Là sản phẩm hàng hóa đặc thù, được coi như đầu vào của mọi đầu vào, điện năng có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và phục vụ đời sống dân sinh, bảo đảm an ninh-quốc phòng của đất nước.
Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của điện năng đối với phát triển kinh tế và xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn nhất quán quan điểm và yêu cầu "phải đảm bảo điện năng trong mọi tình huống" và đã có những chỉ đạo hết sức quyết liệt, đồng bộ, ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo rất sát sao cả cấp bách, cả lâu dài cho vấn đề về bảo đảm điện năng, trong đó có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là thúc đẩy đầu tư, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư vào sản xuất, cấp phát, phân phối điện. Các nhà đầu tư cũng yên tâm đầu tư lâu dài cho ngành điện của nước ta.
Tuy nhiên, trong thu hút đầu tư vào sản xuất điện, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, cũng còn không ít những khó khăn, vướng mắc tạo nên những "nút thắt", "rào cản", trong đó lớn nhất là những điểm còn chưa hợp lý trong cơ cấu giá thành, cách tính giá điện như hiện nay còn dưới giá thị trường trong bối cảnh giá đầu vào của ngành điện như than, dầu, khí luôn biến động và neo cao và chúng ta vẫn đang đi trên "lộ trình tính đúng, tính đủ giá bán điện trong nền kinh tế thị trường".
Với hiện trạng ngành điện Việt Nam hiện nay, các nguồn điện giá rẻ đã cơ bản hết tiềm năng phát triển, trong quy hoạch điện VIII, Việt Nam tập trung phát triển mạnh điện khí và điện gió ngoài khơi. Đây là hai loại hình có giá thành khá cao, đòi hỏi huy động lượng vốn lớn.
Thực tế cho thấy, EVN đã có những nỗ lực để hạ chi phí giá thành sản suất kinh doanh, tuy nhiên, giá điện chưa hợp lý đã khiến ngành điện không có đủ nguồn lực để đầu tư, phát triển nhằm giảm giá thành sản xuất, truyền tải, phân phối; khó thu hút mạnh được được nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào ngành điện... Đây là một thách thức rất lớn khiến ngành điện phải tập trung ứng phó và xử lý.
Vậy, bài toán đặt ra trong vấn đề thu hút đầu tư vào ngành điện là gì, nhất là những nội dung về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, cơ cấu giá và cách tính giá thành điện khi bán ra hiện nay; việc thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá điện trong nền kinh tế thị trường...
Tất cả những nội dung này sẽ được phân tích, kiến giải, luận bàn trong Tọa đàm "Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm nay với sự tham dự của lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế, tài chính, năng lượng... để hệ thống hóa, phân tích, kiến giải, luận bàn về vấn đề này.
Các vị khách mời tham dự Tọa đàm có:
- Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
- Chuyên gia về giá Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)
- PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, chuyên gia Kinh tế năng lượng
- Ông Nguyễn Đình Tuấn – Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam), đại diện Doanh nghiệp đầu tư vào ngành điện.
Ngành Điện phát triển rất năng động nhưng chính sách ổn định quá!
Ở góc độ lập pháp, câu hỏi đầu tiên xin được dành cho ông Phan Đức Hiếu, ông có nhìn nhận và đánh giá như thế nào về các cơ chế, chính sách hiện nay, gồm cả những mặt tích cực, những mặt còn hạn chế trong hoạt động thu hút đầu tư phát triển ngành điện cũng như các giải pháp đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển ngành điện, bảo đảm cân đối năng lượng quốc gia?
Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Đầu tiên phải nói đến vai trò, bản chất của ngành năng lượng, trong đó có ngành điện. Đây là ngành có vai trò, vị trí và đóng góp rất quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân. Ngành này không chỉ quan trọng ở riêng nước ta mà quan trọng ở mọi quốc gia.
Qua theo dõi từ khi có Luật Điện lực năm 2004 và sửa đổi năm 2012, cho đến nay chúng ta có hàng loạt cơ chế, thể chế, chính sách… vì ngành điện liên quan đến rất nhiều lĩnh vực; đồng thời chính sách điều chỉnh ngành điện, ngành năng lượng có rất nhiều luật khác nhau chứ không chỉ riêng Luật Điện lực.
Nếu như nhìn vào sự phát triển của ngành điện thì trong 20 năm qua, ngành điện đã nâng cao được năng lực và đóng góp tích cực vào quá trình tăng trưởng, phát triển kinh tế, bảo đảm ổn định xã hội.
Còn nhìn từ góc độ thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước phục vụ cho sản xuất kinh doanh, độ bao phủ của việc cấp điện ngày càng được mở rộng và việc tiếp cận điện của người dân, người có hoàn cảnh khó khăn cũng ngày càng được mở rộng, được bảo đảm. Rõ ràng chúng ta thấy có sự đóng góp của cơ chế chính sách.
Khi tôi còn ở Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chỉ nói riêng về môi trường, thể chế để thu hút đầu tư năng lực cạnh tranh thì các quốc gia xếp chỉ số tiếp cận điện năng, bảo đảm điện năng là một chỉ số quan trọng trong đánh giá chất lượng của môi trường kinh doanh trong thu hút đầu tư. Trong rất nhiều thể chế khác như như đất đai, xây dựng…, tiếp cận điện năng là một trong những chỉ số quan trọng.
Bên cạnh đó, nhìn từ góc độ thể thế, chính sách, không thể không ghi nhận nỗ lực của ngành công thương và đặc biệt là của Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ khi Chính phủ thực hiện Nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (Nghị quyết 19 hay Nghị quyết 02 chuyên đề).
Trong 5 năm trở lại đây, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam có sự đột biến và rất ngoạn mục. Trước đây xếp dưới 100 thì nay chỉ số tiếp cận điện năng là một trong những để so sánh quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh. Đây là thực tế đã được ghi nhận.
Tuy nhiên, cũng có tồn tại, hạn chế cần phải nhìn nhận, ngành điện phát triển rất năng động, đặc biệt gần đây với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và chống biến đổi khí hậu cũng như thay đổi về quá trình sản xuất kinh doanh, có rất nhiều yếu tố đòi hỏi ngành điện phải thay đổi. Tôi cho rằng có mấy điểm cần lưu ý:
Thứ nhất, có vẻ chính sách của chúng ta ổn định quá. Ví dụ Luật Điện lực năm 2004, sửa đổi năm 2012; Quyết định số 28 về giá bán điện năm 2014… Tuy nhiên thực tế ngành điện thay đổi rất nhanh chóng nên sự ổn định là chậm thay đổi.
Thứ hai, về mặt nội dung, vì đầu tư ngành điện rất lớn, đứng từ góc độ các nhà đầu tư thì hệ thống chính sách phải có khả năng tiên lượng và đồng bộ. Nếu không đồng bộ thì không tạo ra tác động tốt. Vì vậy, trong một số trường hợp, thiếu sự đồng bộ. Chúng ta cải cách rất mạnh về thu hút đầu tư thị trường phát điện, mua điện bán buôn nhưng chậm cải cách về bán lẻ thì rõ ràng không đồng bộ.
Thứ ba là cơ sở pháp lý, nhà đầu tư cần sự vững chắc thì chúng ta đang điều hành khá nhiều ở quyết định, điều này cần phải xem xét.
Thứ tư là thiếu tính thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, nếu thiếu tính thị trường trong nội dung cơ chế chính sách thì rất khó để có công cụ thúc đẩy bền vững.
Tôi muốn nhấn mạnh những điểm hàm ý trong thời gian tới đây là trọng tâm để chúng ta cần phải hoàn thiện về cơ chế.
Tuy nhiên, có điều rất mừng là sự quyết tâm của các cơ quan, bộ ngành có sự thay đổi rất lớn từ năm 2020. Đầu tiên là Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 5 năm, rồi Quốc hội có hẳn 1 chuyên đề giám sát về năng lượng. Sau đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt trong việc sửa đổi Luật Điện lực, xem xét lại Quyết định số 28 về giá bán điện và nhiều động thái, kể cả tạo lập hạ tầng điện. Nhìn về mặt quyết tâm có sự chuyển biến, đây là điều rất cần thiết, phải phát huy trong thời gian tới.
Bốn bất cập rất lớn về giá điện
Một trong những khó khăn lớn trong thu hút đầu tư vào phát triển ngành điện là cần nguồn lực đầu tư lớn trong khi thời gian thu hồi vốn chậm, giá bán điện hiện nay vẫn còn mang màu sắc "bao cấp", bù trì. Là chuyên gia về giá, ông Nguyễn Tiến Thỏa có phân tích và nhận định như thế nào về những điểm bất hợp lý trong cơ cấu giá thành, cách tính giá điện như hiện nay, nhất là trong bối cảnh tình hình giá đầu vào của ngành điện như than, dầu, khí luôn biến động và neo cao, tỉ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện ngày càng cao?
Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa: Tôi cho rằng giá điện của chúng ta đang có 4 bất cập rất lớn.
Bất cập thứ nhất có tính chất bao trùm là giá điện chưa thực hiện theo cơ chế thị trường. Như Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị đã đánh giá là chính sách năng lượng của chúng ta còn bất cập và chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường.
Vậy chưa phù hợp với cơ chế thị trường có nghĩa là gì?
Chúng ta đều biết toàn bộ chi phí đầu vào để sản xuất điện như than, khí, dầu, tỷ giá… đã theo thị trường. Giá thị trường thế giới thế nào, trong nước thế nào đều phản ánh vào giá hết.
Thế nhưng giá đầu ra lại không phản ánh được những biến động của các chi phí đó. Có lúc thì điều chỉnh quá lâu, có lúc điều chỉnh lại không tính đúng, tính đủ, không bảo đảm bù đắp toàn bộ chi phí đã bỏ ra để sản xuất kinh doanh điện. Cho nên sản xuất kinh doanh điện gặp rất nhiều khó khăn.
Số liệu mới nhất 2 năm 2022 – 2023 gần đây thì chính cách điều hành như vậy đã gây lỗ của ngành điện khoảng 47.500 tỷ đồng. Đây là khó khăn lớn cho việc cải thiện dòng tiền của ngành điện để đầu tư, phát triển nguồn và lưới.
Thứ hai, giá điện hiện nay chúng ta kỳ vọng và giao cho nó gánh vác nhiệm vụ đa mục tiêu. Chúng ta muốn phải tính đúng, tính đủ, bảo đảm bù đắp chi phí nhưng phải khuyến khích thu hút đầu tư, phải đảm bảo an sinh xã hội, phải bảo đảm an ninh năng lượng, kiểm soát lạm phát. Rất nhiều mục tiêu. Có những mục tiêu ngược chiều nhau. Xử lý các mục tiêu đó rất khó hài hòa, không đảm bảo được mong muốn mà chúng ta đặt ra. Cho nên chúng ta phải có tính toán hợp lý vai trò của giá điện, cái nào là mũi nhọn.
Như Nghị quyết 55 nói, chúng ta phải dùng những biện pháp như là thuế, phí, các quỹ điều tiết các thị trường để điều tiết thị trường điện chứ không chỉ trông cậy vào việc kiềm chế giá thấp để đảm bảo được mục tiêu kiểm soát lạm phát. Phải tính toán lại chính sách phát điện từ chính sách thị trường này.
Thứ ba là bất cập trong cơ chế bù chéo giá điện hiện nay, để kéo quá dài và lộ trình xử lý không rõ ràng. Phó Giáo sư Bùi Xuân Hồi đã tham gia Đề án cải tiến biểu giá điện từ năm 2019 và cũng đã tính giảm dần bù chéo nhưng cuối cùng chúng ta vẫn chưa làm được.
Bù chéo ở đây thể hiện cái gì? Bù chéo giữa nhóm những người tiêu dùng điện sinh hoạt với nhau - bậc cao bù cho bậc thấp, bù chéo giữa giá điện sinh hoạt trong sản xuất ở mức độ nhất định. Tất nhiên là giá điện trong sản xuất phải thấp hơn bởi vì tiêu dùng điện hạ áp giá đắt hơn nhưng vẫn có bù chéo nhất định giữa điện cho sinh hoạt đối với điện sản xuất.
Và một điểm nữa là bù chéo về giá điện giữa các vùng miền với nhau. Điện ở các xã, huyện hải đảo thường 7.000-9.000, nhưng chúng ta vẫn bán 1.000-2.000, tức là lấy vùng thấp bù cho vùng cao...
