Bộ VTTTDL đã tích cực thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam
Theo Bộ VHTTDL, việc đánh giá về trình tự, thủ tục của quá trình tiến hành cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê, Hà Nội), cũng như trách nhiệm của các đơn vị cá nhân có liên quan đã được Thanh tra Chính phủ rà soát, kiểm tra và có Kết luận thanh tra số 447/KL-TTCP ngày 30/3/2018, Kết luận thanh tra số 1412/KL-TTCP ngày 23/8/2018 và Kết luận thanh tra số 1589/TB-TTCP ngày 19/9/2018 về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ VHTTDL cho biết, thực hiện kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam cũng như việc nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh từng gắn bó với địa chỉ số 4 Thụy Khuê, Bộ VHTTDL trong thời gian qua đã tích cực triển khai những nội dung đã được nêu trong kết luận cũng như từng chỉ đạo cụ thể của lãnh đạo Chính phủ nhằm giải quyết những vấn đề tồn đọng, vướng mắc kéo dài tại địa chỉ từng là cánh chim đầu đàn của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Ngày 13/9/2021, Bộ VHTTDL đã có Công văn số 3320/BVHTTDL-KHTC báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Ngày 23/8/2022, Bộ VHTTDL tiếp tục có Công văn số 3187/BVHTTDL-TTr gửi Thanh tra Chính phủ báo cáo quá trình thực hiện Kết luận Thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Theo đó, Bộ VHTTDL báo cáo những vấn đề cụ thể, xin ý kiến Thanh tra Chính phủ và đề xuất Thanh tra Chính phủ chủ trì xem xét, rà soát, kiểm tra việc thực hiện thu hồi số cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho Nhà đầu tư chiến lược (Tổng Công ty vận tải thủy) để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kết luận Thanh tra.
Trong thời gian vừa qua, Bộ VHTTDL nhận được nhiều đơn kiến nghị của tập thể cán bộ công nhân viên Hãng phim truyện Việt Nam, căn cứ vào tình hình thực tế tại Hãng phim truyện Việt Nam, Bộ VHTTDL đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ sớm có ý kiến hướng dẫn về việc thu hồi số cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho Nhà đầu tư chiến lược để giải quyết tận gốc những vấn đề vướng mắc tại công ty, sớm ổn định tình hình tại công ty, có cơ sở đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật.
Tại Công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 13/9/2021, Bộ VHTTDL đã nêu chi tiết những nội dung về quá trình triển khai thực hiện kết luận Thanh tra liên quan đến vụ việc kéo dài ở Hãng phim.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTTDL đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính về phương án hoàn trả tiền và nhận lại cổ phần của nhà đầu tư chiến lược; thực hiện đàm phán với nhà đầu tư về hình thức thực hiện cũng như xác định cụ thể số tiền phải hoàn trả cho nhà đầu tư chiến lược.
Từ thời điểm cuối tháng 11/2019, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ VHTTDL đã liên tiếp ban hành các Công văn gửi Tổng Công ty vận tải thủy đề nghị xác định số tiền nhận lại để hoàn trả cổ phần đã mua tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam cho Bộ VHTTDL.
Nhiều cuộc họp liên quan đến những nội dung này đã được Bộ VHTTDL tổ chức với sự tham gia các Bộ, ngành và trực tiếp với Tổng Công ty vận tải thủy.
Nhằm đảm bảo thực hiện đúng Kết luận thanh tra, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL đã có nhiều công văn gửi Thanh tra Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện việc thu hồi cổ phần đã bán và việc hoàn trả tiền cho Tổng công ty vận tải thủy.
Về việc triển khai thực hiện các nội dung khác tại Kết luận Thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo nguyên Hội đồng thành viên, Ban Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam qua các thời kỳ, Ban chỉ đạo cổ phần hóa công ty, Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ thực hiện kiểm điểm những hạn chế, sai sót đã xảy ra trong công tác quản lý Hãng phim truyện Việt Nam, những hạn chế thiếu sót trong việc chỉ đạo công tác cổ phần hóa.
