In bài viết

TPHCM phát hiện biến thể phụ đáng lo ngại của Omicron

10:12 - 24/04/2023

(Chinhphu.vn) - Điều đáng lo ngại là ngoài một biến thể phụ mới thuộc nhóm biến thể đáng quan tâm (XBB.1.5) đã xuất hiện tại 95 quốc gia, TPHCM còn ghi nhận thêm biến thể phụ XXB.1.16. Đây là biến thể đã xuất hiện tại hơn 20 quốc gia và đang góp phần vào làn sóng ca mắc tăng cao ở Ấn Độ. WHO cũng đã xếp biến thể XBB.1.16 vào nhóm biến thể cần được theo dõi.

TPHCM phát hiện một loạt biến thể mới của Omicron - Ảnh 1.

Ngày 23/4, dẫn thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, báo Sức khỏe và Đời sống cho biết: Từ các mẫu bệnh phẩm giám sát dịch tễ trong cộng đồng của HCDC và Viện Pasteur TP.HCM thực hiện ngày 21/4 đã phát hiện 7 biến thể phụ mới của Omicronbao gồm: XBB.1.5, XBB.1.9.1, XBB.1.16 và XBB.1.16.1.

Theo đó, từ ngày 8/4 đến 14/4/2023, 11 trong 13 mẫu giám sát dịch tễ do HCDC thực hiện có kết quả là biến thể phụ mới của Omicron, ngoài biến thể phụ mới đã được phát hiện tại Thành phố gần đây (XBB.1.5), còn có 07 mẫu thuộc các biến thể phụ mới khác bao gồm XBB.1.9.1, XBB.1.16, XBB.1.16.1.

Những biến thể phụ mới phát hiện tại Thành phố cũng là những biến thể phụ đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới và được WHO xếp vào nhóm các biến thể đáng quan tâm (VOI) hoặc biến thể cần được theo dõi (VUMs).

TPHCM phát hiện một loạt biến thể mới của Omicron - Ảnh 2.

Phát hiện các biến thể mới của Omicron tại TP.HCM (Ảnh: SYT)

Điều đáng lo ngại là ngoài một biến thể phụ mới thuộc nhóm biến thể đáng quan tâm (XBB.1.5) đã xuất hiện tại 95 quốc gia, Thành phố còn ghi nhận thêm biến thể phụ XXB.1.16. 

Đây là biến thể đã xuất hiện tại hơn 20 quốc gia và đang góp phần vào làn sóng ca mắc tăng cao ở Ấn Độ. WHO cũng đã xếp biến thể XBB.1.16 vào nhóm biến thể cần được theo dõi.

Việc phát hiện đồng loạt nhiều biến thể phụ mới của Omicron đang thịnh hành trên thế giới có thể giải thích hiện tượng gia tăng đột ngột số ca mắc mới COVID-19 trong mấy ngày qua tại thành phố và ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Hiện nay, chưa có báo cáo từ các nước trên thế giới cho thấy mối liên quan giữa các biến thể đáng quan tâm (VOI) hoặc biến thể cần được theo dõi (VUMs) với tình trạng mắc COVID-19 nặng hơn trên toàn cầu.

Tuy nhiên, tình hình thực tế cho thấy số ca mắc mới tăng nên sẽ dẫn đến số ca nhập viện tăng là khó tránh. 

Đáng chú y, hầu hết những ca nhập viện đều là người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó có những người chưa tiêm đủ vaccine phòng COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.

Vậy nên, Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo mọi người dân cần tích cực đồng hành cùng chính quyền các cấp tham gia Chiến dịch bảo vệ người nguy cơ vừa được Thành phố phát động.

TPHCM phát hiện một loạt biến thể mới của Omicron - Ảnh 3.

Ngày 23/4 có 1.717 ca COVID-19 mới

Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 23/4 của Bộ Y tế cho biết có 1.717 ca mắc mới, giảm hơn 600 ca so với hôm qua. Hiện có 61 bệnh nhân thở oxy, giảm so với ngày trước đó. 

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.544.777 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.669 ca nhiễm).

Tình hình điều trị COVID-19

1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:

- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 367 ca

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.617.092 ca

2. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 61 ca, trong đó:

- Thở ô xy qua mặt nạ: 53 ca

- Thở ô xy dòng cao HFNC: 2 ca

- Thở máy không xâm lấn: 0 ca

- Thở máy xâm lấn: 6 ca

- ECMO: 0 ca

3. Số bệnh nhân tử vong:

- Trong ngày ghi nhận 0 ca tử vong.

- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 0 ca.

- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.187 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

- Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

TPHCM phát hiện một loạt biến thể mới của Omicron - Ảnh 4.

Tình hình tiêm vaccine COVID-19

Trong ngày 22/4 có 1.008 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 266.144.129 liều, trong đó:

+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.530.390 liều: Mũi 1 là 70.907.789 liều; Mũi 2 là 68.450.876 liều; Mũi bổ sung là 14.343.891 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 52.074.346 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.753.488 liều.

+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.964.983 liều: Mũi 1 là 9.130.472 liều; Mũi 2 là 9.021.223 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.813.288 liều.

+ Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.648.756 liều: Mũi 1 là 10.209.366 liều; Mũi 2 là 8.439.390 liều.

Ca mắc mới COVID-19 tăng, có 1 F0 tử vong

Theo thống kê, trong 7 ngày qua (từ 16/4- 22/4), cả nước ghi nhận hơn 12.500 ca mắc COVID-19 mới, trung bình khoảng 1.800 ca mắc mới/ngày.

Đây là tuần có số ca mắc cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến thời điểm này ở nước ta, có 4 ngày liên tiếp số ca mắc mức hơn 2.000ca/ ngày. Trong khi các tuần trước đó, số mắc COVID-19 mỗi ngày thấp hơn.

Số ca mắc mới gia tăng nên số bệnh nhân nặng thở oxy cũng tăng, trong tuần qua, số F0 thở oxy có ngày đã lên đến hơn 100 ca, trong số này có cả bệnh nhân thở máy. Tính đến ngày 22/4, hiện có 123 bệnh nhân thở oxy, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 90 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 8 ca; Thở máy không xâm lấn: 1 ca; Thở máy xâm lấn: 24 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.543.059 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.651 ca nhiễm).

Đến nay, tổng số người mắc COVID-19 đã được điều trị khỏi ở nước ta là 10.616.725 ca.

Sau gần 4 tháng không có bệnh nhân tử vong, hôm qua- 22/4, nước ta ghi nhận ca tử vong do COVID-19 ở Hà Nội.

Đến nay, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.187 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong bệnh viện

Trước diễn biến gia tăng ca mắc COVID-19, trong tuần qua Lãnh đạo Bộ Y tế đã họp nghe báo cáo về tình hình dịch và có những chỉ đạo với các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ trong công tác phòng chống dịch.

Cùng đó, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các bệnh viện đề nghị theo dõi, đánh giá lâm sàng các ca COVID-19 nặng, gửi xét nghiệm giải trình tự gen; Đồng thời triển khai Nghị quyết số 30/NQ-CP và Nghị định số 07/2023/NĐ-CP để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế cho công tác điều trị nói chung và điều trị COVID-19.

Bộ Y tế cũng yêu cầu tại các cơ sở điều trị tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, đặc biệt tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi,…), khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật….

Đồng thời tăng cường công tác vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh bệnh phòng, bố trí sắp xếp khoa phòng thuận tiện, phù hợp tình hình dịch và bảo đảm môi trường xanh, sạch đẹp.

Tiêm vaccine COVID-19 tăng lên

Theo thông tin của Bộ Y tế trong ngày 21/4 có 14.642 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Qua theo dõi thống kê hàng ngày từ Bộ Y tế thông tin cho thấy số lượng các mũi tiêm vaccine COVID-19 thời gian gần đây gia tăng. Trong tuần qua nhiều ngày số mũi tiêm tăng liên tục.

Thực hiện khuyến cáo của Bộ Y tế về viêc các địa phương đẩy nhanh tiêm chủng, tăng cường bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ cao (người cao tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai…) - đây là những trường hợp dễ có nguy cơ chuyển biến nặng và có nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19, do đó, nhiều địa phương đã nỗ lực đẩy nhanh tiên độ tiêm.

Đến nay tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm ở nước ta là 266.142.934 liều.

Trước tình trạng số ca mắc COVID-19 gia tăng, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiêm chủng cho các đối tượng nguy cơ cao, đồng thời khuyến cáo người dân thực hiện 2K là khẩu trang và khử khuẩn để phòng, chống dịch COVID-19.