Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022, báo chí nêu câu hỏi: Sắp xếp bộ máy bên trong các bộ ngành là chủ trương lớn của Đảng, Thủ tướng cũng nhiều lần yêu cầu quyết liệt thực hiện. Vậy đến nay việc này được thực hiện như thế nào? Dự kiến sau khi sắp xếp thì số vụ, tổng cục sẽ tăng giảm ra sao và việc tinh giản biên chế từ việc sắp xếp này được tính toán như thế nào, nhất là việc sắp xếp đối với cán bộ dôi dư sau khi sắp xếp bộ máy?
Liên quan đến công tác nhân sự, vừa rồi Thủ tướng có giao Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho bà Đào Hồng Lan. Có nhiều ý kiến trái chiều việc quyền Bộ trưởng không phải người trong ngành, không phải nhà chuyên môn. Xin cho biết quan điểm của Bộ Nội vụ như thế nào?
Theo quy trình, việc bầu Bộ trưởng Bộ Y tế do Quốc hội thực hiện tại kỳ họp Quốc hội. Vậy Kỳ họp Quốc hội thứ 4 tới đây, Chính phủ có trình nhân sự để bầu Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà Đào Hồng Lan hay không?
Nhất quán sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long nêu rõ: Về chủ trương sắp xếp bộ máy bên trong của các bộ ngành, quan điểm chung của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ là nhất quán sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và giảm tối đa các tổ chức trung gian.
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành thực hiện việc rà soát, đánh giá hoàn thiện chức năng nhiệm vụ quyền hạn và xây dựng các phương án sắp xếp tổ chức bên trong theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Các bộ ngành đã phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, đảm bảo đúng tiêu chí của Chính phủ. Theo đó, các tổ chức, đặc biệt là các Tổng cục, nếu không đáp ứng tiêu chí theo quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP hoặc Nghị định số 47 hay Nghị định số 120 thì đều đề xuất, báo cáo với Ban Chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ để đảm bảo thực hiện đúng tiêu chí.
Ban Chỉ đạo của Chính phủ về đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ đã cho ý kiến về các Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ của các bộ này. Các bộ đang hoàn thiện lại theo các ý kiến của Ban Chỉ đạo để báo cáo Chính phủ, lấy ý kiến thành viên Chính phủ trước khi ban hành.
Đến nay mới có một đơn vị là Bộ Thông tin và Truyền thông có Nghị định ban hành chức năng nhiệm vụ. Các bộ đang hoàn thiện theo thủ tục, lấy ý kiến thành viên Chính phủ và sẽ ban hành trong thời gian tới.
Sắp xếp tinh gọn bộ máy thì có giảm được biên chế không?
Câu hỏi cũng đặt ra là sắp xếp tinh gọn bộ máy thì có giảm được biên chế không? Theo chủ trương thì chắc chắn sau khi sắp xếp tinh giản bộ máy, sẽ tinh giản được biên chế.
Sau khi sắp xếp tinh gọn các bộ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành để triển khai Kết luận số 40 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế giai đoạn 2020-2026. Trong đó tiếp tục giảm 5% biên chế khối hành chính, thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Về chế độ chính sách đối với cán bộ dôi dư của các đơn vị, trong quá trình chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, thường xuyên chỉ đạo các bộ, ngành khi xây dựng đề án cần coi trọng công tác tuyên truyền, vận động làm tốt công tác chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong quá trình sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của bộ ngành mình. Đồng thời, thực hiện tốt chế độ chính sách đối với các công chức, viên chức dôi dư trong quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy.
Để đảm bảo nguyên tắc sắp xếp đối với cán bộ dôi dư, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã cho chủ trương tại Kết luận số 74 về sắp xếp cán bộ dôi dư hoặc sắp xếp số lượng cấp phó.
Thứ nhất, đề nghị các bộ ngành phải bố trí đủ nguồn lực cần thiết và có cơ chế chính sách phù hợp đối với những người chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp theo chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18.
Thứ hai, quan tâm giải quyết chế độ chính sách phù hợp theo quy định cho các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp trong quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh giản biên chế.
Chế độ chính sách cụ thể vẫn tiếp tục thực hiện theo Nghị định 108 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức.
Thủ tướng Chính phủ sẽ trình Quốc hội phê chuẩn nhân sự Bộ trưởng Bộ Y tế
Liên quan đến nhân sự là Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Trương Hải Long nêu rõ: Theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Bộ trưởng là người đứng đầu của Bộ, lãnh đạo công tác của Bộ, chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công, tổ chức thi hành và theo dõi liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.
Việc lựa chọn nhân sự làm Bộ trưởng phải đảm bảo đúng theo quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ.
Theo quy trình, quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, khi Quốc hội không họp thì Thủ tướng Chính phủ thực hiện giao quyền.
"Tới đây, tại Kỳ họp Quốc hội thứ tư, theo quyết định của cấp có thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ sẽ trình Quốc hội phê chuẩn nhân sự Bộ trưởng Bộ Y tế", Thứ trưởng Trương Hải Long thông tin./.