Cả nước đã có 98 ca tử vong do sốt xuất huyết, cảnh báo sai lầm khiến bệnh trở nặng

05/10/2022 10:27

(Chinhphu.vn) - Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 236.730 trường hợp mắc, 98 ca tử vong do sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 4,6 lần, tử vong tăng 78 trường hợp.

Cả nước đã có 98 ca tử vong do sốt xuất huyết, cảnh báo sai lầm khiến bệnh trở nặng - Ảnh 1.

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tuần qua ghi nhận 11.118 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 2 trường hợp tử vong. So với tuần trước số mắc giảm 7,3%. Trong đó, số nhập viện so với tuần trước giảm 7%.

Như vậy tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 236.730 trường hợp mắc, 98 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 4,6 lần, tử vong tăng 78 trường hợp.

Áp dụng mô hình tháp 3 tầng để điều trị các bệnh nhân sốt xuất huyết

Tại TP HCM, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) tối 4/10 cho biết, từ đầu năm đến nay, Thành phố ghi nhận 62.085 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 7 lần với cùng kỳ năm 2021, số ca sốt xuất huyết nặng là 1.360 ca. 

Tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 25 trường hợp, tăng 20 ca so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện nay có khoảng 75% số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là người lớn. Có những trường hợp đến bệnh viện muộn khiến gia tăng nguy cơ tử vong do không được can thiệp điều trị kịp thời.

Để hạn chế số ca tử vong do sốt xuất huyết xuống mức thấp nhất trong thời gian tới, Sở Y tế TP HCM đã quyết định áp dụng kinh nghiệm trong phòng, chống dịch COVID-19 để ứng phó với dịch sốt xuất huyết. 

Theo đó, Sở Y tế đã có văn bản gửi tới các cở sở y tế trên địa bàn về việc áp dụng mô hình tháp 3 tầng để điều trị các bệnh nhân sốt xuất huyết. Đồng thời, tăng cường nguồn lực, phối hợp triển khai các giải pháp để hạn chế thấp số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Bình Dương: 1.488 ổ dịch được diệt lăng quăng và 966 ổ dịch kết hợp diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi

Tính đến ngày 4/10, toàn tỉnh Bình Dương ghi nhận 12.560 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 99,7% so với cùng kỳ năm 2021; có 19 trường hợp tử vong. Phát hiện 2.458 ổ dịch sốt xuất huyết, tiến hành xử lý 2.454 ổ dịch (đạt tỷ lệ 99,9%), trong đó có 1.488 ổ dịch được diệt lăng quăng và 966 ổ dịch kết hợp diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi.

Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, sáng 4/10, theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Bệnh viện vừa ghi nhận thêm trường hợp bệnh nhân tử vong vì sốt xuất huyết Dengue. Đây là trường hợp thứ 9 tử vong vì sốt xuất huyết trên địa bàn.

Gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền trong phòng, chống sốt xuất huyết 

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 23 - 29/9), trên địa bàn thành phố ghi nhận 807 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 9,3% so với tuần trước đó).

Cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, thành phố ghi nhận 4.720 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), trong đó có 5 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã và 465/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp virus Dengue lưu hành trên địa bàn thành phố là D1 và D2, D4.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký, ban hành Công điện về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn.

Công điện nêu rõ, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn, tuyệt đối không để tình trạng lơ là, chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; phân cấp, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue.

3 sai lầm khiến bệnh nhân sốt xuất huyết trở nặng thậm chí tử vong

Bác sĩ Nguyễn Thị Hiệp, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chỉ ra những sai lầm thường gặp khiến bệnh nhân nhiễm virus Dengue trở nặng thậm chí tử vong.

Sai lầm 1: Chủ quan không đi khám bệnh 

Sốt xuất huyết được chia thành 3 mức độ: nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Mặc dù mức độ nhẹ có thể được chỉ định theo dõi tại nhà nhưng người bệnh vẫn cần đi khám để được chẩn đoán và theo dõi vì bệnh có thể tiến triển từ mức độ nhẹ sang nặng.

Đối với sốt xuất huyết ở mức độ nặng có thể gây ra biến chứng nặng như xuất huyết nội tạng, tổn thương não, tổn thương gan thận, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.

Sai lầm 2: Hết sốt là khỏi bệnh

Sự thực là sau giai đoạn sốt cao lại chính là GIAI ĐOẠN NGUY HIỂM nhất của bệnh. Sau 2-7 ngày, phần lớn người bệnh đã hết sốt và cảm thấy dễ chịu hơn nhưng đây lại là giai đoạn tiểu cầu giảm nặng và thoát huyết tương. Triệu chứng bắt đầu nhận rõ như: xuất huyết dưới da, chảy máu cam,…

Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, sốc dengue, thậm chí tử vong.

Chính vì vậy, đây là giai đoạn cần được bác sĩ theo dõi sát sao và bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế vận động nặng, đi lại nhiều.

Sai lầm 3: Chỉ mắc bệnh 1 lần trong đời

Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 týp, ký hiệu là D1, D2, D3, D4. vì vậy có thể hiểu rằng: một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 týp virus khác nhau.

Cần làm gì khi nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết?

Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Trong 3-4 ngày đầu, nếu có chỉ định theo dõi tại nhà, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ những lời khuyên sau:

- Nằm nghỉ ngơi;

- Ăn thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa; uống nhiều nước, có thể cho bệnh nhân uống dung dịch Oresol, nước trái cây càng tốt;duy trì 1500-2500ml nước / ngày

- Uống thuốc hạ sốt, lưu ý chỉ được hạ sốt bằng paracetamol chứ không được dùng Ibuprofen hoặc Aspirin vì có nguy cơ gây chảy máu đồng thời chườm mát cho người bệnh;

- Theo dõi liên tục, nếu thấy bệnh nhân có diễn biến nghiêm trọng hơn như li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều thì cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế.

- Nếu không có diễn biến bất thường cũng cần đến khám lại theo hẹn của bác sỹ.

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Từ khóa:
Đọc nhiều
Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ 1/11/2024

Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ 1/11/2024

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai được quy định tại Quyết định 3220 /QĐ-BYT ngày 1/11/2024 của Bộ Y tế.

Danh sách GA HÀNH KHÁCH, GA HÀNG HÓA dự kiến ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO đi qua

Danh sách GA HÀNH KHÁCH, GA HÀNG HÓA dự kiến ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO đi qua

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến đi qua 20 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài khoảng 1.541 km bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.

Từ ngày 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Từ ngày 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Chính sách mới

(Chinhphu.vn) - Giấy phép lái xe hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe ô tô số tự động.

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan; bổ sung quy định liên quan đến tiền lương, cấp bậc hàm, nhà ở xã hội,...

Danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024

Danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách ứng viên chức danh GS, PGS năm 2024 (Xét tại Phiên họp lần thứ II của HĐGSNN nhiệm kỳ 2024-2029, ngày 2-3/11/2024).

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi