Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị phổ biến Luật đấu thầu, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP của Chính phủ và các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Tại hội nghị các đại biểu đã nêu một số câu hỏi liên quan đến một số nội dung như: Cơ sở y tế công lập được tự quyết định việc mua sắm mà không nhất thiết phải tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu năm 2023 trong những trường hợp nào?
Về nội dung này, chuyên gia cho hay, tại Điều 3 của Luật Đấu thầu nêu rõ: Cơ sở y tế công lập được tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở đảm bảo công khai minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình trong các trường hợp sau đây.
1. Mua thuốc không thuộc danh mục thuốc do quỹ BHYT chi trả;
2. Mua vaccine để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ;
3. Lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu sử dụng vốn do tổ chức, cá nhân trong nước tài trợ mà nhà tài trợ yêu cầu không lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật này;
4. Gói thầu của đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng nguồn vốn vay, trừ vốn tín dụng đầu tư của nhà nước, vốn vay lại từ vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài;
5. Lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, dịch vụ phi tư vấn phục vụ trực tiếp cho gói thầu mà đơn vị sự nghiệp công lập đã trúng thầu;
6. Tổ chức lựa chọn nhà thầu ở nước ngoài của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập;
7. Thuê, mua, thuê mua nhà, trụ sở, tài sản gắn liền với đất.
Lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, vật tư tiêu hao và các dịch vụ với thời gian thực hiện hợp đồng dài hơn 01 năm
Về quan tâm liên quan đến nội dung để bảo đảm việc cung cấp thuốc, vật tư tiêu hao và các dịch vụ (bảo vệ, vệ sinh công nghiệp, giặt là…) không bị gián đoạn, đồng thời tiết kiệm thời gian tổ chức đấu thầu, bệnh viện có thể tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng cung cấp với thời gian dài hơn 1 năm (12 tháng) được không? các chuyên gia cho biết: Theo quy định tại các khoản 1, 2 Điều 37 và khoản 3 Điều 39 Luật Đấu thầu năm 2023, bệnh viện có thể tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, vật tư tiêu hao và các dịch vụ (bảo vệ, vệ sinh công nghiệp, giặt là…) với thời gian thực hiện hợp đồng dài hơn 01 năm (ví dụ: bệnh viện có thể tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu cung cấp thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế cho các năm 2025, 2026).
Trong trường hợp này, nguồn vốn có thể được xác định trên cơ sở dự toán mua sắm của năm ngân sách và dự kiến dự toán mua sắm của các năm ngân sách tiếp theo.
Về nội dung gói thầu mua sắm hàng hóa (bao gồm cả mua thuốc, vật tư y tế) có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng có bắt buộc phải áp dụng loại hợp đồng trọn gói như Luật Đấu thầu năm 2013 hay không? Các chuyên gia cho biết Luật Đấu thầu năm 2023 không còn quy định bắt buộc áp dụng hợp đồng trọn gói đối với gói thầu mua sắm hàng hóa (bao gồm cả mua thuốc, vật tư y tế) có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng như Luật Đấu thầu năm 2013.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 64 Luật Đấu thầu năm 2023, hợp đồng trọn gói được áp dụng đối với: Gói thầu mà tại thời điểm lựa chọn nhà thầu, phạm vi công việc, yêu cầu kỹ thuật, thời gian thực hiện gói thầu được xác định rõ, ít có khả năng thay đổi về khối lượng, yêu cầu kỹ thuật, các điều kiện không lường trước được; Gói thầu chưa thể xác định được rõ khối lượng, đơn giá nhưng các bên tham gia hợp đồng xác định được khả năng quản lý rủi ro, quản lý thay đổi phát sinh hoặc xác định được các tính chất, đặc điểm của sản phẩm đầu ra, bao gồm cả hợp đồng EPC và hợp đồng chìa khóa trao tay.
(Sức khỏe và Đời sống)