CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Bộ Công Thương giảm 5 đơn vị đầu mối, 74 phòng

10:49 - 09/08/2022

(Chinhphu.vn) - Trong giai đoạn 2016-2021, số đơn vị đầu mối thuộc Bộ Công Thương đã giảm từ 35 đơn vị trong nhiệm kỳ Chính phủ 2011-2015 xuống còn 30 đơn vị trong nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021; số lượng phòng giảm từ 197 xuống còn 123 (giảm 74 phòng).

Bộ Công Thương giảm 5 đơn vị đầu mối, 74 phòng - Ảnh 1.

Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 làm việc với Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương tham mưu ban hành, sửa đổi, bổ sung 6 luật, pháp lệnh; ban hành 384 văn bản về định mức, tiêu chuẩn

Chiều 08/8, Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 làm việc với Bộ Công Thương. Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát điều hành nội dung buổi làm việc.

Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 tại Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trình bày cho biết, công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 được Bộ Công Thương triển khai căn cứ vào Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Nghị định của Chính phủ và các văn bản pháp luật liên quan.

Đối với công tác tham mưu, ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giai đoạn 2016-2020, Bộ Công Thương đã tham mưu ban hành, sửa đổi, bổ sung 6 luật, pháp lệnh; ban hành 384 văn bản về định mức, tiêu chuẩn, chế độ mới; sửa đổi, bổ sung 193 văn bản về định mức, tiêu chuẩn trong lĩnh vực công thương; ban hành mới 30 văn bản về quy chuẩn kỹ thuật… 

Các quyết định, văn bản chỉ đạo điều hành trong lĩnh vực công thương đã góp phần sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng và nhân lực, góp phần tích cực bổ sung nguồn lực thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển của ngành.

Giai đoạn 2016-2021, Bộ đã chủ trì xây dựng và ký ban hành 31 quy chuẩn kỹ thuật, chuyển Bộ Khoa học công nghệ công bố 21 tiêu chuẩn quốc gia cho các sản phẩm hàng hóa thuộc lĩnh vực phân công quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Bộ cũng tiến hành tham mưu cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các tiêu chuẩn, định mức, chế độ đối với lĩnh vực dầu khí, điện, than.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng báo cáo với Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kệm chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng năng lượng, như năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các năng lượng khác đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, không thất thoát, lãng phí từ khâu lập, phê duyệt quy hoạch đến quản lý điều hành.

Bộ Công Thương giảm 5 đơn vị đầu mối, 74 phòng - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Giảm 5 đơn vị đầu mối, 74 phòng

Về sắp xếp, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập, giai đoạn 2016-2021, số đơn vị đầu mối thuộc Bộ giảm từ 35 đơn vị trong nhiệm kỳ Chính phủ 2011-2015 xuống còn 30 đơn vị trong nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021; số lượng phòng giảm từ 197 xuống còn 123 (giảm 74 phòng). 

Bộ cũng tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy Tổng cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương. Trong cơ cấu tổ chức Bộ Công Thương hiện nay có duy nhất một đơn vị cấp tổng cục là Tổng cục Quản lý thị trường…

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng nêu lý do tăng biên chế công chức hành chính giai đoạn 2016-2021 là do Bộ đã tiếp nhận bàn giao lực lượng quản lý thị trường các địa phương về trực thuộc bộ. 

Trước và sau thời điểm tiếp nhân lực lượng quản lý thị trường từ các địa phương về Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương luôn đảm bảo thực hiện cắt giảm biên chế theo lộ trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về tình hình quản lý, giám sát việc huy động, sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng cũng báo cáo với Đoàn giám sát về tình hình xử lý 12 dự án tồn tại, yếu kém thuộc ngành công thương…

Về những tồn tại, hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, nhân sự thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí kiêm nhiệm, trong khi công tác tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai trên tất cả các mặt hoạt động. Vì vậy, khó khăn trong việc xây dựng, tổng hợp đánh giá hiệu quả.

Chỉ tiêu về tiết kiệm theo quy định rất nhiều, một số chỉ tiêu khó lượng hóa và không đồng nhất với chế độ báo cáo và công tác quản trị của đơn vị vì vậy khó khăn trogn việc xây dựng, tổng hợp đánh giá hiệu quả.

Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chủ yếu tập trung vào các đơn vị đã tổ chức triển khai, ban hành các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chưa đi sâu đến các vấn đề liên quan đến nghiệp vụ, vì vậy việc đánh giá, phát hiện vi phạm còn hạn chế…

Ban hành và thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Bộ Công Thương chậm rất nhiều so với thời gian quy định

Báo cáo kết quả làm việc bước đầu giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” tại Bộ Công Thương của Tổ công tác (Đoàn giám sát) do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà trình bày khẳng định: Nội dung, thông tin, số liệu trong Báo cáo của Bộ Công Thương chưa đầy đủ, chưa đánh giá, làm rõ được các vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trách nhiệm tổ chức, cá nhân…

Về việc ban hành và thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, 2021-2025 và các năm trong giai đoạn 2016-2021 đều ban hành chậm rất nhiều so với thời gian quy định. Nội dung báo cáo không nêu và đánh giá cụ thể kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bộ Công Thương chưa thống kê số lượng các văn bản quy phạm pháp luật đã tham mưu thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chưa tổng hợp, thống kê các văn bản quy phạm pháp luật được giao chuẩn bị, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền đến thời điểm hiện nay đã quá hạn nhưng chưa hoàn thành.

Báo cáo của Tổ công tác cũng nhấn mạnh, qua xem xét, nội dung thông tin báo cáo của Bộ cho thấy còn một số văn bản ban hành khá chậm so với yêu cầu, còn mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định pháp luật khác.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, Bộ Công Thương chưa tổng hợp, đánh giá chung kết quả thực hiện lập, thẩm định, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước, bao gồm kế hoạch đầu tư công hàng năm trong giai đoạn 2016-2021. Chưa so sánh giữa kết quả thực hiện và kế hoạch đặt ra, đặc biệt là kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lập, thẩm định, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước.

Tổ công tác của Đoàn giám sát đề nghị Bộ Công Thương bổ sung đầy đủ thông tin, số liệu việc quản lý, sử dụng vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia được giao quản lý, cũng như các vấn đề liên quan đến việc sử dụng tiết kiệm, chống lãng phí khi sử dụng nguồn vốn này.

Bộ Công Thương giảm 5 đơn vị đầu mối, 74 phòng - Ảnh 3.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà trình bày Báo cáo kết quả làm việc bước đầu giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” tại Bộ Công Thương.

Các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực dầu khí, than, đều chậm tiến độ, một số dự án thua lỗ nặng

Đối với việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế, Tổ công tác cho biết, báo cáo của Bộ Công Thương chủ yếu đánh giá kết quả đạt được, các tồn tại, vướng mắc chủ yếu là cơ chế chính sách, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan; chưa làm rõ được số tiết kiệm khi thực hiện nguồn kinh phí này; số thất thoát, lãng phí là bao nhiêu.

Tổ công tác của Đoàn giám sát cũng nhận định, các thông tin về việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện quyết toán các chương trình dự án trọng điểm ngành dầu khí, điện than còn sơ sài, chưa nêu rõ việc lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý, khai thác từng dự án đầu tư trọng điểm của lĩnh vực dầu khí, điện, than… 

Qua thông tin, số liệu các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực dầu khí, than, đều chậm tiến độ, một số dự án thua lỗ nặng… Đây là những thất thoát lãng phí rất lớn nguồn lực nhà nước và tiếp tục thua lỗ, thất thoát, lãng phí nếu không đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào vận hành theo kế hoach.

Về việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Tổ công tác đề nghị Bộ Công Thương làm rõ lý do, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong chậm trễ sắp xếp xe ô tô dôi dư. 

Bên cạnh đó, báo cáo của Bộ Công Thương về số liệu về quản lý, sử dụng trụ sở làm việc không đúng trọng tâm, đề nghị Bộ nêu rõ tồn tại, hạn chế này….

Bộ Công Thương giảm 5 đơn vị đầu mối, 74 phòng - Ảnh 4.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai phát biểu tại buổi giám sát.

Bất cập trong công tác quy hoạch, làm thất thoát lãng phí nguồn lực xã hội

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công thương và đối chiếu với việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của ngành cho thấy còn nhiều vấn đề cần tiếp tục xem xét, nghiên cứu. 

