CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Đề xuất áp dụng BIM đối với công trình cấp I và cấp đặc biệt từ năm 2023

16:18 - 15/12/2022

(Chinhphu.vn) - Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt lộ trình áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng, trong đó đề xuất lộ trình áp dụng BIM đối với công trình cấp I và cấp đặc biệt sử dụng vốn đầu tư công từ năm 2023.

Đề xuất áp dụng mô hình thông tin công trình đối với công trình cấp I từ 2023 - Ảnh 1.

Áp dụng BIM cho các công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, lộ trình áp dụng BIM bao gồm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2023, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt của các dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án hoặc dự án chuyển tiếp việc chuẩn bị dự án sang năm 2023.

Giai đoạn 2 từ năm 2025, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp II trở lên của các dự án ĐTXD mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.

Trong đó, đối với các công trình cấp III, cấp IV của các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ được quy định áp dụng trên cơ sở tổng kết, đánh giá việc áp dụng BIM của các công trình cấp đặc biệt, cấp I và cấp II.

Đối với các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn khác, chủ đầu tư cung cấp mô hình BIM khi thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, xin cấp phép xây dựng, nghiệm thu công trình theo lộ trình: Công trình cấp I, cấp đặc biệt từ năm 2024; từ năm 2026, bổ sung công trình cấp II.

Nội dung áp dụng và mức độ chi tiết của mô hình BIM do chủ đầu tư dự án quyết định.

Từ năm 2023, đối với công trình áp dụng BIM, cơ quan quản lý nhà nước sử dụng mô hình BIM để hỗ trợ trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu.

Chủ đầu tư các dự án áp dụng BIM theo lộ trình quy định có trách nhiệm tổ chức cập nhật mô hình BIM để phục vụ quá trình quản lý, vận hành và bảo trì công trình.

Tối ưu hóa thiết kế, kiểm soát chặt hồ sơ thi công

Theo Bộ Xây dựng, việc áp dụng BIM đã góp phần rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng của công tác thiết kế, thi công xây dựng và quản lý dự án đầu tư xây dựng như: Giảm thiểu việc sửa chữa, điều chỉnh thiết kế kéo theo tiết kiệm đáng kể chi phí vật tư, vật liệu, nhân công lao động, xe máy thi công và góp phần giảm chi phí của dự án, mức tiết kiệm chi phí của dự án - chi phí quy đổi đến 12% chi phí xây dựng của dự án; rút ngắn thời gian lập báo cáo nghiên cứu khả thi mức độ giảm khoảng từ 17 - 22% thời gian lập báo cáo nghiên cứu khả thi; rút ngắn thời gian thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở mức độ giảm từ 15 - 35% thời gian thiết kế; Giảm yêu cầu sửa đổi do sự không phù hợp của thiết kế; rút ngắn thời gian thi công xây dựng từ 12 - 15% so với tiến độ được duyệt…/.