Đề nghị mở rộng phạm vi cấp giấy chứng nhận căn cước
Góp ý về quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội bày tỏ nhất trí với việc cần cấp giấy tờ tuỳ thân, xác định căn cước cho những đối tượng trên để phục vụ quản lý xã hội đầy đủ, toàn diện.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị xem xét mở rộng phạm vi cấp giấy chứng nhận căn cước cho tất cả những người không quốc tịch, đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam nhằm có cơ chế quản lý có hiệu quả đối với nhóm đối tượng này.
Qua đó, tạo điều kiện để họ có thể tham gia các giao dịch dân sự, các dịch vụ công, nhất là các dịch vụ thiết yếu, bảo đảm cuộc sống.
Làm rõ thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước
Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Căn cước tại phiên họp, đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị làm rõ thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.
Theo đại biểu, tại khoản 5 Điều 6 của dự thảo luật quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước là: cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi thẻ căn cước.
Như vậy cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an cấp tỉnh hay cấp huyện đều được cấp căn cước.
Tuy nhiên theo Điều 28 của dự thảo quy định thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước là thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước. Do đó cơ quan soạn thảo cần xem xét định nội dung này thống nhất.
Về thông tin của cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm có cả nhóm máu, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu lại vì ảnh hưởng rất lớn đến đời tư cá nhân và gây hậu quả tiêu cực khác nếu thông tin cá nhân này được công khai, và cũng không thống nhất với Luật Cư trú.