Bảo hiểm vi mô - "Điểm tựa" an sinh cho người thu nhập thấp

29/12/2022 13:08

(Chinhphu.vn) - Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô. Loại hình bảo hiểm này được coi như “điểm tựa” an sinh cho người nghèo, người thu nhập thấp, người dân ở vùng khó khăn.

Bảo hiểm vi mô - "Điểm tựa" an sinh cho người thu nhập thấp - Ảnh 1.

Bảo hiểm vi mô - "Điểm tựa" an sinh cho người thu nhập thấp

Mức phí bảo hiểm thấp, phù hợp với người nghèo, người thu nhập thấp

Bảo hiểm vi mô (Microinsurance) là hình thức bảo hiểm dành cho người có thu nhập thấp đang được mở rộng tại các quốc gia nghèo và đang phát triển, trong đó, người thu nhập thấp đóng phí cho tổ chức cung cấp bảo hiểm để nhận được khoản hỗ trợ tài chính khi xảy ra rủi ro. Với đặc trưng là phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, đơn giản về các thủ tục tham gia cũng như yêu cầu chi trả quyền lợi, bảo hiểm vi mô đang cung cấp các sản phẩm bảo hiểm nhằm bảo vệ những người nghèo có thu nhập thấp trong xã hội trước những rủi ro về thương tật, tử vong và tài sản.

Theo Báo cáo triển vọng việc làm và xã hội châu Á – Thái Bình Dương năm 2020 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), có khoảng 22 đến 25 triệu người trong khu vực có thể rơi vào tình trạng nghèo đói do tác động của đại dịch COVID-19. Đây là các chủ thể yếu thế trong xã hội, nhạy cảm trước những rủi ro rất cần được bảo hiểm nhưng lại không có điều kiện tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm thương mại thông thường.

Bên cạnh đó, tại các quốc gia đang phát triển, tỷ lệ dân cư thu nhập thấp chiếm tỷ trọng cao, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, trong trường hợp này, bảo hiểm vi mô sẽ là cứu cánh hữu hiệu cho công tác an sinh, góp phần xoá đói, giảm nghèo và ổn định xã hội.

Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, tại các nước khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm vi mô chiếm bình quân hơn 10% dân số và đang có xu hướng tăng lên. Mô hình bảo hiểm vi mô đã được triển khai thí điểm hơn 10 năm nay tại Việt Nam, nhưng số lượng tham gia loại hình bảo hiểm này còn rất hạn chế mặc dù tiềm năng phát triển là rất lớn với hơn 6,4% dân số là hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng như nhiều chủ thể yếu thế khác trong xã hội.

Để nâng cao tỷ lệ người tham gia loại hình bảo hiểm này, Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô, trong đó đề xuất cụ thể số tiền bảo hiểm và số phí bảo hiểm tối đa của sản phẩm này. Theo Bộ Tài chính, Nghị định được xây dựng để thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15.

Cùng với đó là để khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô, tạo điều kiện tham gia bảo hiểm cho người dân có thu nhập thấp, ít có điều kiện tiếp xúc với sản phẩm bảo hiểm thương mại thông thường của các doanh nghiệp bảo hiểm, góp phần thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

“Rủi ro luôn hiện diện và gây tổn thất về kinh tế, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống, sản xuất kinh doanh. Người nghèo, người thu nhập thấp là các đối tượng yếu thế, chịu tác động mạnh mẽ trước những rủi ro, tuy nhiên, khả năng tiếp cận sản phẩm bảo hiểm thương mại của họ bị hạn chế do mức phí thường cao hơn khả năng tài chính của họ. Bảo hiểm vi mô có số tiền bảo hiểm nhỏ, mức phí bảo hiểm thấp, quyền lợi cơ bản phù hợp với nhu cầu bảo hiểm, khả năng tài chính của người nghèo, người thu nhập thấp. Khi tham gia các sản phẩm bảo hiểm này, người nghèo, người thu nhập thấp được tiếp cận các giải pháp tài chính đối phó với rủi ro, thiệt hại trong đời sống và sản xuất, từ đó có được sự khích lệ, động viên và ổn định cuộc sống”, Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Tạo điều kiện cho người thu nhập thấp tham gia bảo hiểm 

Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 đã bổ sung những quy định riêng về bảo hiểm vi mô và giao Chính phủ quy định chi tiết một số điều tại Luật về bảo hiểm vi mô nhằm tạo cơ sở pháp lý khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô, tạo điều kiện tham gia bảo hiểm cho người dân có thu nhập thấp, ít có điều kiện tiếp xúc với các sản phẩm bảo hiểm thương mại của doanh nghiệp bảo hiểm.

Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian qua, việc triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô của Hội Liên hiệp Phụ nữ đã đạt được những kết quả nhất định, đáp ứng nhu cầu của những hộ gia đình nghèo, thu nhập thấp, được các thành viên của Hội đón nhận tích cực. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có cơ sở pháp lý bền vững để Hội tiếp tục mở rộng triển khai hoạt động này.

Bên cạnh đó, một số tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, hợp tác xã cũng mong muốn được triển khai cung cấp bảo hiểm cho thành viên của tổ chức mình theo hình thức bảo hiểm tương hỗ nhưng chưa có quy định hướng dẫn cụ thể.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô để tạo cơ sở pháp lý khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm và các tổ chức khác tham gia cung cấp bảo hiểm vi mô, tạo điều kiện thúc đẩy loại hình này phát triển, góp phần thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và nhà nước.

Theo dự thảo Nghị định, số tiền bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm vi mô bảo vệ các rủi ro về tính mạng và sức khỏe không vượt quá 5 lần thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị theo quy định của Chính phủ tại thời điểm triển khai sản phẩm.

Số tiền bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm vi mô bảo vệ các rủi ro về tài sản là số tiền thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, trong mọi trường hợp không được vượt quá giá trị thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm tham gia bảo hiểm và quy định nêu trên.

Phí bảo hiểm hàng năm của các sản phẩm bảo hiểm vi mô không vượt quá 5% thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn cận nghèo ở khu vực thành thị theo quy định của Chính phủ tại thời điểm triển khai sản phẩm. Phí bảo hiểm được thiết kế tương ứng với từng quyền lợi bảo hiểm.

Mới đây, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt vừa triển khai chương trình bảo hiểm vi mô An bình yên vui – An sinh hạnh phúc với phạm vi bảo hiểm rộng bao gồm bảo hiểm cho các rủi ro ốm bệnh, ung thư, tai nạn, hỗ trợ giáo dục và thu nhập chỉ với từ 44 nghìn đồng phí/ năm.

Thùy Linh

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ 1/11/2024

Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ 1/11/2024

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai được quy định tại Quyết định 3220 /QĐ-BYT ngày 1/11/2024 của Bộ Y tế.

Danh sách GA HÀNH KHÁCH, GA HÀNG HÓA dự kiến ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO đi qua

Danh sách GA HÀNH KHÁCH, GA HÀNG HÓA dự kiến ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO đi qua

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến đi qua 20 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài khoảng 1.541 km bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.

Từ ngày 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Từ ngày 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Chính sách mới

(Chinhphu.vn) - Giấy phép lái xe hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe ô tô số tự động.

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan; bổ sung quy định liên quan đến tiền lương, cấp bậc hàm, nhà ở xã hội,...

Danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024

Danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách ứng viên chức danh GS, PGS năm 2024 (Xét tại Phiên họp lần thứ II của HĐGSNN nhiệm kỳ 2024-2029, ngày 2-3/11/2024).

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi