In bài viết

TIÊU CHÍ, NGUYÊN TẮC SẮP XẾP CẤP TỈNH, CẤP XÃ

09:00 - 31/03/2025

(Chinhphu.vn) - Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính nêu 6 tiêu chí sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã

Bộ Nội vụ vừa hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính gửi Bộ Tư pháp thẩm định, TTXVN đưa tin.

Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh theo định hướng phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để giảm số lượng, tăng quy mô đơn vị hành chính, mở rộng không gian phát triển, phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của các địa phương.

6 tiêu chí sắp xếp đơn vị hành chính

Theo dự thảo Nghị quyết này, tiêu chí sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã bám sát 6 tiêu chí đã được Bộ Chính trị xem xét, thống nhất, gồm:

- Diện tích tự nhiên;

- Quy mô dân số;

- Tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, dân tộc;

- Tiêu chí về địa kinh tế (trong đó đã bao gồm tiêu chí về vị trí địa lý, quy mô và trình độ phát triển kinh tế);

- Tiêu chí về địa chính trị; 

- Tiêu chí về quốc phòng, an ninh.

Trong đó, tiêu chí diện tích tự nhiên và quy mô dân số được xác định theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15).

Đồng thời, dự thảo Nghị quyết cũng quy định các đơn vị hành chính có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề; có vị trí đặc biệt quan trọng nếu thực hiện sắp xếp sẽ ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh và việc bảo vệ chủ quyền quốc gia thì không bắt buộc sắp xếp.

Tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, thực hiện sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số dưới 100% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc: Đơn vị hành chính cấp tỉnh có yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc tương đồng, bảo đảm khối đoàn kết gắn bó của cộng đồng dân cư; giữ gìn và phát huy văn hóa, lịch sử, dân tộc của mỗi địa phương.

Tiêu chí về địa kinh tế: Đơn vị hành chính cấp tỉnh có vị trí địa lý liền kề, điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bố và tổ chức các không gian kinh tế, quy mô và trình độ phát triển kinh tế phù hợp nhằm bảo đảm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của mọi địa phương, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đơn vị hành chính sau sắp xếp.

Tiêu chí về địa chính trị: Cân nhắc kỹ các yếu tố về trình độ, năng lực quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương, mức độ chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ thông tin của chính quyền địa phương và người dân.

Tiêu chí về quốc phòng, an ninh: Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, đặc biệt xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc tại các địa bàn trọng yếu, khu vực đảo, quần đảo và vùng biên giới.

Tiêu chí xác định đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp gồm, đơn vị hành chính cấp xã có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, liên kết tiểu vùng, vùng tỉnh, quy mô, trình độ phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội, hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính

Nguyên tắc sắp xếp các đơn vị hành chính là phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện công tác này; tuân thủ Hiến pháp, thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Chú trọng và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ, thống nhất cao về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính.

Dự thảo cũng nêu nguyên tắc gắn việc sắp xếp đơn vị hành chính với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển của các địa phương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Thực hiện sắp xếp nguyên trạng các đơn vị hành chính cùng cấp để hình thành đơn vị hành chính mới.

Trường hợp sáp nhập tỉnh với tỉnh thì đơn vị hành chính mới sau sắp xếp là tỉnh; trường hợp sáp nhập tỉnh với thành phố trực thuộc trung ương thì đơn vị mới sau sắp xếp là thành phố trực thuộc trung ương.

Trường hợp sắp xếp phường với các đơn vị hành chính cùng cấp thì đơn vị hành chính mới sau sắp xếp là phường; trường hợp sắp xếp xã, thị trấn thì đơn vị hành chính mới sau sắp xếp là xã.

Trường hợp thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã làm thay đổi địa giới đơn vị hành chính cấp huyện thì không phải xem xét điều kiện, tiêu chuẩn và không phải thực hiện quy trình, thủ tục điều chỉnh địa giới của đơn vị hành chính cấp huyện mà đơn vị hành chính cấp xã đó trực thuộc.