Hai tháng trước, tôi đưa người thân vào bệnh viện Bạch Mai để thăm khám sức khỏe, tình cờ ghé qua Viện Sức khỏe Tâm thần. Khi đến kiểm tra tâm lý thì tôi chợt giật mình ngỡ ngàng, vì tại đây, đa số là các bạn trẻ khoảng từ 9 - 14 tuổi cùng với phụ huynh ngồi chờ bên ngoài để được tới lượt vào thăm khám. Nhìn vẻ mặt của các bạn lộ rõ sự mệt mỏi, đôi mắt bần thần, lờ đờ không sức sống.
Tôi tự hỏi rằng là, tại sao ngày nay trẻ em lại mắc nhiều vấn đề tâm lý đến như vậy?
Theo báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2021 của UNICEF, trên toàn cầu, cứ 7 thanh thiếu niên trong độ tuổi 10 - 19 tuổi thì có một trường hợp được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tâm thần, những trường hợp nghiêm trọng còn dẫn tới tự tử.
Theo số liệu trong báo cáo sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên tại một số tỉnh và thành phố ở Việt Nam của UNICEF, tỷ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.
Những con số thật đáng suy ngẫm!
Xã hội ngày càng hiện đại, nhịp sống quá nhanh đã gây ra những áp lực nặng nề đến mức gặp phải những tác động đến tâm lý, lâu dần tạo thành những vấn đề lớn về sức khỏe tinh thần. Đáng buồn rằng là ở độ tuổi vị thành niên, các em học sinh lại chính là đối tượng dễ bị tác động hơn cả.
Thực tế rất dễ hiểu, đây là cái tuổi nhiều sự chuyển biến tâm lý rất mạnh, nhạy cảm với những yếu tố tác động bên ngoài như các vấn đề với gia đình, xã hội, bạn bè mà không được sự sẻ chia kịp thời, giúp giải tỏa tích cực, hiệu quả.
Trẻ đang gánh trên vai sức nặng về mục tiêu và kỳ vọng mà có khi không phải của chính bản thân. Chúng đang bế tắc, âm thầm đi cùng những áp lực học tập, kỳ vọng của bố mẹ, sự thay đổi từ các mối quan hệ bạn bè; những thói quen sống không lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi, thiếu kiểm soát.
Và tôi nghĩ đây là câu trả lời thỏa đáng nhất cho câu hỏi "Tại sao ngày nay trẻ em lại mắc nhiều vấn đề tâm lý đến như vậy?".
Các bậc phụ huynh không nên tạo quá nhiều áp lực cho trẻ nhất là trong việc học hành
Nhiều khi ở độ tuổi vị thành niên, khi con trẻ cần bố mẹ đồng hành nhất thì kỳ vọng lại khiến họ đẩy con em mình ra xa.
Mặc dù biết bố mẹ nào cũng có kỳ vọng nhất định đối với con. Kiểu như ngày xưa ông bà chỉ nuôi mình như thế mà mình đã đạt được thành tựu thế này, nữa là giờ đây mình chăm lo cho con từ bé như thế, thì chắc chắn phải khác mình chứ.
Nhưng điều đó không nên, bởi mong muốn của người lớn lúc nào cũng cao trong khi sở thích và năng lực của trẻ hoặc không đủ hoặc đi theo hướng khác. Thậm chí những thành tựu cha mẹ đạt được cũng cao hơn những gia đình bạn bè của con nữa,…
Những điều này vô tình đặt lên vai con trẻ những gánh nặng vô hình, nặng đến mức đẩy con vào những bóng ma tâm lý không lối thoát.
Do vậy, các bậc phụ huynh không nên tạo quá nhiều áp lực cho trẻ nhất là trong việc học hành.
Cần tạo cho con môi trường học tập thoải mái, lành mạnh, sắp xếp lịch học tập hợp lý, khoa học, và theo khả năng của con.
Vận động con trẻ tăng cường các hoạt động thể thao, ăn uống lành mạnh, tránh các thói quen không tốt như thức khuya, chơi game quá lâu, nghiêm cấm sử dụng các chất kích thích.
Gia đình phải là nơi con trẻ có thể tin tưởng và chia sẻ những tâm sự, vấn đề mà chúng gặp phải
Cần phải nhận diện, để trẻ phát triển tốt thì cần có một gia đình hạnh phúc, đầm ấm, kể cả gia đình khuyết thiếu – vấn đề của xã hội hiện đại. Nhưng dứt khoát gia đình phải là nơi con trẻ có thể tin tưởng và chia sẻ những tâm sự, vấn đề mà chúng gặp phải.