Nhiều khó khăn, vướng mắc trong giải quyết vấn đề tại Hãng phim truyện Việt Nam
Bộ VHTTDL cũng nêu rõ, trong thời gian vừa qua, mặc dù đã tích cực triển khai, giải quyết những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện cổ phần hóa ở Hãng phim theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ nhưng trong quá trình triển khai thực hiện vẫn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể là những khó khăn, vướng mắc liên quan đến nội dung tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Ngành nghề đầu tư của Hãng phim truyện không thuộc đối tượng theo danh mục ngành nghề nhà nước phải đầu tư để mua vốn tại các công ty cổ phần.
Đồng thời, từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần cũng như quá trình hoạt động trước khi cổ phần hóa của công ty không hiệu quả nên căn cứ theo quy định của Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước, hoạt động nhận lại cổ phần tại Hãng phim truyện không thuộc đối tượng nhà nước đầu tư.
Việc thực hiện nhận lại cổ phần tại Hãng phim truyện Việt Nam, Bộ Tài chính đã chấp hành ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đề xuất lấy nguồn từ Quỹ Hỗ trợ sản xuất và Phát triển doanh nghiệp để hoàn trả lại cổ phần cho nhà đầu tư.
Cùng với đó là những tồn tại, vướng mắc về vấn đề đất đai của Hãng phim truyện Việt Nam đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để; khó khăn về xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần; hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam chưa đạt theo kế hoạch sản xuất kinh doanh được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông lần đầu...
Mong muốn giải quyết dứt điểm những tồn đọng tại Hãng phim truyện Việt Nam
Về những bức xúc từ dư luận về thực trạng kéo dài tại Hãng Phim truyện Việt Nam, đặc biệt là những xáo trộn, tâm tư của các nghệ sĩ điện ảnh, lãnh đạo Bộ VHTTDL cho biết, Bộ thường xuyên nắm bắt và giao các cơ quan chức năng giải đáp, trả lời các nghệ sĩ trong phạm vi thẩm quyền của mình.
Tháng 8/2022, Bộ VHTTDL tiếp tục có công văn gửi Thanh tra Chính phủ báo cáo nội dung trả lời phản ánh, kiến nghị của một số cán bộ, công nhân viên Hãng phim truyện Việt Nam liên quan đến việc thực hiện Kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Tuy nhiên, cho đến nay, quá trình thoái vốn cũng như các nội dung liên quan đến thực hiện kết luận Thanh tra tại Hãng phim vẫn chưa hoàn tất, dẫn đến những bức xúc kéo dài trong dư luận, nhất là với các nghệ sĩ điện ảnh.
Kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam cũng như những chỉ đạo cụ thể của lãnh đạo Chính phủ đã nêu rõ nhiều vấn đề tồn đọng, vướng mắc cần giải quyết.
Trong phạm vi quyền hạn của mình, Bộ VHTTDL đã chủ động, nỗ lực, tích cực triển khai các nội dung kết luận này.
Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm những vướng mắc kéo dài thì còn có những vấn đề vượt thẩm quyền, đòi hỏi có sự phối hợp giữa Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành có liên quan, đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ cũng như các nội dung kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Bộ VHTTDL cho biết, trong thời gian tới, Lãnh đạo Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiến độ triển khai việc thực hiện các nội dung tại kết luận Thanh tra cũng như những chỉ đạo cụ thể của Chính phủ, với mong muốn giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng tại địa chỉ số 4 Thụy Khuê./.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo xử lý những tồn tại của Hãng phim truyện Việt Nam
Liên quan đến vụ việc, tối 17/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái triệu tập cuộc họp với các bộ, ngành chức năng liên quan, căn cứ vào các quy định của pháp luật để xem xét, kiểm tra thông tin về việc Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê, Hà Nội) đang bị hoang tàn, đổ nát; tìm các giải pháp phù hợp với tình hình mới, có phương án xử lý tồn tại trước ngày 23/3/2023.
Trước đó, Báo Tuổi trẻ ra ngày 16/3/2023 có bài viết: "70 năm điện ảnh và những tâm sự ngổn ngang" có nêu ý kiến của các nghệ sĩ gạo cội: "Khẩn thiết mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm quan tâm giải quyết dứt điểm những tồn tại của Hãng phim truyện Việt Nam".