì 01 năm giáo viên mầm non có thể dạy thêm tối đa 225 giờ.
+ 01 tiết dạy của giáo viên tiểu học cần dành thời gian khoảng 1,74 giờ hành chính (40 giờ hành chính/tuần chia cho định mức 23 tiết dạy/tuần). Với quy định số giờ làm thêm tối đa trong 01 năm là 300 giờ, thì 01 năm giáo viên tiểu học có thể dạy thêm tối đa 172 tiết.
+ 01 tiết dạy của giáo viên THCS cần dành thời gian khoảng 2,1 giờ hành chính (40 giờ hành chính/tuần chia cho định mức 19 tiết dạy/tuần). Với quy định số giờ làm thêm tối đa trong 01 năm là 300 giờ, thì 01 năm giáo viên THCS có thể dạy thêm tối đa 142 tiết.
+ 01 tiết dạy của giáo viên THPT cần dành thời gian khoảng 2,35 giờ hành chính (40 giờ hành chính/tuần chia cho định mức 17 tiết dạy/tuần). Với quy định số giờ làm thêm tối đa trong 01 năm là 300 giờ, thì 01 năm giáo viên THPT có thể dạy thêm tối đa 127 tiết.
+ 01 giờ dạy của giảng viên ĐH, CĐ cần dành thời gian 3,0 giờ hành chính (theo quy định tại Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT; Thông tư số 36/2020/TT-BGDĐT). Với quy định số giờ làm thêm tối đa trong 01 năm là 300 giờ, thì 01 năm giáo viên mầm non có thể dạy thêm tối đa 100 giờ.
Tuy nhiên, với đặc thù nhà giáo có thời gian nghỉ hè để tái tạo sức lao động, 01 lần chuẩn bị bài giảng của nhà giáo có thể sử dụng cho nhiều giờ dạy ở các lớp khác nhau.
Do đó, khi tính toán thêm giờ ta không tính thời gian soạn giảng mà chỉ tính thời gian trực tiếp giảng dạy, thời gian dành cho việc nhận xét, đánh giá người học sau khi lên lớp và thời gian dành cho các hoạt động chuyên môn khác.
Vì vậy, Cục NGCBQLGD đề xuất số giờ dạy thêm tối đa/năm học thống nhất cho tất cả nhà giáo các cấp học, trình độ đào tạo là 150 giờ, riêng giáo viên mầm non không quá số giờ làm thêm theo quy định của pháp luật về lao động.