Theo dự thảo, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số phải có đội ngũ giảng viên, giáo viên đảm bảo số lượng, trình độ như sau:
a) Trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm; đại học, cao đẳng có ngành đào tạo giáo viên được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số phải có ít nhất 04 giảng viên cơ hữu (đối với mỗi thứ tiếng) đạt chuẩn được đào tạo đúng ngành hoặc thuộc khối ngành xã hội - nhân văn và thành thạo các kỹ năng nghe, nói, đọc viết tiếng dân tộc thiểu số.
b) Trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên được giao nhiệm vụ bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số phải có đội ngũ giáo viên tốt nghiệp đại học đúng ngành hoặc thuộc khối ngành xã hội - nhân văn và thành thạo các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng dân tộc thiểu số hoặc tốt nghiệp cao đẳng trở lên và có chứng chỉ đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số.
Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số phải có chương trình chi tiết, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng được xây dựng theo Chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo và được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, ban hành.
Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số phải có phòng học, bàn ghế, thư viện, phòng chức năng, phòng thực hành và các thiết bị khác theo các quy định hiện hành và đáp ứng yêu cầu chương trình đào tạo, bồi dưỡng.
Học viên có điểm trung bình cộng từ 5,0 trở lên thì được cấp chứng chỉ
Theo dự thảo, điều kiện học viên được cấp chứng chỉ là học viên có điểm trung bình cộng từ 5,0 trở lên, không có bài kiểm tra dưới 2,0 điểm thì được đánh giá hoàn thành chương trình và được cấp chứng chỉ.
Các loại chứng chỉ: Chứng chỉ đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số được cấp cho các học viên hoàn thành chương trình đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số; Chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số được cấp cho học viên hoàn thành chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số.
Về thẩm quyền quản lý, cấp chứng chỉ, dự thảo nêu rõ, Sở giáo dục và đào tạo có trách nhiệm quản lý việc cấp phát chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số cho các học viên hoàn thành chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số của trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên thuộc phạm vi quản lý.
Trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm, đại học, cao đẳng có ngành đào tạo giáo viên tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, cấp phát chứng chỉ đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số và chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số cho các học viên của trường đã hoàn thành chương trình đào tạo, bồi dưỡng tương ứng./.