100% quân số ứng trực phòng chống bão số 3
Theo chỉ đạo của Giám đốc Công an TP Hà Nội, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế tổ chức ứng trực, đến thời điểm này, Công an TP Hà Nội đã bố trí lực lượng thường trực, ứng trực 100 % quân số cùng phương tiện triển khai các biện pháp đảm bảo ANTT trên địa bàn và ứng phó cơn bão số 3 theo phương châm “4 tại chỗ” gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ; tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, không để các đối tượng lợi dụng sự cố, thiên tai để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Công an TP Hà Nội đã chủ động phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng triển khai phương án đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong các tình huống mưa, bão, lũ, nhất là tại các tuyến giao thông chính, trọng điểm, tập trung đông phương tiện lưu thông, các tuyến đường, tuyến phố bị ngập úng, nước chảy xiết.
Tại các khu dân cư, khu vực có nguy cơ mất an toàn, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, các địa bàn, khu vực xung yếu, ven sông, hồ, địa bàn trũng, thấp, nguy cơ sạt lở cao, các lực lượng đã triển khai lực lượng, kịp thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp như di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, ổn định an sinh xã hội cho người dân, gia cố chân đê, kè xung yếu…
Các đơn vị đã tổ chức cấm đường trong trường hợp cần thiết, thông báo cảnh báo đến các tàu thuyền và đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên sông nước.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai; kịp thời tổ chức CNCH và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa, bão, lũ gây ra.
Đồng thời, rà soát trang thiết bị có thể huy động phục vụ công tác phòng, chống bão lũ hiện có, sẵn sàng sản xuất, cấp khi có yêu cầu.
Tổ chức sửa chữa ngay các phương tiện, trang thiết bị hỏng hóc, không thể sử dụng, không để tình trạng khi bão lũ xảy ra không có trang thiết bị để sử dụng. Sẵn sàng đội ngũ y, bác sĩ, phương tiện, vật tư, cơ số thuốc, y tế phục vụ công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão, lũ và công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tại các trụ sở các đơn vị…
Khuyến cáo các phương tiện không nên đi vào những tuyến phố có nhiều cây xanh lớn
Bám sát nhiệm vụ theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, UBND TP Hà Nội, Công an TP về việc chủ động ứng phó với sự cố thiên tai trên địa bàn TP, nắm bắt tình hình di chuyển của cơn bão số 3 (Yagi), Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH đã chủ động phối hợp với Công an các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân để đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng trong suốt thời gian bão đổ bộ trên địa bàn Thủ đô.
Đồng thời, tổ chức rà soát các địa điểm, khu vực có nguy cơ sụp đổ, gây ra các tai nạn đáng tiếc để đảm bảo an toàn cho người dân trong quá trình tham gia giao thông.
Theo thống kê, chỉ tính riêng từ chiều 6/9 đến 16h00’ ngày 7/9, Trung tâm chỉ huy Công an TP đã tiếp nhận hơn 70 tin báo CNCH cây đổ do ảnh hưởng của bão Yagi gây ra trên địa bàn thành phố, qua đó đã điều động hơn 140 lượt xe CNCH, phương tiện phá dỡ với hơn 1500 CBCS tham gia triển khai công tác cứu nạn, cứu hộ.
Dự báo mưa bão còn đang tiếp tục tiến vào đất liền và có diễn biến hết sức phức tạp, mưa bão, gió giật thường đi kèm hiện tượng sét đánh, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH khuyến cáo các phương tiện không nên đi vào những tuyến phố có nhiều cây xanh lớn.
Người dân tuyệt đối không trú mưa dưới gốc cây, tránh các khu vực cao hơn xung quanh. Cần đặc biệt chú ý khi phải đi qua các khu vực có công trường đang thi công, nơi có nhiều tấm tôn, sắt lớn.
Khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH chuyên nghiệp theo số điện thoại 114 hoặc sử dụng ứng dụng “Báo cháy 114” trên thiết bị di động thông minh để được kịp thời hỗ trợ.
Cảnh sát giao thông chủ động phân luồng, dọn cây đổ giúp người dân tham gia giao thông
Chủ động phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, từ chiều 6/9, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) – Công an TP Hà Nội đã chủ động tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, nắm tình hình địa bàn, khắc phục các sự cố do mưa bão, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) giúp người dân di chuyển thuận lợi.
Do ảnh hưởng của bão số 3, từ chiều 6/9, trên địa bàn TP đã xảy ra mưa lớn kèm gió giật mạnh, nhiều cây xanh trên các tuyến giao thông gãy đổ, gây ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông của người dân.
Ngay trong chiều 6/9, Đội CSGT đường bộ số 5 đã khẩn trương có mặt, phối hợp cùng các lực lượng chức năng hướng dẫn phân luồng, thu dọn cây đổ do mưa bão tại 235 Nguyễn Văn Cừ.
Trung tá Đỗ Trọng Tuân, Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 5 cho biết: Để chủ động phòng chống bão số 3, đơn vị đã bố trí lực lượng hướng dẫn, chỉ huy điều khiển giao thông tại các nút giao thông, các tuyến đường có nguy cơ bị ngập úng để tập trung lực lượng, phương tiện, hỗ trợ phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân luôn thông suốt, an toàn, trợ giúp người dân trong mọi tình huống.
Trung tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 6 cho biết: Thực hiện phương án bảo đảm TTATGT ứng phó cơn bão số 3, đơn vị huy động lực lượng, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ" chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, trang thiết bị, áo mưa, ủng, cưa máy, đèn pin, dây thừng, barie, loa pin, biển cảnh báo, xe cầu kéo để CNCH, huy động vào các tình huống đột xuất.
Thiết lập ngay đường dây nóng, kích hoạt hệ thống thông tin liên lạc đến các đơn vị liên quan, nhất là lực lượng CNCH, cơ quan y tế, bệnh viện đóng quân trên địa bàn. Bảo đảm quân số trực chiến, ứng trực để sẵn sàng huy động nhanh chóng nhất khi cần thiết.
Sáng 7/9, tại một số khu vực trên đường Trường Chinh – Tôn Thất Tùng, cây xanh bị đổ, gãy chắn ngang đường. Đội CSGT đường bộ số 3 đã huy động lực lượng TTKS trên tuyến đến hiện trường, phối hợp cùng các lực lượng thu gọn cành cây tạo lối đi thông thoáng, đảm bảo an toàn.
Người dân không nên ra đường nếu không thực sự cần thiết
Phòng CSGT Công an TP Hà Nội khuyến cáo, cơn bão số 3 có diễn biến bất thường, được cảnh báo cực kỳ nguy hiểm.
Từ nay đến hết 8/9, người dân nếu không thực sự có công việc cần thiết nên ở trong nhà, hạn chế hoặc không nên ra đường.
Trong quá trình bắt buộc phải di chuyển trên đường, nên sử dụng phương tiện giao thông công cộng, gặp gió to, mưa lớn nên tìm nơi trú. Không dừng phương tiện trú mưa dưới gốc cây cổ thụ, cột đèn…
Gặp trường hợp khó khăn khi di chuyển sẽ có CSGT và các lực lượng ứng trực hỗ trợ.