Chúng ta không nghĩ nó có thể làm được tất cả thay con người
Tại Chương trình tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sâm cho biết, ngày nay, công nghệ dần làm thay chúng ta một số việc; trong đó có việc xử lý dữ liệu, chia sẻ dữ liệu, thông tin, giúp chúng ta tổng hợp và chia sẻ kiến thức.
Theo Thứ trưởng, thế giới chúng ta tồn tại vật chất và phi vật chất. Phi vật chất có mấy loại: từ dữ liệu cho đến thông tin. Từ thông tin cho tới kiến thức. Từ kiến thức cho tới tri thức và lên nữa là trí tuệ.
“Tại sao chúng ta hào hứng với những công nghệ mới?” – Thứ trưởng đặt vấn đề. Công nghệ mới cho phép chúng ta chia sẻ thông tin, kiến thức và có thể sau này cả tri thức.
Sự khác nhau giữa vật chất và phi vật chất là: vật chất càng dùng nhiều thì càng tiêu hao và càng giảm giá trị. Tuy nhiên, dữ liệu, thông tin, kiến thức, tri thức thì càng chia sẻ nhiều càng có giá trị. Bản chất công nghệ thông tin là vậy. “Một thông tin 10 người biết thì giá trị chừng này nhưng người viết giá trị có lẽ không chỉ cấp số nhân mà có thể cấp số mũ” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, nhiệm vụ của ngành Giáo dục không chỉ chia sẻ thông tin, mà còn chia sẻ kiến thức, tri thức. Từ trước đến nay, ngành Giáo dục vẫn thực hiện sứ mạng này, phát triển tri thức, chia sẻ, lan tỏa tri thức. Càng chia sẻ nhiều tri thức thì càng làm giàu cho mọi người dân, cho xã hội. Càng chia sẻ tri thức không bị bào mòn đi, thậm chí càng phát triển.
“Có thể ở đâu đó chúng ta mong chờ trí tuệ nhân tạo làm được đúng như cái tên của nó. Đáng lẽ hiện nay chỉ gọi là kiến thức nhân tạo thôi, chứ còn đến trí tuệ nhân tạo mức cao nhất chắc là còn con đường dài. Chúng ta không nghĩ nó có thể làm được tất cả thay con người” – Thứ trưởng nhìn nhận.
Cần bắt đầu thay đổi nhận thức, cách nhìn nhận những công nghệ này và cách đón nhận nó
Khẳng định, với ngành Giáo dục, chủ thể vẫn là người thầy; Thứ trưởng nhấn mạnh, không phải chỉ người thầy với những bài giảng, mà chúng ta còn có công nghệ. Công nghệ giáo dục nổi lên từ nhiều năm nay. Đây là câu chuyện dạy học trực tuyến và ứng dụng trí tuệ nhân tạo với hai hướng như vậy.
Đồng thời cũng là cơ hội mà chúng ta cần có những chính sách kịp thời. Tất nhiên, tất cả những cái mới còn nhiều sự thay đổi và còn nhiều tiến bộ. Không có chính sách nào bắt kịp tương lai lâu dài. Song trước hết, chúng ta cần bắt đầu thay đổi nhận thức, cách nhìn nhận những công nghệ này và cách đón nhận nó. Chúng ta không quá hào hứng nhưng cũng không quá lo ngại, hay hoảng sợ.
Theo Thứ trưởng, cách tốt nhất để hiểu nó chính là dùng nó. Công nghệ, công cụ này có sẵn và toàn thể hơn 20 triệu học sinh, 1,5 triệu nhà giáo và các nhà quản lý - chúng ta hãy dùng, cảm nhận, trải nghiệm để hiểu hơn. Khi hiểu, chúng ta cùng thảo luận.
Chúng ta nói, cách học tốt nhất là dùng và thảo luận, cũng như học hỏi ChatGPT làm. Thứ trưởng mong rằng, ở các nhà trường, các tổ chức, sau khi dùng, trải nghiệm sẽ tiếp tục thảo luận, làm rõ hơn lợi ích mà ChatGPT mang lại. Đồng thời, cần nhìn nhận tương lai phát triển của ChatGPT, cũng như những công nghệ khác cũng sẽ mang đến cho chúng ta. Từ đó, các cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ GD&ĐT và các cấp ban ngành khác sẽ có những chính sách lâu dài và kịp thời.
Toàn cảnh chương trình tọa đàm. |
Trong các nhà trường, việc hình thành các trung tâm dạy học xuất sắc là cần thiết. Trung tâm thiết kế dạy - học, hỗ trợ dạy - học chứ không chỉ có người thầy đơn độc như trước đến nay… Chúng ta có công nghệ, hãy giúp các nhà giáo giảm bớt những công việc soạn bài giảng, giáo án, lên lớp giảng dạy… Đưa công nghệ vào giáo dục để tăng năng suất, hiệu quả, chất lượng và bình đẳng trong giáo dục. Bộ GDĐT sẽ hướng tới tất cả những hoạt động này.