Chính Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị cũng đã yêu cầu cái mới tức là chúng ta phải chấm dứt bù chéo trong giá điện và việc này chúng tôi cũng đang đề nghị đưa vào Luật Điện lực mới, phải luật hóa yêu cầu này.
Bất cập thứ tư tôi cũng rất tán thành và khuyến nghị nhiều đã được Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị nêu ra là giá điện chưa tách bạch giữa giá với chính sách an sinh xã hội. Chúng ta chưa dứt khoát trong thực hiện các chính sách xã hội.
Ví dụ đối với người thu nhập thấp, người nghèo thì chúng ta hỗ trợ trực tiếp bằng tiền điện, tách ra được. Nhưng trong biểu giá điện vẫn còn thể hiện những chính sách an sinh xã hội đối với những người thu nhập thấp thì giá bán 92-95% so với giá bán lẻ bình quân. Vẫn còn cách đó, hay giá bù cho các vùng miền...
Cũng trong chính sách giá điện vừa qua, nếu chúng ta giảm giá điện là chúng ta giảm giá để ngành điện phải tự gánh vác.
Ví dụ như dịch COVID-19 chẳng hạn, chúng ta quyết định giảm giá điện nhưng chúng ta không quy định chính sách để điều tiết thị trường hợp lý. Chính sách thuế xử lý như thế nào, các công cụ thị trường xử lý như thế nào và chính sách an sinh xã hội chúng ta nên tách ra như thế nào để xử lý?
Cho nên chính sách giá điện vẫn còn lẫn lộn, không bảo đảm đúng nguyên lý về giá cả để bảo đảm mục tiêu khuyến khích ngành điện phát triển, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Chắc chắn giá điện sẽ tăng!
Từ sự phân tích về những điểm còn bất hợp lý trong cơ cấu giá thành, cách tính giá điện, PGS.TS. Bùi Xuân Hồi có thể chia sẻ thêm một số thông tin về cách tính giá điện đang được các nước tiên tiến áp dụng, thực hiện và trong sự tương quan giữa nước ta và các nước ở khu vực và trên thế giới trong nền kinh tế thị trường, cách tính chi phí đầu vào, cơ cấu giá bán điện ở nước ta có sự khác biệt, điểm bất hợp lý như thế nào? Ông có thể đưa ra dự báo về xu hướng giá điện trên thế giới sẽ diễn biến theo chiều hướng nào?
PGS.TS Bùi Xuân Hồi: Vấn đề quan trọng nhất nằm ở khâu điều hành giá cả. Phép tính giá điện, kể cả nước tiên tiến và nước không tiên tiến, mỗi nước có cách khác nhau, không có cách tiếp cận chuẩn, đúng cho tất cả hệ thống điện, dù là tiếp cận theo chi phí bình quân hay tiếp cận theo chi phí biên vì ngành điện rất đặc thù. Về cách tính toán của các nước, bao giờ cũng có mấy điểm trong cách tiếp cận:
Đầu tiên là tính đúng, tính đủ trong chi phí mà hộ tiêu thụ gây ra cho hệ thống điện. Đây là điểm đầu tiên mà các quốc gia bao giờ cũng cố gắng hướng đến, chắc chắn không thể 100% tính đúng, tính đủ.
Với cách tiếp cận như thế, cơ cấu biểu giá bao giờ cũng phải thể hiện đúng. Việc cung cấp điện cho hộ sản xuất, cho hộ sinh hoạt có khác biệt gì và từ khác biệt đó dẫn tới cơ cấu giá khác biệt thế nào.
Điểm thứ hai, như chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa đã chia sẻ, giá điện của chúng ta đa mục tiêu quá, còn ở trên thế giới tách bạch tương đối rõ, mặc dù tôi xin khẳng định giá điện ở nước nào cũng có sự điều tiết của Chính phủ.
Bảo rằng sản phẩm này 100% theo thị trường là không có; vấn đề là điều tiết như thế nào. Về cơ bản, cố gắng tách bạch giữa hoạt động mang tính chất công ích và những hoạt động mang tính chất thị trường.
Như chuyên gia Thỏa chia sẻ, bây giờ cấp điện ra đảo, chi phí cung ứng là 7.000-8.000 đồng, nhưng chúng ta vẫn đang bán giá đồng nhất trên toàn quốc là khoảng 2.200 đồng. Hiện nay chúng ta đang gom vào và vẫn bán như vậy, chứ ở nước ngoài, đương nhiên phải có phần hỗ trợ rất rõ ràng từ phía chính phủ. Khi đó, bản thân ngành điện sẽ hoạt động minh bạch.
Thứ ba, từ câu chuyện tính đúng, tính đủ, minh bạch trong chi phí đến câu chuyện xây dựng cơ cấu biểu giá.
Thông thường cơ cấu biểu giá đều mang 2 thành phần: Một là tính toán chi phí công suất mà chúng ta gọi là giá công suất (giá thuê bao); hai là chi phí điện năng, thuê bao xong rồi, dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu. Đây thông thường là cách tiếp cận của các nước trên thế giới.
Nhìn lại hệ thống giá của Việt Nam, hiện nay cách tính của chúng ta theo giá bán lẻ điện bình quân, tôi cho rằng có hạn chế, nhưng không phải là cốt lõi của những khó khăn của ngành điện hiện nay.
Mấu chốt nhất vẫn là câu chuyện điều hành giá. Nếu chúng ta cố gắng dần dần tách bạch những hoạt động công ích và hoạt động thị trường, thì sẽ có cơ chế điều tiết giá phù hợp. Nếu không thể điều hành giá điện theo cơ chế thị trường ngay thì tất cả các khía cạnh điều tiết cũng phải dần dần hướng đến thị trường.
Chúng ta xây dựng cơ cấu biểu giá từ năm 2014, khi chúng ta mong muốn phát triển sản xuất nên để giá điện sản xuất thấp, chúng ta muốn cân bằng tài chính cho EVN chúng ta buộc phải đẩy giá điện kinh doanh lên. Trong quá trình đấy, bắt buộc phải điều tiết dần, ưu tiên cho sản xuất dần giảm đi và trả đúng vai trò của hộ sản xuất.
Nhưng chúng ta để lệch quá và không điều chỉnh, dẫn đến việc bây giờ nếu ngay lập tức xóa bù chéo thì chắc chắn không làm được vì sẽ gây sốc cho nền kinh tế. Nhưng rõ ràng phải hành động để từng bước điều tiết giá điện theo cơ chế thị trường.
Đây là điều rất cần thiết. Tôi cho rằng phải định vị đúng, không phải vướng mắc về cách tính giá thành, mà quan trọng nhất là công tác điều hành giá.
Dự báo về giá điện, tôi có mấy đánh giá. Thứ nhất, trong tình hình hiện nay, cơ cấu nguồn điện dù có nỗ lực đến mấy cũng không thể bỏ qua nguồn năng lượng cơ sở bao gồm điện than, điện khí. Tất cả nguồn tái tạo có vào đến mấy thì điện cơ sở vẫn rất quan trọng.
Và nếu điện cơ sở quan trọng như thế thì trong xu hướng giá nhiên liệu đầu vào tăng như hiện nay, tôi cho rằng giá thành cung cấp điện chắc chắn sẽ tăng. Vấn đề địa chính trị như thế này không thể kỳ vọng giá đầu vào ngay lập tức xuống được, thậm chí nó sẽ ở mức dao động mới cao hơn. Phải chấp nhận điều đó.
Thứ hai, chúng ta kỳ vọng Net Zero vào năm 2050, những nước khác cũng mong muốn điện sạch và tôi khẳng định, không có điện sạch giá rẻ. Điện mặt trời phát được 4 tiếng một ngày là tối đa, điện gió thì phập phù nên không thể nào nói những nguồn điện ấy sẽ có giá rẻ.
Tóm lại, một là do biến động của tình hình địa chính trị thế giới, hai là xu hướng dịch chuyển năng lượng nên chắc chắn giá thành cung ứng điện nói chung sẽ cao lên.
Phát triển các nguồn điện mới: Cần rất nhiều tính toán
Ở góc độ doanh nghiệp, ông chia sẻ, nhận định như thế nào về tiềm năng, cơ hội, môi trường đầu tư; những thuận lợi và khó khăn trong hoạt động đầu tư phát triển vào lĩnh vực điện năng hiện nay?
Ông Nguyễn Đình Tuấn – Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động: Trước hết, đứng ở góc độ nhà đầu tư nguồn điện cũng như đơn vị sản xuất, chúng tôi thấy rằng nguồn thủy điện hiện tại cơ bản khai thác được hết tiềm năng.
Nhiệt điện than theo lộ trình của Chính phủ sẽ tiết giảm đến năm 2030, đâu đó sẽ dừng ở năm 2050 theo chương trình Net Zero. Như thế, việc phát triển thêm nguồn mới chỉ có thể dựa vào các nguồn như điện khí, điện gió ngoài khơi,...
PGS. TS. Bùi Xuân Hồi có phân tích rằng những nguồn điện này sẽ có ảnh hưởng rất lớn trong quá trình vận hành, đặc biệt suất đầu tư rất cao.
Đương nhiên, giá cho điện năng lượng tái tạo rất lớn, điều này sẽ ảnh hưởng đến giá bình quân của thị trường, và quay ngược trở lại sẽ ảnh hưởng đến giá của EVN cũng như Chính phủ.
Theo quan điểm của tôi, để có thể triển khai được nội dung này, phải có rất nhiều cơ chế thu hút đầu tư, vì khi đầu tư người ta sẽ tính đến lợi nhuận mà lợi nhuận sẽ liên quan đến giá.
Tốc độ phát triển của nguồn so với tốc độ phát triển kinh tế hiện tại đang không tương xứng. Nguồn điện cơ sở như thủy điện, điện than không được phát triển nữa. Vấn đề thu hút như thế nào để phát triển được nguồn điện gió, năng lượng tái tạo trong khi đứng về góc độ vận hành, sẽ có những tác động rất lớn?
Nhiệt điện Sơn Động là đơn vị được huy động chạy tải nền, nhưng việc điều chỉnh phụ tải, điều chỉnh công suất tần số rất nhiều.
Hệ thống của ta không có tính ổn định cao, đặc biệt với khoảng gần 10% tỉ lệ điện mặt trời và điện gió hơn 8.000 MW trên tổng khoảng 85.000 MW, vào thời điểm giờ cao điểm, vào mùa mưa, mùa khô, lúc có thay đổi, biến động thì tác động, ảnh hưởng đến hệ số vận hành, đảm bảo an toàn hệ thống rất cao.
Việc phát triển thêm các nguồn điện mới giá cao có ảnh hưởng đến chế độ vận hành của cả hệ thống. Đấy là bài toán theo tôi cần có rất nhiều tính toán.
Hiện tại, xu thế của thế giới, dự trữ năng lượng cho các nhà máy năng lượng tái tạo về mặt kỹ thuật công nghệ có thể thực hiện được. Tuy nhiên quay lại câu chuyện giá thành thì đây cũng là một vấn đề.
Nếu có thể đưa được cả hệ thống vận hành ở trên phương diện điện sạch thì: Thứ nhất thiết bị đầu tư đầu vào đắt, giá cao. Thứ hai, để đảm bảo vận hành ổn định, an toàn phải có một hệ thống dự trữ năng lượng, chắc chắn hệ thống này giá sẽ không bao giờ rẻ.
Vấn đề ảnh hưởng đến giá chung của toàn hệ thống cũng như việc xây dựng hệ thống giá thị trường để đảm bảo từ vận hành an toàn cho đến giá minh bạch, giá phù hợp, kích thích được tất cả các điều kiện… chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa đã đề cập. Có rất nhiều yêu cầu giá điện phải gánh vác, đấy cũng là bài toán rất khó xử lý.
Đối với các đơn vị nhiệt điện như chúng tôi là nguồn điện nền, cơ sở, rất cần thiết để ổn định hệ thống. Tới đây, theo lộ trình sẽ có chương trình thay đổi nhiên liệu, phối trộn. Điều này Bộ Công Thương đã chỉ đạo và các đơn vị đã nghiên cứu.
Tuy nhiên, vẫn quay lại câu chuyện về giá, giá đầu vào của những nguyên liệu đốt Biomass, viên nén so với giá than có thể gấp 2-3 lần. Đây là vấn đề các chuyên gia cần phải tính toán.
Sửa đổi Luật Điện lực; tách bạch giá bán điện; thúc đẩy tính thị trường
Như phân tích của các chuyên gia, cơ cấu giá điện hiện nay còn nhiều điểm còn chưa hợp lý, thậm chí phi lý. Ở góc độ pháp luật, xây dựng cơ chế, chính sách... Ông Phan Đức Hiếu nhìn nhận về vấn đề này như thế nào? Đâu là những điểm "ngẽn", "nút thắt" cần kịp thời có sửa có sự sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, thưa ông?
