CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Đề nghị điều chỉnh quy định số lượng thành viên, quyền hạn Ban giám sát đầu tư của cộng đồng

19:18 - 07/09/2022

(Chinhphu.vn) - Cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (sửa đổi), các đại biểu đề nghị điều chỉnh quy định số lượng thành viên, nhiệm vụ, quyền hạn Ban giám sát đầu tư của cộng đồng để Ban này hoạt động hiệu quả.

Đề nghị điều chỉnh quy định số lượng thành viên, quyền hạn Ban giám sát đầu tư của cộng đồng - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Việc chỉ quy định mức tối thiểu không quy định số lượng thành viên tối đa Ban giám sát đầu tư của cộng đồng có thể dẫn tới thành lập với số lượng nhiều hơn và chưa chắc đã hoạt động hiệu quả.

Đề nghị điều chỉnh quy định số lượng thành viên Ban giám sát đầu tư của cộng đồng

Theo Quochoi.vn, cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá cao Ban soạn thảo đã tiếp thu và cụ thể hóa nhiều nội dung để tường minh phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, trong đó có hoạt động của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

Theo đại biểu, về số lượng thành viên Ban giám sát đầu tư của cộng đồng quy định tại Điều 41 Khoản 1 quy định: Ban giám sát đầu tư của cộng đồng có ít nhất 5 thành viên gồm đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, ban thanh tra Nhân dân xã, phường, thị trấn và đại diện người dân trên địa bàn thôn, tổ dân phố nơi có chương trình, dự án. 

Như vậy là luật không giới hạn thành viên của Ban giám sát cộng đồng tối đa là bao nhiêu. Đại biểu cho rằng, thông thường thì quy định việc thành lập một tổ chức có quy định số lượng tối đa để đảm bảo về tài chính, về kinh phí cũng như hiệu quả hoạt động. 

Việc chỉ quy định mức tối thiểu không quy định số lượng thành viên tối đa có thể dẫn tới thành lập với số lượng nhiều hơn và chưa chắc đã hoạt động hiệu quả. Hơn nữa, hoạt động của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước do cấp xã bảo đảm.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh lại quy định này để đảm bảo tính chặt chẽ khi áp dụng vào thực tế. 

Tại Khoản 1, Điều 41 dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định: Ban giám sát đầu tư của cộng đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ, theo đại biểu quy định như vậy là chưa phù hợp. 

Trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn đã được dự thảo luật quy định tại Điều 43, có thể thấy hoạt động của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn cấp xã rất nhiều và có sự tác động lớn. 

Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh theo hướng giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã có quyết định giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ, sẽ bảo đảm tính chặt chẽ trong hoạt động của Ban giám sát đầu tư, của cộng đồng.

Đề nghị điều chỉnh quy định quyền hạn của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, quy định tại Điều 43, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh một số nội dung. Cụ thể, tại điểm a, khoản 1 như dự thảo là chưa phù hợp với thẩm quyền, có thể dẫn đến chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. 

Vì khi ban hành quyết định chủ trương đầu tư, các Ban của Hội đồng nhân dân phải tiến hành kiểm tra và hoàn thiện các quy trình, thủ tục theo quy định. Bên cạnh đó, việc giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân đã có cử tri, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 43 quy định: yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cung cấp các thông tin về quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, các quy hoạch khác liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai. 

Dự thảo luật cũng quy định: yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trả lời về các vấn đề thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật. 

Theo đại biểu, việc giao quyền cho Ban giám sát đầu tư của cộng đồng như dự thảo là quá lớn, trong khi đây chỉ là một tổ chức phục vụ cho việc theo dõi, giám sát theo từng chương trình, dự án trên địa bàn cấp xã, thôn, tổ. 

Hơn nữa, năng lực chuyên môn không đủ, mà cũng không thể đáp ứng. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh quy định này cho phù hợp với quy mô, tổ chức và trình độ năng lực của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

Đề nghị điều chỉnh quy định số lượng thành viên, quyền hạn Ban giám sát đầu tư của cộng đồng - Ảnh 2.

Đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Đề nghị thu hẹp phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để Ban giám sát đầu tư tại cộng đồng hoạt động hiệu quả.

Giao nhiệm vụ rất lớn cho Ban Giám sát đầu tư tại cộng đồng với cơ cấu rất bé 

Đại biểu Trịnh Xuân An  – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay, dự thảo Luật đang gắn thiết chế của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư tại cộng đồng với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc. 

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng Hội đồng nhân dân là một trong những chế định rất quan trọng của địa phương. Nhưng sự gắn bó, gắn kết của hai chế định này đối hoạt động Hội đồng nhân dân chưa được thể hiện. 

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm các quy định, đặc biệt gắn hoạt động của hai chế định này đối với hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân.

Đối với những nội dung quy định về Ban Giám sát đầu tư tại cộng đồng, đại biểu Trịnh Xuân An nêu rõ, dự thảo Luật đang giao nhiệm vụ rất lớn cho Ban Giám sát đầu tư tại cộng đồng với cơ cấu rất bé và không có khả năng làm việc rất lớn. 

Do đó, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, nên chăng Ban Giám sát đầu tư tại cộng đồng chỉ giám sát đối với những công trình thực hiện bằng nguồn vốn của cộng đồng dân cư hoặc các nguồn tài trợ trực tiếp cho xã, thị trấn. Đồng thời đề nghị thu hẹp phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để Ban giám sát đầu tư tại cộng đồng hoạt động hiệu quả.