CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Đề xuất 5 chuẩn mực đạo đức của CBCCVC

08:10 - 20/03/2023

(Chinhphu.vn) - Tại dự thảo Nghị định của Chính phủ ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ, Bộ Nội vụ đã đề xuất 5 chuẩn mực đạo đức đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ Nội vụ đề xuất 5 chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức  - Ảnh 1.

Bảo đảm sự liêm chính, văn minh, chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức

Cổng TTĐT Chính phủ và Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ. Trong dự thảo này, Bộ Nội vụ đã đề xuất 5 chuẩn mực đạo đức đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Mục đích xây dựng và ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ nhằm đảm bảo sự liêm chính, văn minh, chuyên nghiệp, phù hợp với nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức; là cơ sở để cán bộ, công chức, viên chức tu dưỡng, rèn luyện bản thân, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực khác.

Dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 25 điều. Trong đó, quy tắc đạo đức chung là cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của mình theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tiếp công dân, các văn bản pháp luật khác có liên quan và quy định của ngành.

Bộ Quy tắc đạo đức công vụ là căn cứ để đánh giá, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức

Chương I, QUY ĐỊNH CHUNG gồm 3 Điều, quy định về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, mục đích và quy tắc đạo đức chung.

Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh (Điều 1), Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ quy định chuẩn mực đạo đức; chuẩn mực giao tiếp, ứng xử; kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Cán bộ, công chức, viên chức chịu sự điều chỉnh của Bộ Quy tắc này.

Việc ban hành bộ quy tắc nhằm mục đích (Điều 2): Bảo đảm sự liêm chính, văn minh, chuyên nghiệp, phù hợp với nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức. Bảo đảm công khai quy tắc đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức để nhân dân giám sát.

Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ cũng là cơ sở để cán bộ, công chức, viên chức tu dưỡng, rèn luyện bản thân; nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác.

Là cơ sở thực hiện việc giám sát, đánh giá đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức; là căn cứ để cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc đánh giá, xếp loại, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật.

Quy tắc đạo đức chung của cán bộ, công chức, viên chức (Điều 3) phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của mình theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, 4 Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tiếp công dân, các văn bản pháp luật khác có liên quan và quy định của ngành.

CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

Chương II, quy định về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức gồm 5 điều (từ Điều 4 đến Điều 8) với các chuẩn mực: Tính chính trực, liêm chính (Điều 4); Tính khách quan, công bằng, bình đẳng (Điều 5); Sự đúng mực, tính thận trọng (Điều 6); Sự tận tụy và kịp thời (Điều 7); Năng lực và sự chuyên cần (Điều 8).

Tính chính trực, liêm chính

Theo đó về "Tính chính trực, liêm chính", Điều 4, dự thảo quy định: Cán bộ, công chức, viên chức thiết lập sự tin tưởng, độ tin cậy cho tổ chức, công dân trong quá trình làm việc; tuân thủ pháp luật và cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết theo quy định của pháp luật.

Khi thực hiện công việc chuyên môn cán bộ, công chức, viên chức phải trung thực, trách nhiệm, thẳng thắn, không bao che các hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức.

Cán bộ, công chức, viên chức không được lợi dụng vị trí công tác, chức vụ để mưu cầu lợi ích cá nhân; không để các thành viên gia đình, cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý đòi hỏi hoặc nhận tiền, tài sản, những lợi ích khác liên quan đến công việc, nhiệm vụ do cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền giải quyết.

Cán bộ, công chức, viên chức phải công khai thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật; bảo vệ và giữ gìn tài sản của Nhà nước, không sử dụng tài sản của Nhà nước, của Nhân dân trái pháp luật.

Tính khách quan, công bằng, bình đẳng

Về "Tính khách quan, công bằng, bình đẳng", Điều 5 quy định: Cán bộ, công chức, viên chức phải vô tư, khách quan; căn cứ vào quy định pháp luật để giải quyết công việc cho công dân và tổ chức; không thiên vị nhằm bảo đảm sự công bằng, bình đẳng trong quá trình giải quyết công việc.

Cán bộ, công chức, viên chức không thực hiện các hành vi bất bình đẳng, phân biệt đối xử dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ học vấn, nghề nghiệp, địa vị xã hội, thành phần kinh tế của cá nhân, tổ chức dưới mọi hình thức.

Sự đúng mực, tính thận trọng

Về "Sự đúng mực, tính thận trọng", Điều 6 quy định: Khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải hành xử nghiêm túc, đúng mực, lịch thiệp, không được có lời nói, cử chỉ, hành động, trang phục phản cảm.

Cán bộ, công chức, viên chức phải hành động thận trọng, phù hợp với quy định chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và quy định pháp luật.

Cán bộ, công chức, viên chức không thu thập, sử dụng, phát tán thông tin của tổ chức, cá nhân trái quy định của pháp luật; không được tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật nhà nước dưới mọi hình thức.

Sự tận tụy và kịp thời

Về "Sự tận tụy và kịp thời", Điều 7 quy định: Cán bộ, công chức, viên chức phải tận tụy với công việc, cống hiến hết mình trong thực hiện nhiệm vụ nhằm giải quyết nhanh nhất công việc được giao; không được tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công.

Cán bộ, công chức, viên chức không được trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao hoặc tự ý kéo dài thời gian giải quyết công việc mà không có lý do chính đáng.

Năng lực và sự chuyên cần

Điều 8 quy định về "Năng lực và sự chuyên cần": Cán bộ, công chức, viên chức phải thường xuyên học tập, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc, bản lĩnh nghề nghiệp và khả năng làm việc chuyên nghiệp.

Cán bộ, công chức, viên chức phải thường xuyên cập nhật, nắm bắt đầy đủ, kịp thời các quy định pháp luật liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ; các vấn đề quan trọng của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế.

Cán bộ, công chức, viên chức phải chuyên tâm, cần cù, chịu khó, tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Mời bạn đọc xem toàn văn và góp ý dự thảo TẠI ĐÂY.