Ông Phan Đức Hiếu: Nhìn từ góc độ nhà kinh tế, trong câu chuyện điện nói chung, có mấy điểm lưu ý khi nhìn điểm nghẽn ấy: Thứ nhất là tính hệ thống của chính sách phải luôn đồng bộ. Chúng ta nói đầu vào, thu hút đầu vào là phát điện, sản xuất điện… mà đầu ra không hợp lý thì rõ ràng không hiệu quả, thậm chí rất khó vận hành.
Nói gì thì nói, phải cải cách toàn diện đồng bộ. Một trong những điểm chúng ta đã nhận thức và được Nghị quyết 937 của Quốc hội nói rất rõ, và cũng được anh Hồi và anh Thỏa nói đến là cơ chế giá điện, cơ chế điều hành giá điện chậm thay đổi. Đây là một thực tế.
Nhìn ở góc độ rộng, giá điện không chỉ tác động đến ngành điện mà có những tác động lớn hơn đến sự vận hành và tái cấu trúc nền kinh tế. Ví dụ như giá điện được điều hành một cách đúng đắn và hợp lý thì sẽ thúc đẩy cả chuyển đổi sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm điện trong các hộ gia đình, cá nhân…
Tất cả những cái này đều có tác động không chỉ thu hút đầu tư sản xuất nguồn điện trong khi chúng ta thúc đẩy rất lớn kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, xanh sạch, net zero. Như vậy chúng ta phải nhìn thấy tầm quan trọng của cơ chế giá điện, nó tác động toàn diện.
Rất mừng là Chính phủ đang rà soát và sửa đổi Luật Điện lực. Tôi có cơ hội nghiên cứu và góp ý kiến bước đầu của Luật này, tôi thấy có nhiều nội dung chúng ta thảo luận hôm nay cũng đã bắt đầu được nhận diện và thể chế hóa trong dự thảo Luật Điện lực sửa đổi lần này.
Tôi chỉ có mấy kiến nghị thêm về mặt nguyên tắc thế này: Thứ nhất, sửa đổi Luật Điện lực lần này là một cơ hội, phải tận dụng cơ hội này, nếu không ta sẽ mất 5-7 năm sau mới có thể sửa chữa.
Tôi nhất trí quan điểm hiện nay tính giá để xác định ra giá sản xuất. Nhà làm chính sách luôn phải biết được đầu tiên sản xuất ra 1 kWh điện thì chiếm bao nhiêu phần trăm giá thành. Cái này rất quan trọng ở chỗ thúc đẩy suất tiết kiệm hơn.
Cứ tính đúng tính đủ, công bố công khai, so sánh với các nước. Về nguyên lý kinh tế, mọi nguồn lực phải được nhận diện đúng đủ, hạch toán đủ về kinh tế hãy sản xuất.
Thứ hai, phải tách bạch. Với giá như vậy, để giảm giá thành, tự khắc tạo áp lực cho doanh nghiệp cạnh tranh để giảm giá thành. Tác động lớn lắm. Tiếp theo là tách bạch giá bán điện, nhưng nếu chúng ta không biết được chính xác giá sản xuất bao nhiêu thì làm sao có thể điều hành giá bán phù hợp cho các nhóm đối tượng khác nhau. Nên tôi nhất trí với quan điểm việc tính giá điện, cứ tạm gọi là giá sản xuất, không nên đưa quá nhiều mục tiêu chính sách vào đây mà gây méo mó.
Đầu tiên cứ tính đúng tính đủ. Luật Đất đai vừa qua cũng thể hiện rõ nguyên tắc này, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Giá đó tác động tốt hay bất lợi thế nào đến đời sống, hoạt động kinh doanh, thị trường thì điều chỉnh bằng nhóm chính sách khác, các chính sách về giá, tiền sử dụng đất, cắt giảm bớt mức thu tiền sử dụng đất đi hay giá có biến động thì Luật Đất đai có cơ chế ổn định tiền thuê đất cho doanh nghiệp trong một chu kỳ 5 năm chẳn hạn.
Hay với nhóm đối tượng khó khăn, nghèo thì có hẳn chính sách an sinh xã hội khác. Đầu tiên, tính đúng, tính đủ và tách bạch chính sách điều tiết và việc tính giá.
Liên quan đến cơ cấu ngành điện, có cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, thì cơ chế tài chính ở đây cần minh bạch, đâu là trợ cấp xã hội, đâu là bù giá, đâu là kinh doanh, phải tách bạch.
Thứ ba, tôi rất muốn thúc đẩy tính thị trường, tăng sự cạnh tranh trong mọi hoạt động, mọi khâu của điện lực. Trong việc bán điện và tính giá thì phải tăng tính cạnh tranh và tính thị trường.
Tính thị trường ở đây có nhiều yếu tố như khi nào giá cả đầu vào biến động thì được điều chỉnh giá đầu ra. Có biến động mà mình không kiểm soát, bỏ ngỏ 6 tháng 1 năm mới điều hành thì đó không phải là thị trường. Phải thị trường hơn trong cách điều hành.
Tiếp đến là cạnh tranh trong bán lẻ. Rõ ràng để dùng cơ chế thị trường nhiều hơn thì sẽ giảm giá bởi có cạnh tranh thì có xu hướng kiểm soát độc quyền, người tiêu dùng mới có cơ hội được hưởng giá cả cạnh tranh hơn.
Thứ ba ở đây, trong cơ chế hiện nay vẫn phải kiểm soát giá sản phẩm này nên cá nhân tôi thấy khung giá và cách tính giá theo Quyết định 28 chưa thực sự khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm.
Tôi mong lần này trong cơ cấu quản lý giá thì khung giá phải hướng mạnh đến việc thực sự tạo ra áp lực sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, phân khúc theo nhiều tiêu chí gọi là mức độ sử dụng, giờ sử dụng…
Tất cả những cái này phải mang tính chất phân biệt và cạnh tranh hơn để tạo ra áp lực sử dụng tiết kiệm điện. Để đồng bộ cái này, nên có chính sách để thúc đẩy sản xuất kinh doanh sử dụng năng lượng tiết kiệm.
