Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Thông tư quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, quy định về mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay hiện đang quy định tại Điều 11 Thông tư 53/2019/TT-BGTVT quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam.
Tại dự thảo, Bộ Giao thông vận tải đề xuất bổ sung quy định mức giá dịch vụ được tính đối với 01 lượt tàu bay thực hiện hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay nhằm làm rõ, áp dụng thống nhất trong quá trình thực hiện quy định.
Cụ thể, quy định về giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay được Bộ Giao thông vận tải đề xuất tại dự thảo như sau:
Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam.
Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hãng hàng không có tàu bay thực hiện chuyến bay hạ cánh tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.
Mức giá dịch vụ được tính đối với 01 lượt tàu bay thực hiện hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.
Dự thảo nêu rõ, đối với các chuyến bay nội địa, mức giá dịch vụ được phân loại theo các khung giờ cao điểm, thấp điểm, bình thường, căn cứ vào giờ hạ cánh của từng chuyến bay theo lịch bay đã được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép.
Cụ thể, mức giá dịch vụ áp dụng trong khung giờ cao điểm: thu bằng 115% mức giá dịch vụ áp dụng trong khung giờ bình thường. Mức giá dịch vụ áp dụng trong khung giờ thấp điểm: thu bằng 85% mức giá dịch vụ áp dụng trong khung giờ bình thường.
Theo dự thảo, mức giá dịch vụ đối với chuyến bay hạ cánh tại các cảng hàng không nhóm A: thu bằng 60% mức giá quy định khung giờ bình thường phù hợp với trọng tải cất cánh tối đa tương ứng đối với chuyến bay hạ cánh tại cảng hàng không nhóm B.
Theo quy định tại Thông tư 53/2019/TT-BGTVT, các cảng hàng không của Việt Nam được chia thành 03 nhóm như sau:
a) Nhóm A là nhóm các cảng hàng không khai thác 24/24 giờ.
b) Nhóm B là nhóm các cảng hàng không, không thuộc nhóm A và nhóm C quy định tại điểm a và điểm c của khoản này.
c) Nhóm C là nhóm các cảng hàng không phục vụ kinh tế, xã hội bao gồm: cảng hàng không Côn Đảo, Điện Biên, Cà Mau, Rạch Giá.
Quy định tính giá trong một số trường hợp đặc biệt
Dự thảo nêu rõ, thu bằng 50% mức giá quy định tương ứng đối với: tàu bay lên thẳng và các phương tiện bay khác không phải là tàu bay, tàu bay tự bay bằng mắt trong quá trình bay; tàu bay hạ cánh tại điểm hạ cánh khác (không phải điểm hạ cánh dự kiến) vì lý do bất khả kháng (thời tiết, kỹ thuật, cấp cứu hành khách, khủng bố, tội phạm); tàu bay thực hiện các chuyến bay hiệu chuẩn thiết bị dẫn đường, hạ cánh vì lý do kỹ thuật, bay chuyển cảng hàng không đến các điểm cất hoặc hạ cánh tại Việt Nam.
Thu bằng 30% mức giá quy định đối với: tàu bay thực hiện chuyến bay đào tạo huấn luyện phi công (không kết hợp khai thác thương mại); tàu bay sau khi cất cánh từ 30 phút trở lên phải quay lại điểm xuất phát không phải do lỗi của người khai thác cảng hàng không, sân bay.
Trường hợp do lỗi của người khai thác cảng hàng không, sân bay, người khai thác cảng hàng không, sân bay thương thảo với các đơn vị để thanh toán một cách hợp lý các chi phí thực tế phát sinh do tàu bay phải quay lại cảng hàng không nơi xuất phát.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.