
Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội.
Cụ thể, ba điểm thay đổi quan trọng về xã hội hóa, gồm:
Thứ nhất, Luật Điện lực (sửa đổi) mở ra nhiều cơ hội hơn cho khu vực doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các hoạt động điện lực.
Thứ hai, Luật đã thu hẹp phạm vi độc quyền Nhà nước trong một số lĩnh vực, qua đó tạo thêm không gian cho các thành phần kinh tế khác.
Thứ ba, nguyên tắc hình thành thị trường điện cạnh tranh được thể hiện rõ hơn thông qua việc tiếp tục tách bạch các khâu trong hoạt động điện lực.
Cũng theo ông Hiếu, nguyên tắc hình thành thị trường điện cạnh tranh tiếp tục được nhấn mạnh trong Luật sửa đổi, thông qua việc tách bạch rõ ràng giữa các khâu sản xuất, truyền tải và phân phối điện.
Trong từng khâu này, Luật khuyến khích sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, qua đó mở ra nhiều cơ hội mới cho khu vực tư nhân tham gia cung ứng điện năng.
Đáng chú ý, một số đại biểu Quốc hội thậm chí đề xuất nên đổi tên luật từ "Luật Điện lực" thành "Luật Năng lượng", bởi lần sửa đổi này đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, bao gồm cả các loại hình năng lượng mới và tái tạo. Những khái niệm như điện từ năng lượng tái tạo, năng lượng mới, thậm chí là điện hạt nhân, đều đã được đề cập.
Trong Luật còn có nhắc đến những loại hình năng lượng khác mà hiện tại chúng ta có thể còn chưa hình dung hết, nhưng đều được đặt trong tầm nhìn dài hạn để đón đầu xu thế.
Ông Hiếu cho rằng, việc mở rộng phạm vi và cách tiếp cận như vậy chính là nhằm tạo ra khung pháp lý đủ rộng và linh hoạt để thu hút các bên tham gia, từ đó thúc đẩy phát triển ngành năng lượng theo hướng hiện đại, đa dạng và bền vững. Bên cạnh đó là những thay đổi liên quan trực tiếp đến thể chế — yếu tố có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến hiệu quả triển khai các chính sách trong thực tế.
Hệ thống hóa, cụ thể hóa các quy định, góp phần tạo nên sự ổn định, minh bạch cho thị trường điện trong dài hạn
Lần sửa đổi luật lần này có rất nhiều điểm mới. Ban soạn thảo cũng như các đại biểu Quốc hội đều mong muốn cải cách thủ tục hành chính theo hướng thực sự thuận lợi, giảm phiền hà và rút ngắn thời gian thực hiện.
Có thể thấy rõ điều này qua việc bổ sung hàng loạt quy định mới liên quan đến quy trình, thủ tục đầu tư cho các dự án điện — đặc biệt trong bối cảnh cần triển khai cấp bách một số công trình điện khẩn cấp, với quy trình đầu tư đặc biệt.
Bên cạnh đó, Luật cũng mở ra những hình thức đầu tư mới như đối tác công-tư (PPP)… từ đó mở rộng cơ hội cho các thành phần kinh tế tham gia vào thị trường điện lực. Có thể nói, xét về thể chế, Luật lần này không chỉ cải cách thủ tục mà còn tạo hành lang pháp lý để thu hút đầu tư rộng rãi hơn.
"Tuy nhiên, có một điểm rất quan trọng dù không nổi bật nhưng lại mang tính nền tảng: Đó là sự minh bạch trong các quy định. Để thu hút đầu tư vào ngành điện, chỉ cải cách thủ tục là chưa đủ. Nếu nhà đầu tư không có một khung pháp lý rõ ràng, không nắm được kế hoạch sản xuất – kinh doanh, chi phí đầu vào, đầu ra và tổng mức đầu tư thì họ sẽ không thể yên tâm tham gia.
Chính vì vậy, tôi cho rằng một điểm rất đáng ghi nhận trong luật sửa đổi lần này là việc hệ thống hóa và cụ thể hóa các quy định, góp phần tạo nên sự ổn định và minh bạch cho thị trường điện trong dài hạn", ông Hiếu cho biết.
Nhiều thay đổi quan trọng liên quan đến cơ chế xác lập giá điện
Ông Hiếu lấy ví dụ về vấn đề giá bán điện và hợp đồng mua bán điện. Lần sửa đổi này, Luật Điện lực đã có nhiều thay đổi quan trọng liên quan đến cơ chế xác lập giá điện. Chúng ta đang cố gắng tận dụng tối đa những quy định mới này để phù hợp với thực tiễn của Việt Nam — một thị trường có đặc thù riêng.
Theo ông Hiếu, yếu tố quan trọng nhất là đảm bảo tính minh bạch và ổn định trong cơ chế giá điện. Đó cũng là hai tiêu chí mà ông Hiếu luôn nhấn mạnh trong các chính sách về năng lượng. Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng trong việc thu hút xã hội hóa đầu tư vào ngành điện, ngoài yếu tố minh bạch và ổn định, còn cần đảm bảo một yếu tố nữa: Tính hợp lý của chi phí.
"Tại sao tôi lại nhấn mạnh điều này? Vì điện là đầu vào thiết yếu của hoạt động sản xuất – kinh doanh. Nếu chúng ta xây dựng một thị trường điện quá hấp dẫn, lợi nhuận quá cao, biến điện thành một kênh đầu tư thu hút vốn đơn thuần, thì rất có thể sẽ đẩy chi phí sản xuất lên cao, tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Do đó, xây dựng luật lần này là một bài toán khó: Phải tạo ra một thị trường điện đủ sức hấp dẫn để thu hút đầu tư, nhưng đồng thời vẫn phải giữ ở mức hợp lý, bảo đảm cung ứng điện ổn định, sạch, phục vụ cho phát triển sản xuất và đời sống, mà không gây áp lực quá lớn lên chi phí đầu vào", ông Hiếu chia sẻ.