Mặc dù giai đoạn 2016-2021 đã qua nhưng những tồn tại để lại hậu quả rất lớn trong công tác quản lý của ngành công thương. Đó là quy hoạch ngành điện gắn với sử dụng tiết kiệm hiệu quả còn chậm và chưa đạt yêu cầu đề ra. Điển hình như việc phát triển điện gió thời gian qua đã gây lãng phí lớn về nguồn lực cho xã hội, nhất là doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho biết: “Tại nghị trường Quốc hội, ít nhất 3 lần Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ trước trả lời chất vấn về quản lý và phát triển điện gió nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được gây bức xúc trong dư luận”.

Bộ Công Thương giảm 5 đơn vị đầu mối, 74 phòng - Ảnh 5.

Đại biểu Hoàng Văn Cường.

Cùng quan điểm này, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội khẳng định, chúng ta đang khuyến khích sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, phát triển điện gió nhưng nhiều nhà máy lắp đặt xong lại không vận hành được. Điều này cho thấy khâu quy hoạch đang có vấn đề. Một số thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị làm rõ nguyên nhân sâu xa của tình trạng lãng phí năng lượng thời gian qua, có phải do yếu kém về cơ chế và công tác quản lý?

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng nêu thực trạng lãng phí tại các dự án thủy điện; thất thoát, lãng phí trong đầu tư ngoài ngành, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí; chưa đánh giá, hạch toán kỹ lưỡng việc khai thác các tài nguyên mới, tránh thất thoát thu ngân sách nhà nước.

Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, Bộ Công Thương cho rằng, khi chuyển công tác quản lý thị trường về Bộ Công Thương quản lý hy vọng sẽ giải quyết được sự bình đẳng trong môi trường kinh doanh, đặc biệt giải quyết được tình trạng hàng nhái, hàng giả. Tuy nhiên thời gian qua, tình trạng hàng nhái, hàng giả đã gây thiệt hại rất lớn, lãng phí về tiền bạc, thiệt hại cho các cơ sở sản xuất chân chính vẫn chưa được giải quyết.

Đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng hy vọng việc lực lượng quản lý thị trường chuyển về Bộ Công Thương quản lý, công tác quản lý thị trường có bước chuyển mới, phát huy hiệu quả, phát triển lành mạnh của tất cả các loại thị trường. 

“Thời gian qua, công tác quản lý thị trường mới chỉ tập trung quản lý hàng hóa dịch vụ truyền thống, trong khi xu thế hiện nay phát triển thương mại điện tử nhanh, nhưng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này chưa theo kịp. Trên mạng mua gì cũng có, hàng thật, hàng giả không  biết đâu mà lần nhưng hiện vẫn chưa rõ đầu mối đứng ra giải quyết vấn đề này”, đại biểu Trần Văn Lâm nêu quan điểm.

Bộ Công Thương giảm 5 đơn vị đầu mối, 74 phòng - Ảnh 6.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Công tác kiểm tra, giám sát của Bộ Công Thương còn rất hạn chế, chưa được coi trọng

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, theo báo cáo giai đoạn 2016-2018, Bộ Công Thương tiến hành kiểm tra công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại 3 doanh nghiệp có vốn nhà nước, 2 đơn vị sự nghiệp, 62 cuộc kiểm tra việc thực hiện các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Qua đó, phát hiện 6 vụ vi phạm, với số tiền kiến nghị thu hồi và bồi thường 8 triệu đồng. 

Theo đại biểu, số tiền đề nghị thu hồi và bồi thường này trái ngược với các kết quả thanh tra, kiểm tra, điều tra của các cơ quan chức năng khác đã phát hiện, xử lý sai phạm về tiền, tài sản nhà nước với giá trị rất lớn, nhiều vụ việc đã xử lý hình sự. Điều này cho thấy công tác kiểm tra, giám sát của Bộ rất hạn chế, chưa được coi trọng. Đại biểu cho rằng, với một bộ quản lý đa ngành như Bộ Công Thương, việc xử lý sai phạm, đề nghị thu hồi 8 triệu đồng là chưa phù hợp.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giải trình một số vấn đề đại biểu nêu liên quan đến thất thoát lãng phí tại các dự án thua lỗ; việc đầu tư dầu khí ở nước ngoài; quy hoạch và phát triển ngành điện, việc phát triển điện gió, điện mặt trời; việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu…

Về công tác quản lý thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, về công tác quản lý thị trường đối với loại hình thương mại truyền thống cũng gặp không ít khó khăn, bởi hoạt động kinh doanh diễn ra khắp các địa bàn, lĩnh vực nhưng cán bộ quản lý thị trường thiếu. Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị các cấp ủy chính quyền địa phương song trùng quản lý, áp dụng công nghệ để giám sát hoạt động của cán bộ quản lý thị trường.