Tôi cho rằng việc sửa đổi luật lần này rất quan trọng để có thể sửa đổi căn cơ hơn.
1 kWh điện không thể cung cấp được. Thiệt hại cực kỳ lớn. Hệ lụy vô cùng nhiều!
Nếu giá điện không tính đúng, tính đủ, ngành điện, doanh nghiệp điện có nguy cơ bị mất cân đối dòng tiền, không có động lực để phát triển thêm nguồn điện, điều này sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu điện trong tương lai, từ đó sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, môi trường đầu tư, đời sống sinh hoạt người dân... Ông Bùi Xuân Hồi có thể phân tích thêm những hệ lụy, hệ quả khi giá điện không được tính đúng, tính đủ đối với ngành điện, nền kinh tế và đời sống xã hội?
Ông Bùi Xuân Hồi: Về mặt truyền thông, năm 2023 rất điển hình cho câu chuyện bắt buộc phải giảm phụ tải hay nói cách khác, bắt buộc phải cắt điện khi nguồn điện không đủ. Vì sao truyền thông lại ồn ào như vậy khi mất điện kéo dài trong 1 tháng? Rõ ràng phải có hệ lụy cực kỳ lớn thì mới ồn ào về mặt truyền thông như thế.
Về từ chuyên môn trong kinh tế năng lượng, chúng tôi gọi là chi phí ngừng cung cấp điện, nó được định nghĩa là một thiệt hại nền kinh tế phải gánh chịu khi mà 1 kWh không thể cung cấp được. Thiệt hại cực kỳ lớn. Hệ lụy vô cùng nhiều.
Tôi thường chia sẻ: Không có iPhone không chết, nhưng không có điện là chết. Điện là đầu vào, là hàng hóa thiết yếu đặc biệt, là đầu vào của các đầu vào.
Nền kinh tế dịch chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp mà không có đầu vào đó thì không vận hành được. Mà nền kinh tế không vận hành thì không có tăng trưởng, không có gì cả. Đấy là về phương diện kinh tế, chúng tôi gọi là chi phí ngừng cung cấp điện.
Với đời sống xã hội thì chúng ta đều biết rồi, hiện nay chỉ số tiếp cận điện năng, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chúng ta làm bằng mọi giá, nên chỉ số tiếp cận điện năng rất tốt. Ngay cả vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo chúng ta cũng cố gắng kéo điện lưới quốc gia về, nâng cao chất lượng cuộc sống với vai trò điện năng là trọng tâm. Cho nên khi mất điện thì cuộc sống bị đảo lộn hết. Đó là hệ lụy mà năm 2023 là kiểm chứng rõ nhất về câu chuyện nếu mất điện xảy ra thì hệ lụy như thế nào.
Quay trở lại, nếu giá điện vẫn tiếp tục được điều hành theo hướng đa mục tiêu như hiện nay, thì đầu tiên là người bán điện lớn nhất cho hộ tiêu dùng cuối cùng là EVN nhưng thực ra phần nguồn EVN giữ có ít, vẫn phải đi mua trên thị trường. Nếu bây giờ nguồn thiếu thì làm sao EVN đảm bảo cung cấp được cho nền kinh tế?
EVN là đơn vị bán lẻ điện lớn nhất hiện nay. Nếu giá điện thấp, đầu tiên EVN lỗ, mà EVN là doanh nghiệp nhà nước, nên lỗ tức là Nhà nước mất vốn. Nếu EVN có lợi nhuận thì Nhà nước có lợi nhuận, có cơ hội để EVN tái đầu tư mở rộng.
Khái niệm tái đầu tư mở rộng là khái niệm của ngành điện, bởi năm nào cũng tăng trưởng chứ không bao giờ dừng quy mô, nhất là những nước đang phát triển như Việt Nam hiện nay. Như vậy, không có lợi nhuận thì không có tái đầu tư mở rộng và chắc chắn ảnh hưởng đến đầu tư nguồn điện và lưới điện.
Nếu tình hình tài chính của EVN như thế, bản thân khả năng EVN tái đầu tư rất khó, cho nên khía cạnh phát triển nguồn điện, lưới điện bị ảnh hưởng, nguy cơ thiếu điện xảy ra.
Thứ hai là khi EVN bị lỗ nhiều quá, EVN mất khả năng thanh toán thì những doanh nghiệp khác tham gia vào bán điện cho EVN chắc chắn bị ảnh hưởng, tạo thành hiệu ứng Domino, dẫn đến câu chuyện thu hút đầu tư ngành điện khó khăn.
Chúng ta thấy Quy hoạch Điện VIII rất đồ sộ, tham vọng, nhưng nếu tiếp tục điều hành giá như hiện nay thì tôi cho rằng triển khai thực hiện Quy hoạch Điện VIII rất xa vời, ít nhất là rất khó.
Phải tính đúng, tính đủ giá điện theo nguyên tắc thị trường và đặc biệt là phải minh bạch
Có ý kiến cho rằng, chúng ta vẫn đang trên lộ trình thực hiện tính đúng, tính đủ giá điện; cách tính giá điện còn nhiều bất cập đã làm hạn chế rất lớn đến hoạt động đầu tư cho ngành diện. Không ai muốn tăng giá điện nhưng nếu phải lựa chọn giữa việc trả giá điện hợp lý để có đủ điện sử dụng với việc trả giá điện rẻ đi kèm với mất điện, thiếu điện thì mọi người sẽ lựa chọn và mong muốn có đủ điện.
Quan điểm của ông Nguyễn Tiến Thỏa về vấn đề này như thế nào? Trong nền kinh tế thị trường, việc tính đúng, tính đủ giá điện và việc cần đẩy nhanh hơn nữa lộ trình thực hiện tính đúng, tính đủ giá điện theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có phải là yêu cầu tất yếu, khách quan hiện nay hay không, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Một trong những điểm nghẽn đầu tiên, kể cả điện chúng ta đang sử dụng từ các nguồn điện than, điện khí, năng lượng tái tạo… là giá.
Giá ở đây được ví như dòng tiền, là mạch máu có đủ tiếp sức cho phát triển hay không, hay đông lại… Rất nhiều mục tiêu chúng ta có thể đạt được từ việc tháo gỡ điểm nghẽn đó.