Khi phát hiện các biểu hiện bất thường ở con, bố mẹ nên cố gắng khuyến khích các con nói ra, chia sẻ với bố mẹ hoặc động viên đưa trẻ tới các chuyên gia về tâm lý hoặc bệnh viện tâm thần để được các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị hợp lý, kịp thời, tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Để con trẻ có cơ hội phát triển toàn diện thì cần rất nhiều yếu tố. Trước tiên là bản thân trẻ, kế đến là gia đình và xã hội. Nếu chỉ quy nguyên nhân về một yếu tố nào đó thì thực sự vẫn chưa đầy đủ.
Vì thế, bản thân các bạn trẻ cũng cần tích cực hơn để tinh thần cảm thấy nhẹ nhõm và thoải mái hơn. Chia sẻ là một một trong những giải pháp cực kì hiệu quả để tránh giảm bớt các áp lực đè nén. Hãy mở lòng hơn với bố mẹ, đừng cố gắng giải quyết các vấn đề ngoài khả năng.
Thường xuyên trò chuyện cùng bố mẹ, chia sẻ, kể chuyện ở trường lớp, việc học tập nhiều hơn và cả những vấn đề mà bản thân đang gặp phải cũng là một cách giải tỏa và trút ra hết gánh nặng đang mang trong mình.
Biết đâu lúc đó lại chính lúc tìm ra lối thoát cho những cảm xúc tiêu cực đang diễn ra, còn nếu không thì cũng đưa ra những định hướng tốt. Nên nhớ, việc chia sẻ với những người thực sự có trách nhiệm với lời khuyên hoặc có kiến thức đủ để đưa ra lời khuyên hữu ích là rất quan trọng.
Nếu gặp khó khăn trong học tập hãy trao đổi với thầy cô, bạn bè và cha mẹ. Chia sẻ để nhận lại sự cảm thông, động viên hoặc tìm gia sư trợ giúp sẽ giúp các bạn trẻ cảm thấy giải tỏa phần nào áp lực, và có thể tìm ra định hướng để có phương pháp học tập phù hợp hơn.
Chăm học là điều quan trọng, nhưng điều cần thiết các bạn học sinh phải có là một kế hoạch quản lý thời gian cho hợp lý
Chăm học là điều quan trọng, nhưng điều cần thiết các bạn học sinh phải có là một kế hoạch quản lý thời gian cho hợp lý - đó chính là kỹ năng quản lý thời gian rất cần phải rèn luyện, mà sau này khi đi làm, lại càng cần tới, vì còn phải cân đối giữa cuộc sống gia đình và công việc nữa.
Song song với học hành là nghỉ ngơi, thể thao và các hoạt động giải trí lành mạnh. Lúc vận động là lúc cơ thể sẽ sản sinh endorphin làm giảm cảm giác đau mỏi, giúp cơ thể thư giãn và hạnh phúc hơn.
Một yếu tố cũng quyết định đến sức khỏe tinh thần của các bạn nữa là giấc ngủ. Hãy ngủ sớm, ngủ đủ giấc, từ đó năng lượng tự phục hồi và tái tạo lại, khi làm việc sẽ tập trung hơn rất nhiều.
Cùng với đó, tinh thần và trạng thái tâm lý dần ổn định và thay đổi theo chiều hướng tích cực như vui vẻ, tỉnh táo. Tất nhiên, sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi đối diện với áp lực từ học tập. Một điều kéo theo với giấc ngủ đủ và chất lượng tốt là làn da được cải thiện, cũng tạo nên sự tự tin hơn về ngoại hình cho các bạn học sinh.
Thực tế, áp lực là một phần của cuộc sống bởi nó có thể là động lực thúc đẩy mỗi người chăm chỉ hơn để đạt được mục tiêu. Bởi vậy bản thân các bạn trẻ, gia đình cần phải học cách thích nghi, vận động và tạo ra sự cân bằng trước những áp lực vô hình đó. Nhưng hãy nhớ: Kỷ luật bản thân mới đem lại kết quả như mong muốn khi đã xác định được con đường mà mỗi người cần đi, muốn đi.
Tiến sĩ khoa học giáo dục Phạm Hồng Bắc
Chuyên gia giáo dục Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục AES