Hình thành trục ngang trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long
Mục tiêu là đầu tư dự án nhằm hình thành trục ngang trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long qua thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng.
Kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam.
Dự án cũng tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.
Dự án góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Phạm vi đầu tư khoảng 188,2 km, chia thành 4 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.205 ha, trong đó, đất trồng lúa khoảng 860 ha, đất dân cư (đất ở) khoảng 24 ha, đất trồng cây lâu năm khoảng 127 ha, đất trồng cây hằng năm khoảng 64,93 ha, đất nuôi trồng thủy hải sản khoảng 10,07 ha và đất công cộng khoảng 119 ha.
Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án. Giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 44.691 tỉ đồng.
Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành, các địa phương liên quan xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư dự án hoàn trả vào ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo tỷ lệ vốn góp đầu tư dự án; thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công...
Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm trong việc phân cấp cho các địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án thành phần theo quy định tại khoản 3 Điều 5 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm tiến độ, chất lượng của các dự án thành phần đó; xem xét, quyết định giao cho một cơ quan làm đầu mối chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án.
Các địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc bảo đảm nguồn vốn và tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án. Trường hợp chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn của địa phương tăng hoặc giảm so với chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án, địa phương đó có trách nhiệm cân đối nguồn vốn từ ngân sách địa phương theo tỷ lệ vốn góp chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án. Cơ quan được giao làm cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm bảo đảm tiến độ, chất lượng của dự án thành phần được giao.