Trong xã hội, chúng ta đều thấy giá rẻ ai cũng thích nhưng xu hướng chung của người tiêu dùng nghĩ rằng rẻ đến mức ngành sản xuất lỗ, không có hàng để mua thì cũng không thích, hay sợ có hàng nhưng tính giá không hợp lý.
Có 2 điểm là tính giá không hợp lý và thứ hai là thiếu điện. Không hợp lý ở đây là chỉ sợ tính những thứ không phải của sản xuất kinh doanh đưa vào. Hợp lý là đồng tình tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý. Cho nên nguyện vọng hiện nay là giá hợp lý và có đủ điện.
Phải tính đúng, tính đủ theo nguyên tắc thị trường, nhưng đặc biệt phải minh bạch. Điều này Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội cũng yêu cầu. Giá điện phải minh bạch, phải tháo gỡ tất cả các rào cản.
Tất nhiên không phải là thị trường thả nổi, thị trường phải có sự điều tiết của Nhà nước, vẫn phải có khâu Nhà nước độc quyền, tư nhân không thể 100% tham gia.
Chúng ta phải chia sẻ vấn đề này. Ở đây người tiêu dùng quan tâm đầu tiên là đủ điện để dùng. Tôi đồng ý là sửa Luật Điện lực và phải cải cách căn bản về giá.
Sửa Luật Điện lực là cơ hội, phải làm thật kỹ lưỡng!
Từ sự phân tích, đánh giá về thực trạng tình hình, nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, "rào cản", "điểm nghẽn" đối với hoạt động đầu tư vào ngành điện và cùng với những giải pháp đã được đều cập nêu trên, các đại biểu có những đề xuất, kiến nghị gì thật mạnh mẽ, đột phá cả trước mắt và lâu dài trong việc đi tìm lời giải cho bài toán về hút đầu tư vào phát triển bền vững ngành điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia?
Ông Nguyễn Đình Tuấn – Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động: Vấn đề giá, các chuyên gia đã phân tích rồi. Nhưng thực tế vận hành của các nhà máy điện than thì nguyên liệu đầu vào chiếm đến 70-80%, cho nên việc thay đổi nguồn nhiên liệu ảnh hưởng rất lớn đến giá bán.
Hiện tại có những nhà máy lo về nguồn hàng chuyển sang dùng than pha trộn nhập khẩu và sau khi tính giá bán thậm chí phải dừng cả nhà máy do giá cao hơn giá thị trường. Có nghĩa là giá thị trường đang thấp so với nguồn nguyên liệu đầu vào. Đó là cái ảnh hưởng đến chế độ vận hành cũng như hiệu quả kinh tế và tính toán quản trị doanh nghiệp.
Trước những nguy cơ như thế, chúng tôi có một số đề xuất mang tính chất riêng của nhiệt điện than, theo tôi cũng là ý kiến của các nhà làm điện. Đó là việc liên thông điều chỉnh từ giá nhiên liệu đầu vào đến giá điện. Đặc biệt như nhiệt điện than còn liên quan đến giá của các nguyên liệu và chuyển đổi, cần có cơ chế liên thông linh hoạt trong tính toán và điều hành.
Thứ hai là hệ thống lưới. Đây là một bài toán, nếu như đầu tư lâu dài về mặt an toàn hệ thống, an ninh hệ thống cần phải có một hệ thống truyền tải đủ đảm bảo cũng như hệ thống truyền tải thông minh để có thể cân được nguồn từ các vùng, các miền, các thời điểm…
Thứ ba là cơ chế mua bán điện. Lộ trình thì Chính phủ cũng đã có bán điện trực tiếp. Tuy nhiên, để giải quyết được trong bối cảnh cũng như nhu cầu hiện tại, cần rất nhiều cơ chế và sự tham gia của nhiều ngành, đặc biệt là hệ thống hành lang pháp lý để các đơn vị, tổ chức lớn có thể mua trực tiếp từ các nhà máy.
Đặc biệt nữa là việc đầu tư thêm các hệ thống dự trữ năng lượng cho các nhà máy năng lượng tái tạo. Đó là những gì theo chúng tôi sẽ ảnh hưởng lâu dài, bền vững đến hệ thống điện Việt Nam.
Ông Bùi Xuân Hồi: Tôi nghĩ có hai điểm quan trọng nhất với doanh nghiệp của ông Tuấn. Thứ nhất, về mặt giá cả, được giá thì mới chào, nên quan trọng nhất với doanh nghiệp là quảng cáo.
Thứ hai, làm thế nào để tham gia hệ thống ít nhất để giảm bớt chi phí khởi động và bảo đảm ổn định của hệ thống. Như hiện nay, về cơ chế giá, thì chủ thể ảnh hưởng nhiều nhất là EVN, nên vấn đề quan trọng nhất của doanh nghiệp là EVN có tiền để trả cho doanh nghiệp nữa không.
Ông Phan Đức Hiếu: Tôi bổ sung thêm mấy điểm. Tôi rất muốn nhìn nhận câu chuyện điện theo hướng rộng. Chúng ta đã thống nhất với nhau về nguyên tắc xác định giá điện, việc bán điện. Đồng thời và song song với việc này, chúng ta cần làm mấy việc.
Thứ nhất, để giảm giá thành điện, phải nghĩ đến các thể chế, chính sách khác có giúp cho việc sản xuất điện tiết kiệm hơn không, ví dụ, quy trình, thủ tục đầu tư. Theo tôi, phải rà soát luôn, nếu cải cách được cả quy trình đầu tư để phát triển một dự án điện; quy trình, thủ tục về tham gia bán buôn, bán lẻ điện… giảm đi, rõ ràng sẽ tạo cơ hội để giảm giá.
Thứ hai, giá điện có tác động đến đời sống kinh tế, xã hội, vì vậy phải rà soát chính sách hỗ trợ về bán điện cho các đối tượng. Việc này phải thực hiện luôn, nhưng vẫn trên nguyên tắc cơ chế tài chính tách bạch, Nhà nước tách bạch giữa việc hỗ trợ với việc kinh doanh.
Thứ ba, thúc đẩy bán điện cạnh tranh, làm sao để có sự tham gia của nhiều bên hơn. Như vậy, cùng với hệ thống, cần tìm mọi cách để có giá điện tốt nhất với phương hướng tốt nhất, tiết kiệm chi phí nhất.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Tôi cũng nhất trí với ý kiến của các khách mời vừa rồi. Về tổng thể, tôi thấy chúng ta đang sửa Luật Điện lực, có rất nhiều nội dung đã và đang được đề cập trong đó.