Đối với công tác quản lý thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận vấn đề này không chỉ khó quản lý ở Việt Nam mà cả các nước trên thế giới. Năm 2022, dự báo tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử ở Việt Nam khoảng 25-27% so với năm 2021, với doanh số khoảng 27 tỷ USD. 

Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng phần mền quản lý, theo đó, người kinh doanh phải tự đăng ký, tự kê khai thuế; đồng thời tiến hành thu thuế thông qua các sàn thương mại điện tử.

Bộ Công Thương giảm 5 đơn vị đầu mối, 74 phòng - Ảnh 7.

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, đã có 6 ý kiến, 27 vấn đề được các thành viên Đoàn giám sát nêu. Các ý kiến đều có cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để Đoàn giám sát làm việc với Chính phủ và xây dựng báo cáo chung của Đoàn.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là chuyên đề quan trọng, được Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, cử tri quan tâm. Bộ Công Thương là cơ quan tham mưu cho Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, theo Nghị định 98/2017/NĐ-CP, với 36 nhiệm vụ, trong đó có nhiều ngành trọng yếu như điện, than, dầu khí, năng lượng mới, công nghiệp thực phẩm, công nghệ cao, xuất nhập khẩu, thương mại điện tử… 

Đây là lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế nên việc thực hiện tốt chính, sách pháp luật về thực hành tiết kiêm, chống lãng phí có ý nghĩa quan trọng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chung của cả nước và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực của đất nước.

Các nội dung, số liệu, thông tin, báo cáo của Bộ Công Thương có ý nghĩa trong xây dựng báo cáo chung của Đoàn giám sát. Phát biểu của Bộ trưởng tại buổi giám sát cũng thẳng thắng nêu những vấn đề thuộc cơ chế chính sách, quá trình điều hành, tổ chức thực hiện cả về mặt  làm được và tồn tại, hạn chế.

Qua buổi giám sát này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan trực thuộc tiếp thu tối đa ý kiến thành viên Đoàn giám sát, hoàn thiện báo cáo, cập nhật thông tin, cố gắng chuẩn hóa số liệu và lượng hóa kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí. 

Trong đó, tập trung đánh giá rõ hơn ưu điểm của bộ; làm rõ khuyết điểm, tồn tại, hạn chế; đặc biệt làm rõ nguyên nhân khách quan chủ quan, nhất là nguyên nhân chủ quan, chỉ rõ trách nhiệm các cấp và đề xuất giải pháp thực hiện những nội dung trọng tâm trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí để có quyết sách trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong nhận định đánh giá, tránh trùng lặp, mâu thuẫn, Bộ trưởng chịu trách nhiệm về tính chính xác của các số liệu. Trong công tác tham mưu ban hành văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền quản lý, Bộ cần xác định lộ trình bổ sung văn bản thuộc thẩm quyền quản lý. Qua thống kê, giai đoạn 2016-2021, Bộ Công Thương ban hành 384 văn bản mới nhưng sửa đổi 193 văn bản (chiếm trên 50%) - đây cũng là lãng phí.

Đối với việc đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí và pháp luật liên quan, trong đó có pháp luật trong lĩnh vực công thương, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Công Thương có danh mục cụ thể, sửa điều gì, khoản mấy, theo hướng nào… để làm cơ sở Đoàn giám sát tổng hợp trong báo cáo chung. 

Bộ Công Thương cũng cần tiếp thu tối đa ý kiến thành viên Đoàn giám sát, những vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý, tham mưu Chính phủ sửa đổi; vấn đề vượt thẩm quyền đề nghị có lên danh mục đề xuất báo cáo với Đoàn giám sát…