Rào cản hiện nay vẫn còn đang xuất hiện nhiều chính là các thủ tục hành chính. Người ta đếm ra ở Luật Điện lực cũ có 17 thủ tục hành chính đối với đầu tư điện. Tất cả những rào cản hành chính như Nghị quyết 55 đã đề cập, kể cả về đầu tư, về giá,... phải xóa bỏ để hướng đến tính thị trường nhiều hơn.
Ông Bùi Xuân Hồi: Tôi có kiến nghị, đề xuất xung quanh những việc sau: Đầu tiên, sửa Luật Điện lực là một cơ hội và phải xác định đúng là cơ hội thật. Lý do không thể năm nay mang ra sửa, năm sau mang ra sửa. Nó là cơ hội và nếu đã là cơ hội thì đề nghị các đơn vị làm luật trước khi trình đến những cấp cao hơn, đến Quốc hội thì phải làm thật kỹ lưỡng.
Tôi nói như thế dưới góc độ một người cũng tham gia một số hội thảo, tôi thấy rằng hiện nay có những dự thảo chưa chất lượng khi chuyển lên các cấp có thẩm quyền cao hơn. Đây là chia sẻ rất thật, vì làm luật rất khác làm các văn bản bình thường. Hãy làm Luật Điện lực một cách chất lượng, tạo ra một dự thảo tốt trình lên Quốc hội. Hãy đưa tất cả những vấn đề thật sự trọng tâm, trọng điểm của ngành vào để làm sao sau này dưới luật là những văn bản pháp quy khác làm cho ngành vận hành tốt.
Thứ hai, chúng ta quyết liệt cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Không thể để một văn bản quan trọng như thế từ năm 2014 đến bây giờ không điều chỉnh. Chúng ta càng để lâu không điều chỉnh thì những lần điều chỉnh sau sẽ vô cùng khó vì tác động rất lớn. Trong dự thảo, chúng tôi dùng từ "vi chỉnh" dần dần. Anh Thỏa dùng từ "bù chéo", tôi dùng từ nhẹ nhàng hơn là phân biệt giá. Tức là phân biệt giá để mỗi lần điều chỉnh là giảm dần, chứ không thể điều chỉnh sốc ngay.
Sửa ngay Quyết định 28 song song với quá trình tu chỉnh Luật Điện lực
Ông Phan Đức Hiếu: Điều chỉnh bây giờ gần như để thử nghiệm, nếu tốt có thể đưa ngay vào Luật Điện lực được không?
Ông Bùi Xuân Hồi: Cái đó trở thành cơ chế điều chỉnh. Ví dụ một năm 1 lần, 2 năm 1 lần phải thực hiện.
Ông Phan Đức Hiếu: Ý tôi là có nên sửa ngay Quyết định 28 trong quá trình sửa đổi Luật Điện lực hay không?
Ông Bùi Xuân Hồi: Quyết định 28 là quá cần. Nếu như sửa tốt thì đó là một thực tiễn kiểm nghiệm để có thể luật hóa. Theo tôi cũng cần phải nghiên cứu đến hướng sớm sửa ngay Quyết định 28 trong thời gian song song với quá trình tu chỉnh Luật Điện lực. Đấy là cơ cấu biểu giá để phản ánh một biểu giá phù hợp. Và điểm quan trọng nhất là cơ chế điều hành giá, tức là khi có cơ cấu biểu giá phù hợp rồi thì điều hành như thế nào.
Các anh chia sẻ rất đúng, làm mọi cách để giảm giá thành đi nhưng khi người ta đã cố gắng giảm giá thành rồi, đã tính đúng rồi thì phải thừa nhận người ta tính đúng giá thành và điều hành theo đúng giá thành.
Những vấn đề về cơ cấu biểu giá và cơ chế điều hành giá nên luật hóa ở mức độ cao hơn, ví dụ như Nghị định của Chính phủ. Xăng dầu chúng ta thậm chí 1 tuần điều chỉnh 1 lần.
Chúng ta không làm được như thế với điện, thì từ quyết định của Thủ tướng trở thành nghị định của Chính phủ để 3 tháng chúng ta điều chỉnh 1 lần, "đến hẹn lại lên" chúng ta điều chỉnh được không? Như thế, tôi cho rằng ngành sẽ dần dần ổn định và đảm bảo được các mục tiêu mà Chính phủ đề ra một cách hợp lý nhất.
-------------------------
Từ sự phân tích của các vị khách mời tại Tọa đàm cho thấy, cách tính giá điện và hoạt động đầu tư vào lĩnh vững điện năng là 2 mặt của 1 vấn đề có quan hệ khăng khít, mật thiết và có tác động qua lại, bổ trợ cho nhau trong quá trình vận hành và phát triển.
Giá điện chưa phù hợp một mặt khiến ngành điện khó có đủ nguồn lực để đầu tư, phát triển; không tạo sức ép để các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng, nâng cao năng lực quản trị.
Ngược lại giá điện được tính đúng, tính đủ sẽ tạo ra nguồn lực lớn cho hoạt động tái đầu tư và mở rộng đầu tư của ngành điện cũng như thúc đẩy sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý.
Chúng ta không có lý do gì để bắt doanh nghiệp chịu lỗ trong sản xuất kinh doanh. Muốn bền vững thì phải công khai, minh bạch, win win – tác là cả hai cùng thắng trong câu chuyện hài hòa lợi ích doanh nghiệp – nhà nước và nhân dân.
Việc tính đúng, tính đủ để có giá bán điện hợp lý là một yêu cầu tất yếu, khách quan phục vụ cho sự phát triển bền vững của ngành điện nói riêng và của nền kinh tế cũng như phục vụ các mục tiêu xã hội nói chung.
Qua tọa đàm, chúng tôi cũng xin được trân trọng cảm ơn những ý kiến phân tích, kiến nghị, khuyến nghị, đề xuất hết sức sâu sát, có tính thực tiễn, hệ thống và tính khả thi cao của các vị khách mời...
Những ý kiến này sẽ là những đóng góp thiết thực đối với Chính phủ, các cơ quan chức năng trong quá trình bổ sung, hoàn thiện, xây dựng, hoạch định chính sách về thu hút đầu tư, xã hội hóa phát triển ngành điện của nước ta trong thời